Tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân theo thẩm quyền, bảo đảm hai cấp xét xử và hiệu quả hoạt động
Phát biểu tại tổ thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) khẳng định: Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân theo thẩm quyền là cần thiết nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước bảo đảm tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Đại biểu khẳng định, về mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm có: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân khu vực – là phù hợp với chủ trương của Đảng, cụ thể hóa tinh thần các Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 và Kết luận số 126 ngày 14.2.2025, kết luận số 127 ngày 28.2.2025 của Bộ Chính trị về sắp xếp, tính gọn bộ máy Tòa án nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách trong tình hình mới.
Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân khu vực: Xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; Xét xử theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Việc sắp xếp theo hướng này không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý, mà còn khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ, lãng phí về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động, … hiệu quả hoạt động chưa cao của các Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cũng thống nhất với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh: Thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực; Thực hiện nhiệm vụ phúc thẩm các vụ việc mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị của Tòa án nhân dân khu vực; Thực hiện nhiệm vụ sơ thẩm các vụ án hình sự mà mức cao nhất của khung hình phạt trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp khác.
Tuy nhiên, về thành viên của Ủy ban Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề nghị quy định số lượng tối thiểu và số lượng tối đa, để có căn cứ pháp lý cụ thể khi triển khai ở từng địa phương.
Một nội dung được đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu quan tâm là tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 - 17 người lên thành từ 23 - 27 người để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
Liên quan các điều kiện có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu đề nghị cần quy định trong trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải đang là Thẩm phán Tòa án nhân dân và có từ đủ 05 năm trở lên làm vụ trưởng và tương đương tại Tòa án nhân dân tối cao. Quy định này nhằm tạo nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao dự kiến tăng thêm về số lượng.
Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia, đại biểu kiến nghị cân nhắc thành phần tham gia. Khi Hội Luật gia Việt Nam đã là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – vốn đã được quy định có đại diện trong Hội đồng – thì không cần thiết phải quy định thêm thành viên là Hội Luật gia Việt Nam.
Đại biểu đề nghị quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy cần được triển khai đồng bộ, thận trọng, bảo đảm điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, đặc biệt ở các Tòa án khu vực mới thành lập. Mục tiêu là không chỉ tinh gọn về tổ chức, mà còn thực chất và hiệu quả về hoạt động, bảo vệ công lý và quyền lợi Nhân dân một cách tốt nhất.