Ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự

- Thứ Sáu, 24/11/2023, 22:55 - Chia sẻ

Ngày 24.11, tại trụ sở Bộ Công an đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Chủ trì Lễ ký kết có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Toàn cảnh lễ ký

Tham dự Lễ ký còn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Thứ trưởng Trần Tiến Dũng; cùng đại diện Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tham dự Lễ ký còn có đại diện lãnh đạo Cục Trợ giúp pháp lý và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Văn phòng Bộ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Tổng cục Thi hành án dân sự. Về phía Bộ Công an có đại diện lãnh đạo Cục pháp chế và cải cách hành chính, Văn phòng Bộ, Cục An ninh điều tra, Cục Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Tạo điều kiện cho người được TGPL tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý ngay giai đoạn đầu của quá trình tố tụng

Tại buổi lễ, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý: Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ trong việc thông báo, giải thích, hướng dẫn và bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa/bảo vệ cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh giới thiệu Chương trình phối hợp

Để triển khai cơ chế phối hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29.6.2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người được trợ giúp pháp lý, cũng là những đối tượng chính sách, yếu thế được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý … Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an xây dựng Chương trình phối hợp về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự nhằm tăng cường phối hợp trong việc tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý biết và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời ngay tại giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự theo quy định pháp luật, góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của họ và giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại hạn chế bỏ sót đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Nội dung cơ bản của dự thảo Chương trình gồm phạm vi thực hiện, hình thức trực, nhân lực thực hiện, cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nhiệm vụ của người trực, người hỗ trợ trực, trách nhiệm của các cơ quan và tổ chức thực hiện.

Góp phần bảo đảm khách quan trong quá trình điều tra

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc hai Bộ ký kết Chương trình cũng góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phụng vụ Nhân dân tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nâng cao chất lượng điều tra, chất lượng trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việc ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự đã thể hiện sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, thiết thực của hai Bộ trong việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được trợ giúp pháp lý trong việc tiếp cận thông tin trợ giúp pháp lý ở giai đoạn điều tra hình sự, hướng tới việc lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm việc ký kết.

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ

Sự tham gia sớm của trợ giúp viên pháp lý trong quá trình điều tra các vụ án hình sự giúp người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố yên tâm hơn, hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình, qua đó góp phần giúp các điều tra viên điều tra vụ án được khách quan, nhanh chóng và cũng góp phần nâng cao chất lượng điều tra viên cũng như các mặt công tác điều tra.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Đánh giá cao ý nghĩa của Chương trình phối hợp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị, các cơ quan chuyên môn thuộc mỗi Bộ sẽ tiếp tục phối hợp, giúp cho liên ngành sớm tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình phối hợp. Hai ngành cần tiếp tục tập huấn nâng cao trình độ cho trợ giúp viên pháp lý, cán bộ điều tra, cán bộ được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cán bộ cơ sở giam giữ, Công an cấp xã.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Lễ ký kết chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tiếp nối những thành công, kết quả mà hai Bộ đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời, đánh dấu bước phát triển mới, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ phối hợp công tác giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi lễ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, công tác trợ giúp pháp lý của Bộ, ngành Tư pháp đã và ngày càng nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Bộ, ngành Công an, từ việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác trợ giúp pháp lý từ Luật đến các văn bản hướng dẫn thi hành đến phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể. Hầu hết các cơ quan Cơ quan điều tra đều tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện các thủ tục tố tụng như đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý, nghiên cứu hồ sơ…; tạo điều kiện cho người dân sử dụng các công cụ, dịch vụ pháp lý, trong đó có dịch vụ trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tố tụng.

Việc ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện các nhiệm vụ được giao mà còn giúp người dân tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý để hiện thực hóa quyền được trợ giúp pháp lý của mình đã được pháp luật quy định; góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Để Chương trình phối hợp được triển khai chất lượng và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an trong hướng dẫn, chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện đầy đủ các công việc tại Chương trình phối hợp này. Ngay sau Lễ ký kết Chương trình, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Cục Trợ giúp pháp lý phối hợp chặt chẽ với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp và Bộ Công an nhằm tổ chức có hiệu quả các nội dung đã được ký kết.

Trước sự chứng kiến của hai Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.

Chương trình được thực hiện trong tất cả các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và toàn bộ hệ thống Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hệ thống cơ sở giam giữ thuộc Công an nhân dân, Công an xã, phường, thị trấn trong phạm vi toàn quốc.

Song Hà
#