Tín hiệu lạc quan trong thu hút FDI

- Thứ Năm, 02/12/2021, 08:35 - Chia sẻ
GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, với những kết quả đã đạt được trong 11 tháng năm 2021, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc.

Doanh nghiệp FDI rất kỳ vọng và tin tưởng

- Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Theo ông, đây có phải là dấu hiệu tích cực hay không?

- Trong 0,1% tăng so với cùng kỳ năm 2020, đáng lưu ý là 11 tháng năm 2021 có 1.577 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm ngoái; 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Chỉ riêng tháng 11, Việt Nam thu hút được thêm gần 3 tỷ USD vốn FDI. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì kết quả này có ý nghĩa rất tích cực.

Những con số nêu trên cho thấy doanh nghiệp nước ngoài đặt kỳ vọng và tin tưởng rất lớn vào sự hồi phục của thị trường Việt Nam. Mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2021 tăng trưởng khá chậm, chỉ ở mức trung bình so với khu vực Đông Nam Á nhưng lũy kế 10 tháng năm 2021 kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng hơn 17,3%. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đạt 197,49 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, xuất khẩu là một trong những điểm sáng quan trọng của nền kinh tế và vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

 Đánh giá gần đây của một số tổ chức quốc tế cho rằng năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6 - 8%, đây là một mức tăng trưởng tương đối cao. Ổn định kinh tế, ổn định xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính của nhà nước trong năm 2022 mạnh mẽ hơn thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng dòng vốn FDI sẽ khởi sắc trong thời gian tới.

 - Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế trong năm nay dường như rõ rệt hơn so với năm ngoái nhưng nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ, nguyên nhân là gì thưa ông?

- Trước hết phải khẳng định rằng, Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư. Có thể thấy, thị trường chứng khoán năm nay đã tăng trưởng rất ngoạn mục, VN - Index đạt xấp xỉ 1.500 điểm, so với đầu năm vốn hóa trên thị trường tăng gấp hơn 2 lần. Thị trường hàng tiêu dùng trong nước và tư liệu sản xuất của nước ta cũng có quy mô khá lớn.

Đồng thời, Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm thông qua 6 trụ cột chính sách quan trọng bao gồm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh; triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; nâng cao chất lượng thể chế; phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine cải thiện đáng kể giúp người lao động yên tâm quay trở lại làm việc, các khu công nghiệp tái khởi động sản xuất. Những điều này là tiền đề để các nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn khi đến với Việt Nam.

Nguồn: ITN

Ngoài ra, công tác ngoại giao rất tích cực của lãnh đạo nhà nước cũng tạo niềm tin để các doanh nghiệp lớn của các nước đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ sở, công nghiệp chế biến chế tạo đặc biệt là những công nghệ hiện đại mà Việt Nam đang cần phát triển.

 Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam mới ký kết và có hiệu lực trong năm 2021, 2022 như EVFTA, UKVFTA, CPTPP, RCEP… sẽ tạo điều kiện không chỉ cho thương mại, du lịch mà còn cả trong đầu tư quốc tế khi dịch bệnh ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát.

Cần đồng bộ trong thực thi chính sách

 - Theo ông, hiện còn những vấn đề nào đặt ra trong thu hút nguồn vốn FDI?

- Dòng vốn FDI vào Việt Nam chưa đa dạng hóa, chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư quen thuộc đến từ châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),… Thủ tục hành chính đôi khi còn nhiêu khê, gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quản lý chặt chẽ nên tình trạng hàng giả, hàng nhái rất nhiều, ảnh hưởng đến những thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam.

- Cần những biện pháp gì để hạn chế những vấn đề nêu trên, cải thiện thu hút FDI, thưa ông?

 - Để nguồn vốn FDI vào Việt Nam mạnh mẽ hơn, trước mắt cần tập trung giải quyết ba vấn đề lớn.

Thứ nhất, không để cho các giải pháp về phòng, chống dịch ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng đặc biệt là trong xuất khẩu. Tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tăng cường giao thương quốc tế.

Thứ hai, việc thực thi các chính sách phải đồng bộ, tránh hiện tượng “xôi đỗ”, mỗi địa phương mỗi đơn vị một cách làm khác nhau vì như vậy sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, cần cải cách và đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, bảo đảm thời gian đã quy định để không xảy ra tình trạng “nhũng nhiễu” với nhà đầu tư và doanh nghiệp.

 - Xin cảm ơn ông!

Minh Trang