- Ông đánh giá như thế nào về bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay?
UVTT Đỗ Văn Đương: Tôi cho rằng, bộ máy nhà nước kể cả bộ máy tổ chức của các đoàn thể còn cồng kềnh, biên chế còn quá lớn. Bộ máy cồng kềnh như vậy thì người dân phải nuôi bộ máy rất nặng nề. Chi cho những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 400 nghìn tỷ/năm, nếu chi đủ để cho người ta sống được bằng lương thì có thể lên tới 1 triệu tỷ mà như thế thì ngang bằng thu ngân sách. Nếu chi như vậy thì làm đâu ăn đấy, lấy gì cho đầu tư phát triển. Vì vậy, theo tôi, cần phải quyết liệt việc thực hiện tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế.
- Nhưng thưa ông, việc thực hiện tinh giản biên chế là vấn đề khó?
UVTT Đỗ Văn Đương: Hiện nay, tinh giản biên chế khó vì do vấn đề nhạy cảm. Biên chế nói thì dễ nhưng đụng đến con người cụ thể thì lại rất khó. Có người làm mấy chục năm trong biên chế nhà nước rồi, nếu thực hiện việc tinh giản thì không biết họ sẽ làm cái gì? Vì cuộc sống của họ gắn với đồng lương và tình yêu nghề nghiệp. Thực tế, có những cô giáo mầm non đi dạy cách nhà mấy chục cây số, lương chỉ có 2 triệu đồng/tháng nhưng họ vẫn hàng ngày đi dạy.
Hiện nay, chúng ta còn “duy tình” còn nể nang trong đánh giá, nhận xét. Trong công việc phê phán nhau thì dễ nhưng đi vào cụ thể để tinh giản con người thì nó duy tình, rất khó. Do vậy, tinh giản biên chế nhưng phải xem những người thuộc đối tượng tinh giản đó họ sẽ làm gì vì đó là cuộc sống của họ. Do đó, không nên nghĩ một chiều là giảm biên chế là cắt ngay. Ví dụ, phải xã hội hóa, phải bố trí việc làm cho những người không làm việc trong lĩnh vực mà được hưởng lương từ ngân sách nhà nước…
- Vậy, giải pháp để thực hiện việc tinh giản là gì, thưa ông?
UVTT Đỗ Văn Đương: Muốn tinh gọn bộ máy cơ quan công quyền nói chung và từ đó tinh giản biên chế thì phải bằng biện pháp quyết liệt hơn.
Thứ nhất, theo tôi là cần nhất thể hóa bộ máy. Có một số nước trong khu vực quy định tỉnh trưởng là thị trưởng – giữa chỉ đạo và điều hành sẽ cập nhật với nhau luôn để trực tiếp đi vào cuộc sống, tùy tình huống mà xử lý luôn. Cần tránh bớt tầng lớp trung gian, tầng lớp phong trào. Chính tầng lớp trung gian này đã làm cho việc chỉ đạo đi vào cuộc sống chậm.
Hai là, hiện Nghị quyết của Đảng đã quy định về tinh giản biên chế nhưng hiện nay quy trình thực hiện là giao các cơ quan làm đề án, đề án vị trí việc làm, sau đó tinh giản biên chế. Nếu làm như vậy thì rất lâu, đánh giá thì năm nào các cơ quan cũng chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế vấn đề này có phải là vậy không? Trong các cơ quan thừa biết ai là những người làm được việc, thừa biết ai là sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Những đối tượng này nhiều lắm. Theo tôi, nên giao chỉ tiêu bộ, ngành này năm nay giảm 1000 hay 2000 biên chế chẳng hạn, còn tự bộ, ngành sẽ tự điều chỉnh. Và từ đó họ sẽ phải thực hiện quyết liệt vấn đề này.
Ba là, nên xã hội hóa. Cái gì mà xã hội làm được thì nhà nước đừng nên làm. Có như thế tự công chức sẽ có cách lựa chọn bươn chải trong cuộc sống, tránh tình trạng công chức ăn bám, một người dựa dẫm nhiều người. Tôi cho rằng, cần phải thay đổi bằng thể chế, trong ban hành luật pháp, đừng để mỗi luật ban hành ra thì sinh ra một bộ máy. Giữa chính sách pháp luật và chính sách biên chế phải đi đôi với nhau.
- Ông đánh giá như thế nào về quy trình tinh giản biên chế hiện nay?
UVTT Đỗ Văn Đương: Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương muốn tinh giản thì phải làm đề án rồi trình Bộ Nội vụ phê duyệt. Tôi cho rằng, chưa thực sự phù hợp. Theo tôi, việc tăng biên chế thì mới cần xin ý kiến Bộ Nội vụ, còn giảm thì không cần thiết mà để các bộ, ngành, địa phương đó tự chủ động căn cứ vào thực tế của địa phương mình. Vì giảm đã có chủ trương rồi thì người ta làm, việc gì phải xin ai nữa.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!