Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Chỉ một sơ suất nhỏ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ kỳ thi
Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, dành cho các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đại học từ TP. Huế trở ra.
Hội nghị do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27/5, tại Hà Nội.

Thí sinh chỉ thi môn thứ hai sẽ phải có mặt từ đầu buổi thi
Tại hội nghị, thông tin về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Huỳnh Văn Chương cho biết, các năm trước, đề thi được in trên khổ A4 nên một đề thi thường có 4 đến 5 trang, gây khó khăn trong in sao và khả năng rủi ro thiếu trang.
Vì vậy, năm nay, đề thi sẽ được chuyển sang khổ A3 để giúp cho việc in ấn thuận lợi hơn, giảm thiểu rủi ro do giảm số trang.
Đối với các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp, thay vì có mặt trước giờ thi 10 phút như trước đây, thí sinh chỉ thi môn thứ hai sẽ phải có mặt từ đầu buổi thi và chờ tại phòng chờ trước khi được vào phòng thi.
Bên cạnh đó, thời gian nghỉ giữa hai môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp cũng được điều chỉnh tăng từ 10 phút lên 15 phút, giúp thí sinh có thêm thời gian chuẩn bị.
Quy trình coi thi, chấm thi được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức kỳ thi, đồng thời khắc phục các hạn chế bất cập trước đây để tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường, mô hình phương án thanh tra, kiểm tra năm nay cơ bản giữ ổn định như mô hình và tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra năm 2024.
Trong đó, có điều chỉnh về số lượng cán bộ, giảng viên cơ hữu tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ; hình thức thanh tra, kiểm tra (chuẩn bị thi, coi thi, phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp) và số lượng cán bộ kiểm tra công tác coi thi của địa phương cho phù hợp.

Cần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều điểm mới so với các năm trước.
Đây là năm đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018, đồng thời vẫn có khoảng 25.000 thí sinh dự thi theo Chương trình GDPT 2006. Việc này đòi hỏi công tác tổ chức phải đồng bộ, hiệu quả trong các khâu: coi thi, sắp xếp phòng thi, ra đề, in sao đề thi.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi về tổ chức bộ máy tại địa phương: Thanh tra Bộ chuyển về Thanh tra Chính phủ; Thanh tra Sở GD-ĐT sáp nhập về Thanh tra tỉnh; công an cấp huyện cũng được sắp xếp lại. Đây là các lực lượng then chốt đảm bảo kỳ thi an ninh, an toàn.
Trước tình hình và yêu cầu mới, Bộ GD-ĐT đã chủ động sớm, kịp thời nhiều công việc chuẩn bị cho kỳ thi như phương án thi; cấu trúc định dạng đề thi…
Bộ GD-ĐT cũng đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg, ngày 7/10/2024 về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025 - sớm hơn so với mọi năm.
Mới đây nhất, Bộ GD-ĐT tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025; Công điện số 61/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ hè cho trẻ em, học sinh năm 2025. Từ khóa ở cả hai Công điện đều là không vì việc sắp xếp bộ máy mà ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác chuẩn bị cho kỳ thi, Thứ trưởng cho rằng, nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, không sót việc, không để khoảng trống thì mọi công việc sẽ tối ưu.

Lưu ý phương châm “4 đúng”, “3 không”
Cùng với việc tổ chức kỳ thi, Thứ trưởng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra cũng vô cùng quan trọng, với mục tiêu chính là chủ động phòng ngừa gồm kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi. Trọng tâm công tác thanh tra là hậu kiểm, thanh tra những vấn đề bất thường, thanh tra khi thấy cần thiết, khi có phản ánh của dư luận hoặc khi cơ quan có thẩm quyền thấy có vấn đề…
“Cần đặc biệt lường trước và rà soát kỹ lưỡng, chi tiết mọi tình huống có thể phát sinh. Chỉ một sơ suất nhỏ của cán bộ coi thi hay một hành vi cố ý vi phạm của thí sinh cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ công tác tổ chức kỳ thi đã được ngành Giáo dục dày công chuẩn bị”, Thứ trưởng lưu ý.
Nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của UBND các địa phương và công tác tham mưu của các Sở GD-ĐT, thanh tra tỉnh/thành phố, Thứ trưởng cho hay, tất cả các khâu cần được chuẩn bị, triển khai một cách kỹ lưỡng, chu đáo, có đánh giá kỹ tình hình, không để bị động. Không cần tạo căng thẳng không cần thiết, nhưng bắt buộc phải dự liệu đầy đủ các phương án và nội dung có thể phát sinh.
Công tác lãnh đạo phải sâu sát, toàn diện; công tác chuẩn bị phải chu đáo kỹ lưỡng; chuyên môn nghiệp vụ vững vàng; công tác phối hợp phải nhịp nhàng, thông suốt.
Trong đó, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý phương châm “4 đúng”, “3 không” đã được quán triệt từ kỳ thi trước.
“4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.
Cùng với đó là “2 tăng cường”: tăng cường tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi; tăng cường tinh thần tự giác, thực hiện đúng Quy chế của thí sinh.
“Cần tập huấn sớm, kỹ lưỡng với phương châm, nguyên tắc, yêu cầu bắt buộc là tất cả chủ thể tham gia kỳ thi đều phải nghiên cứu, nắm chắc Quy chế. Riêng cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra phải nắm kỹ hơn, sâu hơn và chủ động giải quyết những vấn đề bất thường”, Thứ trưởng yêu cầu.