Tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ (2004- 2009)

21/12/2006 00:00

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổ chức của HĐND các cấp đã được kiện toàn một bước. Vị thế của HĐND các cấp trong hệ thống chính trị từng bước được nâng cao. Hoạt động của HĐND ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT – XH, bảo đảm AN – QP ở địa phương và trong cả nước.

Báo cáo của UBTVQH do ỦY VIÊN UBTVQH,
CHỦ NHIỆM VPQH BÙI NGỌC THANH
trình bày tại Hội nghị Toàn quốc
về tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND

      Thực hiện Luật tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND và các văn bản pháp luật khác có liên quan, trong gần 3 năm qua, HĐND các cấp đã từng bước được kiện toàn về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, không ngừng phát huy vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Những kết quả mà HĐND các cấp đạt được đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


      Phần I
      Cơ cấu, tổ chức và kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay


      I. Cơ cấu, tổ chức HĐND các cấp
      1. Cơ cấu đại biểu HĐND
      Trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004- 2009 ngày 25 tháng 4 năm 2004, cử tri cả nước bầu được 306.126 đại biểu. Trong đó, đại biểu HĐND cấp tỉnh là 3.852; Cấp huyện là 23.462; Cấp xã là 278.812. So với nhiệm kỳ 1999- 2004, số lượng đại biểu HĐND ba cấp tăng 63.460 đại biểu (cấp tỉnh tăng 390, cấp huyện tăng 4.554, cấp xã tăng 58.518). Cơ cấu đai biểu tương đối hợp lý, chú trọng tỷ lệ đại biểu nữ, ngoài Đảng, trẻ tuổi. Tỷ lệ đại biểu nữ ở cấp tỉnh là 23,80%, cấp huyện 23,22%, cấp xã 20,10%. Tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng ở cấp tỉnh 13,60%, cấp huyện 14,61%, cấp xã 30,80%. Tỷ lệ đại biểu tái cử ở cấp tỉnh 31,46%, cấp huyện 32,37%, cấp xã 39,20%. Chất lượng đại biểu được nâng lên so với nhiệm kỳ trước, đảm bảo các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức, chính trị. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng chưa được giải quyết căn bản, tỷ lệ đại biểu ở các cơ quan hành chính vẫn khá cao, tỷ lệ đại biểu nữ ở một số địa phương đạt thấp, chất lượng đại biểu có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là trình độ, năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu.
      2. Cơ cấu, tổ chức Thường trực HĐND
      Tổ chức của Thường trực HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004- 2009 có nhiều đổi mới so với nhiệm kỳ 1999- 2004. Thường trực HĐND cấp tỉnh và cấp huyện được bổ sung chức danh Ủy viên thường trực. Thường trực HĐND cấp xã được thành lập gồm Chủ tịch và Phó chủ tịch. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND các cấp được kiện toàn nên hiệu quả hoạt động thường xuyên của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp đã được nâng lên, Thường trực HĐND cấp huyện và cấp xã đã bảo đảm được nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số.
      Về bố trí nhân sự, hầu hết Chủ tịch HĐND các cấp là Bí thư, Phó Bí thư thường trực nên đã tăng cường được sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy còn có một số cấp ủy ở địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này nên việc bố trí cán bộ chưa tương xứng với vị trí, vai trò của HĐND. Ví dụ: hiện nay ở cấp tỉnh có 12 Chủ tịch HĐND và Ủy viên thường vụ, đa số Phó chủ tịch HĐND không phải là ủy viên thường vụ, hầu hết các Ủy viên thường trực không tham gia cấp ủy cùng cấp. Thực tế công tác bố trí nhân sự ở một số địa phương chưa phù hợp và không tương xứng với vai trò, vị trí của HĐND nên ảnh hưởng đến mối quan hệ công tác và hiệu quả hoạt động.
      Việc bố trí đại biểu chuyên trách trong Thường trực HĐND tăng lên so với nhiệm kỳ trước đây nên hoạt động của Thường trực HĐND các cấp đã có tính thường xuyên và hiệu quả hơn. Hầu hết HĐND cấp tỉnh và cấp huyện đều bố trí Phó chủ tịch và Ủy viên thường trực HĐND hoạt động chuyên trách, HĐND cấp xã bố trí Phó chủ tịch hoạt động chuyên trách. Một số tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Gia Lai... bố trí cả Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên thường trực HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách. HĐND cấp huyện của tỉnh Điện Biên có 6 Chủ tịch, 8 Phó chủ tịch và 5 Ủy viên Thường trực hoạt động chuyên trách. Nhưng vẫn còn một số địa phương chưa bố trí đủ đại biểu hoạt động chuyên trách nên hoạt động của Thường trực HĐND gặp khó khăn.


      3. Cơ cấu, tổ chức các ban của HĐND
      So với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ Trưởng, Phó ban hoạt động chuyên trách tăng lên đáng kể. Các thành viên của các ban nói chung có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi nâng cao hiệu quả thẩm tra, giám sát của ban.
      Đối với HĐND cấp tỉnh, có 39 tỉnh, thành phố thành lập 3 ban; 25 tỉnh thành lập 4 ban. Mỗi ban có từ 50 13 thành viên, trung bình mỗi ban có 7 thành viên. Đa số các tỉnh đều bố trí 1 Trưởng ban và 1 Phó trưởng ban, nhưng cũng có tỉnh bố trí 2 hoặc 3 Phó trưởng ban. Theo số liệu thống kê thì HĐND cấp tỉnh có 48,20% Trưởng ban và 44,48% Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách. HĐND tỉnh Đồng Nai bố trí cả Trưởng và Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, các ban của HĐND cấp huyện ở Đồng Nai cũng đều có Trưởng hoặc Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, vẫn còn có một số tỉnh chưa bố trí đủ đại biểu hoạt động chuyên trách ở tất cả các ban theo quy định của Quy chế hoạt động của HĐND như Ninh Bình, Hưng Yên, Lai Châu... Do công tác quy hoạch cán bộ đối với HĐND chưa được quan tâm đúng mức, một số đại biểu không muốn hoạt động chuyên trách.
      HĐND cấp huyện trong cả nước đều thành lập đủ 2 ban. Ban của HĐND được khuyến khích bố trí Trưởng hoặc Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, nhưng thực tế tỷ lệ các ban có đại biểu hoạt động chuyên trách chỉ khoảng 7,5%.
      Theo quy định của pháp luật, cấp xã không thành lập ban nên hoạt động thẩm tra, giám sát rất bất cập. Vì vậy, có tỉnh đã thí điểm thành lập ban của HĐND cấp xã để phục vụ công tác thẩm tra, giám sát. Thực tế cho thấy, các ban này hoạt động có hiệu quả thiết thực.
      II. Kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp
      Ở nước ta, HĐND các cấp được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND thực hiện hai chức năng cơ bản: quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân ở địa phương. Trong những năm qua, HĐND các cấp đã từng bước đổi mới về phương thức hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Trên cơ sở báo cáo của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp trên một số mặt hoạt động chính sau đây:
      1. Kỳ họp HĐND
      Nhìn chung, các kỳ họp HĐND được chuẩn bị chu đáo, diễn ra đúng luật và có chất lượng. Thường trực HĐND các cấp đã chủ động phối hợp với UBND và Ban Thường trực UBMTTQ cùng cấp để thống nhất về chương trình, nội dung kỳ họp. Lựa chọn những vấn đề trọng tâm ở địa phương để đưa ra thảo luận, xem xét và quyết định tại kỳ họp. Dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp, tài liệu của các kỳ họp được gửi đến các đại biểu đúng thời hạn và được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết.
Đại biểu HĐND đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Các ban của HĐND thực hiện công tác thẩm tra đúng quy trình, thủ tục và thời gian theo quy định của pháp luật và có sự đầu tư đúng mức nên chất lượng báo cáo thẩm tra được nâng lên, có tính bản biện, đề xuất giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để HĐND thảo luận và quyết định.
      Nội dung của các kỳ họp ngày càng nhiều, khối lượng các công việc rất lớn nên thời gian tổ chức kỳ họp đã được tăng lên. Đối với các kỳ họp thường lệ ở cấp tỉnh khoảng 3- 4 ngày, cấp huyện 2 ngày, cấp xã 1 ngày. Có địa phương tổ chức kỳ họp HĐND cấp tỉnh 5- 7 ngày như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Thọ.
Việc điều hành kỳ họp của Thường trực HĐND các cấp đã được cải tiến đáng kể, dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, rút ngắn thời gian đọc và trình bày các báo cáo. Thường trực HĐND đã chú trọng định hướng để các đại biểu thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất cao, những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, dư luận xã hội còn nhiều bức xúc. Do vậy, kỳ họp HĐND các cấp ở nhiều địa phương đã tạo được không khí dân chủ, cởi mở, phát huy được trí tuệ tập thể khi thảo luận và biểu quyết.
      Nhiều địa phương đã tổ chức được kỳ họp chuyên đề để tập trung thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng, những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, có nhiều bức xúc như xóa đói giảm nghèo; Xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính; Quản lý và sử dụng đất đai; Quy hoạch và phát triển đô thị; Nâng cao chất lượng giáo dục; Chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách cấp xã và thôn, làng, ấp, bản; Nên đã có tác dụng rõ nét trong việc khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm phát triển KT- XH, bảo đảm AN- QP, đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống nhân dân ở địa phương. Một số địa phương đã kết hợp hoạt động giám sát chuyên đề tại kỳ họp (Phú Yên, Bắc Kạn...), bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực.
      Tỷ lệ đại biêu tham dự kỳ họp HĐND ở nhiều địa phương đạt cao như Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Dương trên 95%. Nhiều đại biểu đã đầu tư thời gian thích đáng nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu vấn đề nên chất lượng ý kiến ngày càng cao, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng kỳ họp HĐND.
      Công tác tổ chức tuyên truyền, đưa tin đã được chú trọng tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi kỳ họp, góp phần mở rộng dân chủ, công khai về các hoạt động của HĐND, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các đại biểu và các cơ quan hữu quan. Hầu hết HĐND cấp tỉnh đều tổ chức truyền hình trực tiếp một số phiên họp, có địa phương truyền hình trực tiếp toàn bộ các phiên họp tại Hội trường (Bình Phước). Một số địa phương mở đường dây nóng tại kỳ họp (Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Thọ, Quảng Nam, Gia Lai, An Giang...) để nhận thông tin, ý kiến phải hồi về hoạt động chất vấn, và tạo điều kiện để nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình. HĐND cấp huyện, cấp xã đã tổ chức phát thanh, truyền thanh các phiên họp quan trọng của HĐND.
      Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tổ chức kỳ họp HĐND còn có một số hạn chế nhất định. Chất lượng kỳ họp chưa thực sự đồng đều ở 3 cấp. Công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp có nơi chưa đúng thời hạn luật định, nhất là việc gửi tài liệu đến đại biểu nghiên cứu trước kỳ họp. Thời gian tổ chức kỳ họp của HĐND ở một số xã còn ít, khoảng một ngày, thậm chí nửa ngày nên còn nặng tính hình thức. Tình trạng đại biểu họp không có tài liệu ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn. Việc điều hành kỳ họp ở cấp huyện và đặc biệt là cấp xã ở một số địa phương chưa thực sự phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể. Cá biệt, một số đồng chí Chủ tịch HĐND cấp xã còn đứng trên cương vị Bí thư cấp ủy để áp đặt ý kiến chỉ đạo, điều hành kỳ họp. Một bộ phận đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chưa dành thời gian thích đáng cho việc nghiên cứu tài liệu, không tham gia hoặc ít phát biểu ý kiến tại các buổi thảo luận. Số lượng các kỳ họp chuyên đề còn ít, chiếm tỷ lệ thấp (cấp tỉnh: 7,8%; Cấp huyện: 6,4%; Cấp xã: 4,5% trong tổng số các kỳ họp của từng cấp).
      2. Quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương
      Trong những năm vừa qua, HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới trong việc quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Việc trình bày báo cáo, thảo luận quyết định tại kỳ họp được thay đổi theo hướng trình bày tóm tắt, tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm, cốt lõi, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Tinh thần xem xét, thảo luận và giải trình mang tính trao đổi hai chiều nhằm làm rõ vấn đề nên đã phát huy được trí tuệ tập thể, thu được nhiều ý kiến chất lượng, có tính xây dựng. Nhờ vậy, các Nghị quyết được HĐND thông qua nhìn chung đạt được sự thống nhất cao, chất lượng nghị quyết được nâng lên, sát với tình hình thực tế của địa phương và có tính khả thi, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến tích cực ở địa phương, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần ổn định chính trị, phát triển KT- XH, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.
      Số lượng các nghị quyết chuyên đề của HĐND ngày càng tăng lên. Với tính chất là một nghị quyết chuyên sâu về một số vấn đề nhất định, với các mục tiêu cụ thể, biện pháp, giải pháp rõ ràng, có thời gian triển khai chi tiết, việc ban hành các nghị quyết chuyên đề đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng ở địa phương. Theo báo cáo của Thường trực HĐND 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong hơn 2 năm vừa qua, HĐND cấp tỉnh đã thông qua 1045 nghị quyết chuyên đề (chiếm khoảng 31,92% tổng số nghị quyết).
      Tuy nhiên, trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương còn có những hạn chế như: Trong khi ở cơ sở có nhiều vụ việc nổi cộm phải xử lý, nhưng số lượng nghị quyết chuyên đề của HĐND cấp huyện, cấp xã để xử lý các vấn đề đó vẫn còn ít. Ơã một số địa phương, thời gian tổ chức kỳ họp thì ngắn nhưng ban hành nhiều nghị quyết, trong khi dự thảo nghị quyết, đề án trình ra HĐND chưa được chuẩn bị kỹ, việc xem xét thảo luận chưa sâu nên sau khi ban hành nghị quyết không phát huy hiệu quả trên thực tế, phải sửa đổi, bổ sung.


      3. Hoạt động giám sát của HĐND
      Giám sát là một chức năng quan trọng của HĐND. Lần đầu tiên Luật tổ chức HĐND và UBND có một chương quy định về hoạt động giám sát của HĐND. Quy chế hoạt động của HĐND đã cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giám sát.
      Thường trực HĐND các cấp đã xây dựng nội dung, chương trình giám sát hàng năm trình HĐND thông qua đã tạo sự chủ động cho Thường trực, các Ban, đại biểu và các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động tham gia hoạt động giám sát. Chính vì vậy, hoạt động giám sát đang từng bước đi vào nề nếp, có chương trình, kết hoạch theo từng tháng, từng quý và cả năm.
      Tại các kỳ họp, HĐND thực hiện quyền giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo trình HĐND. Các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ để nghiên cứu, xem xét các báo cáo, đóng góp nhiều ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực để các cơ quan, tổ chức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND.
      Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn từng bước được cải tiến. Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được nâng lên và đi vào thực chất. Không khí buổi họp chất vấn có tính xây dựng làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. HĐND nhiều tỉnh, thành phố đã kết hợp giữa chất vấn và giám sát chuyên đề trong một số lĩnh vực làm cho hoạt động chất vấn tập trung, làm sáng tỏ được nhiều vấn đề trên diện rộng, đưa ra được nhiều giải pháp thiết thực. Theo báo cáo của 62 HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong gần 3 năm qua đại biểu HĐND các cấp đã có 211.602 chất vấn (cấp tỉnh có 3.411 chất vấn, cấp huyện có 21.164 chất vấn, cấp xã có 187.027 chất vấn). Có 196.124 câu hỏi chất vấn được trả lời, đạt tỷ lệ 92,64%. Đại biểu đã chủ động tích cực trong hoạt động chất vấn. Điển hình như HĐND thành phố Hồ Chí Minh có 454 câu hỏi chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Riêng ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh, mỗi kỳ họp có từ 20- 30 câu hỏi chất vấn các Sở, ngành. Một số chất vấn có hình ảnh hoặc hiện vật minh họa.
      Tuy nhiên, hoạt động chất vấn của HĐND vẫn còn nhiều hạn chế. Nhìn chung số lượng chất vấn ở mỗi kỳ họp còn ít, chưa phản ánh hết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương (trung bình cấp tỉnh khoảng 10 chất vấn, cấp huyện có 5 chất vấn và cấp xã có 4 trong một kỳ họp). Trong gần 3 năm hoạt động, HĐND tỉnh Tuyên Quang chỉ có 24 chất vấn, Gia Lai 23, Lào Cai 21, Tiền Giang 20, Hà Nam 14, Hậu Giang 14 chất vấn. Hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp chưa được chú trọng. Tình trạng đại biểu nể nang, né tránh, ngại va chạm trong hoạt động chất vẫn vẫn còn phổ biến. Việc theo dõi, đôn đốc trả lời chất vấn chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ trả lời ở một số địa phương chưa cao, kể cả ở cấp tỉnh (Hải Dương: 66,7% năm 2004; 58,62% năm 2005; Kiên Giang: 60% năm 2005; Vĩnh Phúc: 52,38% năm 2005...).
      Thường trực HĐND đã phát huy được vai trò điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban, tránh được sự chồng chéo trong hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp. Nội dung chương trình giám sát thiết thực, tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều khuyết điểm, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận xã hội, được cử tri và nhân quan tâm như xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, đất đai, môi trường, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...
      Các đoàn giám sát đã phát hiện được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của cơ quan tổ chức chịu sự giám sát, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất những giải pháp có tính khả thi để các cơ quan, tổ chức tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế, sai phạm nhằm thực hiện tốt hơn các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp. Việc theo dõi kết quả tiếp thu, đôn đốc giải quyết các kiến nghị của đoàn giám sát đã được chú trọng hơn. Chính vì vậy, tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị sau các cuộc giám sát được giải quyết đạt được khoảng 77%.
      Mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa HĐND các cấp, giữa HĐND cấp tỉnh với Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc và ủy ban của QH được tăng cường. Số lượng các đoàn giám sát phối hợp ngày càng tăng và phát huy hiệu quả. Việc phối hợp giám sát đã tạo điều kiện để kiểm tra, giám sát sâu đối với từng vấn đề, từng lĩnh vực và có thể đưa ra các giải pháp, kiến nghị toàn diện hơn đến đối tượng giám sát, các cấp, các ngành có liên quan để giải quyết.
      Có thể nói hiệu quả hoạt động của các đoàn giám sát ngày càng tăng lên, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, tạo được niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên hoạt động giám sát của HĐND các cấp hiện nay còn có những hạn chế cần phải tiếp tục khắc phục đó là công tác giám sát hoạt động thông qua xem xét báo cáo tại kỳ họp HĐND còn nặng tính hình thức. Số lượng các đoàn giám sát tăng, nhưng ít tháo gỡ được những vấn đề bức xúc; Nhiều đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát; Không ít các kiến nghị giám sát còn chung chung, chưa xác đáng. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn thiếu kiên quyết. Việc bỏ phiếu tín nhiệm mặc dù đã được quy định nhưng chưa được triển khai thực tế...
      4. Hoạt động tiếp xúc cử tri
      Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri được nâng lên và đi vào thực chất. Đại biểu HĐND ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này. Hầu hết HĐND các cấp chủ động trong việc xây dựng được hoạch, chương trình tiếp xúc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tiếp xúc cử tri. Hình thức tiếp xúc cử tri được mở rộng, ngoài việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, một số đại biểu đã tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi công tác. Thường trực HĐND ở một địa phương đã sáng tạo thêm các kênh thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri như: diễn đàn ý kiến đại chúng (Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Kon Tum, Tây Ninh...). Nhiều địa phương có tỷ lệ đại biểu tham gia tiếp xúc cử tri đạt cao như Ninh Bình, Thanh Hóa, Đồng Nai đạt 95- 99%.
      Kỹ năng tiếp xúc cử tri được nâng lên, không khí tiếp xúc theo hướng đối thoại nên khá thẳng thắn, cởi mở, đi vào những vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến đời sống KT- XH ở địa phương. Do đó, đại biểu nắm bắt được ý kiến, nguyện vọng của cử tri và ngược lại cử tri hiểu rõ hơn về hoạt động của HĐND nói chung và của đại biểu nói riêng. Việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị được tiến hành thường xuyên và có tính hệ thống, nhờ vậy tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị được giải quyết cao hơn so với trước đây (đạt khoảng 79%).
Tuy vậy, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được tính hình thức; Có nơi thành phần tham dự vẫn là “cử tri chuyên nghiệp”; Kỹ năng hoạt động tiếp xúc cử tri của một số đại biểu còn yếu; Việc phân loại ý kiến, kiến nghị cử tri chưa đúng lĩnh vực, thẩm quyền; Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết chưa sát sao và thường xuyên nên tỷ lệ ý kiến, kiến nghị được giải quyết ở một số nơi còn thấp, không kịp thời, vì vậy chưa thực sự đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân. Số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc và theo chuyên đề mặc dù đã có nhưng chưa phổ biến (số lượng các cuộc tiếp xúc nơi làm việc chiếm 13% và tiếp xúc theo chuyên đề chiếm 6% trong tổng số các cuộc tiếp xúc cử tri ở cả ba cấp).
      5. Tiếp công dân
      Thường trực HĐND các cấp đã xây dựng lịch tiếp công dân hàng tháng và phân công đại biểu tham gia tiếp công dân định kỳ. Số lượt đại biểu tham gia tiếp công dân tăng lên. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên giúp việc, điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp công dân đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Nhiều địa phương đã xây dựng được Quy chế phối hợp giữa HĐND, UBND và Ban thường trực UBMTTQ nên mối quan hệ phối hợp tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân dần đi vào quy củ.
      Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ở một số nơi hoạt động tiếp công dân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là ở cấp xã. Lịch tiếp công dân chưa được thực hiện nghiêm chỉnh, một số đại biểu HĐND chưa phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác này. Việc phân loại và xử lý đơn sai lĩnh vực, thẩm quyền giải quyết, quản lý đơn thư còn kém, không chặt chẽ, việc đôn đốc chưa triệt để nên số đơn thư được giải quyết đạt tỷ lệ thấp (Kiên Giang: 49,22%; Ninh Thuận: 56,50%). Do vậy, quyền lợi chính đáng của một số người dân bị vi phạm, dẫn đến hiện tượng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người, còn diễn biến phức tạp.
      6. Mối quan hệ giữa Thường trực HĐND với các cơ quan và tổ chức hữu quan
      Để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, HĐND các cấp đã chú trọng xây dựng được mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan. Nhiều địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND với Đoàn ĐBQH, UBND Ban thường trực UBMTTQ cùng cấp.
Thường trực và các Ban của HĐND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với UBND, các cơ quan chuyên môn của UBND việc chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp, hoạt động giám sát, chuẩn bị các điều kiện vật chất phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thường trực HĐND phối hợp với Ban thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trình HĐND, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên theo dõi hoạt động của đại biểu HĐND, đóng góp ý kiến về xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát về các vấn đề có liên quan... Thời gian vừa qua, Thường trực HĐND cấp xã ở một số địa phương đã phối hợp với Ban thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã.
      Thường trực HĐND cấp tỉnh và Đoàn ĐBQH nhiều địa phương đã phối hợp kết hợp tổ chức các đoàn giám sát đạt hiệu quả khả quan. Ngoài ra, HĐND cũng đã phối hợp với Đoàn ĐBQH ở địa phương trong công tác tiếp xúc cử tri; Tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; Lấy ý kiến nhân dân về các Dự án luật; Mời ĐBQH tham dự các kỳ họp của HĐND...
