Từ những điều ấm áp
- Ý tưởng thực hiện cuốn sách “Chuyện thầy trò” của các chị bắt đầu như thế nào?
- Dịp 20.11 năm ngoái, biên tập viên của Nhã Nam gọi cho tôi, nói rằng bạn đưa con đi mua sách về tình cảm thầy trò mà không tìm được. Tôi tra cứu thì cũng thấy sách viết về tình cảm thầy trò chủ yếu là sách dịch của tác giả nước ngoài. Ý tưởng Chuyện thầy trò bắt đầu từ đấy, nhưng vài tháng sau tôi mới có thời gian thực hiện. Ban đầu, tôi làm một mình. Tuy nhiên, một cuốn sách về nghề thầy nếu mở rộng phạm vi ở các vùng miền khác nhau sẽ đa dạng, có tầm bao quát hơn. Điều đó cũng giúp người đọc cảm nhận tình cảm thầy trò, chân dung người thầy tốt có thể gặp ở bất cứ đâu trên đất nước này. Vì thế, tôi mời Hoàng Hương, cũng là phóng viên mảng giáo dục lâu năm của Báo Tuổi trẻ ở phía Nam, viết cùng.
- Việc là phóng viên có lẽ là lợi thế rất lớn giúp các chị dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận nhân vật?
- Với một cuốn sách thuộc thể loại phi hư cấu, câu chuyện phải bám sát thực tế. Khó nhất là đi tìm, lựa chọn nhân vật. Chúng tôi đều là phóng viên giáo dục lâu năm nên thuận tay hơn khi tìm kiếm, lựa chọn cũng như thuyết phục. Trong sách, có những nhân vật chúng tôi từng gặp trên đường tác nghiệp, từng theo dõi thầy cô cả một quá trình dài, nhưng cũng có người tiếp cận lần đầu.
Nhiều người tưởng rằng sách là tuyển tập những bài báo đã đăng, song thực chất, đó là câu chuyện tươi mới hoàn toàn. Tuy vậy, đây là cuốn sách hoàn thành khá nhanh, chỉ sau hơn nửa năm.
- Viết về điều tốt đẹp, về tình thầy trò, chân dung người thầy tốt có dễ không?
- Viết về điều ấm áp luôn mang lại cảm xúc tích cực. Nhưng viết vể người tốt, việc tốt chưa bao giờ dễ, nhất là trong bối cảnh nhiều thứ tiêu cực đang làm chúng ta mất niềm tin vào những điều tốt đẹp. Chúng tôi chọn cách kể mà tôi tin nhiều người tiếp nhận và đồng cảm được.
Người thầy tốt luôn quanh ta
- Trong “Chuyện thầy trò” có nhiều câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt mà đầy xúc động. “Bí kíp” của chị là gì?
- Khi viết báo, hay viết sách về một nhân vật, tôi ít khi đọc báo cáo thành tích của họ và lấy đó làm điểm nhấn. Tôi thường gặp trực tiếp một hay nhiều lần quan sát công việc họ làm, đi cùng họ trong một sự vụ nào đó, nghe những người có liên quan đến họ kể lại để hiểu nhân vật ở nhiều chiều khác nhau. Từ chất liệu đó, chọn một chi tiết, một tình huống, một chia sẻ của nhân vật mà tôi thích nhất.
Ở Chuyện thầy trò, chúng tôi kể những việc nhỏ bé, giản dị, điều mà chính nhân vật cũng không hình dung nó được đưa vào sách, lại lấy cảm xúc của độc giả. Điều giản dị nhưng từ trái tim, được làm với tình cảm chân thành chính là điều thuyết phục và là thứ chúng ta cần hơn là những điều to tát, nặng tính giáo lý.
- Đôi khi cũng chỉ cần một câu nói, một cử chỉ ân cần của thầy cô mà có thể thay đổi cả đời ta…, như nhiều câu chuyện chị đã gặp và ghi lại?
- Tôi kể câu chuyện về một cậu bé suốt ngày đến lớp chỉ ngủ, đến nỗi cậu có biệt danh là “Vĩnh ngủ”. Thầy giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu mới biết cậu sống với bà, sau khi bà mất cậu phải trang trải cuộc sống và đi làm thêm ở quán bar. Thầy tìm đến, chở cậu về, bấm giờ xem đi mất bao nhiêu phút, bảo hôm nào cậu về tới nhà thì nhắn tin cho thầy, để thầy yên tâm. Cậu bé ban đầu chỉ nhắn lại cho có, không nghĩ là thầy sẽ nhắn lại bởi lúc cậu về thường đã 1 - 2 giờ sáng. Nhưng mỗi lần cậu nhắn, thầy đều nhắn lại ngay lập tức. Rồi thành thói quen cứ tan làm là cậu vội về nhà thật nhanh để nhắn cho thầy. Sau đó, cậu kiếm một công việc đỡ phải đi làm đêm, thầy dạy kèm và vào được đại học.
