Tìm mọi cách để vươn lên

- Thứ Sáu, 20/08/2021, 09:33 - Chia sẻ
Trong các phiên thảo luận về chương trình giảm nghèo bền vững và làm việc với một số địa phương vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thường nhắc đến câu chuyện thành công của Sơn La. Từ một địa phương khó khăn trăm bề, chỉ có độc đạo quốc lộ 6 gần đây mới được nâng cấp, với diện tích ít ỏi đất bazan ở huyện Mộc Châu… nhưng đến nay, chỉ riêng cây ăn quả đã mang lại cho Sơn La kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD. Thành công của Sơn La, như Chủ tịch Quốc hội nhận xét, “họ đã tìm đủ mọi cách để vươn lên”. Đó cũng là tinh thần cần nhân rộng, thấm sâu vào mỗi cán bộ, người dân ở các địa phương nghèo trong giai đoạn tới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.
	Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 - Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025
Ảnh: Quang Khánh

Không có sinh kế thì không xóa được nghèo

Ứớc tính đến tháng 1.2022 cả nước sẽ có gần 4,5 triệu hộ nghèo, tương ứng với gần 17,5 triệu người nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025). Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 khiến cho hàng triệu người rơi vào hoàn cảnh khốn khó, càng khiến cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của nước ta trở nên thách thức hơn bao giờ hết. Thực tế này khiến nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vừa lo lắng nhưng đồng thời cũng gửi gắm nhiều mong mỏi về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua.

Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đang xây dựng, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình. Trong đó, nhiều ĐBQH lưu ý, Chính phủ cần quán triệt và thực hiện nghiêm yêu cầu của Quốc hội về việc rà soát kỹ lưỡng nội dung các dự án thành phần, các tiểu dự án nhằm bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng đã được Nghị quyết của Quốc hội thông qua. Bởi “nếu không xác định rõ ưu tiên thì trong chỉ đạo, điều hành sẽ dễ bị chệch hướng và khi đó, hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo sẽ thấp, mục tiêu giảm nghèo bền vững mà Quốc hội đặt ra sẽ không đạt được”, ĐBQH Trương Xuân Cừ (Hà Nội) nhấn mạnh.

Nhiều năm trực tiếp tham gia chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo tại các tỉnh Tây Bắc, ông Trương Xuân Cừ (nguyên Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc) lấy ví dụ, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nếu thực hiện ở các tỉnh miền núi như huyện Mường Nhé (Điện Biên) cách thành phố Điện Biên Phủ 200km, có diện tích 3.000km2, để làm được đường liên xã, liên bản thì 75.000 tỷ đồng (tổng kinh phí tối thiểu thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 - PV) cũng chưa làm được. Chưa kể, “với điều kiện mưa lũ ở các tỉnh miền núi thì đường hoàn thành xong chưa được bao lâu, một trận lũ quét là lại về 0 ngay”.

Trong khi đó, “lãnh đạo xã thích cơ sở hạ tầng lắm. Tôi ở Điện Biên 29 năm, tỉnh năm nào cũng phải bỏ ngân sách 500 triệu đồng để hỗ trợ các xã nghèo. Nhưng số tiền này chủ yếu được các xã sử dụng làm đường vì bao nhiêu thuận lợi, có nhà thầu đứng ra làm, thậm chí thêm cả những phần “nháy nháy”. Còn bây giờ bảo tập trung hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ kế sinh nhai cho người dân là bí lắm, bí từ động lực đến các điều kiện thiết yếu khác”. Nêu thực tế này, ông Trương Xuân Cừ đề nghị, trong 6 dự án mà Chính phủ dự kiến thực hiện Chương trình phải xác định rất rõ thứ tự ưu tiên, trong đó, đưa dự án về đa dạng hóa sinh kế, giáo dục, chuyển đổi canh tác… thành ưu tiên hàng đầu. “Chúng ta hay quan niệm cơ sở hạ tầng phải đi trước mới phát triển được. Nhưng nếu không xác định được mô hình kinh tế, kế sinh nhai cho các hộ nghèo hiện nay thì chắc chắn cũng không bao giờ xóa được nghèo”, ông Cừ nhấn mạnh.

Đặc biệt quan tâm khả năng hấp thụ chính sách

Cùng quan điểm phải ưu tiên hàng đầu các dự án hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, hộ nghèo, nhiều ĐBQH cũng lưu ý, ngay trong dự án ưu tiên cũng phải rất sát sao, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Ví dụ như xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) năm 2016 có đến 90% dân số là nghèo, đến cây cỏ gianh còn không mọc được thì sinh kế bằng gì? Với những địa bàn như vậy, các nhà khoa học, cấp huyện, cấp tỉnh phải tập trung xác định phát triển sinh kế theo hướng nào, nếu chỉ giao quyền chủ động cho cấp xã, cho người dân địa phương thì sẽ không bao giờ làm được.

Nhờ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp người dân có sinh kế ổn định. (Trong ảnh: Người dân ở bản Quỳnh Châu, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu thu hái chè)
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp người dân có sinh kế ổn định. (Trong ảnh: Người dân ở bản Quỳnh Châu, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu thu hái chè)
Nguồn: baodantoc.vn

Nhìn nhận ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến khả năng hấp thụ chính sách, hấp thụ nguồn lực đầu tư của người dân tại từng địa bàn, khắc phục triệt để tình trạng Nhà nước “có gì cho đấy”, bởi nếu không, quá trình tổ chức thực hiện sẽ lại quay về cách làm cũ và không đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững. “Phải khảo sát thế mạnh từng vùng để tập trung đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, tránh cái gì cũng đưa, cây gì cũng đưa, con gì cũng đưa, để có sản xuất hàng hóa nhưng sản xuất rồi lại không tiêu thụ được”, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) nêu ý kiến.

Nêu thực tế các hộ nghèo cũng là đối tượng “nghèo” về sự chủ động tìm kiếm cơ hội, tạo dựng sinh kế, thậm chí “nghèo” cả về giao tiếp, tiếp xúc… bà Nguyễn Thị Lan Anh mong muốn, trong dự án về sinh kế cần hết sức quan tâm đến cơ chế liên xã, liên vùng và hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp. “Phải có các hợp tác xã, các doanh nghiệp có nguồn lực và thông tin để kết nối, tiêu thụ sản phẩm của người dân thì mới bền vững. Nếu chúng ta đưa mô hình sinh kế cho người dân, đưa khoa học kỹ thuật vào, thậm chí cả chế biến sản phẩm nhưng không biết bán cho ai, không biết liên kết với ai thì cũng không thể phát huy hiệu quả”.

Những địa bàn nghèo, đối tượng nghèo thuộc phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2026 chính là “lõi nghèo”. Để đạt những thành tựu xóa đói giảm nghèo được cả thế giới ngưỡng mộ như thời gian qua đã vô vàn khó khăn, vất vả, nhưng để đạt mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn tới thì khó khăn, thách thức phải tập trung giải quyết còn gấp nhiều lần. Thực hiện nghiêm các yêu cầu đã được Quốc hội đặt ra khi phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị kỹ lưỡng báo cáo khả thi chương trình và phát huy mạnh mẽ tinh thần “tìm mọi cách để vươn lên” của cán bộ, chính quyền và nhân dân các địa bàn nghèo chính là cơ sở để bảo đảm thực hiện thành công Chương trình.

Mộc Miên