Mới chỉ có hơn 50% cơ sở đại học hợp tác với doanh nghiệp
Trong thời gian qua mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là một nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng khóa XI (2012) khẳng định, các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học công nghệ.
PGS. TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết: “Hợp tác giữa quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến trên thế giới. Mối quan hệ hợp tác này được hiểu là sự tương tác, giao dịch giữa cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) với các doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho các bên.
Ở nước ta thời gian qua, vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa được các chủ thể nhìn nhận thấu đáo và triển khai thực hiện một cách phù hợp. Một trong những minh chứng rõ nhất và dễ dàng nhận thấy là sự mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu nhân lực chất lượng cao".
PGS. TS Lưu Bích Ngọc thông tin, theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính đến quý I năm 2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,1% và tỷ lệ dân số có trình độ đại học là 11,1%. Điều này cho thấy Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề cũng như công nhân kỹ thuật bậc cao.
Theo Báo cáo của Vụ GDĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả khảo sát vào tháng 6/2021 liên quan đến hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong số 135 cơ sở GDĐH có báo cáo gửi về (chiếm khoảng 50% số các cơ sở GDĐH hiện có) thì 40,7% cơ sở đào tạo có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp cả trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác (55/135 cơ sở đào tạo), 44,4% chỉ có hợp tác trong các lĩnh vực khác (66/135), 8,1% chỉ có hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin (11/135), và chỉ 6,7% không có hoạt động hợp tác nào với doanh nghiệp (9/135 cơ sở đào tạo) tập trung chủ yếu vào các cơ sở đào tạo các khối ngành đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật.
"Nguồn cung nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ còn cần phải đào tạo lại nếu muốn có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải liên kết, hợp tác với các cơ sở GDĐH trong tìm kiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao" - PGS. TS Lưu Bích Ngọc nhấn mạnh.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu và có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: "Các trường đại học cần có các chính sách thiết thực trong việc gắn các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thị trường với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm được thị trường đón nhận. Đổi mới và xây dựng các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo, thành lập doanh nghiệp, Viện nghiên cứu trong các trường đại học".
Một sinh viên chỉ xuất sắc trong học tập sẽ không đủ để đảm bảo một sự nghiệp thành công
PGS. TS. Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật (SPKT) Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Trong thời đại mà thị trường việc làm ngày càng trở nên cạnh tranh và năng động, các cơ sở giáo dục đại học đang tìm kiếm những cách sáng tạo để đảm bảo rằng sinh viên của mình được chuẩn bị tốt để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Xu hướng hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục ngày càng tăng, điều này đang chứng tỏ đây là một giải pháp mang đến lợi ích cho tất cả các bên: sinh viên, nhà trường và các doanh nghiệp.
Theo PGS. TS. Lê Hiếu Học, sự hợp tác mạnh mẽ này được khẳng định bởi thực tế cho thấy rằng: nếu một sinh viên chỉ xuất sắc trong học tập sẽ không đủ để đảm bảo một sự nghiệp thành công. Các nhà tuyển dụng đang ngày càng tìm kiếm những sinh viên tốt nghiệp không chỉ có nền tảng học vấn vững chắc mà còn có những kỹ năng và kinh nghiệm thực tế cần thiết để thích nghi nhanh chóng và tiến bộ vượt bậc ở nơi làm việc.
Nhiều trường đại học đã nhận ra tầm quan trọng của việc tích hợp kinh nghiệm thực tế vào chương trình giảng dạy. Thông qua các trải nghiệm thực tế như tham quan, thực tập, cùng triển khai các dự án với doanh nghiệp, sinh viên sẽ hiểu sâu hơn về ngành nghề mà họ mong muốn tham gia. Những mối quan hệ hợp tác này mang lại cho sinh viên trải nghiệm thực tế, giúp họ phát triển nhiều kỹ năng đa dạng mà các nhà tuyển dụng yêu cầu.
PGS. TS. Lê Hiếu Học thông tin, là một đơn vị thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội – trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực dựa trên nền tảng kỹ thuật và công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, Viện SPKT đã luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp cơ hội thực tập thực tế cho sinh viên, tạo ra cơ hội tốt nghiệp và khuyến khích hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ.
Kể từ khi bắt đầu đào tạo Cử nhân Công nghệ giáo dục vào năm 2019, Viện SPKT đã nỗ lực kết nối và triển khai hợp tác với hơn 20 doanh nghiệp công nghệ giáo dục trong và ngoài nước, hơn 10 doanh nghiệp chú trọng vào ứng dụng công nghệ trong đào tạo và phát triển đội ngũ nhân viên nội bộ, cùng với 30 tổ chức giáo dục khác nhau. Mối quan hệ này có thể được thực hiện thông qua các biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) hoặc triển khai từng dự án cụ thể.
Thông qua sự hợp tác này, Viện SPKT đã thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Mỗi năm, Viện gửi hơn 20 nhóm sinh viên đến thực tập kỹ thuật và làm đồ án tốt nghiệp tại các doanh nghiệp đối tác. Áp dụng phương pháp dạy học dựa trên dự án (project-based learning) trong các học phần chuyên ngành với các dự án liên quan đến phát triển các chương trình đào tạo nội bộ của doanh nghiệp. Điều này giúp sinh viên kết hợp kiến thức lý thuyết với thực tiễn và phát triển kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…
Bên cạnh đó Nhận tài trợ triển khai Đề án Chắp cánh STEM & E-Learning, hỗ trợ và bồi dưỡng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tại các địa bàn khó khăn. Năm học 2022-2023, giảng viên và sinh viên của Viện đã thực hiện được 16 bài giảng mẫu STEM, 18 bài giảng mẫu E-Learning và đào tạo cho gần 400 giáo viên ở các địa phương khó khăn.
Sinh viên của Viện được các doanh nghiệp đối tác hoặc các doanh nghiệp có hợp tác với Viện tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.
Tổ chức nhiều buổi giao lưu, trao đổi định hướng nghề nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia đến từ doanh nghiệp; Tổ chức các buổi tham qua, trải nghiệm nghề nghiệp tại doanh nghiệp; Hỗ trợ cho Quỹ học bổng sinh viên của Viện và cấp trực tiếp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Mới đây, Viện Sư phạm Kỹ thuật đã tiếp tục ký kết hợp tác với Công ty TNHH Khoa Trí (E-Việt Learning) và HR Companion nhằm đem đến cơ hội thực tập, tham gia các dự án thực tế tại doanh nghiệp và tập huấn các kỹ năng viết CV, phỏng vấn tuyển dụng… nhằm tăng cơ hội trúng tuyển và thoả thuận mức thu nhập phù hợp với năng lực.
PGS. TS. Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Những hợp tác này với các doanh nghiệp đã làm phong phú thêm chương trình giảng dạy của chúng tôi và cho phép sinh viên của chúng tôi trải nghiệm thế giới nghề nghiệp ngay khi còn học đại học. Trải nghiệm thực tế này không chỉ giúp các bạn tích luỹ thêm kỹ năng, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hồ sơ ứng tuyển của họ mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường việc làm”.
Có thể thấy, mô hình này không chỉ giúp sinh viên học được từ thực tế doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận những tài năng trẻ và giải pháp sáng tạo. Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đang trở thành một sự kết nối tạo lợi ích cho cả hai bên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các thế hệ sinh viên trí thức của đất nước.