Tọa đàm “Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em trong dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)”

- Thứ Năm, 21/05/2020, 19:30 - Chia sẻ
Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về tỷ lệ thấp còi suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao, khoảng 23,8% và tỷ lệ nhẹ cân chiếm 13,8% (2017). Nếu tình trạng suy dinh dưỡng không được cải thiện qua nhiều thế hệ sẽ khiến tầm vóc con người thấp bé, giảm trí thông minh, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai và sự phát triển của đất nước.

Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ và UNICEF tổ chức Tọa đàm “Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em trong dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)”. Tọa đàm mong muốn nhận được các ý kiến chia sẻ của các ĐBQH, các chuyên gia, nhà quản lý những giải pháp phòng ngừa và khắc phục suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em, có các giải pháp can thiệp phòng chống, xem đây là vấn đề cấp thiết phải giải quyết vì sức khoẻ và tầm vóc Việt.

Khách mời tham gia Tọa đàm gồm:

- Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế

- TS. BS Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế

- GS. TS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng

- Ông Nguyễn Trọng An, Bác sĩ chuyên khoa nhi, chuyên gia dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em.

Trân trọng kính mời độc giả theo dõi nội dung Tọa đàm tại đây.

Ảnh: Duy Thông

Khái niệm suy dinh dưỡng nặng, tình trạng suy dinh dưỡng nặng cấp tính ở trẻ em ở nước ta hiện nay, hậu quả của suy dinh dưỡng

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa TS. BS Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, thế nào là suy dinh dưỡng nặng? Thực tế hiện nay nhiều người dân không hiểu rõ tình trạng suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em sẽ có tác động như thế nào đến sự phát triển trí não, cũng như khả năng học tập của trẻ em, và nhìn xa hơn thì tình trạng này có tác động đến hệ thống y tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bà có thể thông tin để giúp người dân hiểu đúng và đủ về tình trạng này?

TS. BS Huỳnh Nam Phương: Có nhiều nhầm lẫn khác nhau về khái niệm suy dinh dưỡng và cái mà chúng ta đề cập đến trong Luật khám, chữa bệnh lần này là thể suy dinh dưỡng nào. Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng do bệnh tật hoặc do thiếu ăn, ảnh hưởng đến các sự phát triển thể chất và trí tuệ của cơ thể.  


TS. BS Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế

Suy dinh dưỡng được chia thành 2 thể: suy dinh dưỡng cấp tính và suy dinh dưỡng mãn tính. Cấp tính là thể suy dinh dưỡng cân nặng thiếu so với chiều cao ở đối tượng đó, và có thể gọi là suy dinh dưỡng gầy còm. Còn suy dinh dưỡng mãn tính ảnh hưởng đến chiều cao so với tuổi của đối tượng, còn gọi là suy dinh dưỡng thấp còi. Các tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi được đưa vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên hôm nay chúng ta đề cập đến suy dinh dưỡng cấp tính và các thể của nó để đưa vào quy định của Luật. Suy dinh dưỡng cấp tính được xác định theo cân nặng, chiều cao của đối tượng đó dưới -2 đơn vị đạt chuẩn tăng trưởng của Tổ chức y tế thế giới (WHO), vòng cánh tay của bé dưới 12cm. Thể nặng của đối tượng dưới -3 đơn vị đạt chuẩn, vòng cánh tay của bé dưới 11cm hoặc bệnh nhân có biểu hiện phù, teo đét.

Suy dinh dưỡng cấp tính có nguyên nhân bởi tình trạng thiếu ăn và bệnh tật phổ biến như tiêu chảy hoặc viêm phổi ở trẻ em. Vì vậy tỷ lệ này sẽ tăng cao, rất cao trong trường hợp thiếu an ninh lương thực thực phẩm hoặc bệnh dịch nào đó, lấy luôn bối cảnh ở trong dịch Covid- 19. Đây chính là tác động mà có thể tăng cao tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tình này, vì vậy phải có sự hỗ trợ kịp thời đặc biệt về lương thực thực phẩm và điều trị các loại bệnh nhiễm khuẩn.  

Hiện tại tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở Việt Nam khoảng 6-7%, mỗi năm chúng ta phải đối phó với 700.000 ca suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó thể nặng 230.000 ca cần được điều trị. Sự phân bố của suy dinh dưỡng cấp tính theo vùng miền: cao ở vùng miền núi phía Bắc (20.000 ca), Tây Nguyên (38.000 ca), vùng dân tộc thiểu số (50.000 ca). Hậu quả của suy dinh dưỡng đối với trẻ em cao gấp  9-20 lần so với trẻ bình thường và nguy cơ mắc các bệnh khác về nhiễm khuẩn hoặc hồi phục sẽ chậm và ảnh hưởng lâu dài đến trí tuệ, thể chất, khả năng học tập, và nói rộng hơn là ảnh hưởng đến các chi phí của gia đình, xã hội cũng như quốc gia.  

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Tác động của các chương trình hiện tại đã giúp làm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể trạng thấp còi từ mức trên 50% những năm 2000 xuống dưới mức như 30% hiện tại. Tuy nhiên, để giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính nặng, theo Bs. Nguyễn Trọng An, cần đến biện pháp khả thi nào? 


Ông Nguyễn Trọng An, Bác sĩ chuyên khoa nhi, chuyên gia dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em

Bs. Nguyễn Trọng An: Như TS. BS Huỳnh Nam Phương đã chia sẻ trước đó, tôi xin khẳng định lại trong suy dinh dưỡng nặng cấp tính không phải thể béo mà là thể phù. Suy dinh dưỡng thể phù có thể khiến trẻ em tử vong rất nhanh.

Suy dinh dưỡng gây ảnh hưởng tới tính mạng và quyền được sống của trẻ em, khiến trẻ em bị chết sớm cho những căn bệnh khác. Thứ hai, suy dinh dưỡng trẻ em gây nghèo gia đình, vì những em bé bị suy dinh dưỡng khiến cho gia đình phải lao tâm khổ tứ để chạy chữa cho trẻ.

Những trẻ bị suy dinh dưỡng không chỉ bị gầy đét, phù nề mà các em còn bị ảnh hưởng tới não bộ, trí thông minh, khả năng học tập, tiếp cận khoa học công nghệ bị giảm dẫn tới làm chậm quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa, do nguồn nhân lực không đảm bảo chất lượng.

Mối liên hệ giữa suy dinh dưỡng cấp tính và suy dinh dưỡng thấp còi rất chặt chẽ. Nếu chúng ta không giải quyết suy dinh dưỡng cấp tính, mặc dù chỉ có 6%-8%, trường hợp nặng chỉ 1-1,5% dân số thì chúng ta cũng không giải quyết được triệt để vấn đề suy dinh dương tại Việt Nam hiện nay. Tại sao nước ta đang là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng tình trạng suy dinh dưỡng vẫn nằm trong top 16 nước có tình trạng cao nhất trên thế giới? Điều đó cho thấy, suy dinh dưỡng không phải do thiếu ăn, thiếu protein năng lượng, mà còn thể suy dinh dưỡng do thiếu vi chất như thiếu vitamin A, thiếu sắt,…

Gần đây, chúng ta có Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, chúng ta có chương trình vitamin A một năm hai lần, chương trình muối trộn I-ốt,…

Hơn 40 năm trước, GS Từ Giấy đã đưa ra những tuyên truyền dinh dưỡng trước bữa ăn. Về dinh dưỡng có khẩu hiệu rất hay mà cho đến bây giờ chúng ta vẫn đang thực hiện, đó là “tô màu cho bát bột trẻ em”, “bú sữa mẹ hoàn toàn”,… và vận động một chương trình rất hay được đưa vào từ điển, và cho đến bây giờ, chúng tôi đang gợi lại đó là hệ sinh thái VAC, để tạo nguồn thực phẩm sẵn có. Chúng ta không chờ đợi để viện trợ từ PALM, từ UNICEF, mà mỗi một gia đình có vườn, ao, có trái trứng trong chuồng gà, có mớ rau, con cá… để cho vào bát bột. Đó là tạo nguồn thực phẩm tại chỗ đảm bảo sự bền vững, cung cấp các nguồn lực sẵn có tại gia đình.

Chúng ta phải coi suy dinh dưỡng là một bệnh và cần những sản phẩm đặc trị để điều trị. Chúng ta phải làm sớm, làm ngay mà không phải “trẻ em là tương lai của đất nước”, “trẻ em là thế giới ngày mai”, tất cả những người làm suy dinh dưỡng đều nói là “Trẻ em là hôm nay” chúng ta phải làm ngay, phải phòng chống ngay mà không phải để đến ngày mai, để đến tương lai.

Cuối cùng, suy dinh dưỡng có nhiều loại như tôi vừa nói, nên khi đưa vào điều trị chúng ta lấy gì để thanh quyết toán? Vào năm 2012, có sửa đổi, bổ sung vào Luật Bảo hiểm y tế và đã đưa vào cụm từ “gói bảo hiểm y tế cơ bản” do bảo hiểm y tế chi trả gói chăm sóc sức khoẻ cơ bản. Cho nên cần có sự hỗ trợ, vừa đảm bảo sự nhân văn, đảm bảo tất cả em bé bị suy dinh dưỡng được điều trị.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết dành có cơ để chăm sóc y tế, đặc biệt đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Xin mời ý kiến của bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Bà Đinh Thị Thu Thủy:  Đã qua rồi thời “ăn no mặc ấm” và bây giờ chúng ta phải phấn đấu “ăn ngon, mặc đẹp”, “ăn ngon, mặc ấm”. Hiện nay, mỗi năm có có 232.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính. Nguyên nhân chính là do chế độ ăn uống nghèo nàn thiếu dinh dưỡng mà cụ thể là sự nghèo đói, lạc hậu, chênh lệch về kinh tế. 


Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế

Để giải quyết thực trạng này, Nhà nước phải thực hiện đồng bộ các biện pháp trong đó có các biện pháp về kinh tế, vệ sinh môi trường, nước sạch, an ninh lương thực và giáo dục. Dưới góc độ y tế, cần phải có cơ chế khám chữa bệnh, điều trị, giảm nguy cơ tử vong của trẻ em cũng như nguy cơ bệnh tật của trẻ em, gia đình, nhà nước và xã hội.

Suy dinh dưỡng cấp tính là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11). Vì là bệnh nên phải có biện pháp phòng ngừa. Trong y tế để phòng ngừa thì phải có pháp đồ điều trị. Hiện nay, đối với loại bệnh này cũng đã có phác đồ điều trị gồm khám, điều trị nội trú, điều trị ngoại trú và tư vấn xuyên suốt trong quá trình điều trị.

Thuốc điều trị cho loại bệnh này hiện có 3 chế phẩm đặc trị, tuy nhiên, 3 chế phẩm đặc trị không gọi là thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm này phải có sự chỉ định của bác sĩ. 

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành 2 Quyết định gồm: Quyết định 4487/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi  và Quyết định 3779/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi. Tuy nhiên, 2 văn  này vẫn là văn bản cá biệt của ngành y tế. Bệnh suy dinh dưỡng nặng cấp tính của trẻ em hiện chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của các cấp, các ngành. Trong khi đó, trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính thường xảy ra trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên gia đình thường không thể chi trả. Đây là trở ngại chính các em và cơ sở y tế. 

Suy dinh dưỡng nặng/cấp tính ở trẻ em có phải là bệnh; phác đồ và chế phẩm điều trị bệnh suy dinh dưỡng nặng

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa TS. BS Huỳnh Nam Phương, các chế phẩm điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính có đặc điểm gì?

