Đời sống

Tín dụng chính sách ở Đắk Nông: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Djuang Niê 22/05/2025 21:45

Với mạng lưới phủ khắp 100% thôn, bon, buôn, tổ dân phố và chính sách linh hoạt, nhân văn, tín dụng chính sách tại Đắk Nông đang thực sự trở thành điểm tựa cho hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng yếu thế. Không chỉ là kênh tài chính, đó còn là hành trình đồng hành cùng người dân trong giảm nghèo, tạo sinh kế, tái hòa nhập cộng đồng và xây dựng nông thôn mới.

img_9792.jpeg
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút, Nguyễn Thị Quỳnh Giao kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của các hộ gia đình tại Bon U2, Thị trấn Ea T'ling

Đổi thay từ nguồn vốn

Những năm gần đây, ở bon U2, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng yếu thế đã từng bước ổn định cuộc sống nhờ tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách.

Chị H In Bkrông, một hộ cận nghèo chia sẻ câu chuyện thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Tháng 3.2025, gia đình chị được vay 90 triệu đồng từ NHCSXH để cải tạo lại 5 sào cà phê và khoan giếng tưới tiêu. “Trước đây cà phê già cỗi, năng suất thấp mà tôi không có điều kiện cải tạo. Nhờ có nguồn vốn kịp thời, tôi trồng lại cà phê mới, giờ đã ổn định sản xuất và cuộc sống”, chị H In nói.

Không chỉ hỗ trợ sinh kế, tín dụng chính sách còn mở ra cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cho những người từng lầm lỡ. Anh Nguyễn Công Bằng cũng ở bon U2, sau khi mãn hạn tù tháng 4.2024, được vay 80 triệu đồng để cải tạo lại vườn cà phê và cây ăn trái trên diện tích gần 1ha. “Tôi rất cảm động khi được ngân hàng và chính quyền quan tâm, động viên. Tôi sẽ cố gắng làm kinh tế, chăm lo cho vợ con, để có cuộc sống tốt hơn”, anh Bằng xúc động.

img_9790.jpeg
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được vay vốn ưu đãi NHCSXH để phát triển kinh tế sản xuất

Theo Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút, Nguyễn Thị Quỳnh Giao, tổng dư nợ đến tháng 4.2025 đạt 634 tỷ đồng. Các chương trình cho vay tập trung vào hộ cận nghèo, nước sạch - vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. “Chúng tôi phối hợp chặt với địa phương và tổ chức đoàn thể để rà soát đối tượng, hướng dẫn thủ tục, bảo đảm vốn đến đúng người, đúng mục đích. Tỷ lệ nợ xấu toàn huyện chỉ khoảng 0,6%”.

Cư Jút cũng là đơn vị đi đầu trong triển khai chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Đến nay, gần 10 trường hợp đã tiếp cận được vốn vay tối đa 100 triệu đồng. Công an huyện phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn tại địa bàn, giúp những trường hợp từng vi phạm pháp luật xóa bỏ mặc cảm, mạnh dạn tái hòa nhập cộng đồng.

Cơ chế chính sách đồng bộ, lan tỏa giá trị nhân văn

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, Vũ Anh Đức cho biết: “Tín dụng chính sách đã trở thành kênh hỗ trợ hiệu quả trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến cuối tháng 4.2025, tổng dư nợ toàn tỉnh đạt hơn 4.887 tỷ đồng, với gần 70.500 hộ còn dư nợ, chiếm trên 40% tổng số hộ dân trong tỉnh”.

img_9794.jpeg
Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn luôn quan tâm, động viên hộ vay

Riêng 4 tháng đầu năm 2025, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân 814 tỷ đồng, giúp hơn 11.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Trong đó, gần 3.350 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được vay tổng cộng hơn 280 tỷ đồng; 1.329 lao động có việc làm mới; xây dựng trên 7.500 công trình nước sạch - vệ sinh môi trường và 17 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Đặc biệt, đã có 50 người chấp hành xong án tù được vay vốn để làm lại cuộc sống.

Một điểm sáng khác là sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương. Tính đến nay, nguồn vốn này đạt 433 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với trước năm 2015. Số vốn trên đang được triển khai cho vay ở 10 chương trình tín dụng thiết yếu như: hỗ trợ việc làm (36 tỷ đồng), phát triển sản xuất vùng khó khăn (376 tỷ đồng), và tái hòa nhập cộng đồng (hơn 3 tỷ đồng).

img_9795.jpeg
Nhờ có nguồn vốn NHCSXH, tình trạng vay "tín dụng đen" giảm mạnh ở các thôn, bon, buôn

Hiệu quả tín dụng còn được củng cố bởi mạng lưới hơn 1.600 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoạt động tại tất cả 713 thôn, bon, buôn, tổ dân phố trong tỉnh. Hơn 97% số tổ được đánh giá hoạt động tốt. Các tổ TK&VV không chỉ thực hiện bình xét vay vốn, thu lãi, thu nợ đúng hạn, mà còn là kênh giám sát cộng đồng hiệu quả, giúp người dân nâng cao ý thức tiết kiệm và trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích.

Mô hình “làm hồ sơ tại nhà, giải ngân - thu nợ tại xã” với 71 điểm giao dịch xã duy trì hoạt động định kỳ mỗi tháng đã trở thành nét đặc trưng tiêu biểu của NHCSXH. Nhờ đó, người dân vùng sâu, vùng xa không phải đi xa, tiết kiệm thời gian, tiếp cận vốn minh bạch và công bằng. Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: “Đây là mô hình nhân văn, phù hợp với điều kiện của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp ngân hàng gần dân, hiểu dân, phục vụ dân tốt hơn”.

Trong thời gian tới, NHCSXH Đắk Nông đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, mở rộng mạng lưới giao dịch và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, hội đoàn thể để bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội phát triển “không ai bị bỏ lại phía sau”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tín dụng chính sách ở Đắk Nông: Không để ai bị bỏ lại phía sau
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO