Tọa đàm bàn về khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam

Tự Cường 21/03/2012 16:35

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, dưới sự hỗ trợ của Bộ Phát triển hải ngoại Vương quốc Anh (DFID), tổ chức buổi Tọa đàm đối thoại chính sách: Hướng tới một khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong trung và dài hạn.

Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn cho các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, cũng như các nhà tài trợ quốc tế cùng phân tích, thảo luận sâu về quan điểm tư tưởng, lựa chọn khung khổ và công cụ thực thi chính sách trong bối cảnh khó khăn, nhưng vẫn hàm chứa nhiều cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 5-10 năm tới.

Tại buổi tọa đàm, nhóm nghiên cứu của VEPR đã trình bày tham luận đề dẫn Hướng tới một khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong trung và dài hạn. Cụ thể, tham luận đã chỉ rõ thực trạng và những vấn đề kinh tế vĩ mô căn bản của Việt Nam. Xuất phát từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chúng ta đã mở rộng đầu tư, điều này kéo dãn khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm. Điều này buộc phải mở rộng tín dụng, đồng nghĩa với việc lạm phát tăng cao, gây bất ổn cho nền kinh tế và đời sống người dân. Điều này buộc chúng ta phải ban hành các chính sách bình ổn kinh tế, kiềm chế lạm phát, kéo theo các hệ lụy lớn, gây méo mó thị trường, lộ diện ra các vấn đề, những tồn tại trong cấu trúc của nền kinh tế.

Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra những đề xuất về chính sách tiền tệ như xây dựng thể chế điều hành theo bộ ba gồm: đặt mục tiêu lạm phát, đưa dần lạm phát về một vùng ổn định trong trung hạn từ 4-6%/năm. Đồng thời, xây dựng tỷ giá linh hoạt; duy trì một chính sách tiền tệ có nguyên tắc. Các chính sách bổ sung cần thiết như xây dựng các công cụ kiểm soát vốn gián tiếp; hội nhập quốc tế và tự do hóa thị trường vàng; cải cách tài khóa để giảm sức ép lên cơ quan tiền tệ.

Đối với các giải pháp đề xuất về chính sách tài khóa, nhóm nghiên cứu của VEPR kiến nghị không nên coi chi tiêu chính phủ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nhanh chóng thu hẹp thâm hụt ngân sách để tránh sự gia tăng nhanh của nợ công và những rủi ro đi kèm. Thêm nữa, cần giảm dần gánh nặng thuế khóa cho doanh nghiệp và người dân. Tăng thu ngân sách thông qua nâng cao tỷ lệ tuân thủ và cơ sở đánh thuế hơn là nâng thuế suất. Xây dựng hệ thống nguyên tắc tài khóa chặt chẽ và cơ chế giám sát sự tuân thủ. Cắt giảm và tăng cường giám sát hiệu quả của đầu tư công.

Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, VEPR đề xuất cần chuyển vai trò của các doanh nghiệp nhà nước từ chủ đạo sang hỗ trợ nền kinh tế. Nên phân chia mức độ sở hữu nhà nước ra làm bốn nhóm: nhóm nhà nước sở hữu 100% với các doanh nghiệp đặc biệt, công ích; nhóm nhà nước chiếm đa số vốn (trên 65%) đối với các doanh nghiệp chủ động thực hiện chính sách ngành; nhóm nhà nước sở hữu một phần vốn (30-51%) để khuyến khích và phát triển một số ngành và nhóm mà nhà nước cần thoái vốn toàn bộ. Cùng với đó là các khuyến nghị chính sách nhằm tinh giản số lượng doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả quản trị các công ty, doanh nghiệp nhà nước, chính sách chống độc quyền hành chính.

Các chuyên gia kinh tế đầu ngành đã đưa ra ý kiến, nhận định những mặt được, chưa được và hoan nghênh những ý kiến mới trong việc khuyến nghị chính sách của VEPR. Đồng thời, cũng lưu ý nhóm nghiên cứu về tính khả thi của các đề xuất với thực tiễn kinh tế Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tọa đàm bàn về khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO