Trong đơn khởi kiện đề ngày 8.7.2022, bà Hồ Thị Ngọc Ánh (ngụ phường Thuận Lộc, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng bà có mượn của bà Trần Thị Thanh Vân (SN 1972, ngụ cùng địa phương) số tiền 245 triệu đồng nhưng đã chuyển trả đến 582 triệu bằng tiền mặt và chuyển qua tài khoản.
Cụ thể, bà Ánh khai từ năm 2019 - 2020, bà mượn tiền của bà Vân nhiều lần với hình thức “bằng miệng”. Đến tháng 2.2020 tại một quán cà phê ở TP. Huế, 2 bên đã chốt số tiền còn nợ là 245 triệu đồng. Sau đó, bà không vay thêm của bà Vân.
Từ ngày 23.6.2020 đến ngày 4.4.2022, nguyên đơn đã 8 lần chuyển tiền cho bị đơn. Trong đó có 7 lần chuyển khoản vào tài khoản của con gái bà Vân và 1 lần trả tiền mặt trực tiếp tại quán cà phê.
Bà Ánh cho rằng đã chuyển dư số tiền phải trả nên yêu cầu bà Vân đưa sổ nợ để kiểm tra nhưng bà Vân không đồng ý rồi cắt liên lạc nên bà đã khởi kiện đòi bà Vân trả lại 337 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, bà Ánh rút lại một phần số tiền yêu cầu khởi kiện là 109 triệu đồng và chỉ yêu cầu Tòa án buộc bà Vân phải trả lại 228 triệu đồng.
Về chứng cứ trong vụ án là cuốn sổ tay do bà Vân nộp cho Tòa án, nguyên đơn cho rằng không phải là sổ mà 2 bên đã “chốt nợ” tại quán cà phê vào tháng 2.2020.
Trong khi đó, bà Vân cho rằng bà và bà Ánh ở gần nhà, có mối quan hệ thân thiết nên nhiều lần cho bà Ánh mượn tiền. Đến cuối năm 2018, bà Ánh còn nợ bà 245 triệu đồng. Sang năm 2019, bà Ánh mượn thêm 2 lần với tổng số tiền là 55 triệu đồng. Năm 2020, bà Ánh mượn thêm 3 lần với tổng số tiền 100 triệu đồng. Tất cả những lần bà Ánh mượn tiền bà Vân đều ghi vào sổ. Tổng cộng bà Ánh đã mượn của bà là 400 triệu đồng và hai bên chưa chốt sổ.
Bị đơn xác nhận, bà Ánh đã trả cho bà nhiều lần với tổng số tiền là 473 triệu đồng, gồm 455 triệuđồng chuyển vào tài khoản con gái của bà và 18 triệu đồng tiền mặt trả cho bà tại quán cà phê. Trong đó, 400 triệu là tiền nợ có ghi sổ và 73 triệu đồng còn lại là khoản nợ khác mà bà Ánh mượn của bà, không có trong vào sổ nợ.
Ngày 27.6.2023, TAND TP Huế đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và ban hành Bản án dân sự sơ thẩm số 39/2023/DS-ST tuyên buộc bà Vân phải trả lại cho bà Ánh 228 triệu đồng.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bà Vân kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng án tuyên không khách quan, HĐXX không xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ.
Ngày 12.10.2023, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên toà xét xử phúc thẩm và ban hành Bản án dân sự phúc thẩm số 39/2023/DS-PT, bác kháng cáo của bà Vân, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau đó, Bà Vân đã làm đơn khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm. Đơn của bà Vân đã được VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng và TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tiếp nhận.
Trong đơn, bà Vân cho rằng có nhiều vấn đề cấp sơ thẩm và phúc thẩm có dấu hiệu vi phạm tố tụng và nhiều vấn đề chưa làm rõ, cần được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cụ thể là việc vì sao theo thông báo thụ lý vụ án của của cấp sơ thẩm, số tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại là 337 triệu đồng nhưng sau đó rút lại còn 228 triệu đồng?
Trong những lần bà Ánh chuyển tiền cho bà Vân lần nào là trả nợ, lần nào là trả dư chưa được làm rõ. Nội dung những lần chuyển tiền của bà Ánh cho bà Vân thể hiện qua sao kê ngân hàng không trùng khớp với nội dung nhận định trong bản án.
Bà Vân cũng cho rằng 2 cấp toà chưa xem xét việc chồng của 2 đương sự có phải là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án không? Vấn đề về nhân chứng trong vụ án và vai trò của luât sư cũng chưa được đảm bảo….
“Tôi mong rằng TAND Cấp cao và Viện KSND Cấp cao sẽ xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm đối với 2 bản án, có cùng số hiệu “39/2023/DS…” của TAND TP Huế và TAND tỉnh Thừa Thiên Huế, để giải quyết lại theo đúng với bản chất, sự thật khách quan của vụ án. Mặc dù số tiền không lớn nhưng đó là danh dự của tôi”, bà Vân chia sẻ.
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin vụ việc tới cử tri và bạn đọc cả nước.