Tính lệ phí, dựa vào đâu?

Đồng Hữu Mạo
ĐBQH Thừa Thiên Huế
N. Vũ ghi
19/06/2015 08:26

Tôi hoàn toàn chưa yên tâm với khái niệm “lệ phí” trong Dự thảo Luật Phí, lệ phí. Theo Dự thảo, lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi cơ quan hành chính nhà nước phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này. Lý lẽ vì sao phải nộp lệ phí và dựa vào căn cứ nào để tính mức thu lệ phí chưa được làm rõ trong khái niệm trên.

Điều 8 Dự thảo Luật quy định: mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc. Nhưng ấn định trước là ấn định dựa vào cái gì? Ví dụ, mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ. Tại sao lại tính trên tỷ lệ phần trăm của giá trị tài sản trước bạ? Khái niệm không rõ nên căn cứ để tính cũng không rõ. Trước bạ dựa vào giá trị của tài sản. Thông thường, tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào giá trị tài sản là đúng. Nhưng quy định như thế này thì hình như thêm một lần tính thuế. Nếu đã tính thuế thì hẳn là tính thuế, nhưng có lẽ tính thuế bị trùng nên không nói tính thuế mà đưa ra một khái niệm lệ phí? Lý lẽ này không rõ. Vì không rõ như vậy dẫn đến việc không có quy định dựa vào cái gì để tính mức phí.

Trên thực tế, mỗi lệ phí dựa vào căn cứ khác nhau để tính mức thu. Ví dụ, lệ phí hộ tịch có thể dựa vào chi phí, còn lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số xe cơ giới đường bộ có thể dựa vào mật độ từng khu vực. Thông tư 127 của Bộ Tài chính chia lệ phí này thành nhiều nhóm. Khu vực một thu từ 2 triệu đến 20 triệu, khu vực hai là 1 triệu, khu vực 3 là 200 nghìn đồng. Hình như mức thu này dựa vào mật độ, khu vực một là khu vực Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mật độ xe ở hai khu vực này nhiều quá nên phải tăng phí lên? Căn cứ thu trong trường hợp này hình như là mật độ?

Như vậy, căn cứ tính lệ phí trước bạ trên tỷ lệ phần trăm của giá trị tài sản trước bạ là khác với căn cứ tính lệ phí hộ tịch, lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số xe cơ giới đường bộ. Nếu nghiên cứu thêm sẽ có rất nhiều lệ phí dựa vào những căn cứ khác nhau nữa. Tức là, ở đây không có sự đồng nhất trong căn cứ tính lệ phí.

Do không có sự đồng nhất, không quy định cụ thể như vậy nên không biết dựa vào cái gì để tính lệ phí, dẫn đến tình trạng tùy nghi, tức là cơ quan có thẩm quyền ban hành lệ phí, ở đây có thể là Chính phủ, Bộ Tài chính, có thể là HĐND cấp tỉnh có quyền chọn mức thu theo ý chí của mình. Có nhiều trường hợp thực tế rất khó giải thích. Ví dụ, 2 trường hợp: một là, người dân mua một chiếc xe ô tô, theo quy định, họ đến cơ quan thuế nộp thuế trước bạ từ 10% - 20% đối với loại xe ô tô chở dưới 10 người; đồng thời, họ phải sang cơ quan công an nộp lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số, theo Thông tư 127, nếu ở khu vực Hà Nội thì phải nộp từ 2 triệåu đến 20 triệu đồng. Hai loại thuế trước bạ và lệ phí này lý lẽ chỗ nào? Người dân phải nộp từ 10% - 20% lệ phí trên tổng giá trị tài sản mà không giải thích được; sau đó, lại phải nộp cả lệ phí đăng ký và biển số, nhưng cũng không rõ vì sao phải nộp. Rõ ràng ở đây, chúng ta còn lúng túng trong việc định nghĩa khái niệm về lệ phí, dẫn đến trong thực tế quy định nhiều loại chồng lên nhau. Nếu luật không nói rõ chỗ này sẽ dẫn đễn sự chồng lấn sau này.

Tôi muốn đi tìm một khái niệm. Nhưng thông qua thực tế, soát xét lại tất cả các loại lệ phí hiện nay, tôi không thể khái quát được lệ phí là gì. Bản thân tôi đã rà soát tất cả lệ phí hiện nay, muốn tìm một điểm chung nhất của lệ phí nhưng không tìm ra điểm chung nào. Lệ phí này dựa vào lệ phí khác, không có cơ sở. Vì vậy, lần này, QH làm luật thì phải làm rõ các khái niệm, từ đó mới quy định các chế định tiếp theo. Cần nhận diện cho rõ lệ phí là gì. Trên cơ sở định nghĩa đó, rà soát lại 39 khoản lệ phí cơ quan soạn thảo đưa vào Dự thảo Luật, cái nào đúng với định nghĩa thì để lại, cái nào không trùng với định nghĩa thì phải loại ra khỏi danh mục lệ phí.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tính lệ phí, dựa vào đâu?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO