Tọa đàm: Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?

Chiều 26.9, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm 'Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?' nhằm ghi nhận ý kiến, đề xuất của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị.

Tọa đàm được tổ chức từ 14 giờ, ngày 26.9, tại trụ sở Báo Đại biểu Nhân dân (35 Ngô Quyền, Hà Nội)

Khách mời tham dự tọa đàm:

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.

- Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS.TS Trần Văn Nhung.

- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh.

- Trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội), TS. Lê Đức Thuận.

- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Equest TS. Đàm Quang Minh.

- Giám đốc Marketing & Truyền thông, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) Võ Hồng Hạnh.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim phát biểu khai mạc:
1.jpg
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Tiếng Anh được xem là công cụ giao tiếp toàn cầu; là "chìa khóa" để đến với khối lượng tri thức, kiến thức đồ sộ của nền văn minh thế giới. Việc hiểu biết và sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hiện nay, có rất nhiều quốc gia coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, như: Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Nigeria, Philippines... Sự khác biệt cơ bản giữa tiếng Anh là một ngoại ngữ và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai nằm ở mức độ, trình độ sử dụng và tầm quan trọng của nó trong đời sống xã hội và hoạt động hành chính.

Ở những nơi tiếng Anh chỉ là ngoại ngữ, nó không được sử dụng rộng rãi ngoài môi trường học tập. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ ngoại ngữ sang ngôn ngữ thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra nếu có sự thay đổi chính sách và nhu cầu xã hội, như trường hợp của Singapore và Ấn Độ.

2.jpg
Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc. Ảnh: Duy Thông

Ngày nay, khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta càng thấy rõ hơn sự cần thiết và quan trọng của việc nắm bắt và sử dụng thành thạo tiếng Anh như thế nào, việc dạy và học tiếng Anh trong trường học cần có những thay đổi ra sao để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Một trường học mong muốn chuyển từ việc dạy tiếng Anh như ngoại ngữ sang ngôn ngữ thứ hai không phải là điều thường gặp ở hầu hết các trường học hiện tại, đặc biệt là ở các quốc gia nơi tiếng Anh không phổ biến rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể thực hiện.

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều trường quốc tế hoặc các trường song ngữ đã áp dụng thành công mô hình dạy và sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, và điều này đã giúp học sinh có khả năng sử dụng thành thạo cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Anh.

Ngày 12.8.2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

IMG_9931.jpg

Một nội dung quan trọng được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW là: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

Thực tế, trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Tuy nhiên, việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề lớn, cần có chiến lược và lộ trình cụ thể - từ thay đổi nhận thức đến xây dựng cơ chế, chính sách; từ xây dựng chương trình giáo dục, sách giáo khoa đến đào tạo đội ngũ giáo viên,…

Tổ chức cuộc tọa đàm hôm nay, Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn nhận được những ý kiến trao đổi, đánh giá thẳng thắn về thực trạng dạy và học tiếng Anh trong trường học ở Việt Nam hiện nay; chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị về việc cần làm gì và làm thế nào để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, như nội dung trong Kết luận 91-KL/TW đã đặt ra.

Phần 1: Thực trạng hoạt động dạy và học tiếng Anh tại các trường học Việt Nam

MC: Thưa quý vị và các bạn, vấn đề dạy và học ngoại ngữ đã được thảo luận nhiều trên diễn đàn Quốc hội. Thưa bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, bà có nhận định gì về việc dạy và học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh ở các trường học hiện nay?

hoa.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Trước khi đi vào câu hỏi, tôi xin bày tỏ sự phấn khởi khi vấn đề đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một trong những nội dung của Kết luận 91. Có thể nói, đây là chủ trương vô cùng lớn để chúng ta thực hiện mục tiêu đang xác định là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Cũng phải khẳng định, việc chúng ta quan tâm đầu tư cho dạy ngoại ngữ trong nhà trường đã được đề cập từ lâu, bằng nhiều kênh khác nhau. Gần đây nhất, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những bước khởi động, đưa môn tiếng Anh vào là môn học chính thức từ lớp 3, thực hiện một chương trình thống nhất từ lớp 3 đến lớp 12, tiếng Anh trở thành môn học chính thức. Đây có thể nói chúng ta đang thực hiện lộ trình với những bước đi rất chắc chắn để chúng ta thực hiện việc nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, trong đó có năng lực sử dụng ngoại ngữ để hội nhập.

Quay trở lại câu chuyện nhìn thấy gì, nhận định gì về dạy và học ngoại ngữ hiện nay, trong đó có tiếng Anh. Theo cảm nhận của tôi, trong những lần đi đến các trường, trong các hoạt động giám sát, khảo sát và tiếp xúc với các thầy cô giáo, học sinh, cái được mà chúng ta có thể nhìn thấy là cho đến thời điểm này, những quy định cơ bản, cơ sở chính trị chúng ta đã có đủ. Về cơ sở pháp lý, trong Luật Giáo dục 2019, ở Điều 11 cũng đã có quy định giao Chính phủ quy định việc dạy và học ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục. Có thể coi đây là một điểm nhấn trong hành lang pháp lý chúng ta có thể bước tiếp theo trong việc đưa ngoại ngữ trở thành môn học chính thức trong nhà trường và phát triển giảng dạy ngoại ngữ bảo đảm chất lượng.

Đánh giá thứ hai, về mặt thực tiễn, có thể nói rằng trong yêu cầu của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập, rõ ràng mỗi một người lao động cũng như từng gia đình ngày càng nhận thức một cách đầy đủ và rõ hơn về việc thực sự phải có năng lực ngoại ngữ. Lúc nào nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình hiểu được tầm quan trọng của ngoại ngữ thì lúc đó việc đầu tư cho học ngoại ngữ mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Đó là những cảm nhận đầu tiên mà chúng tôi thấy được thực sự hành trình chúng ta thực hiện đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, có thể thấy bước đi ban đầu.

Tuy nhiên, từ mục tiêu, mong muốn đấy cho đến kết quả cũng còn nhiều hạn chế. Hạn chế rõ nhất là việc dạy và học trong các trường. Có thể nói rằng, kết quả chưa phải là cao, thậm chí ở nhiều địa bàn, nhiều cơ sở giáo dục, nhiều nhóm đối tượng, chất lượng dạy học ngoại ngữ nói chung và dạy tiếng Anh rất thấp. Nhìn vào phổ điểm thi Tốt nghiệp THPT hàng năm, khi quan sát điểm ngoại ngữ, chúng ta thấy có 2 đỉnh: đỉnh thứ nhất phía bên trái rất cao, là đỉnh số lượng học sinh đạt điểm thi ngoại ngữ thấp, tầm 4 – 5 điểm, đỉnh cao đáng buồn - số lượng các em đạt điểm này rất đông; còn đỉnh cao khác ở bên phải là số lượng các học sinh đạt điểm cao trong ngoại ngữ, khoảng 9 – 10 điểm thấp hơn. Khoảng cách giữa 2 đỉnh này rất xa, cho thấy thực sự hành trình chúng ta đẩy nhanh tiến độ để đưa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là hành trình gian nan.

Đó là về thực tế. Còn về nguyên nhân, có nhiều nguyên nhân, nhưng khi chúng tôi giám sát Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, có thể nói ta thiếu đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ nói chung và dạy tiếng Anh nói riêng, thiếu số lượng, chứ chưa nói đến chất lượng, nhiều trường thiếu giáo viên nhưng không tuyển được. Ngay ở thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố trung tâm như vậy, nhưng số lượng hồ sơ nộp vào tuyển giáo viên dạy tiếng Anh ít hơn so với biên chế được phân bổ, còn đối với địa bàn miền núi, giáo viên tiếng Anh là sự thiếu thốn vô cùng phổ biến tại nhiều địa bàn.

Còn các điều kiện bảo đảm liên quan tới cơ sở vật chất, phòng bộ môn, máy móc phương tiện phục vụ, đây là phương tiện để chúng ta bảo đảm nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, sự đầu tư cho hạ tầng cơ sở dạy tiếng Anh ở các điểm trường hiện nay, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa vô cùng khó. Đây là cảm nhận khi chúng tôi đi thực tế.

MC: Thưa GS.Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, được biết năm 2015, ông đã từng viết tâm thư gửi lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đề xuất việc cần phải có quốc sách đối với việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Lý do vì sao ông lại viết tâm thư trong thời điểm đó?

GS Trần Văn Nhung: Tiếng Anh là công cụ để giao tiếp, để tìm cơ hội, tìm bạn bè, phát triển khoa học, kỹ thuật, tìm cơ may để làm ăn, buôn bán...

GS_Tran_Van_Nhung.jpg
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT GS.Trần Văn Nhung chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Có một số lý do thôi thúc tôi viết tâm thư gửi lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đề xuất việc cần phải có quốc sách đối với việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.

Trước hết, thế hệ trẻ của chúng ta rất thông minh. Hiện nay, khi thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo thì công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là hai công cụ như “hai chân” có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu.

Tại Việt Nam, chúng ta đang làm rất tốt “chân” về công nghệ thông tin, bởi người Việt Nam rất nhanh nhạy, chịu khó học, thích logic. “Chân” về công nghệ thông tin đang khỏe mạnh hơn, nhưng “chân” về tiếng Anh lại đang yếu. Như vậy, chúng ta sẽ khó khăn để có thể “chạy đua” với các quốc gia khác trong bối cảnh hiện nay, khi ở trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng lành mạnh, có nghĩa phải cạnh tranh bằng năng lực.

Năm 2000, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Khi có Chỉ thị này, chúng ta đã có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội để phát triển công nghệ thông tin. Và sau 1/4 thế kỷ, có thể nhận thấy những bước tiến ngoạn mục về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng nếu có một chỉ thị tương tự Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá” nhưng cho ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì “chân” còn lại sẽ có thể “khỏe dần”. Cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh trên đất nước ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và cũng sẽ có những bước tiến ngoạn mục.

Tôi đề xuất “công thức” con người cần có trong thời Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI).

Đó là: Con người Việt Nam thời Cách mạng Công nghiệp 4.0 = Sức khỏe tốt + Trái tim nhân hậu và yêu nước + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Tiếng Anh (và ngoại ngữ) + IT/ICT.

MC: Thưa quý vị và các bạn! Để đánh giá về chất lượng chương trình giảng dạy ngoại ngữ tại các trường học hiện nay từ bậc phổ thông tới đại học có những thuận lợi và khó khăn gì, kết quả ra sao, chúng ta cùng lắng nghe ý kiến chia sẻ của các nhà giáo, các nhà chuyên môn đang quản lý tại các cơ sở giáo dục.

Trước tiên, xin mời PGS.TS. Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

IMG_9988.jpg
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

PGS.TS. Hà Lê Kim Anh: Trước tiên tôi gửi lời cảm ơn tới Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chương trình tọa đàm ý nghĩa trong thời điểm chúng ta đang quan tâm đến nội dung quan trọng của Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Về chất lượng dạy học tiếng Anh hiện nay ở bậc phổ thông và đại học, có thể thấy hơn 10 năm trở lại đây, việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Một số quy định khung pháp lý liên quan đến ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đã được ban hành. Cùng với các hoạt động tích cực của đề án ngoại ngữ 2020 với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc dạy tiếng Anh, phát triển đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở bậc phổ thông và bậc đại học đã được quan tâm, có kết quả nhất định.

Về mặt thuận lợi:

Thứ nhất, căn cứ pháp lý chúng ta đã ban hành được khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, đây là cái chuẩn để đo năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Với tiếng Anh, chúng ta đã đi vào toàn quốc một bài thi chuẩn hóa về năng lực tiếng Anh dành cho Việt Nam. Hay chúng ta có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn sử dụng khung tiêu chuẩn đối với năng lực ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Đó là các căn cứ hết sức quan trọng để chúng ta đo được năng lực ngoại ngữ tiếng Anh của người học và có khung tiêu chuẩn về năng lực giáo viên tiếng Anh.

Thứ hai, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ năm 2018, tiếng Anh được đưa vào tổ chức đào tạo từ lớp 1 – 12. Năm học 2024 – 2025 cũng là năm đầu tiên tất cả các cấp học áp dụng chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018. Như vậy, chương trình giáo dục tiếng Anh tại các trường phổ thông trên cả nước có sự liền mạch, liên thông, tạo đà cho việc giảng dạy tiếng Anh ở các trường, tạo tính hệ thống, nhất quán.

Thứ ba, rất nhiều giáo viên được tham gia chương trình tập huấn phát triển năng lực, phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Họ được tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến, giúp người học hứng thú, yêu thích môn tiếng Anh hơn. Trong Hội thảo Báo cáo thường niên năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả khảo sát cho thấy phần lớn học sinh đều hứng thú với học tiếng Anh. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy việc dạy học tiếng Anh ở trường phổ thông, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Còn ở bậc đại học, chúng ta có quy định chuẩn đầu ra với sinh viên về năng lực ngoại ngữ nói chung, năng lực tiếng Anh nói riêng. Với nguồn lao động tương lai của đất nước, các bạn phải thành thạo tiếng Anh ở bậc B1. Như vậy, trong giao tiếp hàng ngày và trong công việc có thể sử dụng tiếng Anh.

Về khó khăn, tôi nghĩ có hai khó khăn lớn nhất:

Thứ nhất, là đội ngũ, chúng ta vẫn đang thiếu giáo viên tiếng Anh đặc biệt là vùng miền núi, thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng.

Thứ hai, khó khăn về nhận thức, đâu đó các bậc phụ huynh, giáo viên vẫn nghĩ tiếng Anh là môn học và chỉ cần qua môn mà không ý thức tiếng Anh góp phần quan trọng tạo sức cạnh tranh, vươn ra quốc tế. Điều này rất khó tạo được sức bật, nâng cao chất lượng sử dụng tiếng Anh trong phát triển nghề.

MC: Tiếp theo, xin mời TS.Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD - ĐT quận Ba Đình chia sẻ những thuận lợi và khó khăn về vấn đề dạy và học ngoại ngữ trong các trường học trên địa bàn quận Ba Đình.

TS. Lê Đức Thuận: Như quý vị đã biết, quận chúng tôi là địa bàn trung tâm chính trị - hành chính - văn hóa và kinh tế của Thủ đô, là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan ngoại giao quốc tế, cơ quan quan trọng của quốc gia.

duc Thuan.jpg
Trưởng phòng GD - ĐT quận Ba Đình, TS. Lê Đức Thuận chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Quận Ba Đình hiện có dân số hơn 230 nghìn người, học sinh là hơn 50 nghìn em và giáo viên khoảng 4.000 người. Như vậy, quy mô giáo dục cũng tương đối lớn so với một đơn vị hành chính có diện tích chỉ là 9,29 km2.

Hiện nay, xếp hạng giáo dục quận Ba Đình đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Nhu cầu học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng tương đối cao, từ cả phía phụ huynh lẫn từ phía học sinh và cũng là động lực lớn cho ngành giáo dục quận trong việc làm tốt công tác này.

Thuận lợi thứ ba của quận Ba Đình là quận trung tâm và chúng tôi cũng có đội ngũ giáo viên "vừa hồng vừa chuyên", chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Trong đó cá biệt có những giáo viên là thủ khoa, á khoa của các trường đại học, và một số giáo viên từ các trường chuyên, kể cả từ trường đại học cũng chuyển về công tác tại quận… là những "điểm sáng" của giáo dục Ba Đình.

Một thực tế thuận lợi nữa là trên địa bàn quận còn nhiều trung tâm ngoại ngữ - tin học, các câu lạc bộ tiếng Anh… uy tín đứng chân, đã trở thành cơ hội thuận lợi trong việc trao đổi, giao lưu và đa dạng hóa các hình thức học tập giữa nhà trường với phụ huynh học sinh và các trung tâm.

Thuận lợi là vậy, tuy nhiên chúng tôi còn tồn tại một số khó khăn như các đại điểu đã nêu. Đó là mặc dù quận trung tâm nhưng giữa các địa bàn vẫn còn sự chênh lệch về trình độ của giáo viên giữa các trường, và trong một trường với nhau. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, kinh nghiệm.

Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu số lượng giáo viên lớn hơn so với chương trình cũ, nhưng việc tuyển dụng tương đối khó khăn vì giáo viên giỏi, sinh viên giỏi đôi khi lại không còn chọn nghề giáo mà đã chuyển công việc khác.

Cùng với đó, chênh lệch trình độ học sinh giữa các trường với nhau, chênh lệch giữa các lớp, bởi hiện tại cũng chưa có quy định nào cho phép được khảo sát về xếp lớp cả. Ban giám hiệu nhà trường chỉ căn cứ vào kết quả học tập, và kết quả này chắc chắn khó đánh giá chất lượng học sinh trên thực tế.

Khó khăn thứ hai của giáo dục Ba Đình liên quan vấn đề về cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học kể cả về hạ tầng và nền tảng số. Dù đã rất được quận quan tâm đầu tư giai đoạn vừa qua (2.300 tỷ đồng cho giai đoạn 5 năm gần đây), tuy nhiên con số trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu rất cao của việc dạy học ngoại ngữ nói chung, dậy học tiếng Anh trong thời đại 4.0.

Thứ ba là áp lực thi cử. Như quý vị đã biết, Hà Nội cũng vẫn duy trì việc tuyển sinh đầu vào đối với các trường phổ thông, và muốn hay không muốn thì các trường cũng phải dạy, phải ôn.

Ngoài ra, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học cũng có, nhưng đối với các lớp cuối cấp vốn chuyên về giáo dục ứng dụng, mặc dù Tiếng Anh của quận Ba Đình đứng thứ 4/30 của Hà Nội nhưng chúng tôi cũng ý thức được rằng mục tiêu số một của việc dạy học ngoại ngữ phải chú trọng kỹ năng giao tiếp để biến tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Một số nguyên nhân nhỏ khác, ví dụ như một bộ phận phụ huynh còn coi việc ngoại ngữ là điều gì đó xa xỉ nên sự quan tâm chưa đúng mức.

Từ góc độ cơ quan quản lý giáo dục cấp địa phương, nhìn rộng ra chúng tôi thấy khó khăn chung của việc dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng chủ yếu ở hai vấn đề.

Thứ nhất, đội ngũ giáo viên thiếu cả số lượng và chất lượng. Nguyên nhân thì các đại biểu đã phân tích nhiều, từ vấn đề lương, nguồn tuyển sinh của các trường đại học...

Thứ hai, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có, nhưng khi thực hiện thì có tình trạng thầy cô dạy để thi. Học sinh học để đi thi, phụ huynh cũng cho con học vì điểm số… cho nên mục tiêu của việc dạy học ngoại ngữ đã bị lệch đi. Bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết bây giờ các con có thể rất là tự tin về đọc và viết, nhưng giao tiếp còn nhiều hạn chế. Tôi nghĩ Tiếng Anh là sinh ngữ nên nếu không có môi trường, không có khích lệ động viên, phương pháp luận... thì sẽ rất khó.

MC: Theo bà Võ Hồng Hạnh - Giám đốc Marketing & Truyền thông, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) các trường đại học quốc tế, cụ thể BUV đã hỗ trợ các trường THCS, THPT trong nước như thế nào trong công tác nâng cao năng lực ngoại ngữ của thầy và trò trong thời gian qua?

Bà Võ Hồng Hạnh: Với vai trò là một trường đại học quốc tế tại Việt Nam thực sự đây là một đề tài mà chúng tôi cảm thấy rất hứng thú. Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) đào tạo và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, tức là sinh viên theo học và tiếp nhận kiến thức chuyên môn bằng tiếng Anh. Do vậy, trình độ ngoại ngữ mà cụ thể ở đây là trình độ tiếng Anh là một yêu cầu tất yếu.

Vo hong hanh.jpg
Giám đốc Marketing & Truyền thông, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) Võ Hồng Hạnh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Có một điều thú vị là khi nghe tất cả các chuyên gia của chúng ta chia sẻ, ví dụ như là gần nhất là anh Thuận có chia sẻ về việc lệch giữa trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam, vấn đề này thể hiện rất rõ ở đầu vào của sinh viên chúng tôi. Sinh viên BUV ở điều kiện đầu vào, phần lớn các em rất giỏi về các kỹ năng như đọc, viết, thế nhưng kỹ năng nghe và nói thực sự có độ lệch rất lớn. Có những sinh viên trình độ tiếng Anh tương đương ielts khoảng tầm 6.5 nhưng mà khả năng nói và khả năng nghe chỉ tương đương với khoảng 3.5, độ lệch rất lớn.

Chính vì vậy, hiện tại chúng tôi nỗ lực trong khả năng cho phép của mình để làm việc với các trường trung học phổ thông và các trường trung học cơ sở tại Việt Nam để làm sao chung tay giúp cho các trường có những chương trình giảng dạy tiếng Anh bổ trợ bên cạnh các chương trình tiếng Anh chính khóa, để giúp cho sinh viên, học sinh có thể cải thiện được trình độ ngoại ngữ.

Cụ thể, chúng tôi đang làm việc với một số trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội như là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trung học phổ thông Khoa học Giáo dục, Trung học phổ thông Lương Thế Vinh... để đưa các chương trình giảng dạy kỹ năng mềm vào trường và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh để giúp cho các bạn chuẩn bị được trình độ ngoại ngữ cũng như là giúp cho các bạn có thể chuẩn bị được cho các kỳ thi quốc tế mà có những yêu cầu đầu vào bằng tiếng Anh như ielts.

Ngoài ra, câu chuyện về tiếng không chỉ đơn giản là một kỹ năng mà còn liên quan đến việc giúp cho các bạn cải tạo tư duy về ngôn ngữ hay tư duy phản biện. Các bạn sẽ có cơ hội học rất tốt nếu như mà bạn có một công cụ về tiếng Anh. Tất cả những nguồn học liệu hiện nay tốt nhất mà các bạn có thể tiếp cận là những nguồn học liệu mà sử dụng tiếng Anh. Nên nếu như các bạn có tiếng Anh các bạn sẽ có cơ hội rất tốt và sẽ có cách giao tiếp hiệu quả hơn để thành công trong môi trường học tập quốc tế.

Ngoài ra, hiện tại BUV chúng tôi cũng ý thức được rằng có rất nhiều khó khăn liên quan đến đội ngũ giáo viên. Chúng tôi không thể làm gì được liên quan đến câu chuyện là giúp để nâng cao khối lượng, thế nhưng về mặt chất lượng chúng tôi luôn luôn trăn trở và chúng tôi có những chương trình phối hợp với cả các trường trung học phổ thông, đối tác và những sở giáo dục và đào tạo.

Ví dụ như gần đây, chúng tôi phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh để có tập huấn chuyên đề dành cho khoảng 160 giáo viên tiếng Anh ở trên địa bàn của tỉnh. Buổi tập huấn đó tập trung vào việc làm thế nào để cho các thầy, cô có thể sử dụng các công cụ trực quan, các công cụ có yếu tố công nghệ để giúp cho những bài giảng của các thầy, cô khi giảng dạy các bài tập tiếng Anh cho học sinh, giúp cho học sinh có hứng thú nhiều hơn trong câu chuyện học tập, để cho các em cảm thấy việc học tiếng Anh là một niềm vui có hứng thú, thay vì là các em chỉ học với mục tiêu đây là một môn học để có điểm tốt.

Tôi hoàn toàn đồng tình với những ý kiến của các chuyên gia về câu chuyện là làm thế nào để cho học sinh nhận thức, thậm chí cả phụ huynh và xã hội nhận thức được rằng là việc học tiếng Anh không chỉ đơn giản là một ngoại ngữ mà nó là một công cụ cần thiết để cho các bạn có thể tiếp cận được rất nhiều cơ hội tốt hơn trong việc giao lưu văn hóa cũng như là tiếp nhận các cơ hội kiến thức.

MC: Liên quan đến nội dung này, xin được lắng nghe ý kiến của TS. Đàm Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EQuest, đơn vị hiện nay đang quản lý nhiều hệ thống trường học phổ thông tư thục trên toàn quốc với mô hình đào tạo song ngữ. Ông có thể chia sẻ về mô hình đào tạo dạy song ngữ của cơ sở? Hiện việc dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở của đơn vị ông có gặp thuận lợi, khó khăn và vướng mắc gì không?

TS. Đàm Quang Minh: Với vai trò là đơn vị triển khai khá nhiều chương trình đào tạo tiếng Anh ở các cấp bậc khác nhau, đầu tiên phải ghi nhận điều quan trọng là trình độ tiếng Anh của Việt Nam suốt lộ trình vừa qua tăng đáng kể. Nếu trước đây, có ai được điểm IELTS 5.5 hay 6.5 đã cảm thấy rất giỏi rồi, nhưng con số này ngày nay phổ biến. Mức độ các bạn đạt IELTS 9.0 xuất hiện khá nhiều. Có thể thấy, mức độ mặt bằng chung tiếng Anh tăng đáng kể.

Quang minh.jpg
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EQuest TS. Đàm Quang Minh chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Ngay cả trình độ giáo viên cũng như vậy. Nếu trước đây tuyển giáo viên thường mức độ khoảng 6.0 IELTS, nhưng hiện nay giáo viên đa phần 7.5 hay 8.0 IELTS . Có thể thấy, trình độ tiếng Anh của học sinh, xã hội và giáo viên trong mặt bằng Việt Nam tăng đáng kể.

Thế giới có chỉ số đánh giá mức độ thành thạo tiếng Anh trong xã hội. Vào năm 2015, Việt Nam xếp mức 29/70; vào năm 2020 giảm xuống mức 65/100 quốc gia. Mới nhất là 2024, Việt Nam đạt mức 58/113 quốc gia. Đâu đó chúng ta nằm giữa bảng xếp hạng. Có thể thấy, mặc dù Tiếng Anh ở Việt Nam tăng đáng kể nhưng các nước khác vẫn tăng.

Nếu trước đây có nhiều ngôn ngữ cạnh tranh nhau như tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh,.. thì bây giờ vị thế Tiếng Anh khác hoàn toàn, các nước khác tiếng Anh tăng đáng kể. Chính vì vậy. mặc dù tiếng Anh của Việt Nam cũng tăng, nhưng so với thế giới, vẫn khá là khiêm tốn.

Nếu đi công tác tại Singapore, có thể thấy những bạn trẻ của Singapore nói tiếng Anh cực kỳ xuất sắc, nói rất chuẩn. Điều này cho thấy đây là cuộc đua, tất cả quốc gia đều phải đẩy mạnh tốc độ phát triển của mình. Việt Nam không thể hài lòng với tốc độ phát triển của nước ta, dù đã có nhiều nỗ lực.

Thuận lợi trong việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam là nếu học bộ môn này tốt sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho học sinh và mọi người dân. Theo thống kê của EQuest, những bạn sinh viên trong hệ thống có tiếng Anh lương khởi điểm thường tăng từ 25-50%. Nó có lợi ích rõ ràng trong việc học tiếng Anh.

EQuest cùng nhiều công ty khác đã yêu cầu đầu vào, cũng như bổ nhiệm lãnh đạo phải sử dụng được tiếng Anh. Tất cả những nhân viên mới phải có tiếng Anh mới tuyển dụng. Điều này cho thấy lợi ích của Tiếng Anh, điều bắt buộc của Tiếng Anh trong cuộc sống càng ngày càng tăng. Trước đây, chúng tôi có thể chấp nhận một đoàn làm việc có thể phiên dịch, hoặc dừng lại để phiên dịch, giờ đây chúng tôi yêu cầu không có phiên dịch bởi sẽ tiết kiệm được thời gian làm việc, làm tăng hiệu quả làm việc. Lợi ích của việc cán bộ cần có tiếng Anh là rất rõ ràng.

Từ đó, phụ huynh Việt Nam rất chịu khó đầu tư cho giáo dục. Chính vì vậy, công tác giáo dục, chỉ số giáo dục của Việt Nam cao hơn hẳn các quốc gia khác trong cùng mức độ kinh tế bởi có sự đóng góp to lớn của các bậc phụ huynh, truyền thống giáo dục hiện nay. Trong truyền thống đó, việc chăm chút cho các môn học, đặc biệt môn Tiếng Anh là một trong những môn được đầu tư nhiều. Kết quả phản ánh trong hệ thống trường tư thục của chúng tôi khá rõ, đầu ra tất cả các trường có khối 12 rơi khoảng 9,6 - 9,8/10. Kết quả này phản ánh đúng việc khi đầu tư vào tiếng Anh, kết quả người học sẽ tốt lên.

Trong việc triển khai tiếng Anh, chúng tôi gặp khó khăn và mong muốn khi chiến lược quốc gia tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 được đưa vào thì đâu đó sẽ có những điều kiện triển khai tiếng Anh được nhanh hơn. Hiện tại, các trường tư thục có chương trình song ngữ đi kèm, thực tế sử dụng tiếng Anh trong học tập. Tức là học môn Toán, môn khoa học hay các bộ môn khác bằng Tiếng Anh. Điều này mới giúp cho Tiếng Anh là công cụ học tập và tốt hơn cho quá trình sau này. Khi đưa các chương trình như vậy vào, theo quy định pháp luật hiện hành phải trải qua khá nhiều bước, thông thường mất 1-2 năm để xin phê duyệt để triển khai. Điều mất thời gian, công sức nhiều hơn là cùng chương trình đó triển khai tại trường A, sau đó lại áp dụng chương trình đó tại trường B cùng hệ thống, thì phải bảo vệ lại từ đầu. Điều đó khiến cho công sức và chi phí, thời gian trở nên khó khăn hơn cho các Nhà trường. Nếu ta thay đổi được điều này, như chương trình đã phê duyệt rồi, ta có thể rút ngắn lại. Ta chỉ kiểm tra các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, giáo viên thôi để các thành viên trong hội đồng đỡ tốn công sức khi tham gia vào các nội dung như vậy.

Hiện tại, để có thể phát triển quy mô quốc gia cần có giải pháp mang tính đồng bộ cho các trường công lập và ngoài công lập, để các hệ thống có nền tảng giáo viên tốt.

Cuối cùng, chúng ta mở ra cơ hội để trao đổi. Chúng ta có thể kết hợp 2 bài học lớn của các quốc gia. Đó là học tập Singapore ở chỗ có những chương trình mang tính quốc gia về Tiếng Anh, và học ở Ấn Độ triển khai sử dụng công nghệ để phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn. Khi ta nâng tầm được tiếng Anh ở tất cả các địa bàn, thì toàn bộ hệ thống sẽ được hưởng lợi từ nền tảng đó.

MC: Thưa bà Võ Hồng Hạnh - Giám đốc Marketing & Truyền thông, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), có tiếng Anh tốt sẽ mở ra các cơ hội học tập như thế nào ở bậc đại học cho học sinh và lợi thế cho sinh viên tốt nghiệp?

Võ Hồng Hạnh: Về phối hợp giữa BUV với các trường Trung học phổ thông, BUV chỉ duy trì, đang phối hợp được với các trường trung học phổ thông tư thục, nên vướng mắc của chúng tôi là rất khó để mang mô hình mà chúng tôi đang làm về các trường Trung học phổ thông công lập. Đây cũng là một khó khăn nếu như chúng ta thực sự muốn phổ cập những chương trình tiếng Anh cho học sinh.

Liên quan đến câu hỏi về các cơ hội mà tiếng Anh có thể mở ra thì có thể nói là rất nhiều.

Vo hong hanh_a2.jpg

Nếu như các bạn có tiếng Anh tốt thì các bạn sẽ có rất nhiều cơ hội giáo dục sau Trung học phổ thông, ví dụ như tiếng Anh tốt sẽ mở cho các bạn những cánh cửa đi đến các quốc gia có sử dụng tiếng Anh.

Các quốc gia đứng đầu trên thế giới về giáo dục đều đang sử dụng tiếng Anh, cụ thể là các nước như: Anh, Mỹ, Úc, Canada... Khi mà các bạn có tiếng Anh tốt thì đương nhiên tiếng Anh sẽ trở thành một công cụ giúp cho các bạn có thể tìm được các cơ hội phù hợp các cơ hội liên quan đến học bổng, các cơ hội liên quan đến trao đổi. Và nếu như khả năng của các bạn không cho phép để các bạn có thể đi du học thì tiếng Anh cũng vẫn sẽ mở ra những cơ hội tương tự ngay tại Việt Nam.

Hiện tại, ngoài mô hình đại học quốc tế giống như BUV, cũng có rất nhiều những chương trình đào tạo chất lượng cao ở các trường đại học trong nước hay các chương trình liên kết giữa các trường đại học trong nước với rất nhiều những trường đại học danh tiếng khác trên thế giới thì cũng là những chương trình được đào tạo bằng tiếng Anh.

Nếu như các bạn mà có tiếng Anh tốt thì đây rõ ràng là một cơ hội vô cùng thuận lợi cho các bạn. Đồng thời, có tiếng Anh sẽ tạo cho các bạn lợi thế cạnh tranh.

Tiếng Anh, không chỉ đơn giản là công cụ mà sẽ tạo cho bạn sự nổi trội hơn hẳn so với những bạn khác cùng sở hữu cùng năng lực về tư duy hay là về kiến thức chuyên môn.

Ngoài ra, việc các bạn có tiếng Anh tốt sẽ giúp các bạn có cơ hội làm quen, hòa nhập và từ đó mở rộng mạng lưới của các bạn. Bây giờ chúng ta đang sống trên một thế giới phẳng, không còn có biên giới nữa. Các bạn ở Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để học tập, làm việc và trở thành đồng nghiệp với những người ở các nơi khác ở trên thế giới.

Các bạn ngồi đây, các bạn hoàn toàn có thể làm việc ở tại Singapore, ví dụ như là chúng tôi đã từng có một sinh viên, ngay từ khi là sinh viên năm thứ hai đã có cơ hội thực tập ở Singapore với mức lương 1.000 đô.

Có tiếng Anh không chỉ tạo thuận lợi cho bạn khi đi học mà còn là cơ hội mà khi các bạn đi làm.

Nếu các bạn có tiếng Anh tốt, các bạn sẽ không tự ti khi giao tiếp, các bạn sẽ có cơ hội để mở rộng tư duy.

