Chìa khóa để tăng cường hợp tác với các quốc gia trong lĩnh vực tương trợ tư pháp

- Thứ Năm, 17/11/2022, 15:22 - Chia sẻ

Một đạo luật hiệu quả đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của Công ước La Hay và việc thực thi pháp luật mạnh mẽ là chìa khóa để tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp. Đây là nhận định đưa ra tại Diễn đàn pháp luật ASEAN năm 2022 với chủ đề Kinh nghiệm quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại trong khuôn khổ Hội nghị La-hay về Tư pháp quốc tế”, do Bộ Tư pháp tổ chức.

Chỉ có 5/10 nước là thành viên

Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) là một tổ chức quốc tế đa phương về tư pháp quốc tế, có mục tiêu hài hòa hóa các hệ thống pháp luật khác nhau, phát triển và cung cấp các văn kiện pháp lý quốc tế đáp ứng các nhu cầu của thế giới. Ngày 10.4.2013, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của HCCH.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay mới chỉ có 5/10 nước ASEAN là thành viên của HCCH, việc tham gia các Công ước của HCCH của các nước ASEAN vẫn còn hạn chế, mới chỉ tập trung vào một số Công ước như Công ước La Hay năm 1961 về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài; Công ước La Hay 1993 bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (Công ước nuôi con nuôi); Công ước La-hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế (Công ước bắt cóc trẻ em); Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt); Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ).

Diễn đàn pháp luật ASEAN 2022:  Đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và quốc tế -0
Thúc đẩy hợp tác tư pháp trong khối ASEAN

Đặc biệt, trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, Công ước tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ được coi là một cặp công cụ pháp lý đồng hành hỗ trợ cho việc hợp tác giải quyết các vụ việc dân sự xuyên biên giới. Mặc dù vậy, hiện nay mới chỉ có Philippines và Việt Nam là thành viên của Công ước tống đạt; Singapore và Việt Nam là thành viên của Công ước thu thập chứng cứ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho hay, trong bức tranh chung các nước ASEAN thì Việt Nam là quốc gia đã chủ động, tích cực nghiên cứu các cơ chế, khuôn khổ quốc tế khác nhau về tư pháp quốc tế như UNCITRAL, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, UNIDROIT, IDLO… và các Điều ước quốc tế khác về tư pháp quốc tế. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã tham gia Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế năm 2013, Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế năm 2012, Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại năm 2016, Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 2020. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã ký kết 18 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại song phương với các nước, trong đó Hiệp định mới nhất là với Thái Lan vừa ký kết ngày 16.11.2022.

Diễn đàn pháp luật ASEAN 2022:  Đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và quốc tế -0
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc

Cùng nhau hợp tác, giải quyết

Trước thực tế quan hệ giao lưu dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình trong cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển kéo theo việc gia tăng các tranh chấp tại cơ quan tài phán đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý quốc tế hỗ trợ cơ quan tài phán giải quyết. Thay vì việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương với từng nước hoặc xây dựng Hiệp định mẫu khu vực về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thì việc gia nhập các Công ước của HCCH sẽ tạo điều kiện cho một quốc gia được tham gia “sân chơi” chung của thế giới với tiêu chuẩn quốc tế, giải quyết hiệu quả các tranh chấp dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài.

Diễn đàn pháp luật ASEAN năm 2022 là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai Sáng kiến “Tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các quốc gia thành viên” trong ASEAN, có sự phối hợp của Ban thư ký ASEAN, Ban thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU Justice and Legal Empowerment (EU JULE) .

Thực tế tại Việt Nam, sau khi gia nhập Công ước tống đạt, số lượng yêu cầu tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước ngày càng tăng, kết quả đạt được tương đối cao (khoảng 75,1% đối với yêu cầu của nước ngoài đến Việt Nam, khoảng 77,99% đối với yêu cầu của Việt Nam đi nước ngoài). Tuy nhiên, trong phạm vi các quốc gia Đông Nam Á, việc trao đổi các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự hoặc thương mại của Việt Nam còn hạn chế do mức độ tham gia của các nước ASEAN vào HCCH không cao.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá, sự liên kết, hội nhập trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với bên ngoài không ngừng được tăng cường và mở rộng, đem lại sự gia tăng các vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài phát sinh đòi hỏi các quốc gia cùng hợp tác giải quyết. Trong khu vực Đông Nam Á, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác tư pháp quốc tế thông qua việc ký kết, thực hiện các Điều ước quốc tế song phương và gần đây là tham gia các tổ chức quốc tế và Điều ước quốc tế đa phương về tư pháp quốc tế, cũng như là những nỗ lực sửa đổi pháp luật trong nước về tư pháp quốc tế để đáp ứng yêu cầu phát triển của quốc gia mình.

Diễn đàn pháp luật ASEAN 2022:  Đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và quốc tế -0
Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi

Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi khẳng định, nhu cầu đổi mới và số hóa các dịch vụ tương trợ tư pháp thậm chí còn cấp bách hơn đối với các tranh chấp thương mại trong thời đại thương mại điện tử toàn cầu hóa ngày càng phát triển như hiện nay. Việc cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia cung cấp chứng cứ pháp lý phù hợp cho tòa án của quốc gia khác sẽ đảm bảo công lý kịp thời cho các bên tranh chấp trong các tranh chấp thương mại xuyên biên giới. Việt Nam và khu vực ASEAN cần tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kỷ nguyên số lấy người dân làm trung tâm và toàn diện.

Khi các thành viên ASEAN hội nhập sâu rộng hơn vào cộng đồng quốc tế, việc cải thiện hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự và thương mại sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân ASEAN. Một đạo luật hiệu quả đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của Công ước La Hay và việc thực thi pháp luật mạnh mẽ là chìa khóa để tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp. Đổi lại, điều này giúp bảo vệ quyền và lợi ích của công dân và doanh nghiệp ASEAN, bất kể họ ở đâu, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương nhất, bà Ramla Khalidi khẳng định. 

Nguyễn Minh
#