Tin tặc cũng... có lợi
Nhóm tin tặc theo đường lối chống chính phủ Anonymous đã vô tình giúp chiếc mặt nạ Guy Fawkes trở nên bán chạy nhất trên Amazon, đồng thời gián tiếp đẩy mạnh lợi nhuận cho hãng Time Warner, pháp nhân sở hữu thương hiệu chiếc mặt nạ.
Khi lấy việc chống các tập đoàn quốc tế lớn làm “sự nghiệp”, việc ngăn không cho họ tiếp tục có thêm lợi nhuận phải được xem như một lẽ tất yếu. Thế nhưng thật trớ trêu cho Anonymous, tổ chức tội phạm mạng khét tiếng từng đánh gục nhiều doanh nghiệp lớn như Master Card, Visa, PayPal… khi họ đã và đang chính thức làm điều ngược lại.
![]() Người biểu tình mang mặt nạ Guy Fawkes |
Và nguồn cơn của sự tréo ngoe trên đến từ chính biểu tượng của nhóm, chiếc mặt nạ Guy Fawkes, nhân vật chống đối xã hội và chính trị tiêu biểu của nước Anh thế kỷ XVII, nổi tiếng với tham vọng làm nổ tung tòa nhà Quốc hội Anh vào ngày 5.1.1605. Những người ủng hộ Anonymous thường đeo mặt nạ Guy Fawkes khi đi diễu hành, chiếc mặt nạ cũng được thành viên nhóm tin tặc sử dụng trong các đoạn băng tự quay để gửi đến các hãng truyền thông.
Vấn đề nằm ở chỗ, chiếc mặt nạ Guy Fawkes vốn được tạo ra để sử dụng trong bộ phim Kẻ báo thù (V for Vendetta), một sản phẩm của hãng Warner Bros, tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới. Như tờ Thời báo New York đã trình bày, mặt nạ Guy Fawkes đã trở thành chiếc mặt nạ bán chạy nhất trên trang mua bán Amazon.com, có nghĩa là hạ gục mọi mặt nạ Batman, Harry Potter và Darth Vader (nhân vật trong phim Chiến tranh giữa các vì sao). Và bởi vì Time Warner ăn lời trên mỗi chiếc mặt nạ được bán ra, nên hiểu theo một cách nào đó, Anonymous đã giúp tăng lợi nhuận cho tập đoàn Hoa Kỳ, vốn có tổng thu nhập lên đến khoảng 28 tỷ USD trong năm ngoái.
“Chúng tôi bán được hơn 100.000 chiếc mặt nạ như thế này (Guy Fawkes) mỗi năm, cũng là chiếc mặt nạ bán chạy nhất chúng tôi từng có. Để tiện so sánh, chúng tôi chỉ bán được khoảng 5.000 chiếc mặt nạ loại khác trong cùng thời gian” – Howard Beige cho biết, ông là phó giám đốc hãng đồ chơi Rubie’s Costumes, vốn sản xuất chiếc mặt nạ Guy Fawkes.
Anonymous bắt đầu sử dụng hình ảnh của chiếc mặt nạ vào năm 2008, khi nhóm tin tặc tấn công vào tổ chức tôn giáo Scientology. Hình ảnh một nhóm ủng hộ viên của Anonymous diễu hành trước tổng hành dinh của Scientology đằng sau chân dung Guy Fawkes đã xuất hiện trên nhiều bức ảnh và video, và kể từ đây Guy Fawkes chính thức trở thành gương mặt đại diện cho Anonymous.