TS. BS Huỳnh Nam Phương: Việt Nam bắt đầu tham gia hoặc thử nghiệm các chế phẩm điều trị từ 2009 mặc dù WHO và UNICEF đã có hướng dẫn từ trước đó rất lâu. Quản lý suy dinh dưỡng cấp tính trước đây chỉ được điều trị và quản lý trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở các vùng có thiên tai, bạo động như ở Châu Phi. Nhưng gần đây, trong thời bình tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính cần điều trị rất cao.  Bắt đầu từ 2009, UNICEF đã hợp tác với Viện Dinh dưỡng Quốc gia để hướng dẫn kỹ thuật đầu tiên và làm mô hình thử nghiệm tại 5 bệnh viện trung ương gồm có từ Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh cũng như tại 9 xã tại tỉnh Kon Tum và kết quả của đợt điều trị trong thời gian đó rất khả quan. 


TS. BS Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế

Bên cạnh sử dụng phác đồ điều trị của WHO, UNICEF, chúng tôi cũng nghiên cứu sản phẩm điều trị sao cho phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam như những sản phẩm F75, F100, RUTF… Cụ thể đối với sản phẩm RUTF, đây là một loại sữa công thức chế phẩm dưới dạng ăn liền và có thể dùng điều trị cộng đồng, đảm bảo giá trị dinh dưỡng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nặng. 

Chúng tôi đã sử dụng các sản phẩm này đúng phác đồ của WHO để điều trị cho các em trong chương trình thử nghiệm. Từ kết quả của chương trình như vậy, từ 2012-2015 chúng tôi được sự hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, Liên Hiệp quốc… để thử nghiệm mô hình này trên 22 tỉnh, tuy nhiên với nguồn lực hạn chế chúng tôi chỉ bao phủ 10% số trẻ cần được điều trị.

Từ 2015 đến nay do sự cắt giảm kinh phí từ nước ngoài nên nguồn điều trị đã bị giảm sút rất nhiều. Để đáp ứng sự bền vững của chương trình, tăng độ bao phủ, cần tìm được phương thức chi trả. Và điểm vướng mắc đó chính là việc khó khăn khi đưa các chế phẩm để đưa vào thuốc hoặc vật tư thiết yếu nằm trong bảo hiểm y tế. Hy vọng điều này sẽ được đưa vào Luật. 

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Những yếu tố nào được xem xét để đưa các chế phẩm này như 1 loại thuốc trong bảo hiểm y tế, thưa bà? 

TS. BS Huỳnh Nam Phương: Chế phẩm điều trị được sản xuất dựa trên tiêu chí theo tiêu chuẩn toàn cầu và cũng được đưa vào phần phụ lục của Quyết định 4487/QĐ-BYT năm 2016 của Bô Y tế. Năng lượng của sản phẩm rất cao, bù đắp phần dinh dưỡng thiếu hụt bị mất do bệnh tật hoặc thiếu ăn. Lượng vi chất đặc biệt cao, và đây là điểm khác với thực phẩm chức năng khác. Cụ thể, thực phẩm chức năng chỉ đáp ứng 30% khuyến nghị vi chất trong khẩu phần thực phẩm ăn vào. Còn chế phẩm này đáp ứng được 100%, tức là trẻ sẽ được kê đơn theo cân nặng của trẻ, khi sử dụng sản phẩm này thì trẻ sẽ không phải sử dụng bổ sung thêm vi chất. Đó là liều điều trị chứ không phải liều bổ sung và trẻ không phải ăn ở khẩu phần khác. Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ảnh hưởng đến tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết do đó chế phẩm được sản xuất để đáp ứng được trong giai đoạn cấp cứu không bị quá tải, nhưng giai đoạn sau đó bù kịp tốc độ tăng trưởng, ăn với số lượng ít nhưng tăng cân rất nhanh. Từ 6-8 tuần trong quá trình điều trị ngoại trú bé có thể hồi phục cân nặng bình thường dựa trên những bằng chứng khoa học trên thế giới cũng như tiêu chuẩn toàn cầu. 

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Theo Tổ chức Y tế thế giới, suy dinh dưỡng là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11), phần các bệnh về chuyển hóa, dinh dưỡng và nội tiết. Như vậy, có thể khẳng định suy dinh dưỡng là bệnh có thể ngăn ngừa, điều trị và có phác đồ điều trị phải không thưa Bs. Nguyễn Trọng An?

Bs. Nguyễn Trọng An:  Suy dinh dưỡng là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11). Chúng ta vừa mới phân tích, SDD chung, phòng ngừa điều trị chung là nhiệm vụ của cộng đồng, của gia đình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn 8%, khoảng hơn 200 ngàn trẻ bị SDD cấp tính nặng và bệnh này phải được điều trị. 


Ông Nguyễn Trọng An, Bác sĩ chuyên khoa nhi, chuyên gia dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em

Ngoài việc điều trị do thiếu vitamin A, bị viêm phổi, tiêu chảy thì những trẻ em bị suy dinh dưỡng không thể hấp thu được như bình thường, bị rối loạn điện giải, do đó, cần có một chiến thuật đặc biệt để điều trị bệnh này. Chiến thuật điều trị độc quyền này không phải là thuốc nhưng phải được quy định kê đơn hướng dẫn của thầy thuốc. Do đó, sản phẩm này phải được quy định trong luật để cho tất cả các bộ, ngành phải thực hiện, đặc biệt là ngành y tế. Đây là một loại bệnh, đã là bệnh thì phải được điều trị và phải điều trị bằng sản phẩm đặc biệt.

* Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Điều trị bệnh suy dinh dưỡng nặng có tốn kém không? Dự tính quỹ Bảo hiểm cần chi trả bao nhiêu để đảm bảo mọi trẻ bị bệnh suy dinh dưỡng nặng được điều trị, thưa Gs. Ts. Hoàng Văn Minh, Hiệu Phó trường Đại học Y tế Công cộng? 

Gs. Ts. Hoàng Văn Minh: Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo những sản phẩm giành cho trẻ em bị suy dinh dưỡng. Có hơn 43 quốc gia đưa vào bảo hiểm những sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng và điều trị miễn phí.  Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã có những thử nghiệm những sản phẩm để điều trị bệnh suy dinh dưỡng thể nặng này là rất tốt, vì vậy Bộ Y tế đã có công văn để đưa những loại sản phẩm này vào điều trị.

Tuy nhiên, có nhiều gia đình có con suy dinh dưỡng đều là những gia đình nghèo, không có tiền để điều trị, tạo ra gánh nặng và sự bất công trong xã hội cực kỳ lớn. Vì vậy, bảo hiểm y tế nên chi trả cho chi phí chăm sóc và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính thể nặng ở trẻ em 6-59 tháng tuổi. Viện Y tế Công cộng đã phối hợp với UNICEF tiến hành nghiên cứu và rút ra rằng, chi phí điều trị này không lớn. 


GS. TS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng

Cụ thể, nếu sử dụng 3 chế phẩm đặc trị suy dinh dưỡng là F75, F100 và RUTF để điều trị, tính thêm cả những chi phí khác như tư vấn, chi phí nội trú… đối với những bệnh nhân suy dinh dưỡng không nặng, chỉ cần điều trị ngoại trú và mất khoảng 100-150 gói RUTF, mỗi gói này chỉ có giá 7.000 đồng. Như vậy một gói điều trị chỉ có giá 1,2 triệu đồng. 

Nếu như bệnh nhân có biến chứng, phải điều trị nội trú, bệnh nhân phải sử dụng 4 gói F75 và một gói F100 với đơn giá 60.000 gói F75 và 68.000 gói F100. Chi phí cho một đợt điều trị nội trú khoảng 1,5 triệu đồng. 

Việt Nam có 200.000 bệnh nhân suy dinh dưỡng bệnh thể nặng nhưng xét con số mới mắc mỗi năm lên tới 1,4%. Với những trường hợp mới mắc thì việc điều trị này có tác dụng hơn rất nhiều. Và chúng ta nên hướng vào nhóm này nhiều hơn để đạt hiệu quả tối ưu

Nếu điều trị khỏi 50% trong số đó thì chi phí hết khoảng 126 tỷ đồng/năm. Nếu chúng ta bao phủ 100% toàn bộ các trẻ mới mắc thì chi phí hết khoảng 250 tỷ đồng/năm. Nếu tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều tham gia BHYT, quỹ cho trẻ em dưới 6 tuổi khoảng hơn 6.600 tỷ. Như vậy, nếu bao phủ 50% số trẻ em nhiễm suy dinh dưỡng cấp tính sẽ khoảng 2% và 100% sẽ chưa đến 5%. Con số đó là không lớn nếu ta so sánh vơi các chi phí điều trị ung thư., bởi mỗi năm bảo hiểm y tế chi 5.000 tỷ cho điều trị ung thư.

Trẻ em là đối tượng cần phải ưu tiên số 1, nhưng nếu không đủ kinh phí thì nên tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng nguy cơ cao. Như vậy chi phí sẽ thấp hơn, nếu tính toán cụ thể chỉ dưới 1% quỹ bảo hiểm y tế giành cho trẻ em. Như vậy khi điều trị suy dinh dưỡng được đưa vào bảo hiểm y tế sẽ đảm bảo được sự công bằng về tài chính.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Đinh Thị Thu Thủy, Bộ Y tế đã ban hành tại Quyết định số 4487/QĐ-BYT ngày 18.8.2016 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh SDD cấp tính ở trẻ em từ  0-72 tháng tuổi. Dưới góc nhìn quản lý, đây liệu có phải là hành lang pháp lý cần và đủ để can thiệp nhanh chóng, kịp thời cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính?

Bà Đinh Thị Thu Thủy: Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Có thể thấy, sức khỏe là gốc rễ và là hành trang để trẻ bước vào đời, trẻ em là rường cột cho mọi quốc gia. 

Thấm nhuần lời của Bác cũng như cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ em theo các chủ trưởng của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước. Ở góc độ quản lý quản lý nhà nước, tôi cho rằng, vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em cần phải có biện pháp quan tâm hơn nữa. Như tôi đã nói ở trên, Quyết định 4487/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi và Quyết định 3779/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi mới chỉ là văn bản cá biệt, chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây cũng là một trong những nguyên dân làm cho các cơ sở y tế vẫn còn coi nhẹ công tác này và vẫn chưa hiểu suy dinh dưỡng cấp tính là một loại bệnh cần được điều trị một cách chính đáng. Việc khám và điều trị suy dinh dưỡng cho các em cần phải có nguồn lực kinh tế. Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh đều do gia đình bệnh nhân chi trả, không ít gia đình kinh tế còn khó khăn. Đây cũng là một trong những khó khăn cho các cơ sở y tế, và không ai khác, các em là những người chịu thiệt thòi. 

Để thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của nước ta và đặc biệt, chúng ta thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em thì việc khám, điều trị suy dinh dưỡng trẻ em  ần phải được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của nhà nước là Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây là một quyết sách thể hiện  sự quan tâm của nhà nước đối với vấn đề khám, chữa bệnh và đối với trẻ em. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để các cơ sở y tế để tuân thủ về quy trình về khám, chữa bệnh suy dinh dưỡng cấp tính. Qua đó, bảo đảm cho trẻ em được hưởng quyền lợi mình trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là được BHYT chi trả đối với sản phẩm được điều trị  

Sự cần thiết phải luật hóa cơ chế khám, điều trị suy dinh dưỡng nặng trẻ em nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Trọng An, ông đánh giá về sự cần thiết phải đưa tư vấn, khám, điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng trẻ em vào Luật? Nếu đưa vào luật, liệu có vấn đề về lợi ích nhóm đối với các chế phẩm F-75, F100 và RUTF?

BS Nguyễn Trọng An: Cách đây 40 năm, Tuyên ngôn Alma – Ata về chăm sóc sức khỏe ban đầu có đưa ra 5 tia sáng để cứu hàng triệu trẻ em trên toàn cầu thoát chết, viết tắt là GOBI-F. Trong đó,

G: Giám sát tăng trưởng: bằng cách sử dụng cân và biểu đồ cân nặng để giám sát sự tăng trưởng của trẻ, phát hiện kịp thời tình trạng SDD để can thiệp sớm.

O: Cách pha ORS và bù nước. Thực hiện bù nước bằng đường uống, bằng các dung dịch muối đường (ORS) để chống tình trạng mất nước và điện giải khi trẻ bị ỉa chảy cấp, nhằm giảm tỷ lệ tử vong do ỉa chảy

B: Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ. Khuyến khích các bà mẹ cho con bú, nhằm góp phần làm giảm các bệnh nhiễm khuẩn và SDD.

I: Thực hiện tiêm chủng mở rộng. Tiêm phòng các bệnh nhiễm khuẩn chủ yếu như lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sỏi cho tất cả trẻ em dưới một tuổi.

F: Giáo dục cho bà mẹ về chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Chúng ta nên quan tâm đến vấn đề này và đưa vào luật. Đặc biệt gần đây Thủ tướng ban hành Quyết định 1437/QĐ-TTg 2018 phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Chế phẩm dinh dưỡng cho trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời là rất quan trọng, do đó, việc ưu tiên phát triển cho trẻ em cả thể chất và tinh thần, trí tuệ và xã hội cần quan tâm nhiều, đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng. Do vậy, việc giảm SDD do thấp còi, thừa cân ở Việt Nam hiện nay phải là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và phải được nêu rõ trong luật.

Khi đưa vào luật tức là chúng ta đã thể chế hóa SDD là bệnh thì việc chữa phải được quy định có bác sĩ kê đơn và hỗ trợ chi trả để sản phẩm chuyên biệt điều trị SDD cấp tính này. Theo TS phương, BS Minh nói, thì sản phẩm này rất tốt, phục hồi rất nhanh và phù hợp với trẻ suy dinh dưỡng nặng.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa bà Đinh Thị Thu Thủy, nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất coi SDD là một loại bệnh, nên cần thiết phải bổ sung quy định điều trị suy dinh dưỡng nặng trẻ em vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Coi đây là giải pháp tối ưu để kịp thời phòng ngừa và điều trị cho tất cả trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính, giảm các gánh nặng về chi phí cho KT-XH và các hậu quả về mặt sức khỏe do suy dinh dưỡng gây ra. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Đinh Thị Thu Thủy: Vụ Pháp chế hoàn toàn đồng ý về kiến của các chuyên gia trong buổi tọa đàm ngày hôm nay.  

Về sự cần thiết bổ sung các quy định về điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chính vì vậy, tại điều 84 của dự thảo Luật được quy định theo hướng sử dụng sản phẩm chuyên biệt để điều trị suy dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi, và phải bảo đảm một số nguyên tắc như: chỉ sử dụng khi cần thiết với mục đích an toàn hợp lý, hiệu quả theo đơn của bác sĩ phù hợp với chuẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của bệnh nhân. Khi kê đơn các sản phẩm chuyên biệt, điều trị  suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi thì người hành nghề phải ghi đầy, rõ ràng về đơn thuốc, sổ khám hoặc hồ sơ bệnh án, các thông tin như: tên, liều dùng, cách dùng của sản phẩm điều trị cho bệnh nhân bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng.  

Sau khi dùng các phẩm chuyên việt để điều trịnh bệnh suy dinh dưỡng nặng cấp tính, người hành nghề điều trị trực tiếp nội trú phải có trách nhiệm theo dõi tác dụng và xử lý kịp thời các tai biến do sản phẩm chuyên biệt điều trị gây ra. Trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng các sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính thì được quỹ bảo hiểm chi trả, trong dự thảo Luật cũng giao cho Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định danh mục các sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi. Quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính và hướng dẫn chuẩn đoán, điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi. Như vậy, nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thông qua, trong đó điều 84 quy định về việc sử dụng thuốc, các sản phẩm, chế phẩm cho điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi thì chúng ta có một cơ chế pháp lý để cho các trẻ em dưới 6 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính của cả nước đều được khám, chữa bệnh kịp thời bảo đảm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỉ cũng như thực hiện quan điểm chỉ đạo của nhà nước là không bỏ ai lại phía sau.

