Tô Hoài với Dế mèn...và với văn học thiếu nhi VN
Cái truyện về con dế của Tô Hoài có sức chiếm lĩnh thật rộng lớn đối tượng đọc để khiến cho nó trở thành vừa cho trẻ con vừa cho người lớn, chuyện của người đời và cả đời người…

Rõ ràng không chỉ một lớp bạn đọc nhỏ tuổi, ở tuổi học đường (vào bất cứ thời nào) mới mê Dế mèn phiêu lưu ký. Cũng như những truyện hay cho trẻ em như Robinson Crusoe, Tom Sawyer, Không gia đình... không phải chỉ trẻ con đọc.
Sáng tạo một “nhân vật” Dế mèn trong thế giới các sinh vật nhỏ bé giữa thiên nhiên, ở tuổi ngoài hai mươi, Tô Hoài bỗng bộc lộ một tài năng đột xuất về nhiều mặt. Đó là khả năng hóa thân vào sự sống của vật và đồng thời đưa lại cho thế giới vật sự sống của người. Sự chung sống, sự hòa trộn, sự chuyển hóa của hai thế giới đã giúp cho bạn đọc cảm giác mở rộng, nhân đôi các giới hạn sống trong một xã hội tù túng, ngột ngạt. Dế mèn trước hết phải là thuộc họ nhà dế, nhưng dế mèn cũng là bạn đọc, là tôi, là anh, là thế giới người. Quả biết bao là vui thích, là sống động của cả một thế giới nhân vật, gồm cả nhân và vật, đã được mở rộng đến tối ưu các biên độ sống, dẫu tất cả chỉ diễn ra trong một khu vườn nhà hoặc một cánh đồng làng. Cái khu vườn vẫn chỉ nhỏ bé và thân thuộc thế, nhưng lại xiết bao to rộng và khoáng đãng có thể chứa biết bao là cuộc rong chơi, du lịch cho dế, nó cũng chính là ước mơ của người, của thế giới người.
Ở tuổi hai mươi, ngòi bút Tô Hoài thật linh hoạt. Quan sát kỹ lưỡng và tinh tế. Ngôn ngữ tự nhiên mà giàu có. Thiên nhiên khoáng đãng mà thơ mộng. Nhân vật có dáng riêng, giọng riêng và đều sắc nét... Cây bút Tô Hoài quả đã đưa được vào truyện khát vọng của một tuổi trẻ ham hoạt động và mong một cuộc sống thanh bình trong thế giới đại đồng. Những chung đụng và trải nghiệm của dế mèn quả đã được miêu tả một cách hồn nhiên theo thế giới tự nhiên, nhưng là một tự nhiên nhuốm ý thức về nhân quần, về xã hội. Mà xã hội, nó là chuyện của con người, của loài người.
Sau Dế mèn..., Tô Hoài tiếp tục khẳng định tài năng truyện ngắn của mình trong miêu tả thế giới loài vật. Một thế giới vật qua cách nhìn của người để được nhân hóa như trong O chuột, đã đưa Tô Hoài vào một mảng sáng tạo độc đáo, cho đến nay vẫn chưa thấy ai thay thế được. Đó là mảng truyện gắn nối và gây được sự yêu thích cho cả hai đối tượng đọc: trẻ em và người lớn; cả hai, nếu tính đến sự nối tiếp của các thế hệ và tính theo hành trình của đường đời thì, có lẽ Tô Hoài là tác giả có số lượng người đọc phổ biến và đông đảo nhất, thường xuyên nhất trong các tác giả của thế kỷ XX. Những đời ông, đời cha, rồi đời con, đời cháu của biết bao thế hệ độc giả cùng biết đến Dế mèn, cùng hâm mộ Dế mèn, phải nói đó là món quà thật lý thú cho một đời văn.
Ở khu vực sáng tác có đối tượng bạn đọc rộng rãi nhất này, rồi sẽ có một đội ngũ người viết chuyên, với nhiều tên tuổi quen thuộc; nhưng thuộc số ít người quen thuộc nhất, theo tôi, vẫn là Tô Hoài. Sau 1945, sự quan tâm đến thế giới loài vật này vẫn cứ là một mạch ngầm tuôn chảy để đến sau năm 1960, ông viết tiếp Con mèo lười, Ò ó o, Đàn chim gáy, Chim chích lạc rừng, Cá đi ăn thề... Vẫn ở Tô Hoài, sự quan sát thấu đáo, sắc sảo, khó ai sánh được.
Cùng với mảng truyện về loài vật dưới hình thức đồng thoại, Tô Hoài còn để lại hai áng văn xuôi cảm động về Kim Đồng, Vừ A Dính - lớp con người mới đầu tiên trong văn học thiếu nhi gắn với bối cảnh Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Hai truyện mở đầu cho loại truyện về người thực, là loại truyện một thời gian dài rất được quan tâm và có sự sống thật sôi nổi trong văn học Việt Nam thời chiến tranh, và về đề tài chiến tranh.
Thành đạt sớm và có chỗ đứng cao trong văn học hiện đại Việt Nam trước và sau năm 1945, trên nhiều khu vực đề tài quan trọng, Tô Hoài vẫn cứ là người viết chưa bao giờ xem việc sáng tác cho thiếu nhi là công việc của tay trái, hoặc chỉ để đổi tay. Lúc nào các em cũng thấy ông hiện diện cùng mình. Và không phải là một sự hiện diện mờ nhạt, bởi mỗi sáng tác cho thiếu nhi của Tô Hoài, dẫu ở trong hoàn cảnh nào, cũng đều được viết với ý thức lao động công phu nhất, và với mục tiêu đạt được sự hoàn thiện tối ưu...
Năm 2009 này Tô Hoài đã vào tuổi 89. Đã là người có thâm niên viết dài nhất trong tất cả các nhà văn Việt Nam hiện đại. Đã vừa là bậc trưởng lão gần gũi và đáng trọng nhất, và vẫn là người đồng hành cùng năm thế hệ người viết chúng ta. Đã có một sự nghiệp có thể nói là đồ sộ nhất - cả số lượng và chất lượng, trong đó có sự nghiệp viết cho thiếu nhi, in rõ những biến động và đổi thay lớn lao của đất nước trong suốt thế kỷ XX với biết bao sự kiện lớn nhỏ.