Tinh hoa kể chuyện

- Chủ Nhật, 02/05/2021, 04:59 - Chia sẻ
Phía sau những choáng ngợp về công nghệ, nơi mà bảng ánh sáng laser chiếu trên Nhà Thái Học có thể phô diễn những hoa văn tỉ mỉ nhất, nơi mà từng nếp nhà truyền thống thoắt biết đi để kết thành một tổ hợp trình diễn, nơi nền gạch cổ bỗng chìm xuống thành một sân khấu trên mặt nước đầy lãng mạn và kỳ ảo…, là biết bao chắt lọc và nâng niu để 40 phút ngắn ngủi có thể kể cho bạn nghe tinh hoa của xứ sở 4.000 năm...

Trung tuần tháng 4 vừa qua, hai siêu dự án của đạo diễn Việt Tú là “Tinh hoa Việt Nam” và “Sắc màu Venice” đã khai trương tại đảo ngọc Phú Quốc.

"Tinh hoa Việt Nam” hẳn là niềm kiêu hãnh của Grand World, được quy hoạch vuông vắn hơn 11.000m2 tại mặt tiền của "thành phố không ngủ". Bước qua cánh cổng sơn son là không gian trầm sâu thân thuộc của những nếp nhà Bắc Bộ nhỏ xinh, các cửa tiệm cổ phục dựng một đời sống vốn có trong quá khứ của người Việt: Tranh Đông Hồ, gốm Pháp Lam, cổ phục và võ phục, tiệm phở và các gánh quà, hiệu thuốc Nam, tiệm gốm... Mỗi ngày, cổng thành mở vào lúc 9 giờ sáng, một cửa tiệm nào đó sẽ tái hiện lễ khai trương với múa lân, rồi các lễ rước dâu, vinh quy bái tổ - cứ thế lần lượt diễn ra để du khách luôn có hoạt động để xem và tương tác. Tôi rất thích căn nhà trải nghiệm công nghệ, vào đó ngồi im trong bóng tối xem bộ sưu tập hoa văn cổ của người Việt. Nếu bạn từng mê mẩn những mẫu hoa văn Đại Việt trên các mẫu vật trong bảo tàng hay bản minh họa trong các trang sách, chắc chắn sẽ xúc động khi thấy những hoa văn ấy trên trang phục, đồ gốm sứ, đồ thờ tự... sống động như có thể chạm tay qua công nghệ 3D và thực tế ảo.

Phía sau những choáng ngợp về công nghệ, nơi mà bảng ánh sáng laser chiếu trên Nhà Thái Học có thể phô diễn những hoa văn tỉ mỉ nhất, nơi mà từng nếp nhà truyền thống thoắt chốc có thể biết đi để kết thành một tổ hợp trình diễn, nơi mà nền gạch cổ bỗng chốc chìm xuống thành một sân khấu trên mặt nước đầy lãng mạn và kỳ ảo… là biết bao chắt lọc và nâng niu để 40 phút ngắn ngủi có thể kể cho bạn nghe tinh hoa của xứ sở 4.000 năm: Lòng tôn kính tổ tiên với truyền thuyết bánh chưng bánh giày, sử thi bi tráng và lẫm liệt về Hải đội Hoàng Sa, sự cố kết và bao bọc của người Việt với biểu tượng cây tre, đời sống làng quê Bắc Bộ ẩn sau những cây đa bến nước sân đình, phong vị quê nhà của ẩm thực Việt, những di sản tinh túy như võ học thời Trần, mộc bản Triều Nguyễn, hành trình đạo học của người Việt…  

Phục dựng - Bảo tồn - Giải trí - Thương mại, nếu đi cùng nhau thường tạo ra cảm giác mâu thuẫn và khiên cưỡng. Thậm chí giới chí sĩ hay càu nhàu mỗi khi việc bảo tồn bị gắn với giải trí. Nhưng với tính luôn thích "game khó", Việt Tú chọn cách trộn tất cả những “trách nhiệm” ấy  trong một, thành “Tinh hoa Việt Nam”. Để những công chúng đại trà, thậm chí những người không có nhiều ý niệm về truyền thống có thể ngoảnh về quá khứ mà thấy thương mến - thì nội dung phải hấp dẫn và tạo nên tương tác, phù hợp với thói quen của khách du lịch. Sau một ngày trải nghiệm ở đây, người ta cuối cùng nhận ra là văn hóa dân tộc hấp dẫn và tình cảm thế này, mình hóa ra vẫn thuộc về và ở trong hơi thở tiếp diễn của truyền thống ấy. Sau hành trình chơi, xem, tương tác mà mỗi du khách đều có cơ hội nhập vai tuyệt đối; kết thúc trọn vẹn là show “Tinh hoa Việt Nam”. Điều thú vị là khách du lịch thấy mình đã sống trong vở diễn này, là một phần của vở diễn.

Mọi ý tưởng của "Tinh hoa Việt Nam" là hành trình dồn góp trong nhiều năm, chờ lúc "thiên thời địa lợi" để làm nên một siêu phẩm thời thượng mang giá trị tôn vinh truyền thống. “Tinh hoa Việt Nam” không chỉ là một siêu show, đó là một hệ sinh thái có liên kết lớp lang và sống động trong cuộc sống thực.

Tất nhiên, Việt Tú là kẻ may mắn khi gặp được nhà đầu tư sẵn sàng trao cho anh cơ hội vẫy vùng những giấc mơ hoang đường nhất. Vào thời điểm kinh tế toàn cầu đều lao dốc, ngành du lịch thoi thóp, việc “tiêu hoang” tới hơn 13 triệu USD xây dựng hệ sinh thái giải trí và trải nghiệm là quyết định khó khăn ngay cả với những ông lớn của nền kinh tế (chưa kể trước đó, chủ đầu tư này cũng đã đổ gần 10 triệu USD cho Việt Tú làm Tata Show tại Nha Trang).

Tú còn may mắn vì đồng hành với anh là một ekip mạnh cùng đội ngũ cố vấn gồm các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa và sân khấu, chuyên gia phục chế, nghệ nhân dân gian nhiều lĩnh vực, các họa sĩ và kiến trúc sư… để "Tinh hoa Việt Nam" dù là công trình giải trí, nhưng mang tinh thần nguyên bản Việt Nam như một lời tri ân truyền thống. 

Danh xưng “đạo diễn” giờ đây đã không còn vừa vặn với Việt Tú. Bản thân Tú đã tự hoạch định con đường cho Dream Studio: Trở thành nhà sản xuất nội dung đầu tiên ở Việt Nam xây dựng những siêu phẩm với chất lượng quốc tế. Và Việt Tú - “kiến trúc sư trưởng” kiến thiết lên cả một hệ sinh thái giải trí mà trong đó những siêu show là điểm cuối bùng nổ của chuỗi trải nghiệm bất tận.

Khi đêm diễn kết thúc, Tú đứng trên góc cao nhất của khán đài nhìn biển người nấn ná chưa muốn rời đi. Tôi hỏi: "Bạn thấy thế nào?", Tú im lặng một lúc rồi nói: “Tôi đã hình dung giấc mơ bao năm của mình đúng như thế này...".

Quỳnh Hương