Theo đơn, Toà án nhân dân tối cao nhận được Công văn số 175/CV-ĐBND ngày 6.3.2024 của Báo Đại biểu Nhân dân về việc chuyển đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Đặng Văn Kỷ, bà Đặng thị Hạnh, và Đặng Thị San, ông Đặng Văn Dần, bà Đặng Thị Thanh đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 405/2023/DS-PT ngày 24.8.2023 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Tranh chấp về tài sản chung dòng họ và yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Đặng Văn Thắng, ông Đặng Văn Khôi với bị đơn là ông Đặng Văn Kỷ và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.
Theo đó, Toà án nhân dân tối cao cho biết, tại Thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm số 967/TB-TA ngày 9.9.2024, Toà án nhân dân tối cao đã trả lời cho ông Đặng Văn Kỷ, bà Đặng Thị Hạnh, bà Đặng Thị San, ông Đặng Văn Dần, bà Đặng Thị Thanh là không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.
Cùng với đó, Toà án nhân dân tối cao chuyển Báo Đại biểu Nhân dân Thông báo số 967/TB-TA giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi các ông, bà nêu trên.
Văn bản ghi, Toà án nhân dân tối cao nhận được đơn của các ông, bà đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 405/2023/DS-PT ngày 24.8.2023 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án "Tranh chấp về tài sản chung dòng họ và yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là ông Đặng Văn Thắng, ông Đặng Văn Khôi với bị đơn là ông Đặng Văn Kỷ và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.
Sau khi xem xét đơn đề nghị của các ông, bà và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Toà án nhân dân tối cao nhận thấy không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 405/2023/DS-PT ngày 24.8.2023 của Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân nhận được đơn kêu oan của ông Đặng Văn Kỷ (bị đơn) cùng bà Đặng Thị Hạnh, bà Đặng Thị San, ông Đặng Văn Dần, bà Đặng Thị Thanh là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến thửa đất tranh chấp trong vụ án “Tranh chấp về tài sản chung dòng họ và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm theo bản án số 05/2022/DS-ST ngày 17.6.2022 và Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo bản án số 405/2023/DS-ST ngày 24.8.2023.
Theo đơn thư, Tòa án ở cả hai cấp xét xử sơ thẩm và cấp phúc thẩm không căn cứ vào các tài liệu chứng cứ của vụ án theo đúng quy định pháp luật về nguồn gốc, quá trình quản lý sử dụng đất của các bên tranh chấp mà chỉ căn cứ vào các lời khai, nhận định không có cơ sở để quyết định tuyên buộc ông Đặng Văn Kỷ phải trả lại thửa đất cho dòng họ Đặng và Huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Khoái Châu đã cấp năm 2012 trong khi không có tài liệu, chứng cứ nào khác ngoài tờ giấy viết tay lập ngày 18.1.1985 (âm lịch) để chứng minh thửa đất của gia đình ông Kỷ đã và đang sử dụng có nguồn gốc là do họ Đặng đã mua từ hơn 200 năm trước.
Cũng theo đơn, Bà Đặng Thị Hạnh cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, mặc dù trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ thông tin về quan hệ nhân thân của gia đình ông Kỷ liên quan đến quá trình sử dụng nhà đất nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên lại chỉ triệu tập một trong số người là ông Đặng Văn Dần tham gia tố tụng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, còn lại 03 người là Đặng Thị San, Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Hạnh lại không được triệu tập (trong khi vợ của ông Đặng Văn Đài (đã mất) là bà Phạm Thị Hoa cũng được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án).
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bà Đặng Thị San, Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Hạnh đều đã có đơn gửi Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội để trình bày ý kiến và đề nghị được tham gia tố tụng trong vụ án nhưng đều không được các cơ quan này xem xét, trả lời và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.