Chính trị

Tinh gọn hóa các quy định để khơi thông tiềm năng sáng tạo

Hải Thanh 06/05/2025 20:01

Chiều 6/5, thảo luận tại Tổ 11 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Vĩnh Long, Long An) về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, các đại biểu kỳ vọng các dự án Luật đã tạo bước đột phá cho phát triển; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tinh gọn hóa các quy định để khơi thông tiềm năng sáng tạo và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Tạo bệ phóng vững chắc cho khoa học công nghệ Việt Nam vươn tầm

Cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật nêu trên. Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung này là bước đi cần thiết để khắc phục những khó khăn, vướng mắc và các điểm nghẽn cấp thiết về thể chế đã bộc lộ sau hơn 10 năm thi hành. Bởi thực tế cho thấy, Luật hiện hành dù đã tạo ra những hành lang pháp lý nhất định, song vẫn chưa thực sự tạo ra sự đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

anh toan canh
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 11. Ảnh: Khánh Duy

Những hạn chế chủ yếu được các đại biểu chỉ ra bao gồm cơ chế tài chính còn rườm rà, thiếu linh hoạt, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để khuyến khích sáng tạo. Doanh nghiệp, dù được xác định là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhưng vai trò chủ động của họ vẫn chưa được phát huy tối đa. Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành, liên cấp trong quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả chung.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành có tới 83 điều, trong đó có tới 46 điều (chiếm hơn 55%) liên quan đến các vấn đề đầu tư. Điều này khiến luật trở nên phức tạp, rườm rà và giao quá nhiều trách nhiệm cho Chính phủ. Từ đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét lại cấu trúc và nội dung của luật, hướng tới sự tinh gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện hơn, tránh việc quy định quá chi tiết các vấn đề mang tính hành chính.

DB My Dung
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung ( Long An) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Góp ý vào Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH Long An) đánh giá cao sự hoàn chỉnh và những quan điểm tiến bộ, đáng ghi nhận trong Dự thảo Luật này; đồng thời nhấn mạnh: dự thảo đã đưa đổi mới sáng tạo trở thành nội dung xuyên suốt của hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, thể hiện rõ vai trò điều phối của Nhà nước, phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp, mở rộng không gian thể chế thông qua các cơ chế thí điểm, thử nghiệm, thúc đẩy mô hình mới và đổi mới cơ chế tài chính, tăng quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng chỉ ra những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản, cụ thể: Liên quan đến Điều 7 về liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp, đại biểu Mỹ Dung đề nghị tại khoản 1 cần quy định cụ thể hơn về các hình thức xử lý vi phạm liêm chính khoa học, ví dụ như đình chỉ đề tài, thu hồi kinh phí, công khai vi phạm hoặc cấm tham gia các chương trình tài trợ trong một thời hạn nhất định. Đối với khoản 4, đại biểu Dung cho rằng cần quy định rõ tiêu chí công bố thông tin vi phạm, nhấn mạnh sự cần thiết phải có kết luận chính thức từ hội đồng đánh giá độc lập để tránh việc công bố sai lệch hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức khi chưa có kết luận cuối cùng. Đại biểu cũng đề xuất bổ sung cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin kiến nghị, phản ánh, tố cáo liên quan đến vi phạm liêm chính khoa học từ cộng đồng nghiên cứu và công chúng, tạo kênh giám sát đa chiều và hiệu quả.

Đối với Điều 9 về chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Mỹ Dung đánh giá cao việc chính thức thừa nhận nguyên tắc này, coi đây là một bước tiến quan trọng, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ tinh thần sáng tạo và thử nghiệm, giải quyết những “điểm nghẽn” lớn hiện nay về chính sách nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, bà lưu ý cần làm rõ ranh giới giữa “rủi ro được chấp nhận” và “vi phạm pháp luật”, bởi những rủi ro liên quan đến đạo đức, môi trường, con người cần có những giới hạn rõ ràng. Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về cơ chế đánh giá, phê duyệt và giám sát rủi ro.

p1.jpg
ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Đồng quan điểm về vấn đề liêm chính khoa học, ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) đề nghị bổ sung rõ cơ quan có trách nhiệm cập nhật thông tin về liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp tại khoản 4 Điều 7. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần có trách nhiệm cập nhật thông tin về các vi phạm liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp, khi cần thiết, trên hệ thống thông tin quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hoặc nền tảng quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Đại biểu lý giải: quy định này sẽ bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, đồng thời gắn liền với trách nhiệm và tính giá trị trong xác nhận thông tin.

