Thảo luận tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVII

Tìm lời giải cho những vấn đề bức xúc

- Thứ Sáu, 18/12/2020, 07:04 - Chia sẻ
Tăng cường thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, bố trí vốn cho các dự án dang dở; bố trí thêm một số chức danh cán bộ không chuyên trách như thú y, truyền thanh xã… là những vấn đề được các đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận tại kỳ họp.

Nghiên cứu khôi phục chức danh thú y cơ sở

Sôi nổi ngay từ những phút đầu của phiên thảo luận, việc bố trí thêm một số chức danh cán bộ không chuyên trách như thú y, truyền thanh xã được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo đại biểu Ngô Thị Thu Hiền, Nghị quyết số 117 năm 2013 về chức danh, mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản quy định số lượng 15 chức danh bán chuyên trách, trong đó có chức danh thú ý cơ sở, nhưng Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12.12.2019 của HĐND tỉnh quy định 13 chức danh, trong đó không có chức danh thú y cơ sở. Qua hoạt động thực tiễn cho thấy, việc không bố trí chức danh này gặp nhiều bất cập. “Thành phố Vinh là đô thị nhưng có 9 xã sản xuất nông nghiệp, phát triển nghề chăn nuôi. Công tác phòng dịch cho gia súc, gia cầm chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của Trạm Thú y thành phố… Do không có quy định chức danh thú y cơ sở nên ở các phường, xã trên địa bàn, chức danh này do kế toán, đô thị - địa chính kiêm nhiệm nên không phù hợp”, đại biểu dẫn chứng.

	Đại biểu phát biểu tại Hội trường Ảnh: Hải Phong
Đại biểu phát biểu tại Hội trường
Ảnh: Hải Phong

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo đại biểu Đinh Thị An Phong, Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh quy định một số chức danh bán chuyên trách, ngoài chức danh thú y cơ sở, có vị trí nữa rất quan trọng là cán bộ đài truyền thanh xã bị cắt giảm. Đây là kênh thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân… “Mong muốn của cử tri là tỉnh cần xem xét với đặc thù của tỉnh ban hành nghị quyết khôi phục 2 chức danh này”, đại biểu Phong đề xuất.

Về vấn đề các đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý cho biết: Quá trình xây dựng Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh, ban soạn thảo cũng đã xin ý kiến rộng rãi của các cấp, các ngành liên quan, trong đó, các huyện, thành, thị và Sở NN - PTNT đã góp ý bằng văn bản, thống nhất với Dự thảo nghị quyết không bố trí chức danh thú y, bảo vệ thực vật. HĐND tỉnh cũng đã bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thông qua… “Việc sửa đổi Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12.12.2019 của HĐND tỉnh để bố trí lại chức danh người hoạt động không chuyên trách lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật cần có thời gian xem xét kỹ lưỡng, trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước và thực tiễn ở địa phương. Chính phủ đã quy định số lượng, mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP, việc cắt giảm chức danh nào để bố trí chức danh thú y, bảo vệ thực vật hết sức khó khăn. Vì cắt chức danh nào, trong khi tổng mức khoán theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP là không thay đổi”, ông Lý nhấn mạnh.

Làm rõ băn khoăn của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định: Quá trình xây dựng Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh có căn cứ pháp lý chặt chẽ và dựa vào nguồn lực ngân sách của địa phương, trên tinh thần sắp xếp lại các chức danh bán chuyên trách ở cấp xã, xóm theo hướng tinh gọn, tinh giản biên chế, hạn chế chức danh không cần thiết theo hình thức kiêm nhiệm. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh ảnh hưởng lớn đến phát triển, đời sống của người dân và một bộ phận cán bộ, công chức.

Sau khi tiếp nhận ý kiến của cử tri, UBND tỉnh tổ chức phiên họp với các sở, ban, ngành liên quan và đưa ra các phương án. Sau khi phân tích các phương án, trên cơ sở căn cứ pháp lý, theo tính toán số tiền hỗ trợ cho đội ngũ này là khoảng 8 tỷ đồng/năm... “Từ những bất cập đặt ra đòi hỏi phải xem xét lại ban hành các giải pháp theo tinh thần làm nhanh nhất, khắc phục tồn tại để khôi phục chức danh thú y cơ sở. UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì nghiên cứu để ban hành chính sách đặc thù khôi phục chức danh thú y cơ sở thuộc thẩm quyền của tỉnh và bảo đảm việc bố trí ngân sách hỗ trợ cho chức danh này”, ông Hiếu khẳng định.

Bố trí nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm

 Bày tỏ đồng tình với chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Bành Hồng Hiển đề nghị UBND tỉnh khi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cần quan tâm thu hút các dự án sử dụng ít năng lượng nhằm thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, cần xem xét lại vấn đề kiến nghị dừng thực hiện dự án Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhiệt điện Quỳnh Lập 2) và đưa ra khỏi dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Còn theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Diễn Châu Đặng Thị Thanh, UBND tỉnh cần bố trí đầy đủ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 1A cho người dân trên địa bàn… Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Thưởng thì cho rằng, Quỳnh Lưu là địa phương có bờ biển dài, tiềm năng du lịch lớn, kiến nghị tỉnh quan tâm thu hút đầu tư các dự án du lịch vào vùng biển Quỳnh Lưu. Đồng thời, đề nghị đẩy nhanh tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện, vì người dân đang rất bức xúc.

Ở góc nhìn khác, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Thành An nêu vấn đề, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các công ty lữ hành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhưng hiện chưa có hỗ trợ cho các công ty này và các hướng dẫn viên du lịch. Đại biểu nêu câu hỏi, khi triển khai Quyết định 32 của Chính phủ, các doanh nghiệp lữ hành du lịch và nhóm đối tượng hướng dẫn viên du lịch có được hưởng hỗ trợ không?

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết: Bước sang năm 2021, tỉnh xác định sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Vì thế, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh thống nhất sẽ bố trí nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, từ đó dẫn đến một số địa bàn, lĩnh vực việc bố trí vốn sẽ hạn chế hơn.

Đánh giá kết quả thu hút đầu tư 5 năm qua của Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa có dự án trọng điểm, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án sản xuất quy mô vừa phải, ngành nghề phù hợp, thân thiện với môi trường, sử dụng đất ít, giải quyết được nhiều việc làm cho con em địa phương. “Trong giai đoạn tới, tỉnh xác định thay đổi cách tiếp cận đối với các nhà đầu tư với quan điểm đồng hành, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn; tháo gỡ nút thắt về cải cách hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Còn đối với những dự án không bảo đảm yếu tố về môi trường, có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân thì tỉnh kiến nghị không triển khai”, ông Trung nhấn mạnh.

Diệp Anh