      Thường trực HĐND các cấp đã thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động; Phối hợp tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tổ chức các đoàn giám sát; Duy trì tổ chức định kỳ giao ban, hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa HĐND các cấp, giữa Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo khu vực nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trao đổi kinh nghiệm làm cho hoạt động của HĐND các cấp ngày càng hiệu quả hơn.
      7. Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của HĐND
      Tổ chức văn phòng giúp việc HĐND có nhiều đổi mới với việc Chính phủ ban hành Nghị định 133/2004/NĐ-CP ngày 9.6.2004 thành lập văn phòng HĐND cấp tỉnh, tách khỏi văn phòng chung với UBND. Hiện nay, có 41 tỉnh, thành phố thành lập văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên mô hình Văn phòng HĐND và UBND. Số lượng cán bộ, chuyên viên của Văn phòng hiện nay rất khác nhau. Do yêu cầu công việc, đại đa số các văn phòng đều phải tuyển dụng chuyên viên theo chế độ hợp đồng. Trung bình mỗi văn phòng HĐND cấp tỉnh có khoảng 16- 17 cán bộ, chuyên viên. Một số tỉnh có số lượng cán bộ, chuyên viên bước đầu đáp ứng được yêu cầu như Đồng Nai (25), Đăk Nông (23), Hà Tây (23), Sơn La (22)... Tuy nhiên, cũng có tỉnh chưa tuyển dụng đủ số biên chế theo quy định như Đà Nẵng, Bạc Liêu. Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH có trung bình 25 cán bộ, chuyên viên. Việc bố trí lãnh đạo văn phòng cũng thiếu thống nhất, ngoài chánh văn phòng, có nơi chỉ bố trí một phó văn phòng, những cũng có nơi bố trí tới ba phó văn phòng.
      Bên cạnh sự thiếu đồng bộ về mô hình tổ chức văn phòng thì vấn đề rất lớn đặt ra đối với các văn phòng giúp việc HĐND là số lượng biên chế rất hạn chế, vì vậy phải sử dụng lao động hợp đồng. Lực lượng chuyên viên giúp việc chuyên môn còn ít, chỉ chiếm khoảng hơn 50%, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.
Đối với bộ máy giúp việc HĐND cấp huyện là văn phòng giúp việc chung với UBND. Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thường bố trí một Phó phòng và một chuyên viên tham mưu phục vụ công tác HĐND. Cấp xã chưa bố trí được chuyên viên giúp HĐND. Với lực lượng chuyên viên chuyên trách giúp việc quá ít như vậy nên công tác phục vụ hoạt động của HĐND cấp huyện và cấp xã gặp nhiều khó khăn.
      Kinh phí hoạt động của HĐND là một khoản trong ngân sách địa phương do HĐND quyết định theo đề nghị của Thường trực HĐND. Nhìn chung, đối với cấp tỉnh, kinh phí trong những năm vừa qua cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã ở nhiều địa phương còn eo hẹp nên còn khó khăn khi triển khai phục vụ các hoạt động thường xuyên của HĐND. Một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định, còn khoán kinh phí hoạt động hoặc không thông qua kinh phí hoạt động do Thường trực HĐND trình. Về chế độ chi tiêu, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể việc chi cho các hoạt động của HĐND như tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tham gia đoàn giám sát còn vướng mắc, các địa phương thực hiện chưa thống nhất. Vì vậy, cần phải có hướng dẫn thống nhất những khoản chi cơ bản.


      III. Nguyên nhân, một số kinh nghiệm và kiến nghị
      1. Nguyên nhân:
      a. Nguyên nhân kết quả:
      - Thể chế hóa đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND đã được sửa đổi, bổ sung tương đối đồng bộ bao gồm: Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật Tổ chức HĐND và UBND; Quy chế Hoạt động của HĐND; Luật ban hành Văn bản QPPL của HĐND, UBND; Nghị định 133/2004/NĐ – CP ngày 9.6.2004 của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho HĐND các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
      - Cơ cấu đại biểu tương đối hợp lý, bảo đảm tính đại diện cho các thành phần dân cư, tôn giáo, dân tộc, các ngành, đoàn thể ở địa phương. Số lượng đại biểu HĐND được tăng lên ở cả ba cấp và chất lượng đại biểu HĐND đã được nâng lên so với trước đây.
      - Tổ chức của HĐND được kiện toàn theo tinh thần của Luật Tổ chức HĐND và UBND. Theo đó, số lượng thành viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tăng lên. Thường trực HĐND cấp xã được thành lập. Các ban của HĐND cấp tỉnh có Trưởng hoặc Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, ở một số địa phương HĐND cấp huyện đã bố trí được Trưởng hoặc Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách.
      - Hoạt động của HĐND được đổi mới, quyền hạn, nhiệm vụ rõ ràng. Đặc biệt, lần đầu tiên hoạt động giám sát của HĐND được quy định thành một chương riêng trong Luật Tổ chức HĐND và UBND, được cụ thể hóa trong Quy chế Hoạt động của HĐND. Mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan của QH với HĐND cấp tỉnh, giữa HĐND các cấp ngày càng được tăng cường thông qua các hoạt động giao ban, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, nhất là trong lĩnh vực giám sát. Công tác giám sát, hướng dẫn hoạt động của UBTVQH đối với HĐND nhanh chóng, kịp thời hơn. Ban Công tác đại biểu đã giúp UBTVQH giữ mối quan hệ thường xuyên hơn với HĐND cấp tỉnh.
      - Điều kiện bảo đảm hoạt động của hĐND đã được quan tâm hơn. Cácc hế độ của đại biểu HĐND như hoạt động phí, cung cấp báo chí, thông tin, tài liệu... được tăng lên đáng kể. HĐND cấp tỉnh đã có văn phòng giúp việc với tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng. Trình độ, năng lực của đội ngũ chuyên viên ngày càng được nâng lên.
      b. Nguyên nhân hạn chế
      - Nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND của không ít cấp ủy Đảng chưa thật sự đầy đủ thể hiện trong công tác bố trí nhân sự HĐND, hiệp thương, lựa chọn bầu đại biểu HĐND, lãnh đạo hoạt động của HĐND các cấp. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ HĐND chưa được quan tâm, không ít đại biểu sau khi được bầu đã không thực sự nhiệt hình, tâm huyết với công tác chuyên trách tại HĐND nên ở một số địa phương lực lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND còn thiếu và yếu.
      - Hệ thống pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thực sự đồng bộ, có chỗ còn thiếu thống nhất. Các quy định về hoạt động giám sát mới chỉ được quy định trong một chương của Luật Tổ chức HĐND và UBND nên chưa bảo đảm tính đầy đủ, chi tiết.
      - Tỷ lệ đại biểu của các cơ quan hành chính trong HĐND các cấp còn cao. Mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng chưa được giải quyết hợp lý nên vẫn còn những đại biểu chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động.
      - Tổ chức của HDND còn thiếu tính đồng nhất giữa các cấp, thể hiện ở chỗ Thường trực HĐND cấp xã chỉ gồm 2 thành viên, chưa thành lập ban của HĐND cấp xã, ban của HĐND cấp huyện chưa bắt buộc phải bố trí đại biểu chuyên trách...
      - Các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND đã được chú trọng nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu hoạt động, số lượng biên chế của văn phòng HĐND cấp tỉnh còn ít so với yêu cầu thực tế, HĐND cấp huyện chỉ có một chuyên viên tham mưu, giúp việc, HĐND cấp xã chưa bố trí được người tham mưu, giúp việc...
      2. Một số kinh nghiệm
      Từ công tác tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian vừa qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
      a. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng nhận thức đúng vị trí, vai trò của HĐND; Lãnh đạo sát sao công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu; Quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch và bố trí cán bộ là Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực và các Trưởng, Phó trưởng ban HĐND; Thường xuyên lãnh đạo hoạt động của HĐND thì ở nơi đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của HDND được nâng lên.
      b. Phát huy vai trò của Thường trực, các Ban làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động của HĐND. Thường trực HĐND và các Ban HĐND xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của mình, đồng thời chủ động và tích cực trong việc điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các ban, tổ đại biểu và đại biểu. Việc bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách trong Thường trực và cac ban của HĐND đủ về số lượng, tăng cường cán bộ có chất lượng sẽ tác động thiết thực đến hoạt động của HĐND. Vì vậy, HĐND cấp tỉnh phải bố trí được Trưởng hoặc Phó trưởng ban làm việc chuyên trách theo quy định của pháp luật. Ban của hĐND cấp huyện cũng cần có Trưởng hoặc Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách.
      c. Thường xuyên duy trì và tăng cường mối quan hệ phối hợp côngt ác giữa HĐND, UBND, UBMTTQ và Đoàn ĐBQH nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HĐND, đại biểu HĐND thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình trong các hoạtd dộng TXCT, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri; Tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; Giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND.
      d. Nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND nhằm làm cho các quyết định quan trọng HĐND sát với yêu cầu cuộc sống, có tính khả thi cao, đồng thời phải tăng cường cải tiến nội dung và phương thức hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban và đại biểu HĐND để hoạt động này có hiệu quả thiết thực. Muốn vậy, hội nghị, giao ban để nâng cao trình độ, năng lực hoạt động cho Thường trực, các ban và đại biểu HĐND. Chú trọng công tác bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, bảo đảm các điều kiện hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp.
      đ. Tăng cường bộ máy giúp việc cho HĐND đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên văn phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham mưu, giúp việc HĐND. Chú trọng bố trí cán bộ, chuyên viên sâu giúp việc HĐND cấp huyện, cấp xã. Tăng cường các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND như kinh phí, cơ sở, vật chất, trang thiết bị làm việc cho HĐND, cơ quan giúp việc HĐND.
      3.Kiến nghị
      Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan, tổ chức cần xem xét, nghiên cứu những vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
      a.Kiến nghị với các cơ quan Đảng
      - Kiến nghị Ban Chấp hành TƯ cần nghiên cứu tổ chức hội nghị bàn về công tác lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan dân cử nói chung trong đó quan tâm đến tổ chức và hoạt động của HĐND. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng về vị trí, vai trò của HĐND trên cơ sở đó đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với HĐND để HĐND thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
      - Nghiên cứu, quy định nhiệm kỳ của cấp ủy Đảng ở địa phương sat với nhiệm kỳ của HĐND. Lãnh đạo công tác nhân sự trong cuộc bầu cử theo hướng chú trọng tăng thêm tỷ lệ đại biểu của các cơ quan Đảng, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, đại biểu ngoài Đảng, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Cần quan tâm đến cơ cấu đại diện nhưng phải chú trọng đến chất lượng đại biểu.
      - Có quy hoạch cán bộ đối với nhân sự Thường trực và các ban của HĐND, hướng dẫn quản lý cán bộ đối với chức danh Ủy viên Thường trực; Bố trí 1 đồng chí Phó bí thư giữ chức vụ Chủ tịch HĐND chuyên trách, nếu đồng chí Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND thì bố trí 1 đồng chí Ủy viên Thường trực giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐND chuyên trách; Nên cơ cấu ủy viên thường trực trong cấp ủy Đảng cùng cấp nhằm tăng cường vị trí và khả năng hoạt động cho Thường trực HĐND.
      b. Kiến nghị với QH
      - QH cần đưa vào chương trình xây dựng pháp luật việc ban hành và sửa đổi một số luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND. Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND theo hướng quy định bổ sung chức danh Ủy viên Thường trực HĐND cấp xã để bảo đảm chế độ làm việc tập thể và tạo sự thống nhất về tổ chức của Thường trực HĐND ở cả ba cấp; Bố trí các chức danh trong Thường trực HĐND cấp tỉnh và cấp huyện đều hoạt động chuyên trách. Tách Ban KT – XH của HĐND cấp huyện thành 2 ban: Kinh tế và Ngân sách, Ban VH – XH như ở cấp tỉnh; Thành lập ban ở HĐND cấp xã; Tăng thêm số lượng thành viên hoạt động chuyên trách ở các ban HĐND cấp tỉnh và quy định Trưởng hoặc Phó trưởng ban HĐND cấp huyện hoạt động chuyên trách; Quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu.
      - Sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu HĐND, trong đó quy định Thường trực HĐND khóa trước có nhiệm vụ giới thiệu và nhận xét về đại biểu tái cử.
      - Ban hành Luật về hoạt động giám sát của HĐND.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, UBTVQH cần tăng cường công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND các cấp, tổ chức các lớp bồi dưỡng, các hội thảo, hội nghị để nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND, tăng cường trao đổi kinh nghiệm hoạt động, phổ biến các kinh nghiệm hay, các gương điển hình để HĐND các cấp tham khảo. Hội đồng Dân tộc và các UB của QH cần quan tâm đến mối quan hệ phối hợp hoạt động với HĐND cấp tỉnh, nhất là trong lĩnh vực giám sát.
      c. Kiến nghị với Chính phủ
      - Sửa đổi Nghị định 133/2004/NĐ – CP ngày 9.6.2004 về việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ theo hướng giao cho HĐND quyết định số lượng biên chế văn phòng giúp việc phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể ở địa phương; Tăng cường bộ phận giúp việc HĐND cấp huyện và bố trí chuyên viên phục vụ hoạt động của HĐND cấp xã.
      - Ban hành quy định về chế độ sử dụng kinh phí của HĐND các cấp phù hợp với hoạt động đặc thù của HĐND như tổ chức kỳ họp, giám sát, tiếp xúc cử tri, soạn thảo văn bản.


      Phần II
      Hướng dẫn, giám sát của UBTVQH
      Mối quan hệ với các cơ quan của QH


      1. Hướng dẫn, giám sát của UBTVQH
      Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 – 2009, UBTVQH đã ban hành nghị quyết công bố ngày bầu cử HĐND các cấp; Phối hợp cùng Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn bầu cử; Ban hành các văn bản hướng dẫn về bầu cử như kê khai tài sản của người ứng cử, quyền bầu cử của người bị tòa án kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo... UBTVQH đã tổ chức 13 đoàn giám sát về công tác bầu cử tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, ban hành 43 nghị quyết về tổ chức sớm cuộc bầu cử ở một số địa phương nơi có điều kiện đặc thù; Lùi ngày bỏ phiếu; Quyết định số lượng đại biểu HĐND ở các huyện có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; Hủy bỏ kết quả bầu cử và tổ chức bầu cử lại ở những đơn vị bầu cử có sai phạm nghiêm trọng.
      Ngày 17.3.2003, UBTVQH ra Nghị quyết số 368-NQ/UBTVQH 11 thành lập Ban Công tác đại biểu có chức năng giúp UBTV giám sát, theo dõi và hướng dẫn hoạt động của HĐND các cấp. Trong hơn 3 năm qua, Ban Công tác đại biểu đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, nắm bắt được tình hình hoạt động của HĐND và phục vụ UBTVQH kịp thời hướng dẫn hoạt động của HĐND, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
      Ngày 2.4.2005, UBTVQH đã có Nghị quyết số 753/2005/NQ – UBTVQH11 ban hành Quy chế Hoạt động của HĐND nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, pháp điển hóa các hướng dẫn của UBTVQH về hoạt động của HĐND các cấp trong những năm qua, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để HĐND tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
      Trong gần 3 năm qua, theo đề nghị của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, UBTVQH đã ban hành 32 văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của HĐND như: Hướng dẫn kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 – 2009; Hoạt động của HĐND tại các đơn vị hành chính trong trường hợp thành lập mới, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính; Trình tự thủ tục cho thôi, miễn nhiệm và bầu thay thế các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND; Chuyển sinh hoạt tổ đại biểu; Tạm đình chỉ tư cách đại biểu; Thi đua khen thưởng... Các văn bản này đã kịp thời cụ thể hóa các quy định pháp luật hiện hành, góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của HĐND, bảo đảm áp dụng thống nhất các văn bản pháp luật. UBTVQH cũng đã xem xét, ban hành 191 nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch và Ủy viên Thường trực HĐND cấp tỉnh đầu nhiệm kỳ (2004 – 2009) và 34 nghị quyết phê chuẩn bầu bổ sung các chức danh nói trên trong nhiệm kỳ.
      Ngoài ra, UBTVQH cũng cử thành viên tham dự một số kỳ họp của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; Đến dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm của Thường trực HĐND các khu vực, mời đại diện Thường trực HĐND cấp tỉnh dự thính kỳ họp QH...
      Theo chỉ đạo của UBTVQH, Ban Công tác đại biểu đã phối hợp với Ban Quản lý dự án của VPQH tổ chức một số hội nghị, hội thảo nhằm bồi dưỡng kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND. Các hội nghị này đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
      2. Mối quan hệ giữa các cơ quan của QH với HĐND
      Trong những năm qua, mối quan hệ giữa các cơ quan của QH với HĐND cấp tỉnh ngày càng được tăng cường trên nhiều mặt hoạt động như phối hợp tổ chức các đoàn giám sát tại địa phương; Tham gia các hội nghị, hội thảo để triển khai nghị quyết của QH, góp ý vào dự thảo luật, nghị quyết của QH, trao đổi kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực mà Hội đồng Dân tộc, các UB của QH phụ trách.
      Từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XI đến nay, Hội đồng Dân tộc và các UB của QH đã tổ chức nhiều đoàn giám sát, khảo sát ở địa phương có mời đại diện Thường trực, các ban có liên quan của HĐND tham gia. Các cuộc giám sát, khảo sát có nội dung đa dạng về những vấn đề có nhiều bức xúc, bao quát trên nhiều mặt của đời sống KT – XH, AN – QP như: Giám sát thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ; Thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt theo Quyết định 134/2004/QĐ – TTg; Thực hiện chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; Tình hình thi hành pháp luật và thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với các lĩnh vực văn hóa – thông tin, giáo dục – đào tạo, văn hóa, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; Khảo sát việc thực hiện một số chính sách khám chữa bệnh, lao động, việc làm và đưa người đi làm việc ở nước ngoài; Giám sát việc thi hành các Hiệp định phân định và cắm mốc đường biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia cũng như tình hình an ninh, quan hệ kinh tế ở các tỉnh biên giới... Việc phối hợp giám sát đã tạo điều kiện đi sâu giám sát từng chuyên đề, trong phạm vi rộng, đưa ra được nhiều kiến nghị có tình toàn diện để gửi đến nhiều cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, việc phối hợp giám sát còn tiết kiệm được thời gian, chi phí cho HĐND, tạo điều kiện cho Thường trực HĐND, các ban của HĐND tham khảo, trao đổi kinh nghiệm giám sát của các cơ quan của QH.
      Hội đồng Dân tộc, các UB của QH và VPQH đã phối hợp với HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để triển khai thực hiện các nghị quyết, luật của QH, tham gia ý kiến về các dự thảo luật, nghị quyết mà QH sẽ thông qua, trao đổi kinh nghiệm hoạt động. Đồng thời mời đại diện HĐND cấp tỉnh tham dự các hội thảo về các vấn đề có liên quan.
      Thực hiện chương trình bồi dưỡng đại biểu dân cử, triển khai các dự án nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan dân cử, trong thời gian qua VPQH đã tổ chức được 10 hội nghị, hội thảo có nội dung về thực tiễn thi hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND; Tăng cường chức năng đại diện của đại biểu dân cử người thiểu số; Chức năng giám sát của HĐND; Nâng cao kỹ năng về hoạt động công tác dân nguyện của đại biểu dân cử; Đại biểu HĐND với nhiệm vụ phát triển KT – XH ở địa phương. Tổ chức được 13 đợt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đại biểu, kỹ năng hoạt động của Văn phòng giúp việc HĐND. Tính đến nay, đã có 3.003 lượt đại biểu HĐND các cấp, cán bộ, chuyên viên văn phòng giúp việc HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tham gia các hoạt động này. Ngoài ra, dự án cũng đã tài trợ kinh phí mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động của Văn phòng giúp việc HĐND của 15 tỉnh, thành phố; Tổ chức đoàn nghiên cứu về chính quyền địa phương ở nước ngoài; Tham dự các hội thảo quốc tế.


      Phần III
      Phương hướng và nhiệm vụ của HĐND các cấp từ nay đến hết nhiệm kỳ


      
Phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, khuyết điểm nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, trong thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ, HĐND các cấp cần tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau đây:
      1. Quán triệt sâu sắc nội dung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đến đại biểu HĐND các cấp, phát huy tinh thần trách nhiệm, trách nhiêm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng X trên tất cả các lĩnh vực KT – XH, AN – QP, sớm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng các nghị quyết cụ thể để thực hiện phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
      2. Tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND. Đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND. Tuân thủ nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số, khuyến khích nâng cao vai trò hoạt động của đại biểu HĐND.
      3. Để nâng cao chất lượng kỳ họp, HĐND các cấp cần chuẩn bị tốt chương trình, nội dung kỳ họp, lựa chọn những nội dung trọng tâm có tác động đến sự phát triển toàn diện ở địa phương để đưa vào nội dung kỳ họp, nâng cao chất lượng dự thảo, thẩm tra các báo cáo; Bảo đảm không khí dân chủ, cởi mở, phát huy trí tuệ tập thể trong thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng. Thực hiện tốt hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Tăng cường tổ chức các kỳ họp chuyên để ở cả ba cấp.
      4. Tăng cường hoạt động giám sát, kết hợp hài hòa các hình thức giám sát như xem xét báo cáo, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, thành lập các đoàn giám sát chuyên đề về các lĩnh vực có nhiều vấn đề bức xúc, giám sát công tác triển khai thực hiện thu chi ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, bảo đảm việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật ở địa phương. HĐND các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể; Triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết các kiến nghị của đoàn giám sát.
      5. Nâng cao chất lượng hoạt động TXCT trước và sau kỳ họp, tăng cường TXCT nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc theo chuyên đề, gặp gỡ đối thoại trực tiếp với cử tri thu thập và phản ánh ý kiến, kiếën nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giám sát. Thực hiện đúng các quy định pháp luật về tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm giải quyết nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, khiếu nại phức tạp, đông người. 
      6. Chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu trong các lĩnh vực TXCT, tiếp công dân, quyết định các vấn đề quan trọng, giám sát, nhất là đối với đại biểu HĐND cấp xã; Đổi mới nội dung, cải tiến phương thức tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao ban trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND trong từng khu vực, giữa Thường trực HĐND các cấp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND nói riền và HĐND các cấp nói chung.
      7. Bảo đảm các điều kiện phục vụ hoạt động của HĐND. Quan tâm tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy văn phòng giúp việc HĐND. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức văn phòng để thực hiện tốt chức năng tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban và đại biểu HĐND.
      8. Sáu tháng một lần, Ban Công tác đại biểu tổ chức hội nghị với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ rút kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của HĐND, nắm bắt tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp để kịp thời tham mưu cho UBTVQH trong việc hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND, kiến nghị và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
      Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổ chức của HĐND các cấp đã được kiện toàn một bước. Vị thế của HĐND các cấp trong hệ thống chính trị từng bước được nâng cao. Hoạt động của HĐND ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT – XH, bảo đảm AN – QP ở địa phương và trong cả nước. Từ nay đến hết nhiệm kỳ, HĐND các cấp phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động để thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ (2004- 2009)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO