Tọa đàm “Phát triển bền vững tài nguyên nước – vai trò của các tổ chức xã hội”

ĐBND
Ảnh: Duy Thông
26/07/2019 15:16

Với tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, khoảng 3.370 m3/người/năm từ nguồn nước nội sinh, Việt Nam được xem là quốc gia thiếu nước. 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả.

Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước cùng với tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tài nguyên nước ngày càng rõ rệt. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế khiến nhu cầu nước của các ngành kinh tế - xã hội tăng lên trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến; sức ép về dân số và chất lượng cuộc sống tiếp tục gia tăng sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh. Đây là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.

Tìm các giải pháp quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng tài nguyên nước là vấn đề lớn, cần được quan tâm, xem xét từ nhiều góc cạnh. Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với sự hỗ trợ của Tổ chức Bánh mỳ thế giới tổ chức Tọa đàm “Phát triển bền vng tài nguyên nước – vai trò của các tổ chức xã hội”.

Tọa đàm mong muốn nhận được các ý kiến chia sẻ của các ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về những thách thức về nguồn lực đầu tư, quản lý bền vững và hiệu quả các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt Luật tài nguyên nước. Từ đó, nâng cao việc chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Khách mời gồm:

- Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội;

- Ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục thủy lợi;

- PGS. TS Hồ Uy Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ;

- TS. Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam;

- TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Phát triển Cộng đồng, Chủ tịch liên minh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm;

-  Ông Nguyễn Trung Chiến, Bác sỹ chuyên khoa 2, Viện Dân số và Phát triển.

Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi nội dung Tọa đàm tại đây:

Suy giảm tài nguyên nước và nguy cơ mất an ninh nguồn nước ở Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Tình trạng suy kiệt nguồn nước cả trên bề mặt và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân khách quan do diễn biến theo quy luật tự nhiên, do điều kiện khí hậu, thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu, còn do tác động của con người khai thác vào các mục đích kinh tế khác nhau, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm... Nước sạch đang ngày một khan hiếm. An ninh về nước cho đời sống và phát triển kinh tế một cách bền vững và bảo vệ môi trường đang đứng trước những thách thức mới. 

Bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững đang là yêu cầu cấp thiết, suy giảm tài nguyên nước và mất an ninh nguồn nước là nguy cơ không thể xem thường. Sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta không có những cơ chế, chính sách để chia sẻ sử dụng nguồn nước một cách hợp lý và thay đổi cơ bản trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước.

Thưa ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục thủy lợi, theo đánh giá chung nguồn nước của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt. Ông có thể cho biết rõ hơn về nhận định này?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Nước ngọt là tài nguyên hữu hạn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự sống, phát triển môi trường nhưng lại dễ bị tổn thương. Thực tế, những vùng nào có kênh mương thuỷ lợi điều tiết nguồn nước thì sự sống, môi trường và kinh tế phát triển. Ví dụ như vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ… trước khi có những kênh mương thuỷ lợi, điều tiết tưới tiêu thì kinh tế ở những vùng này đều hết sức khó khăn, khó sản xuất.

Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh
Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế dự báo trong tương lai không xa có thể có những cuộc tranh chấp, chiến tranh vì tài nguyên nước. Theo tôi, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra bởi áp lực dân số càng tăng cao thì nhu cầu về nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt… càng đòi hỏi số lượng lớn, chất lượng ngày càng cao. 

Ngoài ra, biến đổi khí hậu khiến thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, sự phân bố nguồn nước không theo quy luật bình thường làm cho việc sản xuất bị rối loạn. Biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết, khí hậu cực đoan, dị thường, như Elnino kỷ lục cuối 2014-2016 dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long làm hàng chục nghìn ha không canh tác được và hàng trăm nghìn ha bị ảnh hưởng. Và hiện nay chúng ta đang phải chịu đợt hạn hán khu vực Trung bộ từ Thanh Hóa đến Khánh hòa do thời tiết. 

Thực tế, việc tích nước ở hồ chứa của Việt Nam không kém những năm trước, nhưng lượng nước phục vụ cho vụ sản xuất Xuân - Hè vẫn không đủ cho năm 2019. Tính riêng năm 2019 có 3 đợt nắng nóng kỷ lục, trong đó có đợt kéo dài nhất từ ngày 3.6 - 1.7 với nhiệt độ trung bình 40 độ C, cộng với độ ẩm thấp và gió phơn Tây Nam đổ vào khiến lượng nước bốc hơi gia tăng. Do đó, lượng nước tích trữ không đủ đáng ướng nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, tình trạng cực đoan dị thường về thời tiết lại xảy ra theo hướng ngược lại ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc Bộ, mưa lũ thường xuyên xảy ra và khó lường.

Hiện nguồn nước ngầm cũng đang trong tình trạng thiếu hụt, ô nhiễm nặng do nhu cầu sản xuất và xả thải quá lớn từ các nhà máy, các khu dân cư mà không được xử lý trước khi xả ra môi trưởng… Chính những điều này dẫn đến nguy cơ suy giảm tài nguyên nước và mất an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang là thực tế ở nhiều nơi. Thưa TS. Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?

TS. Đào Trọng Tứ: Nước ta có tổng lượng nước là 830 tỷ m3, với dân số trên 90 triệu người, với 9000 m3/người/năm so với thế giới là cao. Tuy nhiên, nước nội sinh chỉ có trên 3000m3/ người, với 2/3 của 830 tỷ m3 nước đi từ các quốc gia thượng nguồn Trung Quốc, Myanma, Thái Lan, Lào vì vậy chúng ta chỉ còn 37% lượng nước cho đầu người, tương đối thấp. Lượng nước của các dòng sông về mặt khoa học thì thượng nguồn có, chúng ta ở hạ nguồn cũng phải có, nhưng chúng ta là một nước không giàu nguồn nước.

Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, TS. Đào Trọng Tứ
Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, TS. Đào Trọng Tứ

Tại sao thời gian gần đây, vấn đề bảo vệ nguồn nước, trong đó có giải pháp chống ô nhiễm nguồn nước trở thành vấn đề nóng? Khi nghiên cứu các vùng, trong đó riêng thủ đô Hà Nội có đến 6 con sông đang trong quá trình ô nhiễm, trong đó có sông Nhuệ, Sông Đáy và sông Tô Lịch ô nhiễm rất nặng nề. Nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do con người xả thải không qua xử lý và nguồn nước từ các khu công nghiệp, các làng nghề xả thẳng ra các con sông. Trong nông nghiệp, việc sử dụng phân bón thuốc trừ sâu trong nông nghiệp cũng đang gặp nhiều vấn đề. 

Bên cạnh đó, phát triển thủy điện không bền vững, hầu hết các địa phương có sông đều xây dựng thêm rất nhiều nhà máy thủy điện nhỏ và vừa, dòng chảy bị chặn đứng khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Đơn cử như sông Mã có 100km có đến tân 5 nhà máy thủy điện, nguồn cung cấp nước bị tác động rất lớn.   

Các nguồn nước chúng ta đang sử dụng chủ yếu là nước mặt, còn lại nguồn nước ngầm có nhưng không nhiều. Nguồn nước ngầm trước đây là nguồn cung cấp nước uống cho chúng ta nhưng hiện do quản lý không tốt nên đang dần cạn kiệt và ô nhiễm. Chúng ta đang nỗ lực rất lớn để giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, việc thực thi giám sát từ đầu: từ việc lập quy hoạch, sử dụng nước trên các hệ thống sông không giám sát được. Việc xả thải xuống các dòng sông do ý thức của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ môi trường chưa tốt. Chúng ta có hệ thống luật pháp rất tốt, không kém các nước phát triển, từ luật cho đến các nghị định, thông tư nhưngcâu chuyện xử lý vi phạm pháp luật trong vấn đề bảo vệ tài nguyên nước chưa đạt như kỳ vọng. 

* Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Bảo đảm chất lượng nguồn nước cũng như quản lý tài nguyên nước đang là thách thức lớn cho toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ góc nhìn của BS. Nguyễn Trung Chiến, Viện Dân số và Phát triển, trước thách thức suy giảm nguồn nước sẽ tác động đến chúng ta như thế nào?

Ông Nguyễn Trung Chiến: Nước không chỉ là nguồn gốc của sự sống, mà còn duy trì phát triển bảo đảm cho sự sống, bởi trong cơ thể chiếm tới 70% lượng nước; theo từng cơ quan, lượng nước sẽ bố trí khác nhau. Về chức năng của nước đối với cơ thể, đầu tiên, nước tham gia quá trình chuyển hóa đối với cơ thể, thủy phân các thức ăn, đồng thời, vận chuyển các chất dinh dưỡng, khí dưỡng để đi vào tế bào xảy ra các phản ứng sinh học, tạo ra năng lượng, sức sống cho cơ thể. Đồng thời, nước cũng vận chuyển toàn bộ chất thải trong quá trình các tế bào thải ra khỏi cơ thể. Nếu cơ thể thiếu nước sẽ gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa và không bù kịp lượng nước vào sẽ dẫn tới tử vong. Mặt khác, nước là dung môi cho toàn bộ cơ thể hoạt động, vận động, chuyển động và các hoạt động khác, tham gia trong quá trình cân bằng huyết áp cũng như giúp cơ thể điều chỉnh nhiệt độ. Bên cạnh vai trò rất quan trọng, nước cũng sẽ trở nên nguy hiểm khi nguồn nước bị ô nhiễm. Bởi, nó sẽ là nguy cơ gây ra các bệnh không lây nhiễm và các bệnh lây nhiễm gồm: các bệnh về đường tiêu hóa, về da, các bệnh về mắt, thậm chí các bệnh về đường hô hấp. Khi nhắc đến bệnh tiêu chảy, nguyên nhân đầu tiên là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn salmonella, vi khuẩn thương hàn hoặc là các vi khuẩn đường ruột tạo ra các độc tố gây ra bệnh tiêu chảy cho trẻ em… Đối với các kí sinh trùng, đơn bào gây ra bệnh kiết lị.

Bác sỹ chuyên khoa 2, Viện Dân số và Phát triển Nguyễn Trung Chiến
Bác sỹ chuyên khoa 2, Viện Dân số và Phát triển Nguyễn Trung Chiến

Thực tế, mỗi năm trên thế giới bình quân có khoảng 125 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tiêu chảy. Còn theo báo cáo của Viện Vệ sinh môi trường, Cục Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế thì có 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tiêu chảy ở Việt Nam mỗi năm. Đây là gánh nặng về bệnh tất đối với ngành y tế. Kết hợp giữa tiêu chảy và nhiễm giun đều từ nguồn nước, sẽ tác động lại đối với sức khỏe của trẻ em dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Hiện nay, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ dưới 5 tuổi. Điều đó tác động rất nhiều với xã hội và ngành y tế về nguồn nước.

Đối với các bệnh không lây nhiễm, khi nguồn nước bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật. Đơn cử ở Sơn La, năm ngoái có 73 trường hợp bị ngộ độc cấp tỉnh bởi thuốc diệt cỏ, do người dân dùng thuốc diệt cỏ và một số người dân khác sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, phải nhiệp viện cấp cứu. Nhưng nguy hiểm nhất chính là ngộ độc mãn tính, tích lũy độc gây ra tình trạng cực kì nguy hiểm là yếu tố dẫn đến nguy cơ việc phá hủy hệ gen, dẫn tới tình trạng ung thư. Hiện nay, tỷ lệ chết do ung thư của Việt Nam đứng thứ 55 trong các quốc gia có lượng người ung thư hàng đầu thế giới. Tuy nhiên tỷ lệ người chết do mới bị mắc ung thư tại Việt Nam gần như cao nhất, chiếm 65%. Ngoài ra, tình trạng nhiễm độc còn gây ra tình trạng thai nhi dị tật bẩm sinh, nhiễm sắc thể, chết non, sảy thai, vô sinh,… Chính vì vậy, nếu nguồn nước có sạch thì gia đình mới mạnh khỏe, hạnh phúc.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ lụy mà nó có thể gây ra ra trên diện rộng. Thưa TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Phát triển Cộng đồng, Chủ tịch liên minh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, xin ông phân tích rõ hơn vấn đề này?

