Tình hàng xóm
Dù vẫn đoán đấy hẳn là một dân địa phương, thông thạo đường ngang lối tắt ở nơi hắn nhúng chàm, nhưng thật khó tưởng tượng đấy lại là một tay hàng xóm sống cách nhà nạn nhân chỉ độ vài trăm mét, một ông bố bốn con có gương mặt dễ mến, lại còn là trưởng hội phụ huynh từng tình nguyện giám sát học sinh trên đường đến trường...
Từ bao giờ, khái niệm “hàng xóm” đã trở nên bớt ấm áp và rời xa so với ý nghĩa tốt đẹp của nó, như các cụ nhà mình vẫn nói: “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”... Hay trong bài thơ “Bao giờ trở lại” của nhà thơ Hoàng Trung Thông - khúc ca đẹp về tình quân dân nhưng phần nào cũng là bức tranh ấm áp về tình làng nghĩa xóm một thời, khi hàng rào và cánh cửa chưa lạnh lùng như sau này: “Nhà lá đơn sơ/ Nhưng tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau...”.
Phần nào đó, nhịp sống hiện đại cùng lối sống thị dân đã khiến chúng ta dần thiếu cởi mở hơn với những người hàng xóm. Và chúng ta quen gọi đó là tôn trọng sự riêng tư, sau những ám ảnh để lại từ thời bao cấp, cái thời mà những căn nhà tập thể chõ cửa nhìn sang nhau, bể nước chung, nhà vệ sinh chung, chỗ tắm giặt chung...
Nhưng điều khiến chúng ta cảm thấy choáng váng nhất về khái niệm “hàng xóm” lúc này hẳn chính là những câu chuyện rúng động vừa qua trên mặt báo, khi những nghi phạm, tội phạm ấu dâm bị phát hiện hầu hết đều là hàng xóm. Mà gần nhất là vụ em học sinh lớp 5 tại Cà Mau đã chọn cách ra đi và để lại lá thư tuyệt mệnh, trong đó tố cáo kẻ hàng xóm đã quấy rối em; hay vụ một nữ sinh lớp 7 ở Thanh Hóa sinh con ở tuổi 13, cũng lại với nghi phạm là một người hàng xóm...
Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng nghi phạm gây ra cái chết thương tâm của em bé gốc Việt tại Nhật lại cũng chính là một tay hàng xóm sống cách nhà nạn nhân chỉ độ vài trăm mét cũng đã lộ diện, khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng. Dù vẫn đoán đấy hẳn là một dân địa phương, thông thạo đường ngang lối tắt ở nơi hắn nhúng chàm, nhưng thật khó tưởng tượng đấy lại là một ông bố bốn con, có gương mặt dễ mến, lại còn là trưởng hội phụ huynh từng tình nguyện giám sát học sinh trên đường đến trường... “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” vào đâu, khi thi thoảng, ở đâu đó trong những góc khuất không ngờ của đời sống, lại bỗng tòi ra một tên “yêu râu xanh” đội lốt người hàng xóm tốt bụng, dưới ánh nhìn non nớt của trẻ thơ?
Hôm qua, tôi trót để quên một túi thịt trên chiếc ghế nghỉ đặt ở hành lang tầng nhà tôi ở. Tôi đã nghĩ chắc lúc sáng tôi trót bỏ quên ở hàng thịt và đành tặc lưỡi thay thế bằng món trứng. Nhưng đúng lúc ấy bỗng có chuông gọi cửa. Ra là cậu bé hàng xóm buổi trưa đi học về đã cất giúp túi thịt vào tủ lạnh để buổi tối cùng mẹ đi gõ cửa từng nhà hàng xóm xem của ai để quên. Và đó là người hàng xóm mới chuyển đến căn hộ đối diện mà tôi còn chưa kịp biết tên, cũng không có ý định làm quen.
Chỉ là một túi thịt nhỏ được người hàng xóm cất hộ, mà cũng đủ mang tới một chút ấm lòng, về một điều mà bấy lâu tôi bỏ quên, và không còn nhiều tin tưởng: Tình hàng xóm.