Tín ngưỡng thờ hổ đất phương Nam
Suốt quá trình khẩn hoang, người dân tứ chiếng đồng bằng sông Cửu Long năm xưa không chỉ phải đối mặt với sơm lam chướng khí mà còn phải đối phó với nhiều thú dữ, trong đó có hổ (cọp). Những lưu dân tiên phong vì khiếp sợ hổ nên vừa phải tìm cách diệt hổ, vừa lập miếu thờ, thể hiện lối ứng xử hài hòa và tôn trọng thiên nhiên từ buổi đầu khai hoang, lập ấp. Nhiều câu chuyện nghĩa tình giữa người và hổ vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Người cứu hổ, hổ cứu người
Ca dao Nam Bộ xưa có câu: Cà Mau khỉ khọt trên bưng. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um. Tuy nhiên, nhiều tài liệu ghi nhận rằng, không chỉ ở Cà Mau, mà vào thế kỷ XVII - XVIII, ở cả Nam Bộ cọp nhiều vô kể. Chúng sống rải rác khắp nơi, trong các cánh rừng ngập mặn tại cửa sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi được khai hoang khá sớm, như Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Gò Quao, Kiên Giang…
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng, đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng, hổ - đặc biệt là hổ bạch, không phải con vật gây hại mà trái lại giúp bảo vệ mùa màng, giữ gìn cuộc sống bình an cho người.
Trong tài liệu ghi chép ở đình Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, kể lại câu chuyện, ngày xưa, ở vùng này có một con hổ tu lâu năm, tính linh như người. Ở vàm ngã tư có một phụ nữ tên Bé sống một mình. Chồng đăng lính triều Nguyễn đi trấn giữ vùng biên cương Cao Miên. Trước khi chia tay vợ, người lính đốt hương đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành Hoàng, thổ địa bảo trợ người vợ trẻ để ông yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước. Một con hổ nấp sau gốc đại thụ nghe được lời khấn.
Đêm nọ, hổ nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ đẻ đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Bà mụ đang ngủ mơ màng, mở mắt ra trông thấy con hổ, sợ quá ngất xỉu. Hổ tha bà mụ đến tận cửa nhà bà Bé. Khi tỉnh dậy, bà mụ quáng quàng chạy vào nhà bà Bé và phát hiện bà Bé cần cứu giúp. Bà mụ đã giúp bà Bé vượt cạn thành công. Sau đó, trước cửa nhà bà mụ xuất hiện một con lợn rừng, trên người đầy vết móng hổ. Bà mụ biết, hổ đã bắt lợn trả lễ. Cho đó là hổ thần bảo vệ dân làng, bà mụ và bà Bé cùng dựng một ngôi miếu để thờ Thần Hổ.
Còn trên quê hương bác Tôn ở An Giang lưu truyền câu chuyện người cứu hổ. Xưa kia có vợ chồng ông lão chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi, thấy trên sông có con vật nhỏ như mèo bám trên mảng lục bình. Ông bà thương nên tìm cách cứu đem về nuôi. Con hổ lớn lên trong tình thương của ông bà nên rất thuần tính. Thời gian sau, ông bà tuổi cao sức yếu nên qua đời, con hổ cũng bỏ đi. Tuy nhiên, hàng năm, tới ngày giỗ của ân nhân, hổ đều mang về một con lợn rừng hoặc nai rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng thấy con vật sống có nghĩa, có tình, không phải hổ dữ nên đặt tên nơi đây là cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ…
Nổi tiếng là vùng đất nhiều chướng khí, đất rừng mênh mông, Cà Mau khi chưa có người khai phá, người người truyền nhau câu cửa miệng “xuống sông hốt trứng cá sấu, lên bờ xỉa răng cọp”, hoặc nhắc nhau coi chừng “hùm tha, sấu bắt”. Một lần, có toán thợ vào rừng gác kèo ăn ong thì chợt nghe tiếng gầm dữ dội làm rung chuyển cả núi rừng, tiếp theo là tiếng người kêu cứu. Toán thợ vội vàng chạy đến thì chứng kiến người chết la liệt cùng dấu vết hổ vằn để lại. Đặt bẫy, diệt hổ không ăn thua, người dân nghĩ cách lập miếu thờ hổ. Mỗi khi khấn vái, họ mang đầu lợn ra cúng rồi để lại giữa rừng.

Có lẽ do được cung phụng thức ăn nên ông ba mươi bớt quấy phá. Người dân vì thế càng tin hổ rất linh thiêng. Từ đó mới nảy sinh lệ vẽ hình hổ treo làm bùa - gọi là “Hắc hổ trấn phù” - để cầu cho con nít dễ nuôi, khỏi sài đẹn hay bị ma quỷ bắt. Đôi khi người ta còn treo bùa “Ngũ hổ” với năm sắc của Ngũ hành xanh - đỏ - vàng - trắng - đen, đặng cầu cho gia đạo được bình yên.
Truyện dân gian Nam Bộ còn lưu truyền nhiều câu chuyện về tình nghĩa giữa người và hổ, như chuyện người giúp hổ trị bệnh mắc xương rồi được hổ trả ơn; hổ cứu người dân tránh chướng khí, yên ổn làm ăn, giữ làng, giữ xóm…
Lễ tế ông Hổ
Ở Nam Bộ ngày nay còn lưu truyền nhiều địa danh liên quan đến hổ, như: Đìa Cứt Cọp (Bến Tre), rạch Ông Hổ (Tiền Giang)...; nhiều nơi trong ngày lễ cúng đình, ngoài cúng tế tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ... người ta còn tổ chức nghi lễ riêng cúng tế Ông Hổ gọi là tế Sơn quân.
Trong bài viết Truyện kể về cọp ở Nam Bộ, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng lý giải: “Do sợ cọp mà họ lập miếu thờ Sơn quân chi thần, thờ Chúa xứ sơn lâm, thờ Thần Hổ và bầu cọp làm Hương Cả của thôn làng. Do vậy, mô típ Ông Cả Cọp là một mẫu đề dân gian được hình thành từ tâm thức tôn trọng lề luật giang hồ: Chúng tôi đến đây khai hoang lập nghiệp, nhưng chúng tôi biết rừng nào cọp ấy nên không dám xưng hùng xưng bá. Chúng tôi lập nghiệp ở đây, xin ông cứ làm cả, làm chủ và chúng tôi chỉ dám là bậc dưới của ông mà thôi".

Đến đình Bình Thủy, Cần Thơ, người dân luôn thành kính thắp hương cho Thần Hổ, bởi họ luôn giữ niềm tin rằng, từ thuở xa xưa, Thần Hổ bảo vệ dân làng, giữ gìn bờ cõi, không cho lợn, nai phá hoại mùa màng. Miếu sơn quân thờ thần Bạch Hổ trở thành di tích nổi tiếng của thành phố Cần Thơ. Có ý kiến còn cho rằng, vị Thành Hoàng làng được thờ ở đình Bình Thủy chính là Ông Cọp và đình Bình Thủy chính là được nâng cấp từ miếu cổ Long Tuyền thờ thần Hổ.
Đình Bình Thủy hiện nay có hai khu vực thờ hổ, một ở khuôn viên đình, một ở chánh tẩm, thờ bộ da. Đây là trường hợp đặc biệt ít thấy ở các ngôi đình Nam Bộ. Bộ da hổ thờ trong chánh tẩm được cúng bằng vật phẩm tam sên; còn miếu thờ hổ được cúng bằng một con lợn trắng và xôi bánh trong các dịp Kỳ Yên.
Vào đầu thế kỷ XIX, tại làng Hòa Tú, Sóc Trăng, người dân dựng chùa, lập miếu thờ Thành Hoàng ở giữa làng, hương khói quanh năm với niềm tin thần thánh sẽ phù hộ, độ trì cho dân làng được an cư lạc nghiệp. Việc cai quản và giữ gìn an ninh trật tự trong làng là trách nhiệm của Ban hội tề gồm mười hai vị hương chức, đứng đầu là chức Hương Cả. Tuy nhiên, người được bầu làm Hương Cả chỉ tại chức được vài ba tháng thì trong nhà xảy ra nhiều tai họa, hết vợ yếu con đau đến họ mạc mâu thuẫn, xích mích với nhau. Cuối cùng, Ban hội tề phải bàn nhau cử ông hổ ba chân vào chức Hương Cả rồi lập một ngôi miếu nhỏ sau miếu Thành Hoàng. Nhân lễ cầu an trong làng, Ban hội tề làm lễ khánh thành miếu Ông Hổ, đồng thời tổ chức lễ “tấn phong” Ông Hổ lên chức Hương Cả.
Trong nhiều năm liền, từ ngày Ông Hổ về nhậm chức Hương Cả, mưa thuận gió hòa, cuộc sống dân làng ngày càng khấm khá, khiến Ban hội tề và tất cả dân làng đều đặt niềm tin vào sự linh thiêng của ông Cả Hổ. Đó cũng là một giả thuyết nhằm lý giải việc người Nam Bộ sợ đụng chạm đến ông “Cả Hổ” nên không ai gọi con đầu lòng là anh Cả, mà thay vào đó gọi là anh Hai, chị Hai.
Còn trên quê hương bác Tôn, ngày nay, cù lao Ông Hổ đã trở thành địa danh nổi tiếng về sản vật miệt vườn và câu chuyện nghĩa tình giữa người và hổ. Du khách đến nơi này thường ghé thắp hương ở miếu Ông Hổ cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đạo bình yên.