Tinh thần <i>bảo hiến</i> trong truyền thống Việt Nam

- Thứ Hai, 23/09/2013, 08:22 - Chia sẻ
Ngoài những lý do khác nhau, một số ý kiến chưa đồng tình với việc thành lập Hội đồng Hiến pháp với một lo ngại rằng đây là cơ quan mới, được vay mượn từ nước ngoài, chưa phù hợp với điều kiện nước ta. Có thể cho rằng thể chế mang tên Hội đồng Hiến pháp thì mới, nhưng tinh thần của nó đã có trong truyền thống Việt Nam. Do đó, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một quá trình có tính chất tự sinh hơn là một quá trình ngoại nhập thuần túy, và điều này bảo đảm cho sự vận hành thực tế của nó trong điều kiên Việt Nam một khi được thành lập.

Những nguồn gốc xa xưa của bảo hiến trên thế giới

Sự trưởng thành của bảo hiến chuyên biệt diễn ra trong thời kỳ hiện đại, nhưng tinh thần và nguồn gốc sơ khai của nó có từ thời kỳ cổ đại và trung đại. Luật của người Aten cổ đại đã phân biệt giữa những quy chuẩn phổ quát (nomo) với các sắc lệnh của nhà nước (psephisma), theo đó sắc lệnh không được mâu thuẫn với các quy chuẩn phổ quát. Sang thời kỳ Trung cổ, người ta cũng tìm thấy những gốc tích của bảo hiến ở Đức từ năm 1180, ở Pháp vào giữa thế kỷ XIII, ở Bồ Đào Nha trong đạo luật Philips vào thế kỷ XVII.(1)

Ở Anh, mặc dù không có một cơ quan bảo hiến độc lập trong hệ thống hiến pháp hiện đại, nhưng có những nguồn gốc bảo hiến ở nước này từ thời Trung cổ. Trong hệ thống pháp luật của Anh trước thế kỷ XVII, các đạo luật được xem như là chứa đựng các điều khoản liên quan đến thông luật (common law) đã được thiết lập từ trước. Edward Coke, luật gia nổi tiếng người Anh, cho rằng thông luật tối cao so với quyền lực của Nghị viện: Trong nhiều vụ án, thông luật kiểm soát các đạo luật của Nghị viện, và đôi khi còn điều chỉnh và bổ khuyết chúng; vì khi một đạo luật của Nghị viện trái với lẽ phải và chính nghĩa chung, hay đạo luật đó đáng ghét, hoặc không thể thi hành được, thông luật sẽ kiểm soát và điều chỉnh những khiếm khuyết của nó.(2)

Tinh thần bảo hiến trong truyền thống Việt Nam

Cũng giống như ở nhiều nước, tinh thần bảo hiến đã có trong truyền thống Việt Nam. Để tập trung, ta xem xét trường hợp của nhà Nguyễn sơ trong thời kỳ độc lập (1802- 1884).

Những quy phạm đạo đức-chính trị cơ bản, dưới triều Nguyễn sơ, có những quy phạm tổng quát, các nguyên lý đạo đức- chính trị có giá trị cơ bản, do chính Nhà vua tuyên bố thừa nhận và cam kết thực thi. Minh Mệnh tuyên bố 4 quy phạm của triều đại là: kính thiên, pháp tổ, cần chính, và ái dân.(3) Những quy phạm này đã thực tế kiểm soát hành vi và các chính sách của Minh Mệnh như thế nào được ghi chép cụ thể trong cuốn sử Minh Mệnh Chính yếu.(4) Theo người cha của mình, Thiệu Trị cũng tuyên bố trung thành với 4 nguyên tắc đó. Hơn nữa, Thiệu Trị soạn một cuốn sách nhỏ mà trong đó ông ta rút trong sách kinh điển những câu nói phản ánh 4 quy phạm trên rồi phổ biến trong cộng đồng các học giả-quan lại.(5) Tự Đức cũng tuân theo 4 quy phạm đó và bổ sung thêm 4 quy phạm nữa là thân hiền, đồ trị, chí thiện, đôn thân, và viết một bài thơ để phổ biến 8 quy phạm này.(6)

Những quy phạm chính trị - đạo đức truyền thống nói trên vận hành như những tiêu chuẩn cơ bản kiểm soát thường xuyên quyền lực của nhà vua. Nhà vua phải tự tu thân, phải xây dựng luật, làm chính sách, điều kiển hệ thống hành chính và phải kiểm soát những cử chỉ hàng ngày của mình theo những quy phạm đó.

Bảo vệ các quy phạm căn bản, đương nhiên, không có một cơ quan độc lập để bảo vệ các quy phạm cơ bản đó trong trường hợp nhà vua muốn vi phạm chúng. Nhưng vẫn có những cơ chế có tính chất thể chế-cấu trúc được thiết lập để bảo đảm ngôn hành, pháp luật, chính sách của nhà vua và của triều đình phù hợp với các quy phạm đó.

Theo truyền thống chính trị ở Việt Nam cũng như ở Á Đông nói chung, tất cả các quan lại trong triều đình phải là các học giả và nghĩa vụ đạo đức- chính trị của họ là can gián, khuyên răn nhà vua để tránh cho nhà vua làm những điều sai trái. Họ trước khi làm quan trong triều, đã được rèn luyện ở mức độ học thuật bậc cao một cách nghiêm túc, thậm chí khổ cực, về các nguyên tắc đạo đức- chính trị của một chính phủ tốt. Khi làm quan trong triều, nhiệm vụ đạo đức-chính trị của họ là bảo đảm cho nhà vua và triều đình tuân thủ các nguyên tắc đạo đức- chính trị trong quản trị tốt mà họ đã được rèn luyện. Đó là nghĩa vụ chung của tất cả các quan lại trong triều.

Tuy nhiên, nhà vua lập ra những cơ quan đặc biệt vận hành như những diễn đàn cấu trúc có tính chất tập trung để kiểm soát sự phù hợp trong hành vi của nhà vua với các quy phạm đạo đức-chính trị cơ bản, đó là Khâm Thiên Giám, Viện Tập Hiền, Đô Sát Viên, và Quốc sử Quán. Khâm Thiên Giám, trên cơ sở quan sát các hiện tượng tự nhiên, cảnh báo nhà vua chớ làm những điều hại dân để trời nổi giận, tức bảo vệ quy phạm kính thiên. Viện Tập Hiền là nơi để các học giả-quan lại giảng và trao đổi với nhà vua, hoàng thân quốc thích, quan đại thần về những quy phạm chính trị- đạo đức căn bản, những học thuyết quản trị và kinh nghiệm quản lý đất nước của tiền nhân. Viện Tập Hiền, như vậy, đóng vai trò như người giải thích và bảo vệ các quy phạm căn bản có giá trị ràng buộc đối với nhà vua.

Đô Sát Viện là cơ quan chuyên biệt tập hợp trong đó các ngôn quan có chức năng can gián nhà vua và đàn hặc các quan lại thiếu năng lực hay phạm pháp. Nó có quyền can gián nhà vua về những sai lầm của triều đình và có quyền đề xuất các giải pháp liên quan đến đời sống dân sinh và các vấn đề cơ mật của quốc gia.(7) Đô Sát Viện là một định chế tập trung để các học giả-quan lại bảo đảm rằng hoàng quyền được thực thi dựa trên những nguyên lý cổ truyền về một chính phủ tốt. Thông qua việc phê bình một cách ngay thẳng, các học giả-quan lại có thể hạn chế việc nhà cai trị tùy tiện sử dụng quyền lực vì những mục đích cá nhân và vì vậy bảo đảm rằng các chính sách của nhà vua là vì người dân như quy phạm ái dân yêu cầu. Ngoài chức năng can gián, Đô Sát Viện triều Nguyễn còn có một chức năng khác rất liên quan đến việc kiểm soát các hành động chính thức và không chính thức của nhà vua- đó là chức năng khởi cư chú. Với chức năng này, Đô Sát Viện có nhiệm vụ ghi chép chi tiết những lời nói và những hành động của nhà vua cả trong các phiên thiết triều chính thức lẫn trong các cuộc tuần du bên ngoài. Hai viên quan khởi cư chú- một người ghi chép cử chỉ, một người ghi chép lời nói- đóng vai trò những người người giám sát thường xuyên đối với ngôn hành của nhà vua.

Quốc sử Quán kiểm soát sự phù hợp của nhà vua đối với quy phạm đạo đức-chính trị căn bản thông qua công cụ chép sử. Trên cơ sở những tài liệu thô của quan khởi cư chú, Quốc sử quán ghi chép thành thực lục của triều đại. Trong việc ghi chép lại lịch sử của triều đại, quan chép sử kiểm soát nhà vua bằng sức mạnh của bao biểm (khen-chê): khen những hành vi hợp quy phạm và chế những hành vi trái quy phạm.

Với một hệ thống các cơ quan được cấu trúc hóa như trên, sự tùy tiện trong việc sử dụng quyền lực của nhà vua có thể được hạn chế phần nào, bảm đảm cho ngôn hành, chính sách, pháp luật của nhà vua và triều đình phù hợp với các quy phạm đạo đức-chính trị căn bản. Đương nhiên, không thể nói rằng các định chế trên hoạt động một cách hiệu quả lý tưởng. Dù sao chúng cũng chỉ là những cơ quan thuộc hệ thống hành chính, nằm dưới sự kiểm soát của nhà vua, thiếu sự độc lập cần thiết về mặt cấu trúc và thẩm quyền và điều này hạn chế hiệu quả họat động của chúng. Vì vậy, bất chấp lời can gián của các quan, Minh Mệnh vẫn du hý Ngũ Hành Sơn khi Quảng Nam đang hạn hán, mất mùa; Tự Đức vẫn xây Khiêm Lăng trên xương máu của nhân dân. Nhưng, công bằng mà nói, có một yếu tố bảo đảm phần nào hiệu quả hoạt động của các định chế nói trên. Đó là sức mạnh của truyền thống. Tôn trọng lời can gián thẳng thắn, lời khuyên hữu ích của các học giả - quan lại là một truyền thống được lưu truyền bao đời và trở thành một tâm thức phổ biến của dân tộc, một truyền thống chính trị, mà hiếm một ông vua nào muốn trị vì lâu dài có thể tùy ý bỏ qua. Do vậy, Minh Mệnh phải phục chức Phạm Phú Thứ- người đã thẳng thắn can gián vua; Tự Đức cũng nghe những lời can gián ngay thẳng của Trương Quốc Dụng và Thân Văn Nhiếp.(8)

Thay lời kết luận

Việt Nam có một truyền thống kiểm soát sự phù hợp trong hành vi của nhà vua đối với các quy phạm đạo đức-chính trị căn bản do các học giả- quan lại thực hiện thông qua các diễn đàn can gián, giáo dục, thảo luận, chép sử được cấu trúc hóa. Việc thiết lập một cơ quan bảo hiến độc lập trong thời hiện đại là phù hợp với truyền thống này. Hội đồng Hiến pháp, nếu có thể được thành lập, sẽ tiếp tục truyền thống bảo hiến được tạo dựng bởi Khâm Thiên giám, Viện Tập Hiền, Đô Sát Viện, và Quốc sử Quán. Vì vậy, quá trình thiết lập Hội đồng Hiến pháp không phải là một quá trình ngoại nhập hoàn toàn mà là một quá trình có tính chất tự sinh, và điều này bảo đảm cho khả năng vận hành của nó trong thực tế một khi được thành lập. Có thể thấy, bất cứ một thể hiến pháp nào cũng phải cấy rễ trong truyền thống bản địa, nếu nó muốn thành công.

____________

1. A. Mavcic, “Historical Stages in the Development of Systems of Constitutional Review and Particularities of Their Basic Models,” truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2013. 

2. Allan R. Brewer-Carias, Judicial Review in Comparative Law (Cambridge and New York: Cambridge University Press, 1989), p. 98.

3. Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, tập XXIII, (Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1970), tr.145.

4. Xem Quốc sử quán Triều Nguyễn, Minh Mệnh Chính yếu (Huế: Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 1993), Quyển 1- Thiên thứ nhất, Kính thiên, tr.23-50; Quyển 1- Thiên thứ hai- Pháp tổ, tr.51-62; Quyển 5- Cần Chính, tr.205-230; Quyển 6 và Quyển 7- Ái dân, tr. 231-347.

5. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của Tư tưởng ở Việt Nam, tập I,  (TP. Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 1993), tr.289-91.

6. Như trên, 292.

7. Quốc sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, tập XI, (Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1970), tr. 153.

8. Xem Nguyễn Đắc Xuân, Nghiên cứu Triều Nguyễn và Huế xưa, tập I (Huế: Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 2011), tr. 303; tập II (xuất bản năm 2012), tr. 218.

Bùi Ngọc Sơn
Đại học Quốc gia Hà Nội