Tính toán kỹ huy động nguồn lực

- Chủ Nhật, 09/01/2022, 06:15 - Chia sẻ
Với 365 đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ, 50 đại biểu phát biểu tại hội trường, 3 đại biểu tranh luận và 14 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất cho thấy, đây là vấn đề “nóng”, được các đại biểu Quốc hội, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Qua các phiên thảo luận của Quốc hội, cũng như xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cho thấy, việc ban hành Nghị quyết này là rất cấp bách, không thể chậm trễ. Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc ban hành nghị quyết này nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021 - 2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Ngoài ra, nhằm phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình gồm hỗ trợ tài khóa 291 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10 nghìn tỷ đồng. Để bảo đảm bù đắp được số bội chi NSNN tăng thêm từ Chương trình, Chính phủ tính toán phương án huy động nguồn lực bằng cách phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi NSNN; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; triển khai hóa đơn điện tử; thu hồi kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai. Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình. Cùng với đó, đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; rà soát lại các quỹ tài chính ngoài NSNN, năng lực đầu tư của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để có kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp. Phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn. Ngoài ra, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách.

Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra để huy động nguồn lực thực hiện Chương trình là rất cần thiết. Tuy nhiên, không ít ý kiến còn băn khoăn về phương án huy động vốn. Để có được gói phục hồi kinh tế lần này, chúng ta đã chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay đó là một sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Việc quyết định chính sách mới này nằm ngoài khung khổ đã có không phải là không có rủi ro nếu như không được tính toán một cách cẩn trọng, thấu đáo.

Cũng bởi, đây là gói chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất cấp bách, được doanh nghiệp và người dân chờ đợi, khi được thông qua thì phải được triển khai sớm, do đó Chính phủ cần tính toán cẩn trọng việc huy động nguồn lực, nhất là các nguồn vay phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Theo đó, Chính phủ cần có báo cáo rõ tính khả thi huy động từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách trong 2 năm 2022 - 2023. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ cần đánh giá kỹ tính khả thi, hết sức thận trọng, tính toán kỹ chi phí huy động, tác động đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng.

Trong điều kiện ngân sách còn có hạn, việc huy động nguồn vốn qua các giải pháp nêu trên là cần thiết. Tuy nhiên, đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác như thương mại, dịch vụ, đầu tư để sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả. Chính phủ cần có dự kiến nguồn huy động trong nước, dự kiến nguồn vốn vay nước ngoài là bao nhiêu. Đặc biệt, việc vay nợ phải bảo đảm cân đối với việc trả nợ, việc sử dụng vốn hiệu quả, tránh gây sức ép lên nền kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn nợ công.

Cần nhấn mạnh rằng, đây là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm 2021 - 2025 đã được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Do đó, phương án huy động vốn phải có những giải pháp cụ thể để tránh rủi ro và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Chương trình. Chỉ khi có đủ cơ sở, mới thuyết phục các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu Quốc hội quyết định không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với sự phát triển của đất nước.

Hà An