Vấn đề mà BS Nguyễn Trọng An lo ngại, đó là việc đưa danh mục các sản phẩm chuyên biệt điều trị sẽ gây ra các nhóm lợi ích đối với các sản phẩm này, đây cũng là điều băn khoăn của các đại biểu trong quá trình xây dựng  dự thảo Luật này. Nhưng chúng tôi khẳng định rằng, nếu như Bộ Y tế có một danh mục về các sản phẩm chuyên biệt điều trị có các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì quy chuẩn này công khai. Do đó, các công ty phải sản xuất các sản phẩm này theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mà Bộ Y tế ban hành. Các cơ sở y tế có thể đấu thầu công khai theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. 

Vào những năm 2003-2004, tỉnh Ninh Thuận hai năm liền không một giọt mưa, trẻ em suy dinh dưỡng rất nhiều, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng bào thai. Tất cả trâu, bò, lợn, gà không có thức ăn phải đốt cả cây xương rồng để lấy thức ăn. Những bà mẹ khi đẻ ra trẻ em hầu hết đều bị suy dinh dưỡng. Bình thường chỉ có 13% nhưng đã tăng vọt lên 29 %. Thời điểm đó, UNICEF đã có gói hỗ trợ là gói vi chất dinh dưỡng chứ chưa có tên gọi hoàn thiện như gói dinh dưỡng hiện nay. Sau khi sử dụng điều trị, hỗ trợ đã giảm thiểu tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai. 1/3 số trẻ em bị suy dinh dưỡng bào thai sẽ không nhìn thấy ngày sinh nhật đầu tiên nếu không được chăm sóc đặc biệt. Việc dùng gói vi chất dinh dưỡng, gói hỗ trợ điều trị đặc biệt này cũng đã được thử nghiệm ở Kon Tum, chúng ta đánh giá được là gói này chi phí ít, hiệu quả cao. Vì thế tôi đồng ý cần bổ sung vấn đề này vào một điều trong luật.

Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn về vấn đề sản phẩm chuyên biệt này, nếu chúng ta đưa tên của sản phẩm này vào luật thì rất nguy hiểm. Tôi rất lo ngại về độc quyền của một doanh nghiệp nào đó và vấn đề lợi ích nhóm tạo ra trong vấn đề sản xuất các sản phẩm này. Vì vậy, chúng ta phải cân nhắc, sau khi đưa vào luật thì sản phẩm đặc trị này phải đảm bảo như thế nào để giảm thiểu nguy cơ lợi ích nhóm.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa quý vị và các bạn!

Thời gian qua, Nhà nước đã dành ưu tiên cho dinh dưỡng với mức cam kết chính trị cao nhất, thông qua Nghị quyết số 20 của Đảng và Chỉ thị số 46 của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh việc giảm thiểu thấp còi và tăng cường công tác dinh dưỡng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng Gói Chăm sóc Y tế Cơ bản để đảm bảo lợi ích tối đa cho trẻ em và bà mẹ từ hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chiến lược dinh dưỡng quốc gia (giai đoạn 2011 - 2020, với tầm nhìn đến năm 2030) và Kế hoạch hành động nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (2012 - 2015) cũng nhấn mạnh việc tăng cường y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm các dịch vụ dinh dưỡng.

Với thực tế suy dinh dưỡng là một bệnh và có thể chữa trị được bằng các chế phẩm chuyên biệt đã được khẳng định qua thực tiễn ở VN và trên thế giới, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, rất cần thiết phải có quy định về điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng trẻ em vào Luật Khám bệnh, Chữa bệnh nhằm giải quyết triệt để tình trạng SDD ở trẻ em vì sức khỏe và tầm vóc Việt. Giải quyết được suy dinh dưỡng cấp tính nặng là góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và tử vong ở trẻ, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng năng suất lao động, và kích thích tăng trưởng kinh tế. 

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐBND
Ảnh: Duy Thông