Bên cạnh đó, đề nghị quy định về việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhằm hạn chế tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa các đề tài ở các cấp, cũng như tình trạng sao chép, đạo văn khá phổ biến hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh: tình trạng này không chỉ làm giảm giá trị của nghiên cứu khoa học mà còn gây tốn kém nguồn lực xã hội; đồng thời, cần làm rõ thêm các quy định về quản lý cơ sở dữ liệu này để bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả.

p2.jpg
ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Cũng bàn thảo về vấn đề này, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) nhấn mạnh: Việc Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo chính thức thừa nhận nguyên tắc "chấp nhận rủi ro" là một bước tiến đáng ghi nhận, tạo hành lang pháp lý khuyến khích tinh thần thử nghiệm và sáng tạo. Tuy nhiên, để quy định này thực sự hiệu quả và tránh những hệ lụy tiêu cực, Ban soạn thảo cần làm rõ ranh giới giữa "rủi ro được chấp nhận" trong hoạt động khoa học và "vi phạm pháp luật", đặc biệt là các rủi ro liên quan đến đạo đức, môi trường và con người. Theo đó, cần bổ sung cơ chế đánh giá, phê duyệt và giám sát rủi ro một cách minh bạch và cụ thể.

Xử phạt nghiêm khắc và công khai thông tin sản xuất, buôn bán hàng giả

Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của quản lý nhà nước trong việc kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đại biểu, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, chất lượng sản phẩm, hàng hóa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này là hết sức cần thiết để đảm bảo sự an toàn, minh bạch và phát triển bền vững của thị trường.

p3.jpg
ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Khánh Duy

Tuy nhiên, ĐBQH Trịnh Minh Bình đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quan tâm thêm một số nội dung quan trọng. Cụ thể, khi luật được ban hành, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc ban hành và cập nhật kịp thời các văn bản pháp lý như Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác quản lý chất lượng hàng hóa. Cùng với đó, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thực tiễn sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu dùng.

Về công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Đặc biệt, cần tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tránh lặp lại những vụ việc đáng tiếc như sữa giả, dầu ăn, bột ngọt đã xảy ra trong thời gian qua. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa quy trình kiểm tra sẽ giúp nâng cao hiệu quả giám sát và giảm thiểu các hành vi tiêu cực.

Về việc cấp phép và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, vị đại biểu này đề nghị cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Sản phẩm, hàng hóa chỉ nên được phép lưu thông trên thị trường khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chất lượng. Đồng thời, hệ thống các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và chính xác của các kết quả đánh giá.

Cùng với đó, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về chất lượng sản phẩm. Thông qua các chương trình truyền thông, hội thảo và tập huấn, doanh nghiệp và người dân sẽ được nâng cao nhận thức về vai trò của chất lượng và trách nhiệm pháp lý liên quan. Điều này góp phần hình thành văn hóa tiêu dùng thông minh và sản xuất có trách nhiệm trong cộng đồng.

Đại biểu Trịnh Minh Bình cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo đó, các hành vi này cần phải bị xử phạt với mức chế tài đủ sức răn đe và thông tin về các vụ việc vi phạm cần được công khai rộng rãi để cảnh báo và phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người tiêu dùng tích cực tham gia giám sát, tố giác các hành vi vi phạm, tạo nên sức mạnh cộng đồng trong việc bảo vệ chất lượng hàng hóa.

Nhấn mạnh chất lượng sản phẩm, hàng hóa là yếu tố sống còn đối với nền kinh tế và đời sống xã hội, ĐBQH Trịnh Minh Bình khẳng định Nhà nước cần giữ vai trò trung tâm trong việc xây dựng cơ chế pháp lý, giám sát thực thi và thúc đẩy nhận thức cộng đồng về vấn đề này. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tạo nên một thị trường minh bạch, lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân.

Cũng góp ý về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ĐBQH Lê Thị Song An (Vĩnh Long) đã có nhiều ý kiến góp ý chi tiết, cụ thể: đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại định nghĩa về "sản phẩm" tại khoản 1 Điều 3, đại biểu cho rằng định nghĩa hiện hành đơn giản, dễ hiểu và bao quát hơn việc bổ sung các cụm từ "thiết kế, nghiên cứu, chế tạo". Đại biểu Song An lo ngại việc giám sát chất lượng sản phẩm từ giai đoạn thiết kế, nghiên cứu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh và tạo kẽ hở cho trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Liên quan đến bán hàng qua thương mại điện tử tại điểm c khoản 20 Điều 1, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định tương thờiđề xuất bổ sung trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin cá nhân người tiêu dùng cho các sàn giao dịch thương mại điện tử tại khoản 35 Điều 1, nhằm bảo vệ người mua khỏi các vấn đề như cuộc gọi rác, tin nhắn rác, lừa đảo.

ĐBQH Lê Thị Song An cũng kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc đề xuất ban hành một Luật mới thay thế Luật hiện hành thay vì sửa đổi, bổ sung, do nhận thấy dự thảo mới có nhiều thay đổi căn bản và bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng, đặc biệt là về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng...

Có thể nói, phiên thảo luận Tổ 11 đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các ĐBQH đối với 3 dự án luật quan trọng. Các ý kiến đóng góp tập trung vào việc hoàn thiện các quy định, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Đáng chú ý, những yêu cầu đối với việc hoàn thiện các dự án Luật đó là sự tinh gọn, rõ ràng trong các điều khoản, tăng cường trách nhiệm giải trình và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước là những điểm nhấn quan trọng được các đại biểu đặc biệt lưu ý, hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng những đạo luật chất lượng, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tinh gọn hóa các quy định để khơi thông tiềm năng sáng tạo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO