Tín hiệu lạc quan!

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 10:48 - Chia sẻ
Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10. Đây là tin vui không chỉ với Phú Quốc, với ngành du lịch Việt Nam, mà còn là tín hiệu lạc quan về một “vùng xanh” bắt đầu trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Việc đồng ý thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10 là một quyết định rất thận trọng sau khi đã xem xét kỹ lưỡng đến cả 2 yếu tố: bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế. Bởi trước đó, kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch gửi tới các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao.

Phú Quốc chỉ mở cửa đón khách quốc tế theo kế hoạch này khi khách quốc tế có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh, hoặc bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong vòng 12 tháng trước nhập cảnh, được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Ngoài ra, các hành khách  này phải có thêm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (bằng tiếng Anh) với kết quả âm tính và đã đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành. Khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến hoặc chuyến bay thương mại.

Sân bay quốc tế Phú Quốc. Ảnh: Zing

Cho đến thời điểm này, danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có công dân được tới du lịch Phú Quốc sắp tới vẫn chưa được chốt. Việc lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, điểm tham quan, cơ sở dịch vụ đủ điều kiện tham gia thí điểm đón khách du lịch vẫn chưa được hoàn tất nhưng Quyết định cho phép Phú Quốc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10 cho thấy ngành du lịch đã có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian khá dài “ngủ im” trong đại dịch.

Dấu hiệu về sự “bình thường mới” trước đó cũng được đánh dấu bởi chuyến bay chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn tại cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Những hành khách trên chuyến bay này đều bảo đảm 2 điều kiện là tiêm đủ liều vaccine Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận. Ngay sau khi hạ cánh, thì các hành khách này sẽ phải thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày.

Việc mở lại các chuyến bay, sẵn sàng đón khách quốc tế ở những vùng an toàn về dịch sẽ tạo tiền đề cho việc mở rộng phạm vi hơn nữa tới những người có nhu cầu đi lại thực sự, tiến tới khôi phục dần các đường bay trong nước, nối lại giao thương khi dịch bệnh dần được kiểm soát.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, do đó, việc tạm thời “đóng cửa” được coi là biện pháp hiệu quả để dịch bệnh không lây lan. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có những phương án để thích ứng với tình hình mới khi dịch vẫn còn tiếp diễn. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Trong ngày 9.9, có 1.168.812 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm cho người dân đến nay là 25.926.688 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 21.459.102 liều, tiêm mũi 2 là 4.467.586 liều.

Một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta có thể “sống chung với dịch” đó là bảo đảm để người dân có được “hộ chiếu vaccine”. Tấm thẻ “thông hành xanh” này chính là một trong những giải pháp cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và phát triển kinh tế trong đại dịch Covid-19. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải đáp ứng nhu cầu về tiếp cận vaccine sớm nhất cho người dân trên toàn thế giới nói chung và cho người dân Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nguồn vaccine vẫn còn rất hạn chế. Điều này đặt ra nhiệm vụ rất lớn đối với Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.

Có một điều đáng mừng, dù thế giới rất khan hiếm vaccine, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục nhận được thêm vaccine nhiều hơn dự kiến, có thể trên 16 triệu liều qua các hình thức viện trợ, các đối tác nhượng lại vaccine và giao vaccine theo các hợp đồng đã ký kết. Con số này chắc chắn chưa dừng lại, khi mà chiến lược ngoại giao vaccine của chúng ta vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với việc tăng cường ngoại giao vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, mọi người dân sẽ được tiếp cận vaccine một cách sớm nhất.

Khi có được tấm thẻ “thông hành xanh” sẽ bảo đảm an toàn sức khỏe của mỗi người dân. Mong rằng, không chỉ là Phú Quốc, mà vùng "xanh" an toàn này sẽ được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Tín hiệu lạc quan này mở ra cơ hội về sự phục hồi, phát triển kinh tế của nước ta sau đại dịch.

Hà An