TS. BS Trần Tuấn: Nếu nói đến sự tác động của nước đến xã hội - nó là căn nguyên của tất cả các bệnh tật xảy ra cho con người, chứ không chỉ là lây nhiễm và truyền nhiễm. Bởi trong các căn nguyên hình thành nên các ổ dịch bao giờ cũng có yếu tố môi trường, mà nước là quan trọng nhất.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Phát triển Cộng đồng, Chủ tịch liên minh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, TS. BS Trần Tuấn
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Phát triển Cộng đồng, Chủ tịch liên minh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, TS. BS Trần Tuấn

 Hiện nay đang xảy ra tình trạng, nước về số lượng vẫn bảo đảm, nhưng về chất lượng thì cực kỳ nghiêm trọng. Về số lượng, nguồn nước có mức độ, nhưng về tự nhiên thì nó có cơ chế tự cân bằng do cơ chế luân chuyển, và do cơ chế rừng, thảm thực vật tích lũy nước từ bề mặt hết sức cân đối, đáp ứng cho nhu cầu con người. Việc tăng dân số không ảnh hưởng nhiều nếu tuân thủ đúng theo các cơ chế sinh thái. Số lượng nước được phân bổ theo từng khu vực khác nhau, đối với đất nước ta, tài nguyên nước đang bị khai phá, công nghiệp hóa, sản xuất công nghiệp tập trung, chăn nuôi tập trung, đô thị hóa. Như vậy chúng ta thấy rằng, nước sẽ ảnh hưởng đến tất cả các mặt này, chất lượng nượng nước sẽ dẫn đến nguy cơ đe dọa đến an ninh của đất nước.

Tóm lại, câu chuyện về nước, bản chất của nó là nuôi sống con người. Chúng tôi cho rằng có hai cái mà con người tạo ra, và tự con người gây ra thì con người phải tự chịu. Cái thứ nhất, đã nhận thức được khoa học mà không đặt khoa học lên hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe. Sức khỏe con người và sức khỏe môi trường là một, khoa học đã chỉ ra điều đó, nhưng chúng ta không tuân thủ theo, phá vỡ nó. Thứ hai, các can thiệp mô hình của chúng ta không theo hướng làm sao để bảo vệ nguồn nước, vì vậy đã gây nên tình trạng ô nhiễm nước nặng… Với những tác động như vậy thì có thể giải quyết bằng cách nào? Đó là câu hỏi mà chúng ta chưa có câu trả lời chính xác.

Cơ chế pháp lý cho các tổ chức xã hội thực hiện quyền tư vấn và đóng góp xây dựng chính sách, giám sát tài nguyên nước

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý tài nguyên nước vẫn còn nhiều điểm bất cập như chồng chéo trong chức năng quản lý tài nguyên nước ở cấp Trung ương (giữa các Bộ, ngành); thực thi pháp luật ở địa phương chưa hiệu quả; thiếu nguồn lực, công nghệ cho công tác quản lý, kiểm sát và kiểm soát ô nhiễm nước; phối hợp giữa các bên còn lỏng lẻo, và đặc biệt là chưa phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xã hội tại địa phương trong giám sát, báo cáo và đóng góp ý kiến với chính quyền về các vấn đề nguồn nước vẫn còn hạn chế. Do đó, cần có những kênh trao đổi thông tin để các tổ chức xã hội có thể phản hồi ý kiến kịp thời tới các cơ quan xây dựng chính sách.

Câu hỏi đầu tiên trong phần này xin được dành cho PGS. TS Hồ Uy Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ, vai trò của các TCXH trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực liên quan đến tài nguyên nước trong thời gian qua đã gặp những khó khăn thách thức gì và các giải pháp để huy động các TCXH có thể đóng góp nhiều hơn?

PGS. TS Hồ Uy Liêm: Nước là một phần rất quan trọng và là một trong các yếu tố quyết định thịnh suy của Tổ quốc. Thế hệ chúng ta và các thế hệ đi trước rất coi trọng vai trò của nước. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gồm các nhà khoa học với nguồn trí tuệ rất lớn cần phải tận dụng. Vai trò tư vấn, giám định, phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên đã được thể chế hóa, chính thức hóa trong các văn kiện của Đảng và Chính phủ. Những năm gần đây, Quốc hội cũng đã quan tâm đến những đóng góp của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Về tài nguyên nước, hệ thống của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã hơn 10 hội thành viên trong đó có hội thủy lợi, hội tưới tiêu.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ, PGS. TS Hồ Uy Liêm
Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi Chính phủ, PGS. TS Hồ Uy Liêm

* Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Theo báo cáo của tổ chức WWF Việt Nam, trong hai năm qua, bước đầu đã có các dự án nghiên cứu, tham vấn với các bộ ngành liên quan và đại biểu quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vai trò của các TCXH trong quản lý tài nguyên nước. Thưa TS. Đào Trọng Tứ, điểm mấu chốt để các TCXH phát huy hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên nước là gì?

TS. Đào Trọng Tứ: Lực lượng khoa học, lực lượng của các tổ chức xã hội hiện nay là tri thức được đào tạo bài bản. Đối với tổ chức xã hội từ khi tham gia đã có những bà  học rất lớn, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam từ năm 2011 - 2012 đã làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, được đi giám sát cùng với Ủy ban, sau đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Trong đó không thể không nhắc tới những đóng góp của các tổ chức xã hội, được Chính phủ, Quốc hội lắng nghe. Việc tham gia của các hội, liên hiệp hội đã có đóng góp rất tốt, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội. 

Thời gian qua, vai trò của các tổ chức xã hội cũng đã được luật hóa. Đơn cử như Luật Tài nguyên nước, khi phát triển các công trình về nguồn nước đều phải tham vấn các cộng đồng. Luật hóa được thể hiện khi các cơ quan đơn vị, bộ ngành liên quan khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ, có nhiều đóng góp tích cực mang tính xây dựng, phản biện xã hội. Bên cạnh đó, còn có nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Nguồn lực từ các chương trình, dự án đã có sự tham gia phản biện về mặt khoa học, kinh tế xã hội cần sử dụng nguồn lực của các Hội, hiệp hội.  

* Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Hồng Khanh, việc lắng nghe ý kiến từ phía các TCXH có phải là một cách tiếp cận hiệu quả, bởi những sáng kiến của họ tuy nhỏ nhưng hết sức có giá trị, khi được phản ánh từ chính góc nhìn của đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và tham gia bảo vệ tài nguyên nước?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Việc hoạch định chính sách phải lắng nghe nhân dân thì mới mong đạt được hiệu quả thực thi. Nếu lắng nghe được nhiều ý kiến, nhiều thành phần xã hội với các góc nhìn khác đa dạng của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, các cấp bộ ngành... sẽ có được những đánh giá dưới nhiều lăng kính khác nhau tạo nên cái nhìn toàn diện và khách quan. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định đánh giá được những tác động tích cực, tiêu cực của các dự luật, từ đó đưa ra từ đó có những quy định, sửa đổi, bổ sung hiệu quả, phù hợp với khả năng thực thi cao hơn, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế, xã hội.

