Tin pháp Luật
Hướng dẫn thực hiện cơ chế tạm quản hàng hóa theo Công ước Istanbul
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul. Theo đó, tạm quản hàng hóa là chế độ quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập vào quốc gia hoặc vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước ATA (1961), Công ước Istanbul.
Một số nội dung đáng lưu ý về cơ chế tạm quản hàng hóa theo Công ước Istanbul như sau: Thời hạn tạm nhập tái xuất hàng hóa tạm quản là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm nhập, tạm xuất và trong thời hạn sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế). Nếu hàng hóa không thể tái xuất trước khi hết thời hạn nêu trên, người khai hải quan thực hiện cấp sổ ATA thay thế để gia hạn thời hạn tạm xuất, tái nhập. Sổ tạm quản (sổ ATA) là chứng từ để thực hiện tạm quản hàng hóa, được chấp nhận thay thế tờ khai hải quan để làm thủ tục hải quan và bảo đảm thanh toán tiền thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản. Nghị định số 64/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30.7.2020.
T.Yến
Quy định mới về biên chế công chức
Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức được Chính phủ ban hành ngày 01.6.2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20.7.2020.
Theo đó, quy định về biên chế công chức căn cứ xác định biên chế công chức: Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao.
Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương, ngoài các căn cứ nêu trên còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thời hạn gửi kế hoạch biên chế công chức hàng năm: Chậm nhất là ngày 15.6 hàng năm, các bộ, ngành, địa phương gửi hồ sơ kế hoạch biên chế công chức về Bộ Nội vụ để thẩm định. Chậm nhất là ngày 20.7 hàng năm, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức của các bộ, ngành, địa phương. Trường hợp các bộ, ngành, địa phương không gửi kế hoạch biên chế công chức đúng thời hạn quy định Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định biên chế công chức của bộ, ngành, địa phương đó với tỷ lệ tinh giản biên chế cao hơn 1% so với tỷ lệ tinh giản biên chế theo lộ trình hàng năm.
N.Anh
Đắk Lắk: Phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép tại huyện Krông Bông
Ngày 17.6, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông.
Trước đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép tại các lô 10, 23, 24, 39 khoảnh 7 và các lô 4, 38 khoảnh 8, tiểu khu 1174, thuộc địa giới hành chính xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông. Khu vực này đã được UBND huyện Krông Bông giao cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ từ năm 2005, được hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Theo kết quả kiểm đếm sơ bộ, chủng loại gỗ bị khai thác trái phép là thông hai lá, giổi, bạch tùng và gỗ tạp. Tổng khối lượng gỗ tại hiện trường có 142 hộp, phách, quy tròn là 72m3. Liên quan đến vụ việc này, Công an huyện Krông Bông đã bắt giữ 3 đối tượng để phục vụ công tác điều tra gồm: Trần Minh Phúc (trú thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông); Y Tứ Niê và Y Phan Niê (cùng trú buôn Chàm B, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông). Sau vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng tiếp tục khám nghiệm hiện trường, đo đếm, xác định vị trí khai thác gỗ trái phép và rà soát toàn bộ khu vực lân cận xảy ra vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
NG.Anh
Điều kiện công nhận kho bãi ngoại quan
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan. Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện công nhận kho ngoại quan.
Cụ thể, có 5 điều kiện công nhận kho ngoại quan gồm: Khu vực đề nghị công nhận kho, bãi ngoại quan phải nằm trong khu vực quy định tại Khoản 1, Điều 62 Luật Hải quan hoặc khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics; kho, bãi ngoại quan được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan, trừ kho nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh. Về diện tích: Kho ngoại quan nằm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn, cảng hàng không quốc tế hoặc khu vực ga đường sắt liên vận quốc tế phải có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000m2; kho ngoại quan chuyên dùng có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000m2 hoặc thể tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000m3; kho ngoại quan nằm trong khu công nghiệp phải có diện tích khu đất tối thiểu 4.000m2, trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000m2; kho ngoại quan không thuộc trường hợp quy định nêu trên phải có diện tích khu đất tối thiểu 5.000m2, trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000m2;
Bãi ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 10.000m2, không yêu cầu diện tích kho; có phần mềm đáp ứng yêu cầu quản lý lưu trữ, kết xuất dữ liệu trực tuyến cho cơ quan hải quan về tên hàng, chủng loại, số lượng, tình trạng của hàng hóa, thời điểm hàng hóa đưa vào, đưa ra, lưu trữ trong kho ngoại quan chi tiết theo tờ khai hải quan để quản lý theo Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tự động; có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được mọi vị trí của kho ngoại quan, bãi ngoại quan vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ tối thiểu 6 tháng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 10.8.2020.
TH. Yến