Tọa đàm góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

- Thứ Tư, 13/05/2020, 18:44 - Chia sẻ
Chiều 13.5, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm góp ý kiến với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chủ trì Tọa đàm.

Theo chương trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới. 

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe, thảo luận về Những nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật; một số ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tại dự án Luật; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm, có hành vi vi phạm pháp luật hành chính nhiều lần; thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, môi trường, an toàn thực phẩm. Các đại biểu cũng nghe, thảo luận, đóng góp ý kiến nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến thủ tục xử phạt vi phạm hành chính tại điều 58, 64 và 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy…

Về nội dung mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, qua nghiên cứu dự thảo Luật và so sánh với quy định pháp luật hiện hành, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi mức phạt tiền tối đa theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực và bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực là phù hợp. Điều này bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế-xã hội hiện nay, đồng thời bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm hành chính. Để hoàn thiện hơn, một số ý kiến đề nghị, về mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, cần tăng mức phạt tiền tối đa từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Vì thực tiễn cho thấy, việc xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong thời gian qua chưa bảo đảm yêu cầu răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.


Quang cảnh Tọa đàm

Về mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đề nghị bổ sung quy định tăng mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực này từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Vì thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua cho thấy, mức phạt tiền tối đa đối với nhiều hành vi trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Có khá nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực này gây bức xúc trong dư luận, là tiền đề phát sinh tội phạm, có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, như hoạt động xâm phạm về an ninh quốc gia; "tín dụng đen"; vay tiền qua mạng; hoạt động siết nợ; đòi nợ thuê; tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự... Do đó, cần có mức phạt đủ sức răn đe nhằm bảo đảm yêu cầu xử lý nghiêm và phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật...

Để bảo đảm đồng bộ với quy định về mức phạt tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, một số ý kiến đề nghị, cần bổ sung, sửa đổi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh (từ cấp Trưởng phòng trở xuống) có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo các vi phạm hành chính được xử lý kịp thời; hạn chế việc cấp dưới phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính lên cấp trên ra quyết định xử phạt, dẫn đến tình trạng dồn việc lên cơ quan cấp trên, khó bảo đảm thời gian giải quyết vụ việc vi phạm hành chính. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại khỏa 3, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho một số chức danh có thẩm quyền xử phạt, như Trạm trưởng, Đội trưởng…

Tin và ảnh: Hồ Long