Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024)

Tô đậm trang sử vẻ vang của dân tộc

Từ những trang văn thơ kháng chiến đến tác phẩm sân khấu, điện ảnh đi cùng năm tháng, hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là đề tài đồ sộ trong văn học nghệ thuật. Bằng tình yêu, cảm hứng sáng tạo, các thế hệ văn nghệ sĩ… đã tái hiện chân thực, sinh động và hào hùng về người lính Cụ Hồ, góp phần tô đậm trang sử vẻ vang của dân tộc.

Song hành cùng đất nước

“Chặng đường cầm bút sáng tác văn xuôi, tôi luôn đam mê, tâm huyết sáng tác về mảng đề tài gắn với chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang. Đây là “vỉa quặng” quý hiếm, càng đi sâu khai thác, càng thấy bộn bề, ngổn ngang những điều muốn nói, muốn viết”. Chia sẻ của nhà văn Bùi Như Lan, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, cũng nói lên tâm huyết của nhiều nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ… gắn bó với đề tài người lính.

Trong hàng nghìn tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị suốt 80 năm qua, có một dòng chảy mãnh liệt, quan trọng, chiếm vị trí nổi bật, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật to lớn, thuộc nhiều loại hình, từ văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật... viết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, bộ đội Cụ Hồ. Ở lĩnh vực âm nhạc, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận định, trong cuốn biên niên sử bằng âm thanh dân tộc, một trong những hình tượng được ngợi ca nhiều nhất là người chiến sĩ.

Tượng đài chiến sĩ cách mạng được “khởi công xây dựng” từ thể loại đơn giản nhất là ca khúc quần chúng, những nét khắc đầu tiên như Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Lên đàng (Lưu Hữu Phước)… Tượng đài âm thanh này tiếp tục được bồi đắp, hoàn thiện qua các thập kỷ đầy biến động bằng nhiều bài ca, trường ca, hợp xướng, kịch hát, nhạc kịch…

img-0495.jpg
Bằng tình yêu, cảm hứng sáng tạo, các thế hệ văn nghệ sĩ… đã tái hiện chân thực, sinh động và hào hùng về người lính Cụ Hồ. Nguồn: VNQĐ

“Rất nhiều hình ảnh chiến sĩ các binh chủng lực lượng vũ trang nhân dân và người lính không mặc quân phục đã đi vào âm nhạc để sống mãi với thời gian. Riêng đề tài chiến sĩ cũng cho thấy từng bước trưởng thành trong sự nghiệp sáng tác của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng cũng như của nền nhạc mới Việt Nam nói chung, làm giàu thêm cho di sản âm nhạc nước nhà”, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Minh Châu nhận định.

Hình tượng người lính Cụ Hồ từ vệ quốc quân 1944 đến hôm nay, những chiến sĩ - sĩ quan của Quân đội nhân dân luôn là chủ đề xuyên suốt tư tưởng của các tác phẩm sân khấu, thấm đẫm trong các vở tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, xiếc… Chỉ ra điều này, đạo diễn Hoàng Thanh Du, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ví von nền văn hóa nghệ thuật của đất nước ta như ngôi nhà lớn của một cộng đồng có bản sắc dân tộc Việt Nam. Đó chính là diện mạo. Còn bản sắc “truyền thống quân dân” chính là cốt lõi, là nền móng và rường cột của ngôi nhà. Vật dụng có thể thay cũ bằng mới song rường cột nền móng khó có thể đổi thay… Sân khấu Việt Nam cũng vậy, luôn gắn bó với các đề tài về lực lượng vũ trang nhân dân, song song phát triển cùng đất nước.

“Gắn bó với các lực lượng vũ trang nhân dân, văn nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã có những sáng tác giá trị, phong phú về nội dung, có chất lượng nghệ thuật phục vụ kịp thời và đã có những tác phẩm sân khấu với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân đi vào “kinh điển”, có ý nghĩa lâu dài cho ngành sân khấu, làm thành những cột mốc vững chãi, nền tảng cho sân khấu Việt Nam phát triển”, đạo diễn Hoàng Thanh Du nhìn nhận.

Tạc trong tâm thức thế hệ mới

Với những nét đặc thù của sáng tạo, sự phát lộ của văn học, nghệ thuật thường mang tính ngẫu nhiên, ngoài sự đoán định. Song lịch sử dân tộc đã khắc ghi, hành trình lớn lên của văn học nghệ thuật Việt Nam là hành trình lớn lên cùng đất nước. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phân tích, sau khi Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập năm 1948 (tiền thân là Hội Văn hóa cứu quốc do Bác Hồ sáng lập), chiến tranh nhân dân và người lính cách mạng trở thành đề tài trung tâm của sáng tạo. “Với thời gian, đề tài về người lính càng ngày càng được làm sâu sắc thêm trong ba mối quan hệ: tình yêu nước, tình đồng đội và tình quân dân”.

Ngày nay, hình tượng người lính Cụ Hồ tiếp tục được các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ… khắc họa một cách sâu sắc và giàu tính nhân văn. Các tác phẩm văn thơ, nhạc họa không chỉ phản ánh quá khứ hào hùng mà còn khai thác những thách thức và tâm tư của người lính trong thời kỳ mới. Theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, chiến tranh đã qua đi gần 50 năm, nhưng đến nay, những vở diễn về chiến tranh cách mạng, về những người lính chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc vẫn nóng bỏng trong đời sống văn học, nghệ thuật. Ngoài ra, nghệ thuật cũng làm nổi bật hình tượng người lính trẻ, đặc biệt là những người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió đang chắc tay súng vì biển đảo quê hương…

Nhiều ý kiến nhận định, sau 80 năm là độ lùi thời gian để suy ngẫm và phản ánh về những dấu ấn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sứ mệnh đang đặt lên vai các văn nghệ sĩ, những nhà làm sáng tạo hôm nay để nối tiếp bản hùng ca về người lính. Trên thực tế, dòng văn học, nghệ thuật của thế hệ cầm bút hôm nay vẫn đang nối mạch, tiếp thu tinh hoa, chiêm nghiệm thực tế để sáng tác tác phẩm viết về người chiến sĩ trên mặt trận quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới… Cùng với tư duy, quan sát và liên tưởng, kết hợp với lối kể chuyện của thời đại, văn nghệ sĩ cần mở rộng khoảng trời sáng tạo, đi sâu vào những ngóc ngách, sâu thẳm tâm tư cùng bao bộn bề, thách thức của thời đổi mới…

Nói như Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ không chỉ là kết tinh phẩm chất cao quý của người lính: dũng cảm, hy sinh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn cao cả, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn quân - dân, khát vọng độc lập - tự do. Hình mẫu nhân cách bộ đội Cụ Hồ là nền tảng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bách chiến, bách thắng.

“Đây là cánh đồng đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận để cho các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật gắn liền với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần làm giàu thêm dòng chủ lưu của văn nghệ cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm vào nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.

Văn hóa - Thể thao

Quân đội nhân dân Việt Nam với số lượng quân thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao.
Văn hóa - Thể thao

Từ quan điểm “quân cốt tinh” đến xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh

Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là đòi hỏi khách quan, bảo đảm cho quân đội đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Gia đình phải thực sự là tổ ấm để trẻ em được phát triển, người già được chăm sóc, nuôi dưỡng. Nguồn: baodantoc.vn
Văn hóa - Thể thao

Xây dựng gia đình văn hóa thực chất, không chạy theo thành tích

PGS.TS ĐẶNG THỊ HOA, Viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh đời sống hiện đại, định hướng xây dựng gia đình văn hóa có những điểm phải thay đổi, cập nhật. Các gia đình văn hóa được công nhận và vinh danh phải là những gia đình thực sự tiêu biểu.

Toàn cảnh hội thảo
Văn hóa

Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh

Ngày 21.12, tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.

“Bộ đội Cụ Hồ” - danh hiệu cao quý, niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam
Văn hóa - Thể thao

Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

Sự xuất hiện, phát triển và định hình danh hiệu, kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong lịch sử đấu tranh cách mạng đã trải qua 80 năm; so với lịch sử dân tộc thì không dài, song nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.