Sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo (AI) trong mọi lĩnh vực của đời sống đã làm dấy lên nhiều câu hỏi lo ngại: AI có cướp việc của chúng ta? AI sẽ chiếm quyền định đoạt thế giới này? Chúng ta, một ngày nào đó, sẽ phụ thuộc vào AI đến mức trở thành nô lệ của chúng?...
Có thể ai đó sẽ cho là quá sớm để đặt ra những câu hỏi này, nhưng thực ra chúng ta đã phải đối diện với nhiều vấn đề ngay trước mắt. Điển hình, với những công nghệ đã sớm hoàn thiện như nhận diện khuôn mặt và giám sát bằng AI, sẽ có vấn đề gì nếu chúng được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng? Hoặc trong tương lai, xe tự hành do AI “chỉ đạo” sẽ lăn bánh trên đường chẳng may gây ra tai nạn thì AI chịu trách nhiệm hay là chủ nhân của chiếc xe?
Vậy có cách nào để chúng ta lường trước hoặc có thể cầm cương được các thuật toán ngày càng xâm nhập vào nhiều mặt trong đời sống con người? Khi ngày càng nhúng nhiều công cụ AI vào sản phẩm và quy trình sản xuất của mình, các tổ chức và công ty có trách nhiệm gì hay thuần túy chỉ coi AI là một sản phẩm thương mại?...
Vô vàn những câu hỏi như thế thuộc về chủ đề lớn hơn, đạo đức của AI, một chủ đề đang được thảo luận sôi nổi trên thế giới.
Trong tọa đàm “Rủi ro đạo đức với trí tuệ nhân tạo” do tạp chí Tia Sáng tổ chức, các chuyên gia về AI sẽ giải thích những động thái mà các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên thế giới đang thực hiện để điều chỉnh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI Regulation), qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Các chuyên gia AI cũng sẽ đề cập đến những thách thức mà các doanh nghiệp cần xem xét khi sử dụng và tích hợp AI, cũng như các bộ quy tắc đạo đức (Codes of Ethics) mà mỗi nhóm phát triển AI nên xem xét khi đi giữa các lằn ranh, giữa tốt và xấu, giữa tích cực và tiêu cực…
Tọa đàm “Rủi ro đạo đức với trí tuệ nhân tạo” sẽ bắt đầu lúc 14h30 ngày 28.7, tại 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội, với sự tham gia của ba diễn giả: Phạm Thanh Long (Đại học Tổng hợp Cork), Mai Tấn Tài (Đại học Thành phố Dublin) và Lê Công Thành (Công ty InfoRe).