Tổ chức thi hành Hiến pháp mới và bài học kinh nghiệm Nhật Bản

Nguyễn Giang 17/02/2014 08:40

Để thực thi thành công một bản Hiến pháp thì trong đạo luật gốc của mỗi quốc gia cần phối hợp hài hòa đồng thời 3 yếu tố: tự do, công bằng và hòa bình. 3 yếu tố này khá gần gũi với tư tưởng xuyên suốt qua các bản Hiến pháp của Việt Nam là độc lập, tự do và hạnh phúc.

Giáo sư danh dự Đại học Tokyo, Chủ tịch danh dự Hiệp hội quốc tế về Hiến pháp Higuchi Yoichi đã nhận định như vậy khi tham dự Tọa đàm Kinh nghiệm tổ chức thực hiện Hiến pháp của Nhật Bản do VPQH phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 14.2 vừa qua.

Từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện Hiến pháp của Nhật Bản...

Hiến pháp là đạo luật gốc, cơ bản của mọi quốc gia trên thế giới. Theo thể chế chính trị nào thì những tư tưởng cốt lõi, nền tảng nhất mà mỗi quốc gia ấy theo đuổi đều được thể hiện trong Hiến pháp. Trên cơ sở những tư tưởng cốt lõi, nền tảng như vậy hệ thống luật thành văn sẽ được xây dựng, tạo ra khung khổ pháp lý cho các hoạt động của đời sống xã hội. Gọi tự do, công bằng và hòa bình (hay với Việt Nam là độc lập – tự do – hạnh phúc) là nguyên lý phổ biến của nhân loại trên thế giới, Giáo sư Higuchi Yoichi cho rằng, chỉ khi nào ba yếu tố này được thực hiện và tồn tại song hành thì mới bảo đảm thành công của việc thực thi Hiến pháp.

Đương nhiên, mỗi quốc gia có thể có cách nhìn nhận riêng về thế nào là nguyên lý phổ biến của nhân loại. Nhưng, dẫu là thể chế nào và kỹ thuật lập hiến ra sao thì, điểm chung trong cách hiểu về nguyên lý này thể hiện ở sự tôn trọng đối với quyền tự do, quyền con người và là một trong những yếu tố then chốt trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của mỗi quốc gia và xã hội. Bằng chứng là không quá khó để tìm thấy ba yếu tố này trong Hiến pháp của các nước trên thế giới. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các văn kiện của Liên Hợp Quốc, Ủy ban châu Âu, hay gần gũi hơn cả là Hiến pháp của Nhật Bản... đều thể hiện rõ nguyên lý tự do, công bằng và hòa bình.

Nghiên cứu của Giáo sư Higuchi Yoichi cho thấy, trong tư tưởng của Hiến pháp Nhật Bản (thông qua từ năm 1946 và có hiệu lực thi hành từ năm 1947 đến nay), ba yếu tố trong nguyên lý phổ biến của nhân loại được thiết kế theo hình tam giác. Theo đó, tự do – công bằng – hòa bình được xác định là mục tiêu chính trị mà các nhà lãnh đạo, chính trị gia và các nhà lập pháp đều phải tuân thủ, hướng đến và thực thi đồng thời. Nhưng làm thế để ba yếu tố này cùng lúc được thực thi là điều không đơn giản. Bởi lẽ nội hàm ba yếu tố này đã có sự đối lập. Có lẽ trong bất kỳ xã hội nào, nếu cho phép sự tự do cạnh tranh ở mức cao nhất sẽ dẫn đến tình trạng những người yếu trong xã hội không được bảo vệ. Điều này đồng nghĩa sẽ không bảo đảm được yếu tố công bằng. Đấy là chưa kể nếu tự do được đẩy đến cực điểm còn có thể dẫn tới vô chính phủ hoặc chiến tranh. Nếu vậy, rõ ràng, hòa bình sẽ không thể tồn tại song hành với tự do và công bằng. Khó thực thi nhưng đây là điểm mấu chốt mà các quốc gia tiến bộ và hiện đại đều đang phấn đấu để duy trì đồng thời 3 yếu tố này và cơ bản được thể hiện trong Hiến pháp. Như cách nói của Giáo sư Higuchi Yoichi là đây không những phản ánh trí tuệ và ý chí của nhân dân mà trong một Nhà nước thì nhân dân là người tạo ra sức mạnh chính trị và kiểm soát chính trị trên cơ sở tạo lập và duy trì sự tồn tại song hành của 3 yếu tố nêu trên.

Từ kết quả nghiên cứu Hiến pháp của các nước trên thế giới, trong đó có Hiến pháp Nhật Bản, Giáo sư Higuchi Yoichi tổng kết: để có thể tổ chức thực hiện thành công Hiến pháp thì bản thân Hiến pháp phải thể hiện được nguyên lý: quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và Nhà nước thực sự do nhân dân làm chủ. Thực tiễn thi hành Hiến pháp (năm 1946) của Nhật Bản cho thấy, bản Hiến pháp cơ bản đã được thực thi thành công xét ở góc độ người dân thông qua bản Hiến pháp và tạo ra quyền lực nhà nước cũng như kiểm soát việc thực thi quyền lực này. Ý nghĩa thành công của việc thực thi Hiến pháp của Nhật Bản thể hiện ở việc duy trì vòng tuần hoàn giữa thỏa thuậnphản đối xung quanh bản Hiến pháp. Nếu như 1945 -1946 là thời điểm hướng đến việc ban hành Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản thì 1946 -1947, thời điểm Hiến pháp được ban hành, đánh dấu việc quốc gia này đạt được thỏa thuận. Từ đó đến nay, không phải lúc nào bản Hiến pháp này cũng đạt được thỏa thuận, bởi khá nhiều thời điểm, lý luận sửa đổi Hiến pháp đã được đưa ra như một sự phản đối Hiến pháp ở Nhật Bản. Thậm chí, có thời điểm lý luận sửa đổi Hiến pháp được bàn thảo khá sôi nổi ở Nhật Bản. Nhưng dẫu với lý lẽ phản đối như thế nào thì việc bản Hiến pháp được thông qua từ năm 1946 và được thực thi gần 70 năm qua cho thấy Nhật Bản đã cơ bản duy trì được vòng tuần hoàn của thỏa thuận và phản đối, bảo đảm việc thực thi Hiến pháp. Đây cũng chính là bí quyết tạo ra sức mạnh và tuổi thọ của Hiến pháp Nhật Bản cũng như nhiều bản Hiến pháp của các nước trên thế giới.

... đến việc thực thi Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam

Theo các đại biểu tham dự Tọa đàm, không quá khó để nhận ra nguyên lý phổ biến của nhân loại cũng như các điều kiện bảo đảm một bản Hiến pháp được thực thi thành công trong các bản Hiến pháp của Việt Nam và gần đây nhất là Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013. Ví dụ nguyên lý về quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã được khẳng định ngay tại Điều 2: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân... Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hay một trong những điểm mới, được đánh giá là điểm sáng của Hiến pháp lần này là các quy định trong Chương II – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...

9h50 phút ngày 28.11.2013, QH Khóa XIII thông qua Hiến pháp (sửa đổi). Hiến pháp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2014. Việc tổ chức triển khai thực thi Hiến pháp năm 2013 được Đảng, Nhà nước, đặc biệt là QH xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Đánh giá về bản Hiến pháp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: Hiến pháp mới là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thể hiện ý Đảng thuận với lòng dân. QH đã thay mặt nhân dân cả nước thực hiện sứ mệnh lịch sử là xây dựng, ban hành bản Hiến pháp mới – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Đồng thuận với nhận định này, nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm cho rằng, việc QH, thay mặt nhân dân cả nước, thông qua bản Hiến pháp với gần như tuyệt đối đa số ĐBQH tán thành là thuận lợi lớn nhất khi Việt Nam bắt tay vào tổ chức thực thi Hiến pháp. Trước đó, trong quá trình đưa bản Dự thảo ra lấy ý kiến nhân dân, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp có ý nghĩa quan trọng nhằm sớm hiện thực hóa, cụ thể hóa các quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Hiến pháp thành pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Giới thiệu về kế hoạch triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 tại cuộc Tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho biết, ngay sau khi Hiến pháp được Chủ tịch Nước công bố, các chủ thể trong hệ thống quyền lực Nhà nước đã đồng loạt tổ chức đợt sinh hoạt chính trị - xã hội và pháp lý sâu rộng để chuẩn bị cho công tác triển khai thực hiện Hiến pháp. Theo kế hoạch, việc tổ chức thực hiện Hiến pháp có hai nội dung cơ bản: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp sâu rộng đến toàn thể nhân dân; và rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến của hệ thống pháp luật nước ta. Do tính hệ thống của pháp luật và mối liên hệ chặt chẽ giữa Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác, cần tính toán một cách đồng bộ, tuân thủ những yêu cầu khắt khe và xác lập một trật tự ưu tiên nhất định. Trước mắt là khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những văn bản quy phạm pháp luật theo Hiến pháp mới, trọng tâm là ưu tiên cho các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp mới... Đây là những công việc mà QH, các cơ quan của QH cũng như các cơ quan có trách nhiệm khác đã và đang tiến hành. Và không chỉ cụ thể hóa, triển khai đúng nội dung tư tưởng của Hiến pháp mà đồng thời còn phải bảo vệ được quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đã được thể chế hóa trong Hiến pháp.

Với sự hội tụ, chắt lọc những giá trị phổ quát, nguyên lý phổ biến của nhân loại và những quy định mới, đột phá, phù hợp với lý luận cũng như thực tiễn của Việt Nam, phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc trong văn kiện chính trị – pháp lý đặc biệt quan trọng của quốc gia này, có cơ sở để tin rằng việc thực thi bản Hiến pháp mới sẽ thành công, tạo ra động lực mới, niềm tin mới cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tổ chức thi hành Hiến pháp mới và bài học kinh nghiệm Nhật Bản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO