Tinh thần nhân đạo giữa bom đạn
Một lực lượng có tên “White Helmet” (mũ bảo hiểm trắng) gần đây đã thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới vì sự xuất hiện bất ngờ của họ tại chiến trường Syria. Nhóm này thậm chí đang được xem xét trao giải Nobel Hòa bình thế giới. Họ là ai?
Công việc nguy hiểm nhất thế giới
White Helmet là tên của lực lượng phòng vệ nhân dân Syria (SCDF), nhóm tình nguyện viên đặc biệt giúp giải cứu dân thường Syria từ khu vực nguy hiểm. Họ đơn giản là những người đàn ông, phụ nữ và thanh niên dũng cảm tình nguyện ở lại nơi “nguy hiểm nhất thế giới” này, làm công việc “nguy hiểm nhất thế giới” để giúp đỡ những dân thường vô tội bị cuốn vào cuộc chiến giữa Chính phủ với quân nổi dậy và cả cuộc chiến chống khủng bố. Những tình nguyện viên này có nguồn gốc đa dạng, từ thợ bánh đến dược sĩ, sinh viên, học sinh hay lái xe taxi… Họ thậm chí đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Radi Saad, 23 tuổi, thành viên White Helmet, là công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Khác với nhiều thanh niên bị lôi kéo đến Syria để gia nhập Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Radi Saad đến đây với ý nghĩa cao cả hơn rất nhiều - cứu sống những người vô tội. Radi Saad cho biết, anh chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm công việc cứu hộ như vậy. Anh cũng chia sẻ, khó khăn nhất trong công việc không tên này là tìm kiếm người dưới đống đổ nát mà không được trang bị đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật. Saleh, người sáng lập nhóm từng là một kỹ sư điện tử ở tỉnh Idlib cho biết, rất ít thành viên White Helmet có kinh nghiệm y tế trước khi gia nhập tổ chức. Kinh nghiệm của họ được tích lũy từng ngày khi tham gia các hoạt động cứu hộ cùng đồng đội.
Nhóm đang có gần 3 nghìn tình nguyện viên tham gia và xây dựng 119 cơ sở trên toàn quốc; hoạt động tại 8 tỉnh không nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ Bashar al-Assad, trong đó đặc biệt tập trung tại 6 khu vực nằm trong vùng nguy hiểm nhất Syria gồm Aleppo, Idlib, Latakia, Homs, Daraa và Damascus.
White Helmet hoạt động với chủ trương tự nguyện và không phân biệt đối xử với các nạn nhân bên dưới lớp gạch đá trong cuộc xung đột. Đến nay, White Helmet đã cứu sống hơn 60 nghìn người tại khu vực hoạt động kể từ khi bắt đầu chiến dịch hỗ trợ nhân đạo này vào năm 2013, khi các cuộc không kích nhằm vào khủng bố bắt đầu tàn phá Syria. Trong 2 năm hoạt động cứu hộ, hơn 130 tình nguyện viên của White Helmet đã thiệt mạng.
![]() |
Đầu tuần, Khaled Omar Harrah, một trong những thành viên nổi tiếng của White Helmet đã thiệt mạng trong khi làm công tác cứu hộ ở Aleppo, Syria. Những tình nguyện viên khác kể lại, Khaled Omar Harrah đã kiệt sức sau 9 giờ đào bới liên tục tại một đống đổ nát mà anh cho rằng có tiếng khóc của trẻ em bên dưới. Sự ra đi của Khaled Omar Harrah là mất mát lớn của White Helmet, vô số trẻ em đã được người đàn ông này cứu sống.
Khaled Omar Harrah nổi tiếng từ video “cậu bé thần kỳ” quay cảnh anh đào bới đống xi măng gạch vụn suốt 14 - 16 giờ để giải cứu Syria Mahmoud Idilbi mới chỉ 10 ngày tuổi khi tòa nhà 3 tầng nơi em sống đổ sập trong một cuộc không kích vào năm 2014. Hàng triệu người trên thế giới xem video đã xúc động và ngưỡng mộ người đàn ông này. Đây cũng là cảnh quay truyền cảm hứng cho nhiều tình nguyện viên gia nhập White Helmet. Khaled Omar Harrah còn được biết đến với biệt danh - người giải cứu những đứa trẻ.
Món quà cho những người xứng đáng
Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Chính phủ nước này sẽ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, cung cấp 23 triệu USD tiền tài trợ cho White Helmet ở Syria. 133 tổ chức và cá nhân trên toàn cầu đã đề cử White Helmet ở Syria cho Giải Nobel Hòa Bình năm nay. Đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế Kristyan Benedict ca ngợi “White Helmet là những người mang đến mầm hy vọng cho Syria, nơi tưởng chừng như địa ngục và cái chết trở nên phổ biến”. Chủ tịch viện Nghiên cứu Trung Đông (có trụ sở ở Washington) Wendy Chamberlin từng phát biểu trước hãng tin AP: “Họ (White Helmet) cho thấy những giá trị đích thực của giải Nobel Hòa bình”. Khi được hỏi về giải thưởng lớn này, Majib - một tình nguyện viên của White Helmet chỉ kịp trả lời “tôi xin lỗi, tôi sẽ suy nghĩ về điều này sau”, “lại một quả bom nữa” và nhanh chóng chạy tới hiện trường nơi quả bom vừa rơi xuống.
Chủ nhân của Giải Nobel năm 2016 sẽ được công bố vào ngày 7.10. Riêng giải Nobel Hòa bình năm nay đã có tới 376 đề cử, trong đó có 228 cá nhân và 148 tổ chức. Đây là kỷ lục về số đề cử được ghi nhận tại giải Nobel năm nay.
Đầu tuần qua, Syria đã lập một trang web công khai hỗ trợ đề cử cho nhóm White Helmet và trang web này đang nhận được sự hỗ trợ cũng như sự quan tâm của nhiều quốc gia.