Tín dụng nhỏ - ánh sáng mới cho nền kinh tế châu Phi

11/05/2007 00:00

Noi gương châu Á, Châu Phi cũng đang có những bước chuyển mình trong phát triển kinh tế khi áp dụng mô hình tín dụng nhỏ trong hỗ trợ dân nghèo làm kinh tế. Các nhà kinh tế cho rằng nếu có được sự ủng hộ mạnh mẽ của các chính phủ, hoạt động này sẽ giải thoát hàng triệu người châu Phi khỏi tình trạng nghèo đói.

      Các gói dịch vụ tín dụng vi mô không phải mới xuất hiện. Thực chất là dịch vụ cho vay quy mô nhỏ đã ra đời cách đây mấy chục năm nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Có thể kể đến châu Á như một ví dụ điển hình. Tại đây, gần 100 triệu người đã được vay những khoản tín dụng vi mô trong khuôn khổ Chương trình Tín dụng vi mô mở rộng. Mục tiêu của Chương trình là đưa các dịch vụ cho vay quy mô nhỏ đến với 175 triệu hộ gia đình nghèo nhất hành tinh vào cuối năm 2015. Đáng lưu ý là Nhà kinh tế học Mohammad Yunus người Bangladesh và Ngân hàng Grameen do ông thành lập đã đoạt được giải Nobel Hoà bình 2006 vì sáng kiến về quỹ tín dụng nhỏ.
      Tại châu Phi, tính đến cuối năm 2005, chỉ có khoảng 7 triệu người được vay tín dụng vi mô. Con số này quá khiêm tốn so với dân số châu lục å. Mặc dù các chính phủ châu Phi như Kenya đã được nhận hàng triệu USD viện trợ xoá đói nghèo nhưng chỉ một số rất ít tiểu thương được vay tín dụng. Lý do là họ không có gì để ký quỹ hay thế chấp tín dụng.
      Tuy nhiên, tình hình đang trở nên sáng sủa hơn trên lục địa Đen khi các nước châu Phi học tập kinh nghiệm châu Á, thay đổi chính sách đối với lĩnh vực tín dụng. Kenya đã ban hành một đạo luật mới vào cuối năm 2006, thừa nhận các thể chế tài chính vi mô trong ngành ngân hàng. Đạo luật thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế. Các nước Đông Phi như Tanzania và Uganda cũng ban hành những bộ luật tương tự, cho phép các hộ gia đình, tiểu thương hay doanh nghiệp nhỏ được vay tín dụng vi mô nếu họ thoả mãn một số yêu cầu nhất định. Chính phủ Morocco cũng tạo ra những tiền đề pháp lý thuận lợi và kết quả là tín dụng vi mô phát triển hết sức mạnh mẽ.  
      Mặc dầu vậy, con đường chuyển mình của châu Phi còn dài và rất khó khăn. Việc áp dụng các mẫu hình tín dụng vi mô của châu Á tại châu Phi không mấy thuận lợi. Trở ngại lớn nhất là mật độ dân số châu Phi rất thưa thớt khiến việc triển khai hoạt động của các nhân viên ngân hàng trở nên khó khăn. Làm phép so sánh đơn giản giữa một nhân viên ngân hàng làm việc với 400 khách hàng tập trung với một nhân viên khác cũng phải làm việc với 400 khách hàng nằm rải rác trong các vùng nông thôn. Đó cũng là lý do vì sao hầu hết các khoản tín dụng vi mô lại chỉ tập trung ở khu thành thị. Tuy nhiên, hiện nay, một vài ngân hàng đã xem xét khả năng sử dụng các thẻ điện thoại trả trước và mạng lưới di động đang phát triển như vũ bão ở châu Phi để chuyển tiền và nhận tiền trả lãi, nhờ đó các nhân viên tín dụng ít phải đi từ làng này sang xóm kia chỉ để thu những khoản tiền “tí hon”. Hơn thế, công nghệ còn giúp liên lạc và giám sát các khoản cho vay tốt hơn. Ông Jean Phillipe Prosper, chuyên gia quản lý khu vực Đông Á thuộc Tập đoàn Tài chính Quốc tế- một chi nhánh tư nhân của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Ngân hàng thường không muốn cho các doanh nghiệp nhỏ vay trước hết là vì họ không có đầy đủ thông tin. Kinh nghiệm cho thấy việc nắm rõ thông tin tài khoản tín dụng giúp ngân hàng rút ngắn thời gian cho vay và giảm 40% đến 80% của 25% khả năng vỡ nợ”. Và hiển nhiên số tiền tiết kiệm được từ việc giảm thiểu rủi ro đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của tương lai.
      Các nước phát triển cũng có những động thái tích cực giúp đỡ châu Phi phát triển loại hình dịch vụ ngân hàng vi mô. Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Đức Heidemarie Wieczorek-Zeul đã tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8 diễn ra tháng 6 tới, Đức sẽ yêu cầu các nước giàu thành lập một quỹ tín dụng nhỏ nhằm giúp đỡ những người nghèo nhất của châu lục. Châu Phi được Chương trình Tín dụng vi mô mở rộng đánh giá là nơi có tiềm năng phát triển khổng lồ và nhân loại sẽ được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của châu Phi. Chỉ trong vòng sáu năm mà các dịch vụ tài chính đã đạt một con số đáng nể, từ 10 ngàn lên hơn nửa triệu tài khoản. Nếu đà tăng trưởng này vẫn tiếp tục sẽ thay đổi rất nhanh, và nguồn quỹ hỗ trợ của G-8 sẽ là một phần động lực cho sự thay đổi đó. Châu Phi sẽ nhanh chóng bắt kịp các nước trung bình tại châu Á chỉ sau 5 đến 8 năm nữa mà thôi.

Thu Trang

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tín dụng nhỏ - ánh sáng mới cho nền kinh tế châu Phi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO