Toạ đàm giải quyết tranh chấp trực tuyến

- Thứ Ba, 30/03/2021, 12:41 - Chia sẻ
Ngày 30.3, tại Hà Nội, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức Tọa đàm giải quyết tranh chấp trực tuyến và giới thiệu nền tảng hòa giải trực tuyến. Toạ đàm là dịp cộng đồng doanh nghiệp, luật sư, hòa giải viên và các chuyên gia có góc nhìn rõ hơn về xu hướng giải quyết tranh chấp trực tuyến đồng thời cập nhật nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến mới nhất.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIAC Vũ Ánh Dương, chia sẻ rằng sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông đã ảnh hưởng và làm thay đổi căn bản cách thức chúng ta thực hiện các hoạt động trong đời sống kinh tế, xã hội. Xu hướng dịch chuyển số nêu trên có thể thấy rõ nét qua việc hàng loạt sản phẩm ứng dụng công nghệ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày ra đời, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cũng năm bắt và tiến hành chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích nghi và tận dụng được ưu điểm mà số hóa mang lại.

Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Mai phát biểu tại tọa đàm

Với bản chất là một loại hình dịch vụ phục vụ giải quyết tranh chấp thương mại, hòa giải thương mại cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng nói trên. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp được đánh giá là hướng đi tối ưu, phù hợp. Là phương thức có nhiều ưu điểm vượt trội, hòa giải thương mại dễ dàng hấp thụ các tiến bộ của khoa học công nghệ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng; hay nói theo thuật ngữ của thời đại kinh tế số hiện nay, là “nâng cao trải nghiệm người dùng” hòa giải.

Tại toạ đàm, nhiều chuyên gia pháp lý, công nghệ thông tin cho rằng: để có thể triển khai phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến nói chung và hòa giải trực tuyến nói riêng, bên cạnh điều kiện cần - “mở cửa” khung pháp lý về giải quyết tranh chấp trực tuyến, phải hội tụ thêm điều kiện đủ - sự nỗ lực của các tổ chức có tiềm năng cung cấp giải pháp giải quyết tranh chấp trực tuyến và sự cởi mở trong quan điểm, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, luật sư và các nhóm người dùng tiềm năng.

Các khách mời tham gia tọa đàm

Cũng tại toạ đàm này, VMC đã giới thiệu nền tảng hòa giải trực tuyến MedUp nhằm cung cấp thêm một mô hình giải quyết tranh chấp hiệu quả về thời gian, chi phí với sự ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số. Đây là một trong số ít các nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến thay thế tại Việt Nam tính tới thời điểm này. Với việc phát triển MedUp, VMC hy vọng có thể cung cấp giải pháp công nghệ đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C, bao gồm các tranh chấp tín dụng, các tranh chấp thông qua sàn thương mại điện tử) thông qua hòa giải trực tuyến, từ đó mở rộng ra trở thành công cụ thu hẹp khoảng cách tiếp cận công lý đối với cả các tranh chấp ngoại tuyến khác – thay vì chỉ giới hạn đối với lĩnh vực thương mại điện tử.

Vậy nhưng để hòa giải trực tuyến nói riêng hay hòa giải thương mại nói chung được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận rộng rãi và phát huy hiệu quả của mình, giúp giải quyết các tranh chấp một cách nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho xã hội thì thực sự cần, đầu tiên, là sự chung tay của các bộ, ngành liên quan, trước hết Bộ Tư pháp; các tổ chức như Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, luật sư…; đồng thời sự phát triển đầy đủ của các chỉ số thương mại điện tử khác, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới các trao đổi trên không gian mạng; chữ ký điện tử hay định danh và xác thực điện tử.

Phùng Hương