Tìm lời giải thỏa đáng
Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng xây dựng dự án Luật Dân số, dành nhiều thời gian cho việc tổng kết thực tiễn, khảo sát, nghiên cứu và tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học… Ghi nhận điều này, song tại Hội thảo do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức vừa qua, các đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu: Phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với các văn bản pháp luật hiện hành, cân nhắc kỹ mức độ thể hiện của từng nội dung mới trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương Sáu, Khóa XII vào dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.
Dự kiến ngân sách hỗ trợ là bao nhiêu?
Không nên quy định về tổ chức, bộ máy thực hiện công tác dân số trong dự thảo Luật Dân số vì sẽ tạo thêm bộ máy, đầu mối các cơ quan và dễ dẫn đến tăng thêm biên chế, trái với Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của QH về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ Tư. |
Đó là câu hỏi nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đặt ra tại hội thảo và cho rằng, phải trả lời được vấn đề này mới có thể bảo đảm tính khả thi của các chính sách được đưa vào dự thảo Luật. Ví dụ như chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Dự thảo Luật đang đưa ra khá nhiều quy định liên quan đến việc “giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho người dân tộc thiểu số rất ít người, người các dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật thực hiện chính sách dân số; đáp ứng nhu cầu dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và nâng cao chất lượng dân số”. Hay quy định Nhà nước “hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thực hiện chính sách dân số”. Kiểm đếm sơ sơ cũng đã có đến gần chục điều khoản quy định về các chính sách này nằm rải rác trong dự thảo Luật.
Chưa vội bàn đến việc các chính sách này có dàn trải, chồng chéo gì với nhau và chồng chéo gì với một hệ thống các chính sách an sinh xã hội đã được Nhà nước thực hiện đối với các nhóm đối tượng và địa bàn như phạm vi đề cập của dự thảo Luật hay không, thì điểm mấu chốt phải thực hiện chính là, dự kiến được nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các chính sách này. Cụ thể là, cơ quan soạn thảo phải trả lời được câu hỏi: Số người được hỗ trợ về vật chất theo quy định của dự luật sẽ là bao nhiêu? Mức hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ vật chất quy ra tiền là bao nhiêu? Tổng số tiền hỗ trợ dự kiến sẽ chi cho các đối tượng theo dự luật là bao nhiêu? Đồng thời, ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đối với chính sách và nguồn lực thực hiện các chính sách này như thế nào? Tránh tình trạng, khi trình sang cơ quan thẩm tra hoặc thậm chí trình ra UBTVQH rồi vẫn có ý kiến của các cơ quan này cho rằng không có nguồn lực thực hiện.
![]() |
Đây không chỉ là thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng hơn là, phải xuất phát từ nguồn lực thực tế để hoạch định chính sách, từ đó xác định giải pháp chính sách và lộ trình thực hiện cụ thể. Chúng ta mong muốn Nhà nước hỗ trợ càng nhiều càng tốt cho các nhóm đối tượng trong dự thảo Luật nhưng nếu hỗ trợ ào ào, cào bằng thì sự ưu việt của chính sách cũng chỉ tồn tại trong… luật mà thôi.
Tính kỹ mức độ thể hiện các quan điểm mới về dân số
Trên tinh thần của Nghị quyết Trung ương Sáu, Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, mục tiêu quan trọng nhất của dự án Luật Dân số chính là phải giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và phải đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế xã hội. Đây là những vấn đề mang tính chiến lược không chỉ đối với công tác dân số mà còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật thì cần tính kỹ mức độ thể hiện các quan điểm mới của Nghị quyết.
Ví dụ, quy định về việc điều chỉnh phân bố dân số, đặc biệt là các chính sách cụ thể để người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông, nước sạch… Việc dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, từ nơi thiếu việc làm đến nơi có nhiều cơ hội việc làm có những tác động tích cực nhưng trên thực tế cũng gây ra những khó khăn lớn cho cả nơi đi và nơi đến, trong đó, đáng lo ngại là những hệ lụy về mặt xã hội. Điều đáng nói là, hiện nay, chúng ta chưa có lời giải thỏa đáng cho vấn đề này. Một trong những lý do là bởi, người di cư hiện nay dường như vẫn chưa được tính đến trong công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả địa phương đi, đặc biệt là địa phương đến vì áp lực về hạ tầng xã hội, về điều kiện việc làm, khả năng cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản ở các địa phương đến là rõ nét nhất.
Để xử lý vấn đề này, dự thảo Luật quy định chính quyền nơi đến có trách nhiệm “… bảo đảm quyền, lợi ích của người đến cư trú được bình đẳng với người dân sở tại”. Đây là quan điểm tích cực nhưng liệu có khả thi chỉ bằng một quy định pháp lý hay một quyết định mang tính hành chính? Thực tế cho thấy là không. Vì một bộ phận không nhỏ người di cư hiện nay là “tự do”, “tự phát” chứ không phải là theo kế hoạch, theo sự tuyên truyền, vận động của chính quyền nơi đi và nơi đến. Do vậy, cùng với việc Nhà nước thực hiện các chính sách vĩ mô điều tiết vấn đề di cư, bảo đảm phân bố dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững như mục tiêu thì ở cấp độ địa phương, đặc biệt là những địa phương có đông người di cư thuộc diện tự phát, trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của mình cần phải quan tâm thỏa đáng đến nhóm đối tượng này. Có “dư địa” chính sách, bảo đảm sự hiện diện của người di cư trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không chỉ giúp bảo đảm quyền của người di cư mà còn góp phần phát huy được những lợi ích của di cư đóng góp vào sự phát triển của địa phương.