“Tổ chim sẻ” không thể đón “phượng hoàng”
“Địa vị pháp lý” của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tiếp tục là vấn đề gây tranh luận trong hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 20.9. Một số chuyên gia muốn nó phải trực thuộc Trung ương. Luồng ý kiến khác đề xuất cần cho phép đơn vị hành chính - kinh tế có địa vị ngang cấp tỉnh. Lại có quan điểm cho rằng, nó phải được độc lập hoàn toàn, không trực thuộc đâu, vận hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong khi đó, dự thảo Luật Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang thiết kế theo hướng những “đặc khu” này sẽ nằm trong tỉnh.
Làm rõ địa vị của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là cần thiết nhưng có một chuyện quan trọng hơn việc nó trực thuộc đâu, đó là quyền lực thực chất mà đơn vị hành chính - kinh tế được trao là gì? TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kể rằng, đặc khu Thẩm Quyến (Trung Quốc) lúc thành lập thì trực thuộc tỉnh nhưng nó có những quyền mà cấp tỉnh muốn cũng không làm được. Nhờ đó, từ một làng chài ảm đạm, Thẩm Quyến lột xác thành một đặc khu thịnh vượng và được xem là “hình mẫu” của các đặc khu kinh tế Trung Quốc.
Do đi sau, nếu hệ thống thể chế của các “đặc khu” ở nước ta không cao hơn, không hiệu quả hơn so với những đặc khu có trước của thế giới thì việc “thua trận” là không thể tránh khỏi. Cũng cần biết rằng, thế giới hiện có khoảng 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia và những mô hình thành công thực sự không nhiều. Và bài học quý rút ra từ cả những đặc khu thất bại và thành công chính là: Thể chế và chính sách vượt trội chứ không phải ưu đãi vượt trội mới là nhân tố quan trọng nhất quyết định vận mệnh của một đặc khu.
Thực tế đó đòi hỏi cách tiếp cận xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải thoát khỏi tư duy “ta so với ta” và thể hiện được tinh thần vượt lên trước.
Ta xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không phải để so với trong nước mà là để thu hút nguồn lực tốt nhất thế giới. Và chỉ có thể chế “hạng nhất” mới thu hút được những nhà đầu tư “hạng nhất”. Soạn luật hay làm chính sách đều phải nhắm vào mục đích đó.
Bởi vậy, trong giới học giả, nhiều người ủng hộ trao cho chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quyền tự chủ lớn cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp để hoạch định chương trình, kế hoạch phát triển và vận hành nền kinh tế của mình. Các “đặc khu” của Việt Nam cần có một bộ máy quản lý gọn nhẹ, với thể chế quản lý minh bạch và linh hoạt. Bộ máy quản lý này sẽ giúp các cơ chế, chính sách ưu đãi phát huy tác dụng tốt, đi đúng hướng và thu hút được nhà đầu tư nước ngoài theo phương châm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Tiếc rằng, các điều khoản của dự thảo Luật Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chủ yếu vẫn là dành mức độ ưu đãi cao nhất của Việt Nam, chứ không phải tư duy tạo cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt điều kiện tốt hơn các đặc khu trong khu vực để bảo đảm cạnh tranh quốc tế. Và đây đó vẫn có những tiếng nói “níu kéo” kiểu phân cấp nhưng không phân quyền, vẫn còn những tư tưởng “trói buộc” các “đặc khu” trong hệ thống pháp luật hiện hành…
“Tổ chim sẻ” thì không thể đón “phượng hoàng”. Nhưng để làm “tổ” (đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) đón “phượng hoàng” (các nhà đầu tư “hạng nhất”), có lẽ chúng ta cần một quyết tâm chính trị “đặc biệt” hơn nữa.