Tiếng Anh sẽ mở ra được những cơ hội, những cánh cửa để cho các bạn có được cơ hội học tập cũng như làm việc ở các tổ chức hàng đầu, các tổ chức mang tính chất toàn cầu trên thế giới.

Phần 2: Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?

MC: Thưa quý vị và các bạn! Qua chia sẻ về thực trạng dạy và học ngoại ngữ trong trường học Việt Nam của các đại biểu trong Tọa đàm, đã cho chúng ta hiểu rõ hơn về bức tranh dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam hiện nay để nhanh chóng thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về việc: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” để đáp ứng hội nhập quốc tế và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, so với học sinh thành phố thì học sinh vùng khó khăn đang gặp rất nhiều trở ngại trong việc dạy và học tiếng Anh. Thưa bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, theo bà, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần có những chính sách hoặc chiến lược ưu tiên như thế nào để đẩy nhanh thực hiện vấn đề dạy và học tiếng Anh hiện nay tại Việt Nam, nhất là ở các vùng khó khăn?

MaiHoa.jpg

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Để có thể thực hiện được mục tiêu đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, tôi cho rằng vấn đề đầu tiên là chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Bởi vì chúng ta đã có những quy định nhưng chưa đủ. Khi chúng ta quy định Chính phủ quyết định việc quy định dạy ngoại ngữ trong nhà trường, nhưng bây giờ trong Luật Giáo dục phải có quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Đó là câu chuyện liên quan đến hành lang pháp lý.

Về hành lang pháp lý liên quan tới việc nếu chúng ta thực hiện một chương trình phổ thông thống nhất trong toàn quốc, nhưng giả sử có những chương trình như chia sẻ của chị Hồng Hạnh muốn đưa các chương trình từ trường ngoài công lập vào để hỗ trợ cho chương trình dạy ở các trường công lập, thì cơ sở pháp lý, thủ tục như thế nào? Đây đang là những vướng mắc, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Đây sẽ là khâu đầu tiên và phải đột phá.

Yếu tố thứ hai, phải có chính sách và chiến lược, chính sách này không chỉ là đường hướng trong các văn bản mà phải được cụ thể hóa thành các đề án, phải có nguồn lực, không có tiền, chúng ta không thể làm được.

Chúng ta đã đưa ra một quan điểm từ rất lâu giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Quan điểm rất đúng, chủ trương rất hay nhưng khi chúng ta đi vào triển khai thực hiện, rõ ràng là ở mỗi một địa phương tính ưu tiên trong phân bổ nguồn lực, đâu đó người ta lại quan tâm nhiều hơn tới đầu tư cho những con đường, cho những công trình, còn việc đầu tư cho giáo dục sẽ là những ưu tiên sau, chứ không phải là ưu tiên trước.

Vậy muốn để đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, trước hết phải có những đề rất cụ thể. Hiện nay đã có một số đề án, chúng ta đánh giá các đề án ấy như thế nào, rút ra những kinh nghiệm gì và từ đó phải có những đề án mới. Và trong các đề án này, nếu xét đến tính ưu tiên, tôi nghĩ rằng ưu tiên đầu tiên phải là đề án đào tạo đội ngũ giáo viên. Bởi vì thực hiện dạy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai không chỉ đơn thuần là giáo viên dạy ngoại ngữ mà cần có giáo viên dạy song ngữ cho những môn khoa học cơ bản trong nhà trường. Đây mới là cái khó.

Hiện nay ngoài các trường ngoài công lập, các trường công hầu như không có đội ngũ này. Muốn đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, rõ ràng là phải có giáo viên dạy. Điều này phải bắt đầu từ việc đầu tư cho các cơ sở đào tạo giáo viên, chứ không phải là giáo viên phổ thông. Bài toán phải từ các cơ sở đào tạo giáo viên, không chỉ là các trường sư phạm, mà phải mở ra cả các khoa ở các trường đào tạo ngành cơ bản, ra dạy có thể có những kiến thức về toán, về lý, về hóa với các môn khoa học cơ bản và sẽ học thêm ngoại ngữ để người ta có thể trở thành giáo viên dạy trong các nhà trường. Phải có một đề án, có một chiến lược rất rõ, có bước đi chuẩn bị thật kỹ càng để 4 năm sau mới bắt đầu có những khóa đầu tiên ra trường. Đó là yếu tố đầu tiên.

Yếu tố thứ hai, là những đề án liên quan tới cơ sở vật chất, hạ tầng, điều này cũng là bài học của nhiều nước và cũng là bài học kinh nghiệm khi chúng ta triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đưa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường không thể dạy chay, không thể học chay, chúng ta phải có những phòng học bộ môn, những phương tiện, phải đưa công nghệ vào hỗ trợ. Điều này phải có sự đầu tư và phải có tính ưu tiên. Ví dụ những nơi nào xã hội hóa được thì chúng ta khuyến khích xã hội hóa, nhưng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số rõ ràng là phải ngân sách của nhà nước. Ngân sách nhà nước, trung ương như thế nào, địa phương như thế nào cũng phải rất rõ, bởi đưa ra một chủ trương thực hiện đồng loạt trên toàn quốc nhưng các địa phương chưa tự cân đối nguồn thu, nguồn chi, không bao giờ có thể đầu tư các phòng học bộ môn cho dạy ngoại ngữ.

Ưu tiên thứ ba, chính là phải có được những chương trình thiết thực. Chúng ta đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng rõ ràng với chương trình này, muốn đưa dạy ngoại ngữ là ngôn ngữ thứ hai, chúng ta cũng phải tính, bởi vì không thể đồng loạt, không thể ồ ạt tất cả các môn đều dạy song ngữ, vì không có con người, cơ sở vật chất.

Vậy trong lộ trình thực hiện này chúng ta sẽ ưu tiên môn nào trước? Tôi thấy một số chuyên gia tư vấn nên bắt đầu từ các môn khoa học tự nhiên cũng hợp lý. Điều này cũng phải tính và phải có những định hướng, chủ trương cho rõ rệt, không phải là mỗi trường, mỗi địa phương sẽ tìm cách xử lý.

Hiện nay, sau khi Bộ Chính trị ra Kết luận 91, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những khởi động, chuẩn bị. Tôi được biết, trong năm học này, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện thí điểm. Đây là một trong những tin rất tốt và có thể nói là những phản ứng rất nhanh của Thành phố Hồ Chí Minh vì đây là thành phố có điều kiện tốt nhất về các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất và đặc biệt là sự đầu tư của gia đình. Khi ngân sách không đủ, rõ ràng phải có nguồn tiền từ gia đình và tôi cũng thấy một số đại biểu chia sẻ trước, là người Việt chúng ta cũng không ngần ngại chi tiền cho con nếu như khoản chi đấy là thiết thực. Do đó, điều này rất cần để chúng ta có những phương án thí điểm. Thí điểm về cách thức tổ chức, về làm chương trình, thí điểm cả về cơ chế phối hợp giữa các trường ngoài công lập và các trường công lập…

Kể cả về đội ngũ giáo viên, đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong nước, nhưng không chỉ có đào tạo mới mà chúng ta đào tạo lại với mỗi giáo viên như thế nào? Những giáo viên đang dạy các môn học cơ bản ở các nhà trường sẽ có những chương trình bồi dưỡng thêm để họ đi học nâng cao năng lực ngoại ngữ, có thể dạy song ngữ. Tôi cho rằng, khi cải cách chính sách tiền lương hợp lý, không cần tiền của Nhà nước, giáo viên vẫn tự bỏ tiền ra để đi học, bởi vì đó là thiết thực.

Chúng ta cũng nên tính đến phương án thu hút lực lượng giáo viên là người bản ngữ vào Việt Nam để dạy. Đây cũng là một cách để chúng ta bổ sung ngay và luôn đội ngũ giáo viên cần có cho một lộ trình cần gấp. Tuy nhiên, cần phải tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, trong thủ tục để làm sao đưa được đội ngũ giáo viên người nước ngoài vào dạy. Hiện nay chúng tôi đang trong lộ trình triển khai để xây dựng và thông qua dự án Luật Nhà giáo, mở ra những cơ chế, những quy định để hợp thức hóa dần đội ngũ giáo viên người nước ngoài vào tham gia dạy tại Việt Nam.

Cuối cùng, phải có những đề án cải cách thi cử. Tôi thấy các đại biểu cũng đã đề cập về vấn đề này, là người Việt, học trò hay thi thế nào thì học thế đấy, ngay cả cách dạy của các thầy cô giáo, thi thế nào thì dạy thế đấy. Nếu như chúng ta cải cách hình thức thi, phương thức thi, phương thức tuyển dụng vào các trường đại học, chúng ta sẽ thấy ngay là sẽ điều chỉnh ngay được cách dạy và cách học ngoại ngữ, điều này vô cùng quan trọng.

Tôi cho rằng cải cách thi cử là một vấn đề phải tính để có được sự đồng bộ trong tất cả giải pháp, trong tất cả bước đi để chúng ta có thể thực hiện tốt, thực hiện hiệu quả chủ trương đưa tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

MC: Thưa GS. Trần Văn Nhung, ông có đề xuất chiến lược nào có thể áp dụng để cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tại những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa?

GS Trần Văn Nhung: Tôi đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì toàn bộ cái khó sẽ nằm ở vùng khó. Tất cả chiến lược này thành hay bại phụ thuộc vào vấn đề chúng ta thực hiện ở các vùng khó khăn thế nào.

IMG_9978.jpg

Đơn cử, ở thành phố lớn như Hà Nội, tiếng Anh có thể được xem là ngôn ngữ thứ hai tại trường học, nhưng ở các tỉnh vùng cao, vùng khó, có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, tiếng Việt còn chưa thạo nên đầu tiên phải học tiếng Việt, sau đó đến tiếng dân tộc của họ, tiếng Anh đứng ở vị trí thứ ba.

Bên cạnh đó, theo tôi, chúng ta phải chấp nhận “mô hình khí động học” hay “mô hình mũi tên nhọn”, không thể dàn hàng ngang để cùng tiến lên trong giáo dục thì hệ thống mới phát triển được. Chương trình quốc gia về từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, muốn phát triển được, phải có người đi trước. Ngay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng cần người đi trước và khu vực vùng sâu, vùng xa cũng cần người đi trước.

Cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội. Chương trình, sách giáo khoa, thi cử môn tiếng Anh đối với các trường ở thành phố lớn, các tỉnh có điều kiện sẽ thuận lợi hơn, có thể được nâng cao hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở miền núi, có đồng bào dân tộc.

Cần có sự phân tầng, cần cho phép và có những chính sách để các nơi có thể “tự thân vận động”. Trước đây, chúng ta có rất nhiều chương trình, chính sách, chiến lược nhưng không nằm trong sự đồng bộ và quan trọng nhất là chưa kích thích vào lợi ích để các nơi có thể “tự thân vận động”.

Chúng ta nên đi theo phương châm “mũi tên, hòn đạn”, tức là phải có người đi trước. Người giỏi phải trước, họ sẽ tìm ra các cách để phát triển và sau đó có thể quay về giúp cho cộng đồng, kéo cả “đoàn tàu” đi lên. Sau này, các địa phương phát triển, đã làm tốt có thể thường xuyên xuống những vùng khó khăn để giúp đỡ, cả giúp đỡ trực tiếp và qua các phương thức trực tuyến.

Ở các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, họ có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai dạy và học tiếng Anh hiệu quả tại các vùng khó khăn. Tôi cho rằng, những kinh nghiệm quốc tế cũng sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc giúp đồng bào tại các khu vực vùng sâu, vùng xa hiện nay.

MC: Thưa PGS.TS. Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, bà có thể chia sẻ những mô hình thành công trong việc đưa một ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai ở các quốc gia khác không? Những xu hướng quốc tế nào có thể được áp dụng tại Việt Nam? Với kinh nghiệm quản lý về việc đào tạo ngoại ngữ, theo bà việc đầu tư nguồn lực như thế nào để đạt hiệu quả trong việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay ở Việt Nam để cân bằng các vùng miền trên cả nước?

IMG_9996.jpg

Một số quốc gia mô hình thành công trong việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Ngôn ngữ thứ hai là thuật ngữ được sử dụng để mô tả ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ nhưng lại được sử dụng rộng rãi ở một quốc gia, cộng đồng. Một ngôn ngữ được coi là ngôn ngữ thứ hai khi nó đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, trong học tập, công việc, giao tiếp chính thức của một cộng đồng, quốc gia.

Ngôn ngữ thứ hai có 4 đặc điểm: Được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như giáo dục, truyền thông, chính phủ, hoạt động xã hội; Được sử dụng hàng ngày trong giao tiếp xã hội; Không phải tiếng mẹ đẻ; Có những chính sách hỗ trợ và phát triển song song với tiếng mẹ đẻ.

Với các quốc gia thành công như: Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Philippines… Với Singapore, tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ Mã Lai, người Hoa trong cộng đồng của họ rất nhiều, nhưng Singapore ban đầu tiếng Anh là ngoại ngữ nhưng Chính phủ Singapore nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh với việc thúc đẩy kết nối quốc tế và giao lưu kinh tế nên quyết định tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, dần đưa tiếng Anh vào giáo dục. Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong trường học. Đồng thời là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong hệ thống Chính phủ cũng như các cơ quan của Singapore. Tiếng Anh của Singapore giờ đây không còn sắc thái riêng nữa. Malaysia, Philippines từ truyền thống đã sử dụng tiếng Anh trong Chính phủ, nhưng bên cạnh yếu tố lịch sử (vốn là thuộc địa Anh) thì người ta nhận thấy tiếng Anh có tầm quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối quốc tế nên đặt ra chính sách đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Không thể học tập nguyên mô hình nước nào mà chắt lọc trong đấy điểm phù hợp tình hình thực tiễn để đưa vào học tập, xây dựng chính sách.

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai cần từng bước, không nóng vội. Tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội có truyền thống rồi nhưng còn có trường THCS Ngoại ngữ. Ngay sau khi có Kết luận 91, trường đã có đề án xây dựng tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại trường. Tức là chọn một trường có điều kiện thuận lợi để thí điểm. Hiện nay, việc tập huấn giáo viên đã bước đầu triển khai bước đầu tiên, sau đó đưa tiếng Anh trở thành sự thân thuộc trong hoạt động hàng ngày của trường. Hay trong lễ khai giảng vừa rồi, 2 MC là học sinh một bạn nói tiếng Việt, một bạn nói tiếng Anh. Đúng như tinh thần “hòn tên mũi đạn”, ai ở môi trường thuận lợi thì tiên phong, “đóng gói” nó thành mô hình, tiếp tục lan tỏa.

Khi đầu tư nguồn lực đầu tiên là phát triển đội ngũ, chính sinh viên tại các trường Sư phạm và các trường khoa học cơ bản, tương đương với hai nhóm: Sinh viên trở thành giáo viên ngoại ngữ và sinh viên nhóm Toán, Văn… Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học không phải là trường phổ thông mà là trường đại học, phải thấm nhuần, có chương trình đào tạo toàn bộ bằng tiếng Anh. Như thế chúng ta sẽ có những thế hệ sinh viên. Tức là có chính sách, lộ trình, đầu tư phù hợp vào đối tượng sinh viên thì sẽ từng bước tạo đà để chúng ta từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Còn với trường vùng sâu vùng xa chưa nên đặt nặng vấn đề. Chỉ cần dạy và học tiếng Anh ở đó như một ngoại ngữ, giúp tốt cho người học tiếp cận, yêu thích tiếng Anh là đã thành công rồi, chưa nhất thiết yêu cầu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai.

Khi đặt ra vấn đề đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai cần mô tả tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học như thế nào, chia các cấp độ khác nhau… sau đó có lộ trình, kế hoạch cụ thể.

MC:Theo các vị khách mời, trong thời đại công nghiệp 4.0, AI phát triển như hiện nay thì việc dạy và học tiếng Anh thay đổi như thế nào? Làm thế nào để giáo viên có thể kết hợp công nghệ để nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh? Và, làm thế nào để việc áp dụng công nghệ để hỗ trợ việc học tiếng Anh ở vùng khó khăn, ngay cả khi cơ sở hạ tầng hạn chế như hiện nay?

- Xin được lắng nghe ý kiến từ PGS.TS. Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS.TS. Hà Lê Kim Anh: Tôi cho rằng, điều quan trọng bây giờ là chúng ta “đi bằng hai chân”, nghĩa là nâng cao đồng thời năng lực về công nghệ thông tin và năng lực ngoại ngữ. Biết cách tận dụng công nghệ trong việc dạy và học ngoại ngữ sẽ giúp thúc đẩy chất lượng, tăng thêm hứng thú của người học ngoại ngữ. Chúng ta có vô số cách thức nhưng đối với giáo viên phổ thông nên có tập huấn sử dụng nền tảng công nghệ đưa vào trường học. Đứng ở góc độ phát triển năng lực của giáo viên, đây là điều cần làm để giúp giáo viên tận dụng công nghệ, làm chủ công nghệ. Tất nhiên việc này phải làm từng bước.

Nói chung, với xu hướng này, cần xác định công cụ, nền tảng hỗ trợ giáo viên và tiến hành tập huấn cho giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ AI trong giảng dạy.

MC: Thưa bà Võ Hồng Hạnh - Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), trong thời đại công nghiệp 4.0, AI phát triển như hiện nay thì việc dạy và học tiếng Anh thay đổi như thế nào?Làm thế nào để giáo viên có thể kết hợp công nghệ để nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh? Và, làm thế nào để việc áp dụng công nghệ để hỗ trợ việc học tiếng Anh ở vùng khó khăn, ngay cả khi cơ sở hạ tầng hạn chế như hiện nay? Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Võ Hồng Hạnh: Hiện giờ BUV đang có những bài kiểm tra năng lực tiếng Anh cho học sinh của mình, tức là học sinh giống như là mong muốn vào BUV các bạn sẽ phải thỏa mãn điều kiện đầu vào là tương đương với Ielts 6.0. Tuy nhiên, nếu như học sinh ở các khu vực không phải là ở Hà Nội, không có điều kiện đến để làm bài kiểm tra đó tại BUV thì chúng tôi cũng đang có những bài kiểm tra online. Các bạn ngồi ở đâu các bạn cũng có thể làm bài kiểm tra online được.

Khi test khả năng nghe và nói sẽ có một video call và bài kiểm tra này của các bạn sẽ được chấm bởi AI. Đương nhiên là bài nói sẽ do giảng viên trực tiếp chấm, nhưng mà bài làm của các bạn sẽ chấm online. Điều này sẽ tạo thuận lợi rất là lớn vì không phải bạn nào cũng có cơ hội để đến tận trường, để làm bài kiểm tra. Thế nên là đây cũng là một cách mà giúp cho chúng ta tiết kiệm được nguồn lực triển khai về kiểm tra năng lực tiếng Anh.

IMG_0031.jpg

Chúng ta có thể nhân rộng mô hình này để giúp cho những khu vực ở xa xôi hơn cũng có một cơ hội tiếp cận không chỉ là kiểm tra mà còn học tập.

Có rất là nhiều những công cụ online mà hiện giờ đang được cung cấp hoàn toàn miễn phí để cho giáo viên của chúng ta có thể sử dụng để tương tác cũng như làm cho bài giảng của mình mang tính ứng dụng cũng như là có độ tương tác cao hơn, từ đó giúp cho học sinh có hứng thú nhiều hơn trong việc học ngoại ngữ vì điều này rất là quan trọng.

Như chúng ta luôn luôn nói từ đầu tới giờ, làm sao để thay đổi được nhận thức và tư duy của học sinh chứ không phải câu chuyện là học tiếng Anh, nó không phải là học để đối phó hoặc lấy điểm cao mà đây là một kỹ năng có thể gọi là kỹ năng sinh tồn.

Khi mà các bạn có được một ngoại ngữ tốt thì việc khơi gợi được nền tảng hứng học tập đó bằng những công cụ trực quan, bằng những công nghệ mà đang được cung cấp hoàn toàn miễn phí này sẽ giúp ích cho các thầy cô rất nhiều trong việc là tạo ra những bài giảng hấp dẫn và làm cho học sinh khi mà học những bài giảng đó các em luôn luôn có được niềm yêu thích để mà học tiếng Anh chứ nó không chỉ đơn giản là học để trả bài.

Và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những công cụ này với giáo viên, với các trường trung học phổ thông khi mà tiếp cận cũng như là tổ chức những khóa tập huấn cho các thầy cô trong câu chuyện là dùng các công cụ này như thế nào cho nó hiệu quả.

Các giáo viên của chúng ta đã từng được đào tạo nhưng tuy nhiên bây giờ công tác này thay đổi liên tục và đôi khi chúng ta cũng cần phải được đào tạo lại, được tiếp nhận những kiến thức mới.

Việc đồng hành cùng với cả đội ngũ giáo viên để giúp cho các thầy cô nâng cao năng lực giảng dạy, đặc biệt là giảng dạy tiếng Anh ở trong môi trường trung học cơ sở, trung học phổ thông là rất quan trọng.

Ngoài ra, tôi nghĩ là với việc sử dụng công nghệ để giúp cho việc đưa ngôn ngữ tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là không dễ.

Làm như thế nào để có thể đưa được tiếng Anh về những vùng khó khăn không phải là Hà Nội, không ở Thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng lại phải quay lại câu chuyện làm sao để tăng được tư duy và nhận thức của các bạn về trình độ tiếng Anh.

Ví dụ như BUV chúng tôi đã có một bạn học sinh giành được học bổng 100% đến từ trường trung học phổ thông dân tộc nội trú ở Nghệ An, em tên là Ốc Thị Quỳnh Anh và là người dân tộc. Đến với BUV trình độ tiếng Anh của bạn rất là cơ bản thôi, nhưng mà em rất là nỗ lực để nói tiếng Anh trong một cuộc phỏng vấn.

Tại cuộc phỏng vấn đó vì chúng tôi biết là bạn có hoàn cảnh rất đặc biệt, chúng tôi có đề nghị là nếu cần em có thể nói tiếng Việt để em thể hiện được hết những ý tưởng của em. Nhưng em đề xuất luôn từ đầu cho em được phép nói tiếng Anh, mặc dù tiếng Anh của em rất hữu hạn, như vậy để thấy được, từ tư duy của bạn đã nhận ra rằng tiếng Anh sẽ giúp cho bạn thay đổi cuộc đời. Thế nên, bạn đã rất nỗ lực, đã rất đầu tư để học tiếng Anh mặc dù tiếng Anh của bạn chưa hoàn chỉnh.

Dù bạn ở đâu bạn phải có tư duy đúng về việc học tiếng Anh bạn mới thay đổi được, nếu không thì chỉ là học cho có, học để trả bài.

Với những hạn chế ở những vùng khó khăn, làm thế nào để tiếp cận cho các bạn những công cụ công nghệ chắc chắn sẽ rất khó.

Vì vậy, cần phải có một chính sách bài bản đi từng bước để giúp cho những phương tiện hay những lộ trình như vậy có thể tiếp cận được một cách đầy đủ và đúng.

MC:Xin hỏi TS. Đàm Quang Minh, trong thời đại công nghiệp 4.0, AI phát triển như hiện nay thì việc dạy và học tiếng Anh thay đổi như thế nào? Làm thế nào để giáo viên có thể kết hợp công nghệ để nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh? Và, làm thế nào để việc áp dụng công nghệ để hỗ trợ việc học tiếng Anh ở vùng khó khăn, ngay cả khi cơ sở hạ tầng hạn chế như hiện nay?

TS. Đàm Quang Minh: Tôi xin chia sẻ câu chuyện năm 2023, tập đoàn EQuest có chương trình đào tạo 4.000 học sinh của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) về dạy môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, với sự đồng hành của giáo viên EQuest và 146 giáo viên tiếng Anh của các trường.

Chương trình đã đạt được kết quả khả quan, với 70% học sinh hoàn thành môn Khoa học bằng tiếng Anh, 77% học sinh hoàn thành môn Toán bằng tiếng Anh. Mặc dù là phương pháp lần đầu tiên áp dụng, cách làm hoàn toàn bằng phương thức online, nhưng kết quả đạt được rất đáng khích lệ.

Chúng ta từng nghĩ rằng việc triển khai tại vùng sâu vùng xa, cho học sinh dân tộc nội trú - nơi tiếng Việt không phải tiếng mẹ đẻ sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nếu nghiên cứu nghiêm túc, có đầu tư một cách hợp lý, việc này không phải không làm được.

Sau đề án này, tập đoàn Equest chúng tôi có kiến nghị về việc cần mạnh dạn có những mô hình trường song ngữ. Chúng ta phải quy định thế nào là trường song ngữ, và phải có hành lang pháp lý cho các trường song ngữ. Chương trình song ngữ sẽ đi vào các hoạt động của nhà trường, đón nhận sinh viên từ các nước đến tham gia với mình, đồng thời, có thể gửi học sinh Việt Nam đi học ở quốc tế. Đây mới thực sự là trường song ngữ.

Với địa bàn thuận lợi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc trung ương, cần một số trường tư thục hoặc công lập tiên phong theo mô hình song ngữ.

Hiện nay, có khá nhiều chương trình phối hợp với các trường công lập, dạy Toán hoặc Khoa học bằng tiếng Anh. Tôi cho rằng mô hình này nên được khuyến khích. Tuy nhiên, theo khung pháp lý hiện tại mới chỉ đưa được vào 2 tiết/tuần. Con số này là quá ít, chưa giải quyết được bài toán căn bản. Rất mong có khung pháp lý để đưa được những chính sách xã hội hóa vào, phát huy nguồn lực xã hội, phát triển được việc dạy song ngữ, dạy các môn Toán, Khoa học, các môn Tự nhiên bằng tiếng Anh.

Để triển khai tốt vấn đề trên cần có khoảng thời gian hợp lý. Theo tôi, cần tăng lên 4-6, thậm chí 8 tiết/tuần cho những môn Toán hoặc Khoa học dạy bằng tiếng Anh.

Rào cản chính là về khung pháp lý do mỗi địa phương có khung pháp lý khác nhau nên chưa đồng bộ. Rào cản thứ hai liên quan đến khung thời lượng, hiện tại chỉ có thể tối đa 2 tiết/tuần, là số lượng quá ít. Do đó, cần có thêm nghiên cứu về vấn đề này.

MC: ThưaTS. Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD - ĐT quận Ba Đình, Hà Nội, trong thời đại công nghiệp 4.0, AI phát triển như hiện nay thì việc dạy và học tiếng Anh thay đổi như thế nào? Làm thế nào để giáo viên có thể kết hợp công nghệ để nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh? Và, làm thế nào để việc áp dụng công nghệ để hỗ trợ việc học tiếng Anh ở vùng khó khăn, ngay cả khi cơ sở hạ tầng hạn chế như hiện nay?

TS. Lê Đức Thuận: Trước hết tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao với ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của các đại biểu tham gia tọa đàm hôm nay. Với vai trò của cơ quan quản lý cấp địa phương, đặc biệt ở địa bàn đặc thù với đa số cơ sơ giáo dục công lập, tôi xin chia sẻ một số ý kiến như sau:

Về thách thức, tôi thấy có hai câu chuyện khá rõ nét. Thứ nhất là thách thức về chiến lược và chính sách. Tôi nhất trí với ý kiến của TS Đàm Quang Minh, thách thức lớn nhất trong việc đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học, là cần xây dựng chiến lược quốc gia về việc này. Trong đó phải chỉ rõ tầm nhìn, mục tiêu, chỉ tiêu và lộ trình.

Ở góc độ cơ sở, chúng tôi thấy rằng, hiện nay khi cả đất nước và ngành giáo dục đang hội nhập quốc tế nhanh, cũng như chuyển đổi số mạnh mẽ, lại càng cần những chính sách đặc biệt hơn đối với giáo viên tiếng Anh, giáo viên tin học. Vì thực tế hiện nay công tác tuyển dụng rất khó, kể cả quận Ba Đình, chưa kể các tỉnh địa bàn khó khăn có lẽ càng phải có chính sách đặc biệt hơn.

Thứ hai là đối với cán bộ cấp quản lý, là thủ trưởng đơn vị, người dẫn đầu tập thể thử hỏi nếu kém Tiếng Anh thì làm sao họ quyết tâm đưa ngôn ngữ ấy trở thành thứ hai trong giảng dạy!? Bây giờ các địa phương đang tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó, các quy định về ngoại ngữ và tin học đã rất thông thường. Nhưng nếu có chiến lược, chúng ta phải quy định cao hơn, ngặt nghèo và thực chất hơn.

Đầu tiên, người đứng đầu phải nói được tiếng Anh trong tại trường học của mình. Tiếp đó là vấn đề sử dụng trong các hoạt động chính thống và hoạt động hàng ngày, giao tiếp… tôi thấy câu chuyện này đang có khoảng trống.

Như một số đại biểu chia sẻ, nếu tiêu chí được sắp xếp linh hoạt theo mức độ 1-2-3, các trường sẽ dễ dàng tự đánh giá và tiến tới được công nhận. Ở đây, tôi xin được nhấn mạnh về câu chuyện này là phải có một bộ tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và phải có kiểm định, tự đánh giá, đánh giá ngoài công nhận.

Thứ hai là thách thức từ thực tiễn. Nghị quyết 29 đã khẳng định ưu tiên nguồn lực cho giáo dục, nhưng trên thực tế câu chuyện tuyển dụng giáo viên đang không dễ dàng, rồi vấn đề môi trường để thực hành tiếng Anh. Rõ ràng, tiếng Anh khác xa công nghệ thông tin. Ai cũng thấy hiện nay công nghệ đã xâm nhập vào tất cả chúng ta, từ người già đến trẻ nhỏ đi chợ, buôn bán... tất cả chỉ qua 1 chiếc điện thoại thông minh.

Còn với tiếng Anh, nhiều người chất vấn: học để làm gì, vì có bao giờ dùng đến tiếng Anh đâu? Đó chính là câu chuyện kiến tạo môi trường! Tôi xin được chia sẻ như vậy để thấy rằng, toàn hệ thống chính trị cần làm ngay, không thể cào bằng nhưng cũng phải phân loại, phân bậc cụ thể; vừa vĩ mô nhưng cũng phải chi tiết cho từng bước.

MC:Thưa quý vị và các bạn! Tại buổi Tọa đàm “Làm thế nào để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học? ngày hôm nay, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thầy, cô giáo đưa ra cho chúng ta thấy phần nào bức tranh về quy mô dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay và giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị. Đặc biệt quan tâm tới học sinh vùng khó khăn.

Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn quý vị khách mời đã tham dự chương trình. Hẹn gặp quý vị trong các chương trình tiếp theo.

1.jpg

Ngày 12.8, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".


Về vấn đề đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Kết luận 91 nêu rõ: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.


Trong 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy, học ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt ở các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, các thành phố lớn. Cùng với việc phát triển về quy mô, chất lượng trong việc dạy và học cũng tăng lên, thể hiện ở sự đa dạng, phong phú trong cách người học, người dạy tiếp cận.

Mặc dù được quan tâm, chú trọng nhưng trong quá trình triển khai, việc dạy, học ngoại ngữ tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức người dạy, học; khó khăn về thiếu giáo viên và chất lượng đội ngũ giảng dạy; hạn chế tiếp cận do vùng miền; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học;…


Các chuyên gia cho rằng, việc đưa tiếng Anh dần trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường bước đầu sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, không phải là không khả thi bởi những nền tảng pháp lý, hiệu quả thực tế cùng với sự đầu tư về chuyên môn và cơ sở vật chất cũng là nền tảng tốt để thực hiện chủ trương có ý nghĩa lớn này.


Trong bối cảnh nói trên, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?” với mong muốn ghi nhận ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý về thực trạng hoạt động dạy và học tiếng Anh tại các trường học ở Việt Nam hiện nay.


Đồng thời, đề xuất giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận 91 của Bộ Chính trị.

Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô
Giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô

Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ chuỗi dự án vì cộng đồng “Một Triệu Bữa Cơm Có Thịt”, tại trường Tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, Lạng Sơn, CHIN-SU đã phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo Vùng cao và các nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp mang đến “chảo cơm có thịt khổng lồ”. Đây là một hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tiếp sức học trò và tiếp lửa thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đạo làm thầy
Giáo dục

Đạo làm thầy

Mỗi người chúng ta đã một thời là học trò và cũng có người đã là thầy. Những người làm thầy, dù mới ra trường hay đã có mấy chục năm trong nghề vẫn bâng khuâng nhớ tới những kỷ niệm của tuổi học trò, nhớ tới những người thầy với tất cả tình cảm thiêng liêng, trân quý và biết ơn sâu lắng nhất.

Bức thư viết tay xúc động của cô giáo vùng cao gửi đồng nghiệp nơi đảo xa
Giáo dục

Bức thư viết tay xúc động của cô giáo vùng cao gửi đồng nghiệp nơi đảo xa

"Giữa chốn ngút ngàn trùng khơi quanh năm chập chùng sóng vỗ, em biết anh chị đã phải đương đầu với khó khăn thử thách, những thiếu thốn tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày như nước ngọt, điện thắp sáng... nhưng em biết rằng, anh chị vẫn kiên trì bám đảo để tiếp tục ươm mầm xanh cho nơi vùng biển mặn mòi xa xôi của Tổ quốc".

ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Chamaléa Thị Thủy phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
Quốc hội và Cử tri

Quan tâm trước đến đến nhà giáo làm việc ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn

Thảo luận tại hội trường sáng nay, 20.11 về dự án Luật Nhà giáo, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Chamaléa Thị Thủy thống nhất với chủ trương luôn xem giáo dục là quốc sách trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước; việc chăm lo về chế độ, chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng. Đồng thời, đại biểu cho rằng quan tâm trước đến đội ngũ nhà giáo đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; giáo viên mầm non; giáo viên dạy cho các đối tượng khuyết tật.

Đắk Lắk: Sôi nổi hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam
Địa phương

Đắk Lắk: Sôi nổi hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Hướng tới kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, văn hóa, văn nghệ, tạo sân chơi thiết thực, ý nghĩa và bổ ích nhằm tôn vinh, tri ân công lao của các thầy, cô giáo, tăng cường tình cảm gắn kết giữa thầy và trò.