Gia tăng các trường hợp trẻ xuất huyết tiêu hoá do viêm loét dạ dày

Thời gian gần đây, khoa Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp trẻ xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày tá tràng.

Nhiều trường hợp trẻ xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày tá tràng

Điển hình, trường hợp bệnh nhi (nam,14 tuổi) có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị khoảng vài tháng nay, đau chủ yếu khi đói, kèm theo ợ hơi, ợ chua.

Trước vào viện 5 ngày, trẻ đi ngoài phân đen toàn bãi, ngày 1-2 lần, kèm theo triệu chứng chóng mặt tăng dần. Khi nhập viện, người bệnh có triệu chứng thiếu máu rõ, da xanh, niêm mạc nhợt, Hb: 69 g/l, Hct: 21%.

Tại đây, bệnh nhi được chỉ định truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày tá tràng phát hiện ổ loét hành tá tràng kích thước 5mm, bờ phù nề, đáy có giả mạc trắng. Sau 7 ngày đều trị, trẻ được xuất viện và dùng thuốc theo đơn ngoại trú.

Gia tăng các trường hợp trẻ xuất huyết tiêu hoá do viêm loét dạ dày -0
Hình ảnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ (Ảnh:BVCC)

Trường hợp tiếp theo, bệnh nhi (nam, 12 tuổi) không có tiền sử bất thường, vào viện do nôn máu đỏ tươi khoảng 300 ml và chóng mặt nhiều. Trẻ có triệu chứng thiếu máu rõ: da xanh, niêm mạc nhợt, Hb: 74 g/l, Hct: 22%.

Người bệnh được truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày cấp cứu cho kết quả ổ loét mặt trước hành tá tràng kích thước 5mm, có điểm mạch, tiến hành tiêm Adrenalin quanh rìa ổ loét và đốt điểm mạch bằng Laser argon. Sau 8 ngày điều trị, trẻ ổn định, không có biểu hiện tái xuất huyết và được xuất viện.

Thêm trường hợp, bệnh nhi (nữ, 9 tuổi) không có tiền sử bất thường, vào viện do nôn ra dịch nâu và chóng mặt. Kết quả xét nghiệm Hb: 69 g/l, Hct: 22%.

Bệnh nhi được truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày cấp cứu thấy hành tá tràng có ổ loét kích thước khoảng 1 cm, bờ phù nề, đáy có cục máu đông, bác sĩ nội soi tiến hành phá cục máu đông, cầm máu thành công bằng đốt điểm mạch với Laser Argon và tiêm Adrenalin xung quanh ổ loét. Sau 8 ngày điều trị, trẻ được ra viện và dùng thuốc theo đơn ngoại trú.

Cần làm gì khi trẻ bị viêm loét dạ dày?

ThS.BS Phạm Văn Dương, khoa Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trẻ em ít gặp bệnh lý dạ dày - tá tràng hơn người lớn, do dạ dày trẻ chưa trải qua nhiều thử thách, tuy nhiễn vẫn có thể gặp viêm dạ dày cấp, mạn tính, viêm tá tràng cấp tính như ở người lớn.

Bên cạnh đó, viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ được phân thành hai nhóm như:

- Tiên phát: chủ yếu là mạn tính và tổn thương khu khú ở tá tràng mà đa số nhiễm Helicobacter pylori (vi khuẩn HP).

- Thứ phát: chủ yếu là cấp tính, thường khu trú ở dạ dày, đa số do stress cấp tính và sử dụng một số loại thuốc như Corticoid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)…

Gia tăng các trường hợp trẻ xuất huyết tiêu hoá do viêm loét dạ dày -0
Viêm loét dạ dày tá tràng không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa)

ThS.BS Phạm Văn Dương chia sẻ, nếu viêm loét dạ dày tá tràng không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện đại tiện phân đen/máu hoặc nôn máu.

Các tổn thương dạ dày - tá tràng chẩn đoán được bằng nội soi tiêu hóa, đồng thời bác sĩ có thể lấy bệnh phẩm để chẩn đoán nguyên nhân hoặc thực hiện thủ thuật can thiệp cầm máu hiệu quả.

Đây là bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bên cạnh điều trị một số nguyên nhân có thể phát hiện được, chủ yếu là tiêu diệt H. pylori và các bệnh chính gây viêm loét.

Ngoài ra, chế độ sinh hoạt cũng góp phần không nhỏ vào thành công của phác đồ điều trị. Do đó, người bệnh cần:

- Không hút thuốc lá, không sử dụng rượu bia;

- Chú ý cho trẻ ăn đầy đủ 3 bữa chính, nên ăn đúng giờ. Chia nhỏ bữa trong ngày, không để quá đói hoặc ăn quá no. Khuyến khích trẻ ăn chậm, nhai kĩ;

- Hạn chế thức ăn chua, cay, nhiều dầu mỡ. Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh;

- Không cho trẻ xem ti vi, chơi điện tử trong khi ăn;

- Không gây áp lực cho trẻ về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, nên tạo tâm lý thoải mái qua đó giúp cho việc điều trị bệnh trở nên thuận lợi hơn.

Bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ lưu ý khi trẻ bị một số biểu hiện như đau bụng dai dẳng, chóng mặt, da xanh, nôn máu, đại tiện phân đen, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, chậm tăng cân… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Tin tức

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn vụ du khách nghi ngộ độc rượu ở Ninh Thuận
Sức khỏe

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn vụ du khách nghi ngộ độc rượu ở Ninh Thuận

Liên quan tới vụ việc 6 vị khách du lịch bị nghi ngộ độc khi đi du lịch tại Ninh Thuận, tối ngày 1.4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Ảnh: PV
Sức khỏe

Chính sách “cốt lõi” hướng tới mục tiêu giảm thiểu tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam

Giới chuyên gia nhìn nhận, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh.