Tín dụng vi mô làm chuyện vĩ mô
Thời gian qua, việc có rất nhiều người đổi đời bằng các khoản vay nhỏ đã không còn là chuyện hiếm. Nhiều tấm gương là người nghèo, người dân tộc thiểu số và gia đình chính sách đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã minh chứng rằng những khoản vay nhỏ có thể làm nên những chuyện lớn.
Trụ cột tài chính của người nghèo
11 năm về trước, khi chưa tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình bà Phạm Thị Hải ở xóm Nam Thái, xã Nam Phong, Cao Phong, Hòa Bình thuộc diện nghèo nhất trong xã nghèo của huyện. 7 nhân khẩu chỉ trông vào vài đồng làm thuê cuốc mướn sống qua ngày. Năm 2005, với mức vay ban đầu 5 triệu đồng của NHCSXH, gia đình bà thuê 2.000m2, đầu tư vật tư, giống cây mía tím để trồng. Năm đầu tiên bán mía thu được trên 20 triệu đồng, bà Hải tiếp tục thuê thêm 1.000m2 đất đầu tư trồng mía. Sau 2 năm, bà Hải trả hết nợ ngân hàng và tích lũy được trên 40 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, cả gia đình lại mạnh dạn thuê thêm hơn 1ha đất để trồng mía kết hợp nuôi trâu, lợn bột. Tiếp tục vay thêm 45 triệu đồng từ các chương trình của NHCSXH, bà Hải đã đầu tư hết cho chăn nuôi và trồng mía, cam. Đến nay, gần 700 gốc cam canh đã chuẩn bị vào vụ thu hoạch đầu tiên. Và nếu giá cả ổn định sẽ có thu nhập gần 1 tỷ đồng. Bà Hải còn bật mí thêm “đầu năm 2016, tôi tiếp tục vay NHCSXH 47 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ SXKD tại vùng khó khăn để cải tạo, nâng cấp vườn cam canh và gần 1 nghìn cây cam lòng vàng đang trong thời gian kiến thiết cơ bản năm thứ 2”.
Khi được hỏi động lực nào đã khiến cả gia đình phấn đấu thoát nghèo và trở thành hộ giàu nhất nhì ở xã, huyện như hiện nay, bà Hải không ngần ngại: “Chúng tôi sợ nghèo đói. Chúng tôi may mắn được vay vốn ưu đãi và luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ những lúc khó khăn nhất!”.
“Trường hợp như bà Hải hiện không còn là chuyện hiếm nữa” - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tiếp lời. Hiện nay, những điển hình về sử dụng vốn vay của NHCSXH ngày càng nhiều thêm. Họ chính là những minh chứng sống động cho việc dùng tín dụng vi mô để làm chuyện vĩ mô.
![]() |
Mạng lưới sâu rộng và gần dân
Tại Tọa đàm về đánh giá ngành tài chính vi mô hướng tới tăng cường tài chính toàn diện, Trưởng nhóm tư vấn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Mariano Cordero cho biết, NHCSXH có thế mạnh là mức tiếp cận sâu rộng, hiện diện ở tất cả các xã, phường, thị trấn vùng nông thôn, miền núi với 7 triệu khách hàng vay vi mô, chiếm 71% thị phần khách hàng, dư nợ cho vay người nghèo và đối tượng chính sách tính đến hết năm 2015 đạt trên 7 tỷ USD, chiếm 77% thị phần về cho vay. Bên cạnh đó, NHCSXH đã duy trì mức độ hỗ trợ cao từ Chính phủ đối với các đối tượng thụ hưởng với sự hỗ trợ về trợ cấp đang giảm dần. Chính vì vậy, NHCSXH là tổ chức tín dụng đóng vai trò như là “cầu thủ trụ cột” trong lĩnh vực phổ cập tài chính cho người nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 28,9% (5,18 triệu hộ) đầu năm 2003 xuống còn 4,5% (dưới 1 triệu hộ) vào cuối năm 2015.
Cùng với đó, NHCSXH đã duy trì được mạng lưới an sinh xã hội rộng khắp với các chương trình tín dụng được thiết kế để khuyến khích người nghèo thoát nghèo và giúp họ có sự hiểu biết về tài chính rộng rãi hơn. Tăng cường tài chính toàn diện sâu rộng hơn với sự phụ thuộc ít hơn vào Chính phủ thông qua các liên kết đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, ông Mariano Cordero cũng nhận định, với tầm vóc phục vụ 7 triệu hộ dân, hiện diện ở mọi xã, cùng hệ thống Corebanking hiện đại, NHCSXH hoàn toàn có thể phát triển và triển khai thành công hệ thống thanh toán trong cộng đồng dân cư. Đơn cử, như việc NHCSXH đã thực hiện nhận tiền gửi tiết kiệm, thu lãi, chuyển khoản trả tiền vay từ tài khoản tiết kiệm; có thể hỗ trợ người dân về thanh toán tiền điện, điện thoại, chuyển tiền của những người lao động xa quê về cho gia đình. Ông Mariano Cordero cũng khuyến nghị các NHTM nên chú trọng cùng tham gia vào lĩnh vực tài chính vi mô trong phạm vi có thể để thể hiện trách nhiệm cao của doanh nghiệp đối với cộng đồng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng - NHNN Lê Trung Kiên cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm tại các nước, các NHTM có thể tham gia tích cực vào lĩnh vực tài chính vi mô một cách gián tiếp thông qua việc mua trái phiếu do NHCSXH phát hành hoặc tham gia 2% tiền gửi vào NHCSXH như quy định hiện hành hoặc xem xét việc chuyển một phần số tiền ủng hộ hoạt động từ thiện ủy thác qua NHCSXH để bổ sung vào nguồn vốn cho vay tại các vùng đặc biệt khó khăn.