Việc lấy ý kiến của các tầng lớp người dân, các bộ ngành, địa phương, các tổ chức xã hội... là việc làm hết sức đúng đắn, tạo hiểu quả cao trong xây dựng, hoạch định chính sách. Ví như đối với Luật Thuỷ lợi đã tạo ra những hiệu quả tích cực cho công tác thuỷ lợi. Vì suy cho cùng, nước là tài nguyên nhưng xét trong công trình thuỷ lợi lại là sản phẩm. Khi xây dựng Luật Thuỷ lợi chúng tôi cũng đã lấy ý kiến của nhiều ban ngành, nhiều thành phần xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và những ý kiến từ người dân là những người trực tiếp tham gia thuỷ lợi nội đồng. Chúng ta không thể tách rời người dân ra khỏi luật vì họ là những người tham gia trực tiếp và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Mỗi người dân là những tư liệu quý báo và có thể có đóng góp lớn vào việc xây dựng các văn bản luật.

* Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa Phó chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai, là người gắn bó với công tác xã hội và giám sát thực hiện chính sách xã hội, gắn bó với hoạt động của các TCXH, theo ông, cần có những sửa đổi, bổ sung chính sách đối với các TCXH như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức này tham gia, thực hiện quyền tư vấn, đóng góp xây dựng chính sách, giám sát công tác bảo vệ tài nguyên nước một cách thực chất, hiệu quả?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Vai trò của tổ chức xã hội dùng từ huy động và phát huy vai trò theo tôi sẽ chuẩn xác hơn. Ủy ban Về các vấn đề xã xã hội thời gian qua cũng đã thường xuyên mời các chuyên gia, các tổ chức xã hội tham gia vào các vấn đề liên quan đến xây dựng pháp luật cũng như giám sát việc thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai

Tôi rất tán thành các ý kiến đã chia sẻ trong câu chuyện phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội. Tuy nhiên theo tôi, có hai vấn đề, thứ nhất là địa vị pháp lý và năng lực của tổ chức xã hội đã cùng trợ giúp với người dân đưa các ý kiến lên cơ quan chức năng. Thứ hai, các chính sách khuyến khích để hình thành nên các tổ chức xã hội về mặt tổ chức chính trị thì luật có quy định nhưng hướng dẫn nhưng thiếu cụ thể. Thứ ba, chính là nguồn lực để thực hiện. Thực tế hiện nay các tổ chức xã hội đang có nguồn lực tài trợ từ nước ngoài và hoạt động rất tốt, tuy nhiên không thể mãi trông vào nguồn lực đó mà còn cần huy động cả nguồn lực trong nước.

Bảo vệ tài nguyên nước - Tối ưu việc khai thác và sử dụng

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng - điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Ngày nước thế giới 2019 có chủ đề là “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” hướng đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch, đảm bảo sự sẵn có cho tất cả mọi người.

Để giải quyết đồng bộ các vấn đề tài nguyên nước của Việt Nam, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện, trong đó đã thể chế hóa nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả, quản lý, bảo vệ nguồn nước quốc gia được tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là phải đánh giá được tài nguyên này hiện có bao nhiêu, đang khai thác như thế nào, những vấn đề gì bất cập và phải khai thác ra sao cho bền vững, ổn định lâu dài; đồng thời đưa ra các giải pháp bảo vệ nước dưới đất cho các đô thị lớn. 

* Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa PGS. TS Hồ Uy Liêm, nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sản xuất nhưng nguồn tài nguyên này đang ngày càng cạn kiệt. Vậy theo ông các tổ chức, cá nhân cần phải làm gì để bảo vệ, giữ gìn nguồn nước bền vững?   

PGS. TS Hồ Uy Liêm: Hiện nay các tổ chức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hoạt động khắp nơi, các hội thành viên chủ yếu hoạt động ở các thành phố lớn nhưng có mối quan hệ với các địa phương, các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển công nghệ hoạt động rộng khắp trên lãnh thổ đất nước. Là người tiếp cận gần nhất đối với người dân, chúng tôi rất mong phía nhà nước quan tâm lấy ý kiến của các tổ chức ấy. Hàng năm, chúng tôi vẫn tổ chức hội nghị thường niên, trong ấy nêu rất nhiều vấn đề như bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường. 

