Tòa án không thể bỏ mặc các tranh chấp dân sự
Đầu tuần qua, thảo luận về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiều ý kiến tiếp tục tranh luận về việc: Tòa án có được từ chối giải quyết các vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng không? Ủng hộ quan điểm của cơ quan trình, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau TRƯƠNG MINH HOÀNG cho rằng, Tòa án không được từ chối yêu cầu của người dân. Trong trường hợp chưa có luật thì cho phép Tòa án áp dụng án lệ, tập quán, lẽ công bằng, nguyên tắc tương tự pháp luật để bù đắp “lỗ hổng” trong pháp luật dân sự.
- Thưa ông, về tình và lý thì đúng là Tòa án sinh ra để phục vụ nhân dân, do vậy khi người dân có yêu cầu thì Tòa không được từ chối, kể cả trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng. Nhưng dường như lý lẽ cho tính khả thi của điều luật này cũng chưa thật sự thuyết phục…?
- Tôi đồng tình cao với việc áp dụng án lệ quy định trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đối với nguyên tắc tương tự pháp luật trong quan hệ dân sự, có thể dùng những quy phạm pháp luật đang có hiệu lực để xử lý các vụ việc có tính chất tương tự nhưng chưa có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh. Ví dụ, có thể áp dụng quy định pháp luật về cho vay để xử lý những vụ việc dân sự liên quan đến hụi họ, hoặc áp dụng các quy định về dịch vụ để điều chỉnh quan hệ đổi công...
Tuy nhiên, đối với quy định về tập quán trong Dự án Bộ luật thì cần nghiên cứu để xác định rõ tập quán nào là lạc hậu, trái pháp luật và không được áp dụng và giao cơ quan có thẩm quyền công nhận những tập quán nào có thể áp dụng trong giải quyết những vụ việc dân sự chưa có luật. Ví dụ những tập quán đã có từ lâu đời và hiện đã trở thành hương ước, quy chế hoạt động, được UBND cấp huyện thừa nhận thì có thể xem xét vận dụng, áp dụng. Hoặc, trong Dự thảo có thể giao HĐND xem xét và công nhận tập quán ở địa phương. Nếu thực tế trên địa bàn có phát sinh vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng mà có thể áp dụng tập quán để giải quyết thì Ban Pháp chế HĐND có thể trình HĐND cho ý kiến tại Kỳ họp HĐND gần nhất.
- Tuy nhiên, trong phiên họp thảo luận về Dự án Bộ luật, cũng có một số đại biểu lo ngại rằng, khi có luật mà có lúc Tòa án xét xử còn chưa đúng, huống hồ lại sửa luật cho phép áp dụng án lệ, tập quán, lẽ công bằng… thì có bảo đảm công lý?
- Đúng là thực tế hiện nay, đã có luật quy định mà còn xảy ra án oan, sai, nhưng đấy chỉ là những trường hợp cá biệt. Cũng không loại trừ khi cho phép áp dụng án lệ, tập quán, lẽ công bằng, nguyên tắc tương tự pháp luật thì sẽ không xảy ra trường hợp xử oan, sai. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là tòa án không thể bỏ mặc các tranh chấp dân sự, bỏ mặc mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân. Do vậy, để thẩm phán tham gia xét xử không được từ chối những vụ việc dân sự công dân yêu cầu vì lý do chưa có điều luật thì phải cho phép áp dụng án lệ, tập quán, lẽ công bằng, nguyên tắc tương tự pháp luật. Trong từng vụ việc tranh chấp dân sự, tòa án sẽ căn cứ thực tế để quyết định áp dụng biện pháp nào phù hợp nhất. Nếu quan hệ dân sự đã có pháp luật điều chỉnh thì đương nhiên không có lý lẽ gì để áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật, tập quán, án lệ hay lẽ công bằng.
- Trong tổ chức Tòa án Nhân dân hiện nay không phải chỉ có một cấp. Nếu trong trường hợp việc áp dụng án lệ, tập quán, lẽ công bằng, nguyên tắc tương tự pháp luật của Tòa sơ thẩm khác với Tòa phúc thẩm thì như thế nào, thưa ông?
- Áp dụng án lệ, tập quán, hay lẽ công bằng phải trên cơ sở cơ quan có trách nhiệm thẩm định và nếu có mâu thuẫn thì người có trách nhiệm cao nhất phải ra phán quyết. Thực tế, có trường hợp, Tòa án sơ thẩm chưa phân tích hết được các mặt của mâu thuẫn, hoặc phân tích chưa thấu tình, đạt lý, dẫn đến lẽ công bằng mà Tòa án sơ thẩm áp dụng khác với Tòa án phúc thẩm. Nếu người khiếu kiện lo ngại tính công bằng và sự khác nhau giữa phán quyết của Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm có thể khiếu kiện lên cấp xét xử cao nhất là Tòa án Nhân dân Tối cao để bảo đảm quyền và lợi ích của mình. Trong trường hợp cần áp dụng tập quán, tôi thấy rằng, nếu tranh chấp dân sự xảy ra trong một làng, xã thì có thể áp dụng tập quán của làng, xã đó để giải quyết. Nhưng nếu tranh chấp dân sự xảy ra giữa hai làng, hai xã có tập quán khác nhau thì phải dựa vào tập quán số đông để áp dụng.
- Liên quan đến Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), quy định về lãi suất cơ bản cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trước hết, Ngân hàng Nhà nước cần trả lời dứt khoát có công bố được lãi suất cơ bản nữa không? Thứ hai, Ban soạn thảo phải lý giải vì sao đưa ra phương án: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo tôi, nếu Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản, Dự thảo Bộ luật nên ấn định lãi suất cho vay trong nội bộ nhân dân không được vượt quá 15%/năm khoản vay hoặc dưới 20%/năm. Theo dõi thời gian ổn định lãi suất một năm qua, tôi thấy mức 15%/năm là hợp lý, phù hợp với thực tế, tránh tình trạng các bên tự do thỏa thuận như hiện nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng nên rà soát, so sánh giữa các năm qua có khi nào mức lãi suất này vượt quá 15% hoặc 20%/năm khoản vay hay không, từ đó sẽ tính được mức lãi suất phù hợp nhất.
- Xin cám ơn ông!