Tính hợp pháp và hợp lý của quy phạm hành chính

- Thứ Hai, 15/03/2021, 06:37 - Chia sẻ
Bên cạnh sự điều chỉnh chính sách hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tế, giảm áp lực không cần thiết cho giáo viên trong công tác giảng dạy, các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chưa thỏa mãn tính hợp pháp và hợp lý của quy phạm hành chính...

Bắt nhịp với các nền hành chính hiện đại

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/BGDĐT, quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông công lập. Theo đó, chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20.3.2021. Điểm mới nhiều người quan tâm là bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên; thay vào đó, những yêu cầu này được quy định trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đó là sự điều chỉnh chính sách hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tế, giảm áp lực không cần thiết cho giáo viên trong công tác giảng dạy, nhưng không có nghĩa bỏ hẳn yêu cầu sử dụng ngoại ngữ, tin học, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng và đang trong thời đại cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. 

Giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng dự một lớp bồi dưỡng chính trị trong dịp hè
Giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng dự một lớp bồi dưỡng chính trị trong dịp hè

Bên cạnh ý kiến đồng tình, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn vì quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp hạng viên chức trong các thông tư mới có yêu cầu cao hơn nhiều so với trước, rất khó để các viên chức giảng dạy có tuổi nghề, tuổi đời lâu năm có thể đạt được. Cũng dễ hiểu, bởi những cải cách trong ngành giáo dục không nằm ngoài quá trình thực hiện Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính quốc gia với những mục tiêu lớn. Trong đó, trọng tâm là cải cách thể chế, đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để bắt nhịp với các nền hành chính hiện đại trong khu vực và quốc tế, nước ta đã và đang chuyển dần từ quản lý công (tức hành chính công) truyền thống theo mô hình chức nghiệp hay còn gọi là mô hình ngạch, bậc; sang quản lý công mới theo mô hình vị trí việc làm với nhiều ưu điểm nổi trội hơn. Việc xây dựng và áp dụng mô hình việc làm của viên chức đã được quy định từ năm 2012 theo Nghị định số 41/2012/NĐ-CP và được thay thế bằng Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể chậm trễ hơn trong việc ban hành các thông tư nói trên để thực hiện tiến trình cải cách.

Phải bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý của quy phạm

Theo nguyên tắc khoa học quản lý công, mọi quyết định chính sách đều phải bảo đảm tính hợp pháp và tính hợp lý của quy phạm hành chính. Tuy nhiên, các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chưa thỏa mãn yêu cầu trên.

Về tính hợp pháp, Điều 8, Luật Viên chức 2010 quy định: “Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề nghiệp”. Tuy vậy, trong một văn bản khác dưới luật - Điều 21, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP (do Bộ Nội vụ tham mưu) thì giao “Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp…”. Như vậy, Luật giao trách nhiệm cho Bộ Nội vụ chủ trì nhưng Nghị định thì đẩy cho từng bộ chủ quản tự chịu trách nhiệm; thiển nghĩ, mâu thuẫn trong quy phạm này có bảo đảm tính hợp pháp?

Về tính hợp lý, các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/BGDĐT đã quy định tiêu chuẩn đạo đức về nghề nghiệp của nhà giáo hạng I có đạo đức... “cao hơn” nhà giáo hạng II; nhà giáo hạng II có đạo đức... “cao hơn” nhà giáo hạng III (!). Quy định như vậy vừa không bảo đảm tính hợp lý của một quyết định hành chính; vừa làm cho giáo viên và dư luận xã hội nghĩ rằng, giáo viên hạng III thì không cần “gương mẫu “ và không cần là “tấm gương” về đạo đức như giáo viên hạng II và hạng I (!?). Rõ ràng, quy phạm này nên được sửa đổi.

Phân tích kỹ hơn thì “Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp” hay “chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp” là những cụm từ có nghĩa gần nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt của Minh Tân - Xuân Nghi - Thanh Lãm (NXB Thanh Hóa 1998) thì “Chuẩn: là vật để làm mực; chuẩn mực; mức”, “Tiêu chuẩn: là điều quy định/mức quy định làm căn cứ để đánh giá”. Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo” đang có hiệu lực thi hành cũng chỉ quy định chung về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, không quy định đạo đức nghề nghiệp của giáo viên hạng cao hơn thì tiêu chuẩn đạo đức phải… “cao hơn”.

Đạo đức nghề nghiệp là một dạng của đạo đức xã hội, là những giá trị chân chính/cốt lõi mà những người lao động trong nghề phải tuân theo và hướng tới trong hoạt động hành nghề của mình. Nhà giáo dù ở cấp học, bậc học hay chức danh nghề nghiệp nào, hạng nào thì cũng đều cần phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, có lương tâm, đó là biểu hiện tập trung nhất của ý thức đạo đức trong nghề nghiệp để trở thành một nhà giáo chân chính. Mỗi nghề trong xã hội đều có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và chân giá trị. Đối với nghề giáo, do đặc thù nghề nghiệp nên có những chuẩn mực khắt khe hơn, đòi hỏi sự dấn thân, thầy giáo phải là người mô phạm. Cũng như thầy thuốc phải có lòng trắc ẩn; nhà báo phải trung thực; nhà chính trị phải có lòng nhân hậu đặc biệt với Nhân dân vậy.

Dư luận quan tâm đến các chính sách công chính là sự giám sát xã hội, rất mong giám sát quyền lực của cơ quan dân cử phản ánh kịp thời ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

ThS.Nguyễn Vân Hậu