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ tài nguyên nước rất quan trọng, định hướng của Chính phủ hiện nay là hạn chế khai thác nước dưới đất do nguồn nước dưới đất đang ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và dần chuyển hướng sang khai thác nước mặt. Trong khi đó nhiều lưu vực sông trong cả nước cũng đang ô nhiễm. Theo đó, cần có giải pháp gì mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để bảo vệ nguồn nước – bảo vệ sự sống của chúng ta thưa BS Nguyễn Trung Chiến?

Ông Nguyễn Trung Chiến: Hiện nay, công tác quản lý về quản lý nguồn thải phát sinh ngay từ đầu còn hạn chế. Các làng nghề, các khu công nghiệp, chất thải trong nông nghiệp chưa kiểm soát được. Kiến trúc hạ tầng tại các khu dân cư hiện nay không có hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra sống, hồ dẫn đến tình trạng “chết” các dòng sông như: Sông Đáy, sông Châu Giang. Do đó, cần nâng cao công tác quản lý từ nguồn nước thải đầu tiên.

Công tác giám sát còn thiếu sự ứng dụng các công nghệ, vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống đến kiểm tra định kỳ nên không thể kiểm soát hết được tình trạng ô nhiễm. Nước ngầm hiện đang bị khai thác quá mức dẫn tới sự cạn kiệt nên khi nguồn nước ô nhiễm sẽ chảy thẳng xuống nguồn nước ngầm, dẫn đến xâm nhập mặn, sụt lún ở nhiều nơi. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo sử dụng nguồn nước mặn để xử lý và cung cấp cho người dân, phải đổi mới, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước ngầm hiện nay. Đặc biệt, có thể huy động các tổ chức xã hội cùng tham gia nhằm bảo đảm hiệu quả giám sát, chất lượng các dòng sông, cũng như nguồn nước.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực các tổ chức xã hội còn chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, cần huy động các tổ chức xã hội, người dân vào việc giám sát, đánh giá, trên cơ sở đó mới xây dựng được các hoạt động giải quyết vấn đề.

Cuối cùng, cần truyền thông thay đổi hành vi của người dân. Hiện nay, người dân ở miền núi không được tiếp cận nguồn nước tập trung mà chỉ được sử dụng nguồn nước tự chảy nhỏ lẻ, chỉ được xử lý sơ bộ. Nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật rất lớn bởi xung quanh nguồn nước người dân đều trồng cây nông nghiệp, có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Do vậy, cần quan tâm, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa bởi nước sạch không những là quyền cơ bản của con người mà là trách nhiệm của con người và toàn xã hội. 

* Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân là yêu cầu thiết yếu nhưng đi đôi nó là nguồn lực thực hiện. Thưa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai, với tình trạng một số địa phương đang trong tình trạng khô hạn hay thấm nước cục bộ, dưới góc nhìn của cơ quan xây dựng chính sách, ông đánh giá nỗ lực bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm của chúng ta hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Về tài nguyên nước, theo đánh giá chung, việc xây dựng chính sách pháp luật, chúng ta làm tương đối đồng bộ và tốt. Nhưng khi tổ chức thực hiện thì gặp những vướng mắc, bất cập liên quan đến con người và kinh phí thực hiện. Dẫn đến việc khai thác và sử dụng nguồn nước một cách bất hợp lý, lãng phí vì nghĩ nguồn nước dồi dào nước. Tôi cho rằng, chỉ tuyên truyền thôi là chưa đủ, mà cần phải coi nước cũng như một sản phẩm hàng hóa, xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước. Về việc này, nếu có cơ chế cho các tổ chức xã hội, tôi nghĩ rằng họ sẽ làm rất tốt.

Bên cạnh các giải pháp về kinh tế, chúng ta cũng cần có cơ chế bảo đảm khai thác, sử dụng tài nguyên nước tổng hợp và đa mục tiêu, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ. Ví dụ, vùng hạn hạn phải áp dụng khoa học công nghệ thế nào để có thể khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phân bổ đồng đều cho từng nơi.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa TS. BS Trần Tuấn, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở nước ta?

Ông Trần Tuấn: Tối ưu hoá sử dụng nguồn nước là tăng lượng nước phải hoàn nguyên nguồn nước bề mặt cho cho thiên nhiên. Thiếu hụt nước là do chúng ta chưa bảo vệ, sử dụng nguồn nước hợp lý, phá vỡ hệ sinh thái.

Điều đầu tiên đặt ra nhằm tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở nước ta là chú trọng vai trò định hướng của Nhà nước. Nước liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, khi chúng ta chuyển sang mục tiêu tăng cường sức khoẻ cho xã hội thay cho mục tiêu phát triển kinh tế là phù hợp xu thế của thế giới. 

Thực tế, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện việc bảo vệ tài nguyên nước, tuy nhiên các ngành công nghiệp phi nhân bản đang làm chậm tiến trình này. Cho nên để đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên nước thì phải chặn được sự tác động của các doanh nghiệp, tổ chức phi nhân bản vào chính sách. 

Tiếp đó chúng ta phải tăng cường các nguồn lực cho việc bảo vệ nguồn nước, đánh thuế mạnh hơn với các doanh nghiệp, sản phẩm phi nhân bản. Từ đó có những quỹ để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển bền vững nguồn nước.

Thời gian tới Việt Nam nên tăng thuế đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội, tạo môi trường để các cá nhân trẻ có năng lực tham gia hoạt động… đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Hướng tới thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững trong sản xuất và đời sống “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người” (SDG6) đến năm 2030, theo ông chúng ta cần kế hoạch hành động như thế nào, thưa ông Nguyễn Hồng Khanh?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Việt Nam phải hoàn thiện sớm các thể chế về tài nguyên nước và thuỷ lợi. Mặt khác, chúng ta cần các giải pháp hạn chế sự suy thoái và cạn kiện tài nguyên nước. Chúng ta nên khuyến khích sử dụng các biện pháp tiết kiệm bảo vệ để tránh tổn thất nguồn nước. Đối với các vùng có tổn thất lớn thì chúng ta có biện pháp, công nghệ hạn chế thất thoát nước, đồng thời tăng cường các công nghệ xử lý nước thải.

Thời gian tới, Nhà nước, các cơ quan chức năng và cộng đồng cần tăng cường việc giám sát, sử dụng nguồn nước. Liên tục thực hiện công tác kiểm tra việc xả thải trước khi xử lý ra môi trường để đảm bảo sự phát triển hệ sinh thái nói chung. Ngoài ra, cần có giải pháp về kinh tế, tài chính với nguồn tài nguyên nước. Đối với ngành thuỷ lợi đã có những quy định rõ rằng, thuỷ lợi được coi là là dịch vụ có giá. Các bộ ngành cũng cần có biện pháp kiểm kê, dự báo, cảnh báo về nguồn nước… đây là nội dung vô cùng quan trọng. Thêm vào đó, phải tăng cường hợp tác thông tin về tài nguyên nước với các quốc gia, để có thể chủ động bảo vệ phát triển nguồn nước. 

Mặt khác tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên nước, đây là việc cần thực hiện thường xuyên. Các đơn vị cung cấp tài nguyên nước cũng cần phối hợp chặt chẽ với người dân để sử dụng, bảo vệ nguồn nước một cách hiệu quả.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa quý vị và các bạn!

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng phát biểu kết luận buổi tọa đàm
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng phát biểu kết luận buổi tọa đàm 

Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và đã được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước năm 2006. Trong triển khai thực hiện chiến lược này, cùng với Chính phủ, chính quyền các địa phương, việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào thành công chung, là yếu tố không thể thiếu để pháp luật về tài nguyên nước đi vào cuộc sống. 

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

------------------------------------

* Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân dân. Mọi hình thức sao chép đều phải dẫn nguồn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tọa đàm “Phát triển bền vững tài nguyên nước – vai trò của các tổ chức xã hội”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO