Thời gian qua, một số văn bản hướng dẫn về trích lập và sử dụng Quỹ đã được ban hành song còn nhiều điểm bất cập, dẫn đến tỷ lệ trích lập Quỹ rất thấp và việc sử dụng Quỹ gặp nhiều vướng mắc, không đạt được hiệu quả như mong đợi. Số doanh nghiệp trích Quỹ vẫn thấp, chỉ chiếm 0,02% tổng số doanh nghiệp và tỷ lệ giải ngân cũng chưa đạt 40%.
Trước thực tế này, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành phải “giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”. Lãnh đạo Quốc hội đã giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo dõi, giám sát việc thực hiện nội dung này.
Đến nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành giám sát bước đầu; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã ban hành hai Thông tư về hướng dẫn sử dụng Quỹ và hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ, thay cho những văn bản trước đây. Trong bối cảnh như vậy, để thảo luận về sứ mệnh của Quỹ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để giải phóng tối đa nguồn lực Quỹ, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”.
Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm:
- Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
- PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Khóa XIII - ông Lĩnh tham gia tọa đàm này với tư cách chuyên gia độc lập;
- GS. TS Phạm Bảo Dương, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
- Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế;
- Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel;
- Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Trưởng phòng nghiệp vụ 4, Cục tài chính doanh nghiệp , Bộ Tài chính.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng - Nguyên Phó Tổng biên Báo Đại biểu Nhân dân: Khoa học công nghệ vừa là động lực, vừa là mục tiêu để cải thiện sức cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận
Kính thưa các vị đại biểu!
Thay mặt ban lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân, tôi xin trân trọng chào mừng và cảm ơn các quý vị đại biểu đã dành thời gian tham gia buổi tọa đàm hôm nay!
Như chúng ta biết, cùng với lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên…, khoa học - công nghệ là một nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Với doanh nghiệp, khoa học công nghệ đóng vai trò không thể thiếu trong tiến trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện sức cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận.
Chính vì thế, từ năm 2008, tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và sau đó là Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, đã quy định về Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản có nội dung hướng dẫn về trích lập và sử dụng Quỹ. Tuy vậy, một số quy định chưa tương thích, chưa đồng bộ; chưa phù hợp với thực tế… dẫn đến tỷ lệ trích lập Quỹ rất thấp và việc sử dụng Quỹ gặp nhiều vướng mắc, không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Vì vậy, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội yêu cầu: “Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”.
Tiếp đó, lãnh đạo Quốc hội đã giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo dõi, giám sát việc thực hiện nội dung này.
Thời gian qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ đã tiến hành giám sát bước đầu việc thực hiện quy định pháp luật về nội dung chi và sử dụng Quỹ. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã ban hành hai Thông tư mới hướng dẫn sử dụng Quỹ và hướng dẫn nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập, sử dụng Quỹ.
Trong bối cảnh như vậy, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp” nhằm nhận diện những kết quả đã đạt được và những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện quy định pháp luật về nội dung chi và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Cùng với đó, giới thiệu các chính sách mới, nổi bật về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ và tiếp tục ghi nhận ý kiến của các cơ quan liên quan và đại diện doanh nghiệp đề xuất những giải pháp để giải phóng tối đa nguồn lực của Quỹ.
Tọa đàm cũng nhằm phản ánh tiến trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về nội dung này đồng thời ghi nhận nỗ lực của các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội giao.
Những ý kiến trao đổi tại tọa đàm hôm nay chắc chắn sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhằm giải phóng nguồn lực tại Quỹ, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Một lần nữa, thay mặt Ban lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân, tôi xin cảm ơn các vị đại biểu đã nhận lời tham dự tọa đàm! Chúc các đại biểu và các đồng nghiệp dự tọa đàm hôm nay sức khỏe và hạnh phúc! Chúc tọa đàm thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!
Sứ mệnh của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Lắng nghe về vai trò, sứ mệnh của Quỹ Khoa học công nghệ
Kính thưa quý vị đại biểu!
Trước khi thảo luận về kết quả thực hiện quy định pháp luật về Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, chúng ta cùng nhìn nhận lại “sứ mệnh” của Quỹ này.
Điều 63 của Luật Khoa học, công nghệ đã quy định rất rõ về nội dung này, từ việc khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước thành lập Quỹ Phát triển khoa học công nghệ ở doanh nghiệp; quy định rất cụ thể về tỷ lệ trích lập đối với 2 loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Nhiều luật khác cũng đã quy định các nội dung chi tiết về Quỹ này. Ví dụ như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Chuyển giao công nghệ và một số Thông tư, Nghị định... Thời gian vừa qua cũng đã phát huy được tác dụng của Quỹ; nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng cũng đã thành công qua việc sử dụng Quỹ.
Vậy trong tọa đàm hôm nay sẽ lắng nghe thêm về vai trò, sứ mệnh của Quỹ Khoa học công nghệ ngay từ khi được thành lập.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp ngoài nhà nước thành lập Quỹ. Thưa ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, sự ra đời của Quỹ này nhằm mục đích gì?
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ:
Sứ mệnh của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được quy định trong dòng đầu tiên của Điều 55 của Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, đó là “huy động nguồn vốn ngân sách ngoài nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ” và có đề cập đến việc doanh nghiệp có thể thành lập Quỹ. Chúng ta có thể thấy kỳ vọng rất rõ của Nhà nước là huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho khoa học công nghệ và đặc biệt là đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy tầm quan trọng của khoa học công nghệ.
Nếu như 10 năm trước, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ lên tới 80% còn xã hội chỉ chiếm 20%, thì giai đoạn hiện nay, tỷ lệ này đã cân bằng hơn khi Nhà nước chỉ còn chiếm 52% còn xã hội là 48%. Nhưng nếu so tỷ lệ này ở những nước phát triển, tiên tiến thì tỷ lệ vốn nhà nước chỉ chiếm khoảng trên dưới 30%.
Việc xã hội hóa như vậy hoàn toàn hợp với xu thế phát triển của thế giới. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn thì chính sách này lại ngày càng quan trọng. Mặc dù Nhà nước vẫn có quy định chi 2% nguồn thu ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ nhưng với tình trạng khó khăn như hiện nay, đây vẫn là điều nước ta phải cố gắng.
Một đất nước chỉ có thể phát triển kinh tế - xã hội khi lấy doanh nghiệp làm lõi để chuyển tất cả các tri thức sang làm sản phẩm hàng hóa và tạo ra của cải. Như vậy, doanh nghiệp sẽ là trung tâm, các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ là những chủ thể nghiên cứu mạnh, chúng ta cần tạo nên môi trường liên kết giữa 3 nhà, trong đó Nhà nước có vai trò tạo môi trường, tạo thể chế…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường:
Kính thưa quý vị đại biểu!
Chia sẻ của các đại biểu cho thấy khoa học và công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng với sự phát triển của nền kinh tế và của doanh nghiệp; sứ mệnh của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cũng rất lớn lao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Quỹ chưa phát huy được vai trò và hiệu quả của mình, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Để tháo gỡ tình trạng trên, lãnh đạo Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành giám sát nhằm sớm đưa ra kiến nghị phù hợp.
Qua thực tế giám sát, Ủy ban thấy rằng từ 2011-2019 đã có 618 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty tại 58 tỉnh, thành phố trích lập và sử dụng Quỹ, với mức trích là 22 nghìn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Số liệu này cho thấy 2 vấn đề: (1) Số doanh nghiệp trích Quỹ vẫn thấp, chỉ chiếm 0,02% chưa đạt cận dưới của quy định (quy định là 3%). (2) Việc giải ngân các nguồn lực đã trích chưa đạt 40%. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp không giải ngân hết, phải tiến hành hoàn nhập quỹ. Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Cao su phải hoàn nhập quỹ tới 84% (tương đương 1.164 tỷ/1.384 tỷ).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Chúng ta vừa lắng nghe chia sẻ về vai trò, sứ mệnh của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước. Vậy các doanh nghiệp - với tư cách người trong cuộc - họ kỳ vọng gì khi thành lập Quỹ này?
Xin trân trọng kính mời Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng ban Kỹ thuật, đại diện của Viettel là chia sẻ quan điểm cũng như cách tổ chức triển khai thực hiện quỹ với tư cách là người trong cuộc, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như thế này.
Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel:
Nguồn quỹ khoa học, công nghệ có ý nghĩa xuyên suốt trong chặng đường phát triển của Viettel. Sau hơn 10 năm trích lập quỹ, chúng tôi đã có những đánh giá lại các hoạt động khoa học công nghệ của Viettel. Cụ thể, nguồn quỹ này giúp Viettel có những bước nghỉ đà về mặt tăng trưởng doanh thu cũng như mở rộng các lĩnh vực để phát triển. Ngay từ năm 2010, những năm đầu tiên của Viettel xác lập quỹ, đã trích lập 3-10% thu nhập chịu thuế phát sinh trong năm để thành lập quỹ, giá trị lên tới 1.000 - 4.000 tỷ đồng.
Viettel xác định là một tập đoàn kinh tế lưỡng dụng, vì vậy mảng nghiên cứu của sử dụng quỹ của Viettel thường được xác định có định hướng, giai đoạn đầu có thể là 3 - 5 năm, nhưng những năm gần đây, chúng tôi xác định phải có lộ trình từ 5 - 10 năm. Vai trò của hai bộ chủ quản là Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng đối với Viettel, lộ trình và phát triển về lĩnh vực công nghệ đều được định hướng từ 2 bộ. Chúng tôi xác định nền tảng khoa học công nghệ phải nghiên cứu là gì và phải có lộ trình cho việc đó. Điều này sẽ liên quan đến việc lộ trình sử dụng quỹ và việc trích lập quỹ hằng năm. Chính vì thế, hiện Viettel là một trong những doanh nghiệp được đánh giá có ảnh hưởng về sáng tạo nhất khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Tính đến thời điểm này, Viettel đã có hơn 72 bằng sáng chế trong nước và 15 bằng sáng chế được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Là một tập đoàn công nghệ, mục tiêu của từng đề tài nghiên cứu khoa học được sử dụng quỹ đều xác định rõ bởi bài toán kinh tế phía sau. Ví dụ, đối với công nghệ lõi, các nước không thể chuyển giao thì bắt buộc Tập đoàn phải đầu tư; những ứng dụng, công nghệ ứng dụng có thể chuyển thành mô hình kinh doanh luôn được xác định dài hơi và có đánh giá mục tiêu rõ ràng, chuyển đổi thành doanh thu và lợi nhuận trong quá trình kinh doanh.
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 mới đây, toàn bộ gian hàng hơn 2000 m2 đều là khí tài trang bị của Viettel, góp phần giúp Bộ Quốc phòng thực hiện mục tiêu hiện đại hóa quân đội như khí tài thông tin, khí tài về hệ thống radar... Đối với mạng viễn thông, mạng di động 4G và sắp tới là 5G, toàn bộ thiết bị từ trạm gốc đến thiết bị core, mạng lõi, thiết bị đầu cuối bảo mật đều do Viettel nghiên cứu và sản xuất. Viettel cũng xác định mảng viễn thông sẽ đầu tư ở các thị trường nước ngoài và từng bước mở rộng.
Về lực lượng để sử dụng quỹ, chúng tôi có 5 năm đơn vị chính với hơn 3.000 nhân lực chất lượng cao là tiến sĩ du học ở nước ngoài hoặc đã từng làm cho những doanh nghiệp nổi tiếng như Boeing của NASA, Microsoft hay Google.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị vừa đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học; vừa ứng dụng tri thức và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thưa GS. TS Phạm Bảo Dương, Phó giám đốc Học viện, theo ông, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò như thế nào với sự phát triển của nền kinh tế và của doanh nghiệp? Việc chuyển giao khoa học công nghệ hiện gặp những vướng mắc gì?
GS. TS Phạm Bảo Dương, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Thành tựu của đất nước có sự đóng góp to lớn của sản xuất nông nghiệp, bắt đầu từ sự đổi mới thể chế, mở rộng quy mô sản xuất theo chiều rộng, gia tăng sử dụng phân bón.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, việc tăng trưởng theo chiều sâu phải chú ý chất lượng tăng trưởng. Bên cạnh vai trò to lớn của nông hộ, hợp tác xã, trang trại thì các doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp nông nghiệ kết nối các nhân tố khác trong chuỗi giá trị nông sản, nên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Doanh nghiệp cần tiên phong trong đổi mới công nghệ. Để đổi mới công nghệ được cần tích cực hợp tác với các nhà trường. Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, qua gần 70 năm xây dựng phát triển đã có nhiều thành tựu về công nghệ, quy trình, sản xuất trồng trọt cho công nghệ nông nghiệp. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, có thể sẵn sàng chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Để ứng dụng được phải thông qua vai trò của doanh nghiệp. Nếu như có được doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin off) đồng hành với nhà trường, viện nghiên cứu để tích cực nghiên cứu bổ sung, từ đó thương mại hóa sản phẩm ra thực tiễn là điều rất tốt. Học viện đã cố gắng kết hợp với các tác nhân để thành lập doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ , sẵn sàng bước vào công cuộc sản xuất.
Tôi nghĩ, các doanh nghiệp thông qua Quỹ phát triển khoa học công nghệ có thể tham gia đóng góp cùng nhà trường.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Đột phá để khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực chủ yếu cho kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, trước thách thức đặt ra cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta hãy nhìn lại những con số.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, MC cũng đã nói ở đầu chương trình, tôi xin được nhắc lại, số doanh nghiệp trích quỹ chỉ chiếm 0,02%, chưa đạt cận dưới của quy định là 3%. Việc giải ngân các nguồn lực đã trích nhưng chưa đạt được 40%, trong đó có nhiều doanh nghiệp không giải ngân hết phải tiến hành hoàn nhập quỹ.
Điển hình như Tập đoàn công nghiệp cao su phải hoàn nhập quỹ tới 84%, tức là tương đương khoảng trên 1384 tỷ đồng/năm. Thống kê năm 2019, con số hiện nay khoảng 12.165 tỷ. Thống kê mới nhất khoảng hơn 22 nghìn tỷ đồng, là con số rất lớn.
Con số này cho thấy, còn rất nhiều các bất cập từ chính sách pháp luật trong tổ chức thực hiện. Ví dụ, một số quy định pháp luật về quản lý quỹ còn chưa tương thích, đồng bộ, quy định hướng dẫn về quỹ chưa được sửa đổi, ban hành đầy đủ, kịp thời.
Cùng đó, chưa bình đẳng về quy định, tỷ lệ trích lập quỹ giữa các doanh nghiệp, tỷ lệ trích lập quỹ chưa phù hợp với cơ cấu và quy mô doanh nghiệp Việt Nam và quy định về quản lý tài sản hình thành từ quỹ vẫn còn các bất cập, thủ tục hành chính trong kiểm soát chi của quỹ chưa linh động và chưa phù hợp với tính đặc thù của quỹ. Thủ tục mua sắm phục vụ nhiệm vụ khoa học, công nghệ chưa phù hợp với thực tiễn.
Vấn đề mà rất nhiều đơn vị đặt ra là thủ tục làm khoa học rất phức tạp. Các nhà khoa học cũng thực sự lo ngại về vấn đề này khi tham gia vào các dự án nghiên cứu. Quy định về quỹ cũng chưa phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với nội dung chi của quỹ. Trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, việc trích lập, sử dụng quỹ đôi khi làm ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá xếp lại của doanh nghiệp và tỷ lệ doanh nghiệp trích lập quỹ thì rất thấp, tỷ lệ trích lập chưa đúng quy định và tồn dư còn rất nhiều trong khi nhu cầu chi cho khoa học công nghệ của doanh nghiệp rất lớn.
Như vậy, nhìn nhận một cách khái quát, bên cạnh những kết quả tăng trưởng như Viettel đã từng làm, đã sử dụng và nhiều tập đoàn khác cũng đã chứng minh được sứ mệnh của quỹ có lẽ chưa đáp ứng được kỳ vọng của người làm luật cũng như các doanh nghiệp. Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao lại xảy ra tình trạng này?
Điều này liệu có phải nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp không mặn mà và hiệu quả sử dụng quỹ chưa đạt yêu cầu? Mặc dù hai Thông tư 05 và 67 đã thay thế Thông tư liên tịch 12 để tháo gỡ một phần những khó khăn.
Tuy nhiên, bất cập với Nghị định 95 còn rất nhiều, với vai trò vừa là nhà nghiên cứu, vừa là nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - người theo đuổi các nội dung về khoa học, rất mong PGS. TS Lê Bộ Lĩnh chia sẻ thực trạng này để trong thời gian tới chúng ta có thể sử dụng quỹ này một cách hiệu quả hơn.
Thưa PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Khóa XIII, với tư cách chuyên gia, ông có bình luận gì về những kết quả đạt được cũng như những vướng mắc liên quan đến Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ của doanh nghiệp?
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Khóa XIII:
Trước hết, tôi xin cảm ơn Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Tọa đàm này. Cách đây gần 10 năm, khi thực hiện dự Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, chúng tôi rất quan tâm đến Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ nhất, tôi cho rằng, chúng ta cần phải tăng chi tiêu của doanh nghiệp cho hoạt động khoa học, công nghệ nói chung. Vì theo các thông lệ quốc tế, gói chi cho hoạt động khoa học và công nghệ phải chiếm khoảng 2/3 trong tổng chi tiêu của xã hội. Thứ hai, thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện những quy định và chuyển sang cơ chế quỹ trong chi tiêu cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để phù hợp với đặc thù của ngành.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm Luật Khoa học và công nghệ được ban hành, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng các mục tiêu và ý tưởng chi tiêu theo cơ chế quỹ chưa được như kỳ vọng. Những mục tiêu mà chúng ta đã Luật hóa thể hiện ở việc chi tiêu của doanh nghiệp trong khoa học công nghệ cũng chưa cao. Đặc biệt là việc thực hiện trích lập Quỹ khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp theo thống kê giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, việc trích lập quỹ vẫn rất khiêm tốn. Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp có trích quỹ mới chiếm 0,02% là một con số rất đáng quan ngại trong bối cảnh mà chúng ta nói là doanh nghiệp phải là trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp là trung tâm nhưng mà việc trích quỹ quá ít như thế thì rõ ràng “khoảng cách” giữa quan điểm, chủ trương với thực tế còn rất lớn.
Trong khi tổng số quỹ trích từ doanh nghiệp đã rất nhỏ, thì hiện nay việc tồn quỹ lên đến 22.000 tỷ, chứng tỏ việc mà sử dụng quỹ này cũng có rất nhiều bất cập. Chưa kể là hiện đang có sự phân hóa trong các loại hình doanh nghiệp trong việc trích lập các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tôi mong rằng, chúng ta sẽ tiếp tục có những đánh giá sát thực hơn về phân loại các loại hình doanh nghiệp trong việc trích lập quỹ để chúng ta nhìn ra được bức tranh một cách toàn diện, xác thực hơn. Ví dụ như khu vực doanh nghiệp nhà nước, chúng ta quy định, nhóm doanh nghiệp này bắt buộc phải trích quỹ để phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước. Đây không phải là phân biệt đối xử. Luật quy định, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trích lập Quỹ khoa học, công nghệ và mức được hưởng ưu đãi này là 10% lợi nhuận trước thuế. Điều này là khuyến khích, rất bình đẳng. Vì trong vai trò chủ đạo, thì tiên phong trong việc trích quỹ để đầu tư cho khoa học, công nghệ là cần thiết. Tuy nhiên, khi thống kê lại thì chúng ta nên đánh giá phù hợp giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, chúng ta phải có thống kê, đánh giá theo các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp như, lĩnh vực chế biến, chế tạo, lĩnh vực nông nghiệp hay các lĩnh vực khác... Bởi vì, các hoạt động khoa học, công nghệ luôn gắn với cơ cấu của nền kinh tế, cơ cấu của doanh nghiệp, các lĩnh vực mà chúng ta ưu tiên. Chúng ta ưu tiên phát triển công nghệ cao thì rõ ràng các doanh nghiệp trong khu vực công nghệ cao phải đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ.
Chúng ta cần phân định việc trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy mô doanh nghiệp. Vì đại đa số các doanh nghiệp của chúng ta bây giờ là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp mới với doanh thu rất thấp. Cho nên tỷ lệ trích Quỹ cho khoa học công nghệ ở mức là 10% lợi nhuận trước thuế chỉ thực hiện được ở mức rất nhỏ. Các doanh nghiệp này cũng rất khó có thể trích quỹ. Đây là điều mà chúng ta cần phải đánh giá để sau này có định hướng chính sách cho phù hợp với các khu vực doanh nghiệp, các loại hình doanh nghiệp cũng như thành phần và quy mô.
Một vấn đề nữa là Luật Khoa học và công nghệ quy định, doanh nghiệp có thể trích quỹ, lập quỹ doanh nghiệp cho mình hoặc đóng góp vào quỹ khoa học công nghệ của địa phương hoặc là của ngành. Quy định này, có lẽ cũng chưa có đánh giá cụ thể. Thực tế, bây giờ đối với các hiệp hội doanh nghiệp, nếu áp dụng theo quy định này thì hoàn toàn có thể thực hiện và các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể đóng góp vào các quỹ theo hiệp hội nhà hàng.
Ngoài ra, nhiều địa phương lập quỹ ra cũng chỉ có mấy trăm triệu hoặc là đến vài tỷ. Con số này vẫn rất ít, do không huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp vào các quỹ này.
Do đó, chúng ta cần nhìn bức tranh về quỹ khoa học công nghệ trong tổng thể các chỉ tiêu về khoa học công nghệ để có các quy định về cơ chế quỹ cho phù hợp, khả thi. Mặt khác, chúng ta cũng cần tính đến việc trích quỹ có phải là nhu cầu của doanh nghiệp không? Bởi vì mục tiêu ở đây không phải là lập quỹ hay không lập quỹ mà mục tiêu là quỹ này sẽ là công cụ, thiết thế tài chính để khuyến khích đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp khởi sắc hơn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Ông Lê Bộ Lĩnh, người tham gia rất nhiều các cuộc giám sát của Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường cũng còn giật mình với những con số như vậy. Thực ra nhìn con số để đánh giá việc chúng ta sử dụng hiệu quả Qũy hay không cũng chưa hoàn toàn đúng. Và tỷ lệ trích lập và giải ngân Quỹ thấp có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Xin mời bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 4 của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia sẻ thêm về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Trưởng phòng nghiệp vụ 4, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính:
Tình hình trích lập việc sử dụng quỹ có những lo ngại nhất định, đặc biệt trong số trích lập chủ yếu là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có hiện tượng trích lập lớn hơn số sử dụng quỹ. Đơn cử như tại VNPT, mức sử dụng quỹ chỉ khoảng 10%, sử dụng 90 tỷ trong 842 tỷ đồng.
Chúng tôi đã có khảo sáy về việc sử dụng quỹ tại các doanh nghiệp nhà nước, và ngạc nhiên khi chỉ có 11,3% doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu sử dụng quỹ này. Xét về bản chất, quỹ này "lưỡng tính" vì hình thành từ nguồn lực của doanh nghiệp, nhưng đang được dùng một phần vào mục tiêu quốc gia. Quỹ được quản trị theo cách phối hợp giữa nguồn lực của nhà nước dành cho doanh nghiệp và nguồn lực của doanh nghiệp.
Về những khó khăn, doanh nghiệp nhà nước khác với doanh nghiệp tư nhân bởi một số lĩnh vực ngành nghề được đầu tư. Đơn cử như Tổng công ty SCIC là doanh nghiệp đầu tư vốn nhà nước, rất khó để làm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khó trích quỹ. Hay các Tập đoàn Cao su, Thuỷ ngân, Thuốc lá... là những ngành nghề nhà nước được duy trì vốn, nhu cầu đổi mới sáng tạo của họ không nhiều. Điều này dẫn đến thực trạng trích quỹ mà không sử dụng được vì xuất phát từ điểm đặc thù mà doanh nghiệp nhà nước được phép hoạt động.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 05, trong đó bổ sung những nội dung chi mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới dừng ở nội dung chi, còn với quy trình quỹ hiện nay vẫn tiếp cận như nhiệm vụ khoa học - công nghệ. Một nhiệm vụ khoa học - công nghệ đặc biệt về đổi mới sáng tạo cần nhanh, thậm chí không thể theo quy trình bình thường. Nếu thời gian xét duyệt hoàn thiện như một đề tài khoa học có thể dẫn tới việc trôi qua cơ hội đầu tư.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Liên quan đến quy trình, đặc biệt là việc chi cho các hoạt động liên quan đến sử dụng nguồn ngân sách từ quỹ, để làm sao không chi qua cơ chế quỹ mà chi trực tiếp từ nguồn chi thường xuyên, thậm chí ngay từ khi đầu tư phát triển cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Xin mời bà Mạnh Thị Tuyết Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính.
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 05 và Thông tư số 67 với mong muốn tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về Quỹ, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo? Điểm mới đáng chú ý của hai thông tư này là gì, thưa bà?
Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế:
Theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học mà có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ được tính vào chi phí. Từ năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật cho phép doanh nghiệp trích 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để trích lập Quỹ khoa học phát triển công nghệ. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ theo chiều hướng lâu dài hơn và lớn hơn.
Tuy nhiên, như đại diện Bộ KHCN đã trao đổi, không phải doanh nghiệp nào cũng trích được, bởi quy định 10% thu nhập trước thuế cũng có nghĩa là doanh nghiệp phải có thu nhập, phải có lãi... Do vậy số lượng doanh nghiệp trích Quỹ sẽ không nhiều mà chỉ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất hoặc là doanh nghiệp nào có nhu cầu công nghệ cao như Viettel hay PVN, VNPT, EVN...
Sau khi Tổng cục Thuế tham gia đoàn giám sát của Quốc hội có đi khảo sát một số doanh nghiệp có trích lập quỹ thì đã tập hợp những nội dung kiến nghị và trình Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ đã ban hành Thông tư 67 ngày 7.11.2022 hướng dẫn việc trích và lập, sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ, có hiệu lực từ ngày 23.12.2022 và áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp từ kỳ tính thuế 2022. Nếu doanh nghiệp triển khai trong năm dương lịch thì sẽ phải nộp quyết toán vào ngày 31.3.2023.
Với nội dung của Thông tư 67, Bộ Tài chính đã tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ trích lập quỹ và sử dụng Quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp.
Một trong những điểm mới của Thông tư 67 là văn bản này dựa trên cơ sở Nghị quyết 43 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Theo quy định của Thông tư 12 trước đây, Quỹ Khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì Thông tư 67 có hướng dẫn bổ sung là: doanh nghiệp được sử dụng quỹ trong hai năm 2022 và 2023, tương đương với thời điểm Nghị quyết 43 cho thí điểm.
Thông tư 67 cho phép trong hai năm 2022 và 2023, doanh nghiệp có thể dùng Quỹ để mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nội dung này được hy vọng sẽ giảm được phần nào tình trạng tồn dư Quỹ như hiện nay.
Một điểm mới nữa đó là Thông tư 67 có bổ sung hướng dẫn quản lý tài sản đối với trường hợp tài sản cố định dùng đồng thời cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp được phép sử dụng nguồn quỹ cho tài sản này và doanh nghiệp chỉ cần theo dõi quản lý theo quy định và không phải tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Ngoài ra, Thông tư 67 cũng xác định rõ hơn đối với trường hợp doanh nghiệp trích lập Quỹ trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, và có nhận điều chuyển từ các doanh nghiệp khác. Theo văn bản thuế, doanh nghiệp có trích lập Quỹ, trong đó có điều chuyển các nguồn quỹ khác từ công ty mẹ hoặc công ty con… thì sẽ được xác định đối với từng trường hợp cụ thể một. Nội dung này cũng giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc xác định nghĩa vụ thuế đối với phần Quỹ không sử dụng hết trong từng trường hợp cụ thể khi doanh nghiệp trích quỹ trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế và có nhận điều chuyển Quỹ từ nguồn khác.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 05 và Thông tư số 67 với mong muốn tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về Quỹ, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo? Điểm mới đáng chú ý của hai thông tư này là gì, thưa ông Nguyễn Nam Hải?
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ:
Số lưu trích quỹ không thể dựa vào điều tra mà phải dựa vào báo cáo của Tổng cục Thuế bởi đây là số liệu mang tính chính xác. Tổng nguồn trích của quỹ từ năm 2013 - 2021 là khoảng 23.000 tỷ và con số sử dụng khoảng 14.400 tỷ.
Quỹ đổi mới khoa học công nghệ không phải là nguồn chi duy nhất cho khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Tỷ lệ chi đã thay đổi giữa nhà nước và doanh nghiệp, từ 80-20% lên 52-48%. Con số này dựa trên những lần điều tra ở cấp quốc gia theo từng năm. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp quan tâm nhiều tới đổi mới khoa học công nghệ nhưng không chi qua cơ chế quỹ, hoặc cơ chế quỹ của chúng ta chưa hấp dẫn.
Từ năm 2015 - 2021 chỉ có 1.281 lượt trích quỹ. Nhưng doanh nghiệp có tiền để trích quỹ hay không? Bởi có nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, những doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và có doanh thu trước thuế để trích quỹ có lẽ không quá nhiều. Chúng ta cần phân vùng để nhận định được đâu là doanh nghiệp quan tâm đến việc đổi mới. Phải quan tâm tới các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, Mobiphone… Không lấy việc số lượng doanh nghiệp trích quỹ để làm mục tiêu, có thể chỉ tập trung vào 20% số doanh nghiệp nhưng giải quyết được vấn đề cho các doanh nghiệp thực sự quan tâm tới việc đổi mới công nghệ.
Quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ là: Quỹ không ưu tiên việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà là sự đổi mới công nghệ để tạo ra sự chuyển biến về vận hành, sản xuất, giá trị hàng hóa và nâng cao sức mạnh của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, không nhiều đơn vị sử dụng quỹ này cho công tác nghiên cứu mà sử dụng để có được những công nghệ “lõi”, làm thay đổi quy trình sản xuất và nâng cao nội lực của doanh nghiệp. Đây chính là điều đang vướng mắc trong Nghị định 05 và 67.
Trong Nghị định 05, tháo gỡ về chi tiêu, chi dưới hình thức nhiệm vụ khoa học công nghệ chỉ là một trong những cách chi. Trong nghị định có rất nhiều điều khoản và nhiều cách chi tiêu khác nhau. Ví dụ, các đơn vị có thể dùng nguồn vốn này để mua bí quyết công nghệ, máy móc để phục vụ trực tiếp cho đổi mới công nghệ cho sản xuất, kinh doanh. Một trong những điểm cần tháo gỡ nữa của Nghị định này là nhà nước không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp trong sử dụng nguồn chi. Doanh nghiệp có quyền chi tiêu theo nguyên tắc chi tiêu nội bộ theo quy chế hoạt động doanh nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để giải phóng tối đa nguồn lực Quỹ
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Qua phần chia sẻ và trao đổi vừa rồi, có thể thấy bức tranh tổng thể về hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ ở doanh nghiệp cũng như những điểm nghẽn đã được tháo gỡ bước đầu. Tuy nhiên, để hoàn thiện cơ chế chính sách giải phóng tối đa nguồn lực của Quỹ cần phải có sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ ở tầm quốc gia. Khi đó, chính sách phát triển khoa học công nghệ sẽ đi vào cuộc sống; các doanh nghiệp sẽ mặn mà hơ với việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Đây cũng chính là chủ đề của phiên thứ hai: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để giải phóng tối đa nguồn lực Quỹ
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Trước hết, xin được hỏi đại diện Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính. Ngoài những vướng mắc đã được tháo gỡ trong Thông tư số 05 và Thông tư số 67, chúng ta cần phải sửa đổi bổ sung ở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nào nữa không? Và nếu có, thì đâu là điểm nghẽn lớn nhất?
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ
Thứ nhất, chúng ta đang làm bài toán vượt khó, phải vượt tối đa những gì đang có trong tay. Thông tư số 05 và Thông tư số 67 đã ra đời và thay thế cho Thông tư liên tịch 12 và giải quyết được rất nhiều các vấn đề nhưng không phải giải quyết được hết các tồn tại. Ví dụ như ở Thông tư 12, chúng ta chỉ hiểu đơn thuần là Quỹ chỉ chi cho việc nghiên cứu khoa học công nghệ chứ không chi cho những hoạt động mua công nghệ máy móc, nhưng đến Thông tư 05 đã cởi được nút thắt này cho doanh nghiệp.
Tại khoản 2 điều 15 Luật Chuyển giao công nghệ có nêu rõ, đổi mới công nghệ là thay thế một phần hoặc toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một phần hoặc toàn bộ công nghệ khác nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhắm tới cơ hội để nâng cao kỹ thuật khoa học công nghệ của doanh nghiệp chứ không chỉ là đầu tư cho cái mới.
Công nghệ đó không nhất thiết phải là công nghệ mới nhất trên thế giới, chỉ cần bảo đảm nâng cao tính hiệu quả cho doanh nghiệp là có thể được sử dụng quỹ.
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp ngoài mạnh dạn đổi mới thì cần nghiên cứu thật kỹ các quy định. Bản thân doanh nghiệp phải tự xác định công nghệ mà mình đổi mới có thực sự mới hay không, có hữu ích không và có đúng mục đích không…
Thứ hai, chúng ta có thể thấy tất cả các doanh nghiệp FDI không sử dụng và không trích quỹ này vì có lẽ họ nhận thấy rằng đòn bẩy tài chính này không bằng sự rủi ro. Bởi những doanh nghiệp đi vào trích quỹ sẽ bị kiểm soát. Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành nghiên cứu sửa Luật Khoa học và Công nghệ và đưa vào đề án sửa luật năm 2023.
Như ông Hùng nói, có những chính sách đưa vào cơ chế đầu tư lại cần đưa vào trung hạn 5 năm mà khoa học, công nghệ lại thay đổi như vũ bão và cơ hội là rất ít chúng ta cần chính sách thông thoáng để nắm bắt được kẽ hở để vượt lên.
Nghị định 95 năm 2014 về cơ chế tài chính cũng cần phải thay đổi. Hiện nay các tỉnh cũng nộp quỹ nhưng nộp theo cách kết dư 5 năm nếu còn dư thì mới đóng quỹ. Trong khi đó, nghị định 95 lại quy định nộp vào Quỹ phát triển khoa học công nghệ nhưng quỹ này chủ yếu tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, đây là điều nhà nước cần làm nhưng lại không phải là điều doanh nghiệp quan tâm. Doanh nghiệp chỉ muốn tập trung cho ứng dụng và đổi mới công nghệ. Như vậy cần đổi tên quỹ thành Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Nghị định 95 cũng mới hướng dẫn cách thức đóng quỹ chứ chưa nói tới chi thế nào, chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này cần được nghiên cứu, bổ sung.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Ngoài những vướng mắc đã được tháo gỡ trong Thông tư số 05 và Thông tư số 67, chúng ta cần phải sửa đổi bổ sung ở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nào nữa không? Và nếu có, thì đâu là điểm nghẽn lớn nhất? Xin mời ý kiến của PGS.TS Lê Bộ Lĩnh!
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Khóa XIII:
Thực tế trong quá trình hoạt động của việc lập, trích quỹ phát triển khoa học công nghệ chúng ta đang có nhiều bất cập. Chúng ta nên có trọng tâm quản lý rằng, doanh nghiệp thành lập, trích quỹ hoạt động có đúng điều lệ tổ chức lao động hay không và chi theo luật quy định…
Doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan tài chính và thông báo với chính quyền, sở khoa học và công nghệ địa phương và không có gì trái Luật thì đấy là nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Tôi đề nghị, nếu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nếu có giám sát thì cần làm rõ vấn đề này. Nếu cần giải thích luật thì phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích. Vì chỉ có duy nhất Ủy ban toàn bộ Quốc hội có quyền giải thích luật. Nếu có quá nhiều nghị định, phải thông tư với nhiều hạng mục đổi mới khoa học, công nghệ... thì việc doanh nghiệp phải tra cứu các thông tư, nghị định xem đã đúng quy địn chưa cũng mất rất nhiều thời gian.
Tôi đề nghị, sắp tới sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ, Luật đấu thầu thì cần quy định rõ nếu các hạng mục đầu tư cho khao học, công nghệ đã thực hiện theo Luật Khoa học và Công nghệ thì không cần áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu.
Trong cái Luật Khoa học và Công nghệ quy định, Chính phủ quy định mức tối thiểu của doanh nghiệp nhà nước trích quỹ. Nếu bây giờ chúng ta bỏ việc bắt buộc doanh nghiệp nhà nước trích quỹ thì coi như là không cần thông tư, nghị định gì nữa, chỉ cần có điều lệ tổ chức hoạt động của quỹ hoạt động doanh nghiệp cần tháo gỡ.
Chúng ta nên cải cách, giảm tải thủ tục hành chính nhằm giúp các quỹ của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Bên cạch đó cần tập trung giám sát các quỹ có thành lập theo đúng điều lệ không, có đăng ký với cơ quan tài chính hay không và có thông báo với cơ quan quản lý khoa học, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hay không?
Chúng ta cũng nên có nhìn nhận, xây dựng các quy định về số tiền trích quỹ một cách phù hợp, công bằng giữa các khối doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Vì quỹ chỉ là một hình thức khuyến khích đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Hai là quỹ đó được hoạt động theo điều lệ tổ chức. Ngoài việc trích, lập quỹ thì luật cũng khuyến khích doanh nghiệp có thể đóng góp vào quỹ địa phương hoặc các quỹ khác nhưng các quỹ này cũng phải có điều lệ hoạt động cụ thể và được ưu tiên hoạt động theo từng lĩnh vực. Hình thức chi tiêu của quỹ là cho vay, cấp không, thưởng. Và cần giám sát xem điều lệ các quỹ có phù hợp mục tiêu hay không?
Tựu trung, muốn doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì cần có quy định chung, mang tính nền tảng phù hợp với tổng thể các quy định hiện hành….
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Việc tháo gỡ các điểm nghẽn đối với Quỹ qua sửa đổi Thông tư 12 thành Thông tư 05 và Thông tư 67 dù có độ trễ nhưng đã đáp ứng phần nào sự mong đợi của các doanh nghiệp. Thông tư 67 mới có hiệu lực và những điểm mới của Thông tư đã thực sự giúp cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả quỹ chưa Đại tá Nguyễn Quốc Hùng?
Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel:
Qua Thông tư 05, Thông tư 67, tôi thấy thêm một điểm lợi cho những doanh nghiệp nhỏ nằm trong Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Ví dụ như Tổng công ty sản xuất thiết bị, nếu sản xuất những sản phẩm mang tính chất kinh doanh ở ngoài viễn thông như các hệ thống thiết bị đầu cuối thì khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác là rất khó. Nhưng khi có Thông tư 05 và Thông tư 67, chúng tôi sử dụng quỹ để bổ sung đầu tư cho các hệ thống dây chuyền, máy móc. Đây là mục tiêu lớn nhất để sản xuất những thiết bị đủ tiêu chuẩn, đòi hỏi về mặt chất lượng. Viettel là một trong những tập đoàn đi đầu trong chuyển đổi số thì bản thân các công ty con cũng có chung sứ mệnh như vậy.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp nhà nước, về chi sử dụng cho quỹ, làm thế nào để cơ chế sử dụng hài hòa giữa việc đánh giá doanh nghiệp, để cho việc sử dụng quỹ tăng thêm hiệu quả. Hay việc trích quỹ 3 - 10% cần phân chia cho những đối tượng đặc thù doanh nghiệp khác nhau. Quỹ sử dụng có hiệu quả sẽ là đòn bẩy về mặt kinh tế để cho doanh nghiệp phát triển, tăng sức cạnh tranh lên một hệ số, có lợi nhuận nộp về cho cho Nhà nước.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn: Mời bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh có thể tham vấn thêm một số ý kiến. Tại sao hiện nay số lượng doanh nghiệp tham gia vào việc trích quỹ rất thấp?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Trưởng Phòng nghiệp vụ 4, Cục Tài chính doanh nghiệp , Bộ Tài chính:
Với cách tiếp cận hiện nay, chúng ta đang không đảm bảo được nguyên tắc rất căn bản là sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ngoài nhà nước. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích hoặc không trích, DNNN phải trích. Bản thân cách tiếp cận này đã không đảm bảo đúng nguyên tắc.
Tinh thần chung của điều chỉnh Luật doanh nghiệp là không còn phân biệt DNNN và DN ngoài nhà nước.
Rất nhiều DNNN kiến nghị họ được phép ứng xử như doanh nghiệp ngoài nhà nước. Mức chạy khung từ 0-10%, nếu không có nhu cầu thì DN không trích mà dùng quỹ nghiên cứu và phát triển (RnD) của họ. Đây là kiến nghị rất chính đáng.
Với ý kiến nâng mức 10%, về góc độ kỹ thuật, tôi cho rằng không cần thiết. Vì với cơ chế của Quỹ hiện nay, nếu trong năm nay có nhu cầu lớn hơn thì DN được xin trích trước của năm sau. Vậy nên, chúng ta cần xin vượt khung thì hiện nay cơ chế không cấm. Nếu muốn nâng mức 10%, cần nghiên cứu tác động và lý giải thuyết phục cho việc này.
Thông tư 67 dựa trên nghị quyết 43 của Quốc hội đã mở ra cơ hội rất lớn cho đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, nghị quyết số 52 của Đảng và 02 của Chính phủ yêu cầu xây dựng cơ chế thí điểm để đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cần mạnh dạn mở cho 1 vài doanh nghiệp được phép thí điểm, bỏ qua một số quy định liên quan đến đấu thầu, liên quan đến định giá và giao toàn bộ quyền chủ động cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào một startup bất kỳ nhưng cần có sự ràng buộc nhất định, đặc biệt liên quan tới công nghệ lõi.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Tôi xin tóm lược một số nội dung chúng ta đã thảo luận qua hai phiên. Báo cáo các vị đại biểu tham dự tọa đàm, với vai trò là Thường trực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, chúng tôi cũng nhận thấy sứ mệnh và nhiệm vụ của mình.
Thông qua Nghị quyết 43, thực hiện yêu cầu của Quốc hội, làm thế nào chúng ta giải phóng được nguồn lực sử dụng quỹ phát triển khoa học, công nghệ và doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất? Đồng hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính, tới thời điểm này đã ra hai Thông tư là 05 và 67.
Như ông Nguyễn Văn Hải đã đề cập, tuy mới chỉ là tháo gỡ những điểm nghẽn nhưng chúng ta đã nhìn thấy sự bắt đầu của sự đột phá. Tôi cho rằng, đây là một trong những cách thức mà chúng ta có thể làm tốt, các doanh nghiệp hãy đọc thật kĩ nghiên cứu văn bản quy định của pháp luật, nhất là Luật Khoa học và công nghệ, đặc biệt là hai Thông tư (05 và 67) để áp dụng xem trong quá trình có gì bất cập không, còn trên cơ sở quá trình đấy thì cũng là một kênh thông tin để giúp Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như giúp Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có cách nhìn trong việc sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ thời gian tới. Cùng đó, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đánh giá một cách chính xác, cụ thể hơn trong việc cho ý kiến về kinh tế xã hội hàng năm, đặc biệt là báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội trong nghị quá trình phục hồi, phát triển kinh tế nhằm tìm cách thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển.
Do vậy, chúng tôi gắn buổi tọa đàm này với 2 vấn đề. Trong đó, vấn đề thứ nhất là, sứ mệnh của Quỹ nhưng gắn với yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vì suy cho cùng, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo cũng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần phát triển của đất nước.
Với thời lượng Toạ đàm trong hơn 2 tiếng, ý kiến trao đổi của các đại biểu, các nhà khoa học sẽ tiếp tục giúp chúng tôi với vai trò Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có thêm nhiều thông tin. Từ đó có cách nhìn, đánh giá cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, đặc biệt là thúc đẩy giải phóng nguồn lực từ quỹ khoa học, công nghệ ở doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội cũng như kỳ vọng của lãnh đạo Quốc hội trong thời gian tới.