Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch cả năm dự kiến đạt, thậm chí vượt mục tiêu 55 tỷ USD; trong đó mặt hàng rau quả có thể góp tới 7 tỷ USD - cũng là mức cao chưa từng có.
Kết quả đó nhờ, một là tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đặc biệt không còn xem thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân là thị trường dễ tính. Hai là, từ vườn cây, ao nuôi đến chế biến, kiểm dịch… đều lột xác, lượng dồi dào, chất bảo đảm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xuất khẩu, liên tục cải tiến công nghệ chế biến. Do vậy đã duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh trên các thị trường, nhất là Trung Quốc đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần khốc liệt.
Đầu bảng phải kể đến sầu riêng, khởi sự chỉ bán quả tươi, nay đã có sầu riêng đông lạnh và dĩ nhiên Trung Quốc là điểm đến quan trọng nhất cho loại quả này. Năm 2023, ta xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó bán sang Trung Quốc chiếm tới 90% và dự kiến năm 2024 có thể đạt 3 tỷ USD, đĩnh đạc góp mặt trong danh sách mặt hàng xuất khẩu đạt tỷ USD trở lên.
Trung Quốc là khách nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm khoảng 11% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Tỷ trọng gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc chiếm 36 - 37%, là con số khá cao so với các nước cùng bán gạo vào đại lục này.
Tại Trung Quốc, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên hiện có 15 nhà nhập khẩu, 300 nhà phân phối thứ cấp, 30.000 điểm bán offline và hàng vạn cửa hàng trên kênh online.
Cùng đó, Việt Nam còn nhiều nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải và chanh dây. Nhờ vậy, Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, bám sát Thái Lan.
Tiếp đà thăng tiến, ngày 19.8, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư, mở đường cho việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu sang thị trường khổng lồ này.
Sầu riêng đông lạnh là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc ký Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho sầu riêng.
Việt Nam là một trong những nước trồng và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với khoảng 175.000ha, tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long. Việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi sang Trung Quốc sẽ tạo cú hích khiến xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD trong năm 2024 và sẽ tăng mạnh trong các năm tiếp theo.
Cá sấu là mặt hàng trong Nghị định thứ ba, thể hiện sự đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam. Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong hơn 30 năm qua. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác có giá trị kinh tế cao. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường và cho động vật.
Các mặt hàng từ nông nghiệp không chỉ đóng góp cho xuất khẩu lập kỷ lục mới mà còn có ý nghĩa đối với an sinh xã hội, bởi nó gắn với hàng chục triệu nông dân trên các vùng quê, nền tảng bền vững để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội nước nhà. Vì vậy, tin về xuất khẩu nông sản nói chung và về 3 Nghị định thư nói trên là tin vui kép.