Quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng ngày càng hiệu quả
Chia sẻ tại tọa đàm “Tín dụng chính sách xã hội dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 9.11, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết, trong những năm qua, tại tỉnh Trà Vinh, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn xác định tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Toàn bộ hệ thống chính trị đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để thúc đẩy công tác cho vay, quản lý và sử dụng nguồn vốn ngày càng hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách Nhà nước chuyển sang NHCSXH. Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt trên 633 tỷ đồng. Qua thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, NHCSXH tỉnh đã kịp thời chuyển tải chính sách tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng. Hiện dư nợ tín dụng chính sách tại Trà Vinh đạt 4.677 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng so với năm 2014, với tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình trên 18%/năm. Có trên 129.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách đang được vay vốn, với tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chỉ 0,18%/tổng dư nợ.
Những con số này minh chứng cho sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền đối với vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Nhờ vậy, giai đoạn 2014 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại Trà Vinh giảm từ 10,66% xuống còn 1,8%, và từ 2021 đến cuối năm 2023, tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống còn 1,19%.
“Có thể thấy, chính sách tín dụng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng Trà Vinh trở thành tỉnh nông thôn mới. Đặc biệt, vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của hoạt động tín dụng chính sách xã hội”.
Nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng
Dưới góc nhìn thực tế tại địa phương, qua tiếp xúc cử tri, cũng như giám sát chính sách pháp luật, đặc biệt là việc giám sát chính sách pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số miền núi, vấn đề giám sát việc thực hiện chính sách phát triển phục hồi sau là covid-19, ông Thạch Phước Bình cho rằng tín dụng chính sách xã hội là cầu nối thiết thực, hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và đánh giá rất cao với phương châm NHCSXH. NHCSXHCS đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và đặc biệt là cử tri đánh giá cao nội dung ở nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách thì nơi đó có NHCS và kết quả này cũng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là quần chúng nhân dân đánh giá rất cao.
Từ đó, cử tri mong muốn bên cạnh những kết quả đạt được, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho NHCHXH thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa chính sách ưu đãi tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Quan tâm, ưu tiên tập trung của trí nguồn vốn để phát huy vai trò NHCSXH là ngân hàng chủ lực trong triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng và các chính sách khác.
Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn các cấp ủy, đảng bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, quan tâm bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH cho vay hộ nghèo. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động NHCSXH.
Về sự cần thiết nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ ứng dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình, ông Thạch Phước Bình cho biết, đây là vấn đề cử tri rất quan tâm. Bởi vì hiện nay để đạt nông thôn mới thì hộ dân phải là hộ dân thoát nghèo, có mức sống trung bình. Khi có mức sống trung bình thì họ không còn thuộc đối tượng của NHCS nữa, như vậy họ sẽ bị chới với, ông Bình nói.
Hiện nay bình quân hàng năm có khoảng 300.000 người thoát nghèo nhưng số liệu cho thấy là khoảng 150.000 người rất khó khăn về tài chính, rất có nguy cơ rơi lại hộ nghèo. Đối tượng này rất cần sự hỗ trợ, có một “bà đỡ” để có động lực và nguồn tiếp tục duy trì, nếu không sẽ rất dễ tái nghèo. Hơn ai hết, NHCSXH hay hoạt động tín dụng sách xã hội là bệ đỡ thực sự cho đối tượng này.
Thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, chúng ta đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đối với phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách. Vì vậy, cần xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng. Theo đó, tăng cường sự phối hợp NHCSXH với chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng với quy mô lớn hơn, phát huy hiệu quả hơn nữa, ông Bình nhấn mạnh.