Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Hà Nội

Tìm về đỉnh Ngọc Hoa

- Chủ Nhật, 15/11/2020, 06:15 - Chia sẻ
Đến cuối năm 1944, tại cote 1000 trên núi Ba Vì mới chỉ có vài công trình của cá nhân được khởi công và hoàn thiện. Trong số này có công trình nhà ở của họa sĩ, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng Trịnh Hữu Ngọc.

Như mối lương duyên

“Sang năm 1948, tình hình chiến sự khiến bố tôi phải đưa vợ con trở lại Hà Nội. Vì thế ‘cuộc sống Suối Hoa’ trên đỉnh núi chìm dần vào ký ức thời gian cho đến ngày như một mối duyên tôi cùng cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì tìm lại được bức tường đổ nát rêu phong của căn nhà mình từng ở tuổi ấu thơ sau rất nhiều lần đi tìm dấu vết xưa” - họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ kể lại.

Đã đến lúc cần phải đánh thức một thị trấn ngủ quên trên Ba Vì

“Lần đó, sau 3 tiếng đồng hồ len lỏi trong rừng, chúng tôi gặp một con rắn xanh tuyệt đẹp trên thân cây như đang chăm chú nhìn, đi theo hướng có con rắn, khi từ lòng một con suối cạn bước lên quãng rừng thưa, chúng tôi thấy trong sương mù một góc tường đá rễ cây bao bọc sừng sững ngay trước mắt. Linh tính cho tôi biết mình đã tìm được ‘Nhà Ba Vì’ xưa kia. Mười giờ sáng, sương mù bỗng tan đi, nắng chiếu lấp lánh khiến toàn bộ ngôi nhà hiện ra, như thức dậy cùng cây lá. Trưởng trạm Kiểm lâm Đỗ Hữu Thế bảo: Bây giờ cháu mới biết có phế tích này, cháu sẽ vào sổ ghi chép ngay…”, họa sĩ Trịnh Lữ xúc động.

Theo lời kể của ông Đỗ Khắc Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì từ năm 1999 - 2010, thời gian đầu ông không hề biết trên núi từng có nhiều biệt thự. Khi nhận bàn giao, ông chỉ biết ở độ cao 400m có một số công trình xây dựng từ thời Pháp nhưng ở dạng phế tích. Cho đến một ngày, nhân viên kiểm lâm đi tuần về báo cáo ở độ cao 600m, 700m, 800m và 1.000m có nhiều ngôi nhà xây đổ nát, chỉ còn lại móng hoặc vài bức tường gạch, đá bị phủ kín bởi dây leo, cỏ, cành khô, lá mục.

Những thông tin này khiến ông tò mò muốn khám phá và ông quyết định tổ chức khảo sát. Thật bất ngờ, cách các con đường mòn lổn nhổn đất đá không xa ở độ cao 600m có hơn 100 nền móng các công trình lớn nhỏ, ở độ cao 1.000m có duy nhất một biệt thự hoang nát. Tìm tài liệu, hỏi người dân, ông mới biết trong thập niên 1940, nơi đây như một thị trấn, là trạm nghỉ mát dành cho sĩ quan trong quân đội Pháp.

Những phế tích gây bất ngờ với ông Thành nhưng lại không hề bất ngờ với gia đình họa sĩ Trịnh Lữ. Ông Trịnh Lữ kể, khi tìm kiếm tài liệu để làm một cuốn sách về cha mình - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, ông tìm thấy những tài liệu, bản đồ có ghi vị trí ngôi nhà xưa của gia đình trên núi Ba Vì. Và ông bắt đầu thực hiện tìm kiếm...

Năm 2009, họa sĩ Trịnh Lữ đã đến núi Ba Vì, mang theo bản đồ địa chính năm 1941 để tìm kiếm ngôi nhà năm xưa của gia đình. Nhiều thập kỷ qua, ngôi nhà của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là phế tích hiếm hoi tồn tại ở điểm cao 1.000m. Tại đây, các bức tường xây bằng đá vẫn trụ vững nhờ những cây to có rễ bám quanh tường làm điểm tựa.

Họa sĩ Trịnh Lữ tìm kiếm ngôi nhà năm xưa của gia đình trên đỉnh Ba Vì

Cuộc sống nơi Suối Hoa

Họa sĩ Trịnh Lữ cho biết, khi xưa, bố ông từng là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Khóa IX (1933 - 1938). Lúc 32 tuổi, với khát khao xây dựng một “cuộc sống Suối Hoa”, hòa hợp với thiên nhiên, cụ mua một lô đất ở độ cao 1.000m trên đỉnh Ngọc Hoa làm nhà rồi đưa vợ con lên sinh sống. Để nuôi sống gia đình, cụ Ngọc cũng lập xưởng nội thất đồ gỗ ở phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) tên là Mémo. Mémo là chữ viết tắt của chữ Mémoire với dụng ý: Ai đã dùng đồ gỗ từ xưởng của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc sẽ nhớ mãi không quên.

Ngày mới lên núi ở, gia đình họa sĩ dựng tạm căn nhà lá. Sau một thời gian, cụ cho xây dựng một ngôi biệt thự bằng gạch, đá, mái lợp ván gỗ thông phủ nhựa đường, tường dày 50cm; một số công trình phụ bằng gỗ; khu chuồng ngựa, khu nuôi gà và vườn cây. “Vào thời điểm năm 1944, thời cuộc không yên, việc xây nhà trên núi cao khó khăn mọi mặt, phải là người rất quyết tâm và yêu thiên nhiên Ba Vì, bố tôi mới có thể vượt qua để dựng nên căn nhà cho gia đình mình”, ông Trịnh Lữ cho biết.

Phế tích biệt thự Pháp trên núi Ba Vì
Ảnh: Melia

Tuy sống giữa rừng nhưng họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc tuyệt đối không dùng súng săn và không cho phép mọi người mang súng săn lên núi. Cuộc sống của gia đình trôi qua êm đềm trên đỉnh Ba Vì với vườn rau, trại gà tự cung tự cấp, nước lấy ngay ở con suối chảy qua trước nhà trong vắt. Hai người vợ của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã lần lượt sinh con ngay tại ngôi nhà trên núi này.

Do những biến động của lịch sử, năm 1948 gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc phải bỏ nhà xuống núi. Từ đó cho đến những năm cuối của thế kỷ XX, nhiều người trong gia đình muốn trở về ngôi nhà có sổ đỏ đàng hoàng song chẳng dễ. Quãng đường từ Hà Nội lên núi Ba Vì không xa nhưng vướng biết bao rào cản nên các con cụ chỉ còn sống với ký ức. Để rồi, phải đến năm 2009, con cháu cụ Ngọc mới có cơ hội đi tìm lại nơi cha, ông họ đã từng nuôi dưỡng giấc mơ trong cảm xúc khó tả.

Theo tài liệu, năm 1951 bộ đội ta có trận đánh đồn Pháp ở độ cao 600m, và sau trận đánh đó, các chủ biệt thự người Pháp đã dời núi xuống đồng bằng. Một thị trấn lúc cao điểm có tới 4.000 người trở nên hoang vắng từ đó. Sau 1954, các biệt thự xinh đẹp này trở thành tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Năm 1956, khi đi thực tế ở Ba Vì để sáng tác, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã tìm về ngôi nhà một thời, thấy nó còn nguyên, chỉ hư hỏng chút ít ở mái. Đó cũng là lần cuối cùng cụ về nhà. Suốt thập niên 1960, 1970, tất cả biệt thự ở núi Ba Vì bị bỏ hoang.

Ông Đỗ Khắc Thành không biết rõ hình hài các biệt thự đó ra sao nhưng bà con dân tộc Dao thì tỏ tường, vì họ ở trên núi, sống bằng nghề làm thuốc nên ngày nào cũng vào rừng hái lá, đào rễ cây. Năm 1991, rừng Ba Vì, trong đó có rừng trên núi, được quy hoạch trở thành Vườn Quốc gia thì bà con dân tộc Dao phải xuống chân núi định cư. Không chỉ người Dao, dân quanh chân núi cũng tường tận vì trước đó họ lên kiếm củi, săn thú, tìm kiếm lâm sản nên cũng biết rõ biệt thự nào còn nguyên, biệt thự nào hư hỏng.

Cũng theo ông Thành, đầu thập niên 1980 dân quanh vùng bắt đầu lên núi phá biệt thự lấy sắt, gạch men, ngay cả những viên đá lát đường họ cũng đào mang xuống núi. Sau vài năm, hơn 100 biệt thự, khách sạn ở các độ cao trên núi tan hoang, chỉ còn trơ trọi vài bức tường, móng nhà. Cho đến nay không thấy ai đề cập đến trách nhiệm cá nhân, cơ quan thời kỳ đó khi để khối tài sản ấy bị phá hoại.

Những phế tích chứa đựng câu chuyện của một thời, câu chuyện về thân phận con người nằm im cho đến khi Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD) đánh thức bằng dự án Le Mont Ba Vì (nay là Melia Ba Vì).

Hồng Hà