Tín ngưỡng phồn thực trong Bịt mắt bắt dê

Trang Thanh Hiền 24/02/2015 09:18

Mỗi con giáp thuộc Địa Chi trong quan niệm dân gian đều đem đến ý nghĩa riêng làm tinh thần cho cả năm con vật đó đại diện. Con dê trong văn hóa Việt cũng vậy. Dê không đơn thuần là con vật được thuần dưỡng, mà hình tượng này còn hàm chứa ý nghĩa về tín ngưỡng phồn thực, đặc biệt ở bức tranh dân gian Đông Hồ Bịt mắt bắt dê.

Bịt mắt bắt dê là một trong những trò chơi dân gian khá phổ biến, dành cho cả trẻ con lẫn người lớn. Ở bức tranh Đông Hồ là quang cảnh lễ hội xuân tưng bừng, trong vòng tròn quây liếp tre, một đôi trai gái bị bịt mắt để tranh nhau bắt một con dê. Dường như trò chơi rất hào hứng. Đằng sau họ, người xem như xôn xao bàn tán với những nụ cười mỉm. Phía cánh trái là một đôi trai gái như đang chờ. Có vẻ như chàng trai đang muốn kéo bạn gái mình vào chơi xới tiếp theo, trong khi cô gái còn chút lưỡng lự e ấp. Có lẽ đây cũng là điểm mấu chốt của bức tranh.

Cũng như tác phẩm Hứng dừa, hay Bắt chạch trong chum, trong cái khuôn khổ “lá mít” ấy của tranh Đông Hồ như có gì đó hóm hỉnh mà người xem phải tự phát hiện ra. Cứ thử hình dung điều gì sẽ xảy ra khi có đôi trai gái cùng bắt một con dê? Và tại sao cô gái ở ngoài xới nét mặt thì thích thú nhưng đôi tay lại như ngại ngùng. Rồi ai sẽ bắt được con dê? Có khi nào đôi trai gái ấy không bắt dê mà lại bắt nhau? Nhìn vào trang phục của họ mà xem. Phải chăng biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực là ở đây? Chàng trai thì cởi trần, còn cô gái mặc mỗi chiếc yếm và chiếc váy đụp tung theo nhịp bước chân. Ba chiếc áo tơi làm bằng cỏ tranh được khoác chéo lên người của cả ba nhân vật và chiếc lục lạc như một ám hiệu đồng thanh lừa thính giác của đối phương. Sột soạt, rinh rinh góc này là dê hay người, sột soạt, rinh rinh góc kia là người hay dê. Trò chơi vừa thực mà cũng hết sức sinh động trong hình dung đầy chất phồn thực.

Trong quan niệm dân gian, Dê - chữ Hán là “Dương” cũng đồng thời là biểu tượng của yếu tố “dương” và sự mạnh mẽ tràn trề sinh lực sinh dục. Dê tượng trưng cho Dương khí khởi sinh, nên người ta thường nhắc đến câu Nhất dương sinh hay Tam dương khai Thái. Dê - dương cũng là ám hiệu của mùa xuân. Nhất dương sinh trong khí tiết là: ngày đông chí, khi lạnh đến cùng cực thì có một khí dương sinh ra, đánh dấu sự chuyển mùa, sang xuân. Còn Tam dương khai Thái tức ba hào dương mở đầu quẻ Thái trong Kinh dịch, đồng thời là tượng quẻ của tháng Giêng. Thái cũng có nghĩa là sự hanh thông cho cả một năm mới.

Ở bức tranh Bịt mắt bắt dê mặc dầu không hàm chứa nhiều ý nghĩa triết lý kể trên, nhưng rõ ràng trò chơi dân gian của lễ hội mùa xuân này vẫn như khơi gợi những điềm lành trong tín ngưỡng phồn thực. Con dê với đôi sừng cong nho nhỏ, vài sợi râu quay ngược đầu về phía chàng trai như thách thức. Chàng trai hay cô gái cùng bắt được dê hay cùng bắt được nhau thì đều hứng khởi, bởi hành động đó đem đến sự giao hòa âm - dương, vạn vật khởi sinh, khởi sắc. Nó là một phần không thể thiếu của các lễ hội xuân và hợp nhất với các thời khắc “tháo khoán” linh động trong văn hóa Việt. Cảm xúc trai - gái được phép hừng lên, giải thoát khỏi những ràng buộc khắt khe của Nho giáo, “nam nữ thụ thụ bất thân”.

Nếu ta đã từng gặp những biểu tượng phồn thực sống động trong văn hóa Việt như nam - nữ giao phối trên thạp đồng, hay các biểu tượng sinh thực khí trên trống đồng trong văn minh Đông Sơn, thì ở các lễ hội, thời khắc tháo khoán nối tiếp truyền thống đó. Giả vờ bịt mắt bắt dê/ Để cho cô cậu dễ bề... với nhau. Câu ca như giễu cợt, nhưng cũng có vẻ như cổ vũ. “Dê” vào thời điểm thiêng đó mà có kết quả còn được xem là đem lại điềm lành, điềm may cho một năm thịnh vượng. Đứa trẻ của những đêm tháo khoán thường được làng nuôi. Còn các hành động giao hoan dẫu là vô tình hay cố ý như ở Bịt mắt bắt dê là sự khởi đầu, gợi ý cho vạn vật, để có một năm phồn thịnh, no đủ, sinh sôi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tín ngưỡng phồn thực trong <i>Bịt mắt bắt dê </i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO