Tính lại quy mô GDP, rồi sao nữa?

Hà Lan 17/08/2019 07:19

Sáng qua, Tổng cục Thống kê tổ chức cuộc trao đổi với một số cơ quan báo chí để làm rõ những thông tin xung quanh việc cơ quan này đang tiến hành đánh giá lại quy mô GDP.

Lý do là vài ngày trước, báo chí đưa tin, tại hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” ngày 7.8, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết đã hoàn tất việc tính lại GDP và sắp công bố kết quả. Theo đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thể tăng gần 400 USD, từ gần 2.600 USD/năm hiện nay lên 3.000 USD/năm. Thông tin này gây xôn xao trong giới quan tâm đến kinh tế vĩ mô. Một mặt họ băn khoăn phải chăng Tổng cục Thống kê có “cách tính mới”? Bởi Việt Nam cũng như các nước không thể tự “sáng tạo” ra cách tính GDP được mà phải thực hiện dựa trên các khái niệm, nguyên tắc, nguồn thông tin và phương pháp theo đúng quy định trong hệ thống tài khoản quốc gia của Liên Hợp Quốc. Mặt khác, họ không biết liệu Tổng cục Thống kê có đưa các hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp vào để tính toán quy mô GDP hay không, trong khi nhiều nước không làm vậy vì nó đòi hỏi phải có thông tin thường xuyên và đáng tin cậy.

Hai mối lo này đã được giải tỏa trong cuộc họp hôm qua. Lãnh đạo Tổng cục Thống kê khẳng định không “phát minh” ra cách tính GDP mới mà chỉ đánh giá lại quy mô GDP dựa trên kết quả các cuộc tổng điều tra kinh tế tiến hành trong giai đoạn 2010 - 2017 và thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ, ngành.

Hai nguồn thông tin này hiện khá đầy đủ và toàn diện. Các hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp hoàn toàn không được tính vào GDP.

Cho đến nay, GDP vẫn là chỉ tiêu quan trọng được sử dụng ở nhiều quốc gia bởi các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong việc đánh giá hiệu quả của nền kinh tế. Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga... đã tiến hành điều chỉnh, công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan.

Ở nước ta, đây không phải lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại quy mô GDP. Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008 - 2012, trong đó tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản. Ở thời điểm này, việc đánh giá lại quy mô GDP cũng là cần thiết, nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể sát thực hơn, rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế và trở thành thông tin đầu vào hữu ích cho Chính phủ, nhà đầu tư, người dùng.

Vấn đề là, sau khi có được số liệu đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ sẽ ứng xử chính sách như thế nào, sẽ định hướng phát triển đất nước trong 5, 10 năm tới ra sao? Nếu các chỉ tiêu phát triển kinh tế trên nền tảng quy mô GDP cũ vẫn được “bê nguyên” sang nền tảng quy mô GDP mới cho giai đoạn sắp tới thì sẽ xuất hiện rủi ro. Ví dụ, Quốc hội yêu cầu bội chi ngân sách không được vượt quá 3,6% GDP. Giả sử quy mô GDP tăng lên mà chỉ tiêu 3,6% không thay đổi thì Chính phủ sẽ được “rộng tay” trong việc chi tiêu hơn. Tương tự, nợ công, trần nợ công là 65% GDP, nếu GDP thay đổi mà chỉ tiêu không thay đổi - cũng có nghĩa Chính phủ sẽ được vay nợ nhiều hơn…

Vì thế sau khi đánh giá lại quy mô GDP, điều quan trọng nhất là các chỉ tiêu kinh tế và ngưỡng an toàn của chỉ tiêu cho giai đoạn tới cần phải được điều chỉnh theo quy mô GDP mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tính lại quy mô GDP, rồi sao nữa?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO