Tổ chức HĐND là điều kiện tiên quyết và không thể thay thế nhằm bảo đảm cho quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

- Thứ Hai, 09/09/2013, 08:21 - Chia sẻ
Quyền lực và quyền làm chủ của nhân dân là hai vấn đề có mối liên hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau. Quyền lực của nhân dân có được khi và chỉ khi quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện. Quyền làm chủ của nhân dân trước hết là quyền được bầu ra cơ quan quyền lực ở địa phương. Theo đó, tổ chức HĐND các cấp là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân.

Trên cơ sở những quan điểm của Đảng về chế độ chính trị và tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã kết luận: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…” . Ý nghĩa quan trọng của phương châm này là tiếp tục khẳng định tính ưu việt và sự ổn định về chế độ chính trị của đất nước. Kết luận nói trên một lần nữa khẳng định bản chất nhân dân của Nhà nước ta, trong đó Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là vấn đề cốt lõi - Vì thế cần phải được nghiên cứu cẩn trọng và thể hiện rõ trong Hiến pháp sửa đổi.

Trước hết, về mối quan hệ giữa quyền lực và quyền làm chủ của nhân dân, chúng ta thấy: Quyền lực và quyền làm chủ của nhân dân là hai vấn đề có liên hệ chặt chẽ và cùng tồn tại một cách biện chứng với nhau. Quyền lực của nhân dân có được khi và chỉ khi dân chủ được mở rộng và quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện.

Cũng như hầu hết các nước trên thế giới, thực tiễn của xã hội Việt Nam cho thấy, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện thông qua hai hình thức chủ yếu là quyền dân chủ trực tiếp và quyền dân chủ thông qua cơ quan đại biểu của mình - gián tiếp.

Đối với quyền dân chủ trực tiếp: Cùng với việc trực tiếp tham gia bàn  bạc, triển khai và thực thi một số công việc trong phạm vi của thôn, xóm, làng, bản nơi cư trú của mình, thì quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân được thực hiện thông qua việc nhân dân trực tiếp bầu ra đại biểu và cơ quan đại biểu của mình, đó là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Đây là hình thức dân chủ đang được phát huy rất hiệu quả, cần được nghiên cứu để duy trì và mở rộng.

Đối với quyền làm chủ thông qua cơ quan đại biểu của mình: là hình thức làm chủ cơ bản và phổ biến nhất hiện nay không chỉ riêng ở Việt Nam mà hầu hết đối với tất cả các nước trên thế giới. Khi mà người dân chưa có điều kiện để thực hiện quyền làm chủ trực tiếp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì việc thực hiện quyền làm chủ và quyền lực của mình thông qua cơ quan đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra là hợp lý, khoa học và hết sức cần thiết.

Như vậy, để thực hiện mục tiêu quan trọng của chế độ chính trị là “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” thì các điều kiện pháp lý để mở rộng và phát huy quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua cơ quan đại biểu của nhân dân là một chủ trương rất quan trọng của Đảng cần được hiến định một cách cụ thể. Theo đó, mọi quan điểm và ý kiến ngược lại, có nội dung liên quan đến việc hạn chế quyền làm chủ của nhân dân bằng hình thức trực tiếp hoặc (hạn chế) quyền làm chủ thông qua cơ quan đại biểu của nhân dân thì phải được xem xét, một cách chặt chẽ và hết sức cẩn trọng.

Trong quá trình nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mô hình chính quyền địa phương đang là vấn đề được nhân dân cả nước hết sức quan tâm, bởi nó liên quan đến thiết chế quyền lực nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân tại địa phương - Không thể không băn khoăn khi một số ý kiến cho rằng ở một số cấp chính quyền tại địa phương không cần thiết phải có tổ chức HĐND. Tức là xóa bỏ cơ quan đại biểu duy nhất của nhân dân, được nhân dân trực tiếp bầu ra ở địa phương. Theo đó, do không còn cơ quan đại biểu ở địa phương nên quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ quan đại biểu ở địa phương đương nhiên sẽ không còn. Và như vậy, quyền làm chủ của nhân dân ở cả hai hình thức chủ yếu là trực tiếp bầu ra cơ quan đại biểu và làm chủ gián tiếp thông qua cơ quan đại biểu của mình ở địa phương đều không được thực hiện.

Để biện minh cho vấn đề nói trên, có lập luận cho rằng: không có HĐND thì người dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Lập luận như vậy là chưa hiểu một cách đầy đủ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND và đương nhiên là không thể thuyết phục. Bởi lẽ, các cơ quan khác của Nhà nước không phải do nhân dân trực tiếp bầu ra, không phải là sản phẩm của quá trình thực hiện quyền lực và quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, của cử tri - người dân có quyền lực chính trị bầu ra. Ngay đối với các tổ chức chính trị như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, hội Liên hiệp Phụ nữ, hội cựu Chiến binh… ở mỗi địa phương cũng chỉ do đoàn viên, hội viên của các tổ chức đó bầu ra chứ không phải do nhân dân trực tiếp bầu ra bằng hình thức phổ thông đầu phiếu. Quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương được thực hiện thông qua cơ quan đại biểu là HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước là một quan điểm đúng, nhưng không có nghĩa là không cần sự tồn tại của tổ chức HĐND. Cần phải khẳng định: Tổ chức HĐND là điều kiện tiên quyết và không thể thay thế nhằm bảo đảm cho quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Nhân đây, để tránh những nhầm lẫn tương tự, xin được nói thêm: tại mỗi cấp chính quyền theo đơn vị hành chính lãnh thổ thì HĐND của cấp đó là cơ quan nhà nước duy nhất ở địa phương do nhân dân trực tiếp thực hiện quyền làm chủ và quyền lực của mình để bầu ra - Quyền lực của nhân dân nếu có thì trước hết phải là quyền được bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Thực tiễn và khoa học về quyền lực của nhân dân cho thấy, dù được thực hiện dưới hình thức trực tiếp hay thông qua đại biểu của mình thì Quyền bầu cử, nhất là quyền bầu ra bộ máy nhà nước là một trong những quyền quan trọng nhất của mỗi công dân có tuổi từ 18 trở lên, vì nó là yếu tố góp phần quyết định có hay không quyền lực nhà nước của nhân dân. Theo quy định hiện hành, nhân dân chưa trực tiếp bầu ra bộ máy UBND, nhưng đã thông qua cơ quan đại biểu của mình là HĐND để bầu ra UBND ở các cấp theo đơn vị hành chính lãnh thổ - Điều đó là khoa học và rất cần thiết cho một bộ máy chính quyền của nhân dân, vì nhân dân - là bản chất chế độ chế độ xã hội chủ nghĩa do Hồ Chí Minh xác lập tại Việt Nam.

Ngược lại, nếu nhân dân không thực hiện được quyền làm chủ của mình trong việc bầu ra bộ máy chính quyền ở địa phương thì chính quyền đó có còn là của nhân dân nữa không? Và vấn đề không thể không tính đến đó là: Nhân dân có chấp nhận hay không việc ủy quyền điều hành mọi hoạt động của chính quyền địa phương cho một bộ máy không phải do nhân dân hoặc cơ quan đại biểu của nhân dân ở địa phương bầu ra - Đây là vấn đề rất lớn, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lực của nhân dân, liên quan đến bản chất nhà nước và mục tiêu của chế độ chính trị, lại chưa được thực tiễn chứng minh, vì thế cần phải được phân tích và xem xét một cách cẩn trọng.

Trần Minh Diệu
ĐBQH tỉnh Quảng Bình