Tôi đã gặp rất nhiều câu chuyện cùng mô típ như thế. Hóa ra, giáo viên tâm huyết với nghề, thương yêu học sinh, thì dù không bàn nhau, không có chung giáo án, kịch bản nào cho tình huống như thế, họ vẫn tình cờ làm những việc giống nhau.
- Chị kể nhiều câu chuyện về thầy cô, tình thầy trò ấm áp. Với riêng chị, ký ức về người thầy là gì?
- Trong Chuyện thầy trò có một bài khá đặc biệt, tôi viết đầu tiên nhưng được đưa vào sách cuối cùng. Mở đầu chương III - Người thầy đầu tiên, tôi viết về bố. Bố tôi là thầy giáo, một hiệu trưởng trường làng, sau đó ông lên làm ở phòng giáo dục rồi nghỉ hưu. Trước khi bố mất, mọi người hỏi ông có dặn dò điều gì không, ông chỉ dặn một điều duy nhất là trên bia mộ để tên là “Thầy giáo Chu Văn Bình” (tên bố của tác giả - PV). Tôi nghĩ phải yêu và tự hào với nghề thầy như thế nào thì đến khi gần đất xa trời ông mới muốn tên của mình mãi gắn với chữ thầy giáo thiêng liêng.
Bố mẹ tôi có bảy người con, hồi đó, hai anh lớn đã đi làm, còn năm anh em ở nhà với bố mẹ. Bố lập một “lớp học” ở nhà. Ông không bao giờ ngồi kèm chúng tôi học các môn cụ thể mà chỉ rèn để chúng tôi có thói quen ngồi vào bàn tự học. Điều tôi nhớ nhất ở ông là những bài học về lao động. Ông luôn nói “lao động là vinh quang”, và tôi cảm nhận được điều ông nói qua những công việc ông hướng dẫn với sự thích thú, vui vẻ và tuyệt nhiên không có áp đặt, căng thẳng. Ông chính là một thầy giáo lớn trong cuộc đời các con.
Lan tỏa những điều tốt đẹp
- Gần hai chục năm làm nghề, thực hiện các bài viết về giáo dục gợi cho chị suy nghĩ như thế nào về nghề thầy?
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam có hai nghề được gọi là "thầy": thầy thuốc và thầy giáo. Một nghề cứu người, một nghề bồi đắp, chăm sóc cho tâm hồn, trí tuệ con người. Cả hai nghề đều rất nhọc nhằn, rất khó khăn.
Tôi từng phỏng vấn nhiều giáo viên đã ngấp nghé bỏ nghề, không bởi lương thấp mà vì họ thấy ngày nào cũng đến trường làm những việc tẻ nhạt, vô nghĩa. Trong sách, tôi phỏng vấn cô Trần Khánh Ngọc, người tạo ra chương trình dạy học tích cực. Khá nhiều thầy, cô khi dự lớp học về “sứ mệnh người thầy” do cô Khánh Ngọc đứng lớp đã vỡ òa nhận ra niềm vui của nghề thầy mà họ từng để mai một hoặc chưa biết đến. Và khi quay lại với tâm thế mới, thay đổi chính mình, thay đổi cách dạy, thay đổi cách nhìn nhận về học trò, họ cũng thấy học trò mình thay đổi. Nhiều người kể với tôi, đó là điều kỳ diệu.
Người thực sự giỏi, có năng lực, nhiệt huyết sẽ thấy nghề thầy rất hạnh phúc; ngược lại nếu chỉ làm cho xong trách nhiệm thì sẽ thấy vô cùng áp lực.
- Những năm qua, người ta nói quá nhiều về những mảng tối của giáo dục, về nghề giáo và cả những tiêu cực từ chính người thầy… Chị nhìn nhận ra sao về điều này?
- Đúng là giáo dục ở nhiều góc cạnh đang bộc lộ bất cập. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn có những người thầy tốt. Tôi viết Chuyện thầy trò chỉ mong chuyện tử tế, chân dung người thầy tốt được lan tỏa. Bên cạnh những điều xấu xí mà người ta nói đến gần đây vẫn còn nhiều cái đẹp đẽ như dòng chảy ngầm lặng lẽ quanh mình.
- Xin cảm ơn chị!