Chính phủ mới của Pháp

Tính toán cho tái tranh cử?

- Thứ Tư, 08/07/2020, 05:30 - Chia sẻ
Hôm đầu tuần, Chính phủ mới của Pháp đã chính thức được công bố với 31 bộ trưởng, trong đó có 8 gương mặt mới. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Emmanuel Macron đánh cược vào việc cải tổ nội các để khởi động lại nhiệm kỳ còn 2 năm của mình, cũng như thắt chặt điều hành chính phủ trước khi tìm cách tái cử vào năm 2022.

         Những nhân vật tài năng

          Ngoài 16 bộ trưởng giữ vị trí chủ chốt của các bộ, danh sách nội các mới của Pháp còn có 14 bộ trưởng đặc trách giúp việc cho Thủ tướng và các bộ liên quan cùng Quốc vụ khanh là người phát ngôn của Chính phủ.

          Điện Elysée hứa hẹn nội các mới sẽ gồm toàn “gương mặt mới và tài năng”, nhưng các bộ trưởng chủ chốt của Chính phủ sắp mãn nhiệm vẫn ở lại, bao gồm Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính thuộc phái trung hữu Bruno Le Maire và Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, cựu đảng viên đảng Xã hội. Bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Véran, nhà lãnh đạo giúp Pháp phản ứng với đại dịch Covid-19, tiếp giữ được ghế, cũng như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Florence Parly.

         

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tân Thủ tướng Jean Castex
Nguồn ITN

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Kouthe Castaner, người vốn bị chỉ trích nhiều vì cách xử lý các cuộc biểu tình áo vàng chống Chính phủ và phản đối bạo lực cảnh sát, đã bị thay thế bởi Bộ trưởng Bộ Hành động và Ngân sách công Gérald Darmanin. Ngoài ra, một nghị sĩ thuộc đảng trung dung Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Macron là bà Barbara Pompili, đã được thăng chức thành Bộ trưởng Bộ Chuyển tiếp sinh thái và đoàn kết, vì môi trường vốn là ưu tiên chính trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống và luật sư bào chữa hình sự nổi tiếng Eric Dupond-Moretti được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

          Khi nội các đã được hoàn thiện, tân Thủ tướng Jean Castex, vốn là công chức cấp cao, một nhà kỹ trị, chứ không phải là chính trị gia nổi bật, sắp tới sẽ phải có những bước đi quyết đoán để thuyết phục cử tri rằng ông là lựa chọn đúng đắn cho công việc được giao. Thực tế, ông luôn được đánh giá là rất cần mẫn, đa năng vì từng làm ở cả mảng y tế, xã hội, thể thao và mới đây nhất được giao phụ trách chiến lược gỡ bỏ phong tỏa của Pháp sau đại dịch Covid-19.

          Quá nhiều bài toán khó

          Thứ Sáu tuần trước, ông Castex, 55 tuổi, đã trở thành người kế nhiệm Thủ tướng nổi tiếng Édouard Philippe trước khi Tổng thống Macron tìm kiếm khởi đầu mới. Pháp đang phải đối mặt với cuộc suy thoái sâu sắc, dự báo sẽ thu hẹp nền kinh tế tới 11%, xóa sạch mọi thành tựu từ những cải cách thân doanh nghiệp mà người đứng đầu Điện Elysée nỗ lực thúc đẩy trong suốt ba năm đầu của nhiệm kỳ.

          Hôm cuối tuần, Tổng thống Macron tuyên bố đang nhắm tới con đường mới, tập trung vào hồi sinh nền kinh tế, tiếp tục đại tu các biện pháp bảo vệ xã hội và môi trường, tái lập trật tự cộng hòa công bằng cũng như bảo vệ chủ quyền châu Âu.

          Theo các nhà quan sát, bằng cách thay thế ông Philippe bằng ông Castex, người cũng đến từ đảng trung hữu Những người Cộng hòa, Tổng thống Macron đã đánh cược cao vào ván bài giành quyền kiểm soát hoàn toàn chính phủ trong hai năm cuối nhiệm kỳ.

          Ông Mujtaba Rahman, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Eurasia, đồng thời là chuyên gia tư vấn rủi ro chính trị cho rằng, với hầu hết nỗ lực kể từ năm 2017 để tạo công ăn việc làm, tăng cường đầu tư và cải cách lao động có khả năng bị chôn vùi bởi một loạt tin xấu, Tổng thống Macron đã quyết định trở thành “Thủ tướng của chính mình trong hai năm nhiệm kỳ còn lại”. Theo ông Rahman, tân Thủ tướng Castex, người được Điện Elysée kỳ vọng kết nối được với người dân thường, “sẽ là người quản lý và giám đốc thực tế”, trong khi Tổng thống Macron kiểm soát trực tiếp chính phủ trong nỗ lực chớp nhoáng tạo ra kỷ lục mới giúp ông có thể trình bày trước cử tri vào năm 2022.

     Trong khi đó, ông Bruno Cautrès, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách Cevipof nhận định, Tổng thống phải hành động nhanh bởi ông đã đi qua 60% thời gian của nhiệm kỳ. Vì vậy, nhà lãnh đạo Pháp sẽ còn rất ít thời gian để các chính sách của mình mang đến những khác biệt cụ thể cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Ông Bruno cho biết, Tổng thống Macron sẽ phải sốc lại nước Pháp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh thất nghiệp tăng mạnh vì tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ông phải chứng minh quyết định thay đổi Thủ tướng là hữu ích.

          Nhiều nhà phân tích từng dự đoán, Tổng thống Macron cần một vị Thủ tướng mới từ cánh tả thuộc phe thân sinh thái hơn, đặc biệt là sau màn trình diễn đáng thất vọng của đảng LREM trong các cuộc bầu cử địa phương tháng trước. Phần lớn người cánh tả Pháp cảm thấy Tổng thống, người từng hứa về một nền chính trị “không thiên tả không thiên hữu”, đã trôi giạt về cánh hữu kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử Quốc hội năm 2017.

          Nhưng nhiều cử tri trung hữu hoan nghênh cách xử lý kiên quyết của ông đối với các cuộc biểu tình Áo vàng và ủng hộ LREM trong cuộc bầu cử châu Âu năm ngoái. Theo ông Jean Jean Garrigues, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Orleans, Tổng thống Pháp đang dựa vào các cử tri trên để có thể tái cử vào năm 2022.

          Tuy nhiên, LREM lại thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương mới đây khi mà đảng Xanh chiếm quyền kiểm soát một số thành phố lớn nhất, tước đi cơ sở địa phương hùng mạnh của ông chủ Điện Elysée trước năm 2022. Đáng chú ý nhất là chiến thắng thuyết phục của ông Philippe tại “pháo đài” Le Havre ở vùng Normandy, nơi ông có thể trở thành đối thủ tiềm năng của Tổng thống Macron những năm tới.

         Tổng thống Macron dự định công bố các chính sách quan trọng trong nhiệm kỳ còn lại của mình thông qua một bài diễn văn trên truyền hình vào Ngày Bastille, tức Quốc khánh Pháp, 14.7. Trong khi đó, Thủ tướng Castex thông báo chi tiết về chương trình chính phủ của mình tại Quốc hội vào cuối tuần tới. Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí Pháp mới đây, ông Castex đã đặt ra ưu tiên là phải hành động thật nhanh, giải quyết dứt điểm những hồ sơ tồn đọng của chính phủ tiền nhiệm, đặc biệt là cải cách hưu trí để còn tập trung vào các nhiệm vụ khác. Thực sự mà nói, hoàn tất cải cách hưu trí chính là thử thách đầu tiên mang tính quyết định chính phủ mới có thể làm được những gì trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ của Tổng thống Macron. Bên cạnh đó, Chính phủ còn phải xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, thâm hụt ngân sách khổng lồ lên đến gần 120 tỷ euro, thất nghiệp tăng cao trong khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản vì Covid-19.

      Trước bức tranh ảm đạm đó, cải tổ nội các không phải là phép màu có thể nhanh chóng xoay chuyển tình hình. Chính vì vậy, nhiều nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi, việc Thủ tướng Jean Castex được lựa chọn thực thi chính sách của Tổng thống có phải để phục vụ cho việc tái tranh cử của ông Macron hay